NHÀ THƠ - HỌA SĨ BÀNG SĨ NGUYÊN:
"Phúc cho ai nghèo khổ..."
Thuỳ Phương
Tôi
đã đến thăm ông vào mùa thu 2007 theo lời con gái ông cũng là người bạn
đồng học ở Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du: nhà thơ Bàng Ái Thơ.
Một căn hộ 24m2 trong con hẻm dài hun hút trên đường CMT8, phường 13 quận 10 TP HCM. Nơi ở của ông tuềnh toàng quá! Ngoài cửa, trên tường đâu đâu cũng thấy những nét vẽ, khi thì nguệch ngoạc, khi đã thành hình với bao nhiêu là hình ảnh. Mùi thuốc lá, mùi ẩm mốc của sách vở, vật dụng và hàng ngàn con muỗi đói cứ vo ve trên đầu, bên tai, dưới chân... Một chiếc bàn con, một chiếc "xế điếc" ở góc nhà, hai nồi cơm điện, một cái cà-mèn, một tủ lạnh nhưng không có một cái chén hay đôi đũa nào! Cuộc sống này không thích hợp với người có tuổi. Ay là tôi tự nghĩ thế chứ ông vẫn luôn xuề xòa rằng được sống thế này là phúc lắm rồi, ngoài kia biết bao nhiêu con người còn không có một mái lá che mưa.
Hôm
tôi ghé thăm, thấy trong hai chiếc nồi cơm điện của ông, một là khoai
lang vừa chín còn nóng hổi, nồi kia là cơm gạo lức được nấu thật nhão.
Ông không ăn nhiều thịt cá, thức ăn hàng ngày chỉ là cơm (cháo) gạo lức
với muối mè, vài thứ trái cây gì đó trong tủ lạnh cùng gà-mèn sữa pha để
ở ngăn mát đã đóng váng carem, đặc biệt lúc nào cũng có một gà-mèn nước
trà để sẳn. Ông loay hoay nhưng không tìm thấy chiếc ly nào to to để
rót nước mời khách dù trong nhà lúc nào cũng có hai bình nước suối ắp
đầy. Trên chiếc bàn ngổn ngang những giấy, bút, sách, mắt kính... cùng
bộ trà sứ cao cấp có in dòng chữ "60 năm công an nhân dân".
Ông
mời tôi lên gác xem nơi ông làm việc, phải đi qua một cầu thang gỗ được
buột níu chằng chịt những dây kẽm, dây nilon mà chiếc thang tội nghiệp
vẫn run lên kèn kẹt. Gác ngập tràn tranh! Mùi hăng đậm lưu cữu của mực
màu, quần áo, sách đã khiến người ta quên đi khi đối diện với những bức
tranh đang bị vứt ngổn ngang, chồng chéo lên nhau. Tranh lớn khoảng
100x100cm có, nhỏ cỡ 20x30cm cũng có, tranh hoàn thành những song mã,
góc núi, làng quê, thiếu nữ; tranh vừa xong nét phát thảo khỏa thân,
tĩnh vật... không thể nào đếm hết. Dỡ từng bức tranh cứ nghe tiếng
xoẹt... xoẹt... xoẹt của màu mực chưa khô làm từng miếng toan dính vào
nhau. Như để khách tự nhiên, ông không nói một lời nào suốt gần nửa giờ
trên gác vẽ. Xót tranh, tôi xin phép ông cho mình tìm ít kẽm giăng lên
thành những dây sào, để ông tự phơi tranh, dù biết những sợi dây sào
giăng dọc mấy mét tường sẽ không phơi được bao nhiêu tranh, nhưng chắc
sẽ có không ít tấm phải chịu cùng số phận nhòe nhoẹt dính dấp vào nhau.
Ông gật đầu, ánh mắt thoáng tia xúc động.
Rời
gác vẽ, tôi hỏi ông sao không có ai giúp việc, một kẻ ngoại đạo của hội
họa như tôi còn thấy tiếc cho những bức tranh đáng ra phải được treo
giữ cẩn thận sau khi đã hoàn thành, sao ông lại...
-
Nào phải tôi không biết quý những gì mình làm ra. Ngày trước, có một cô
bé học vẽ và giúp mình trong công việc. Tài năng cô ấy có, nhưng hiềm
nỗi không giữ được bản thân mình, cô bé đã nghe lời kẻ xấu bên ngoài
đánh cắp tranh của tôi... không nhiều, chỉ khoảng chừng năm ba chục
triệu. Mình biết nhưng không nói gì, cô bé sau đó tự xấu hổ mà bỏ đi.
Tiếc tranh thì ít mà tiếc một tài năng và lòng người thì nhiều nên từ đó
đến nay mình không nhờ ai nữa cả.
Ông
trả lời bằng âm giọng buồn buồn. Nghe họa sĩ - nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên
xưng "mình" tôi chợt nhớ dịch giả Dương Tường, những ngày hè 2006 ở Hội
An tôi cũng đã nghe những từ "mình" như thế giữa hai thế hệ cách nhau
nửa thế kỷ.
Chẳng biết nên vui hay buồn.
Buổi
viếng thăm hơn một giờ đồng hồ đã kết thúc, tôi xin phép ra về, ông nắm
chặt tay tôi bảo rằng có dịp hãy đến thăm ông, một người có lòng như cô
bé thật là hiếm lắm. Tôi đáp lời ông: "Việc nhỏ có đáng gì đâu ạ!".
Khuất dần sau con ngõ mà tôi cứ nhớ hoài dáng ông cao cao với mái tóc
trắng lòa xòa cùng đôi bàn tay gầy xương vẫy vẫy sau khung cửa lem nhem
những màu.
Bây
giờ tôi lại đến thăm ông sau khi ông hồ hởi bảo qua điện thoại: "Sao
lâu rồi cô bé không đến thăm mình? Sau khi cô về lại viết bài về cuộc
sống của tôi, tôi mới giật mình nhìn lại: "hóa ra bao lâu nay mình sống
thảm quá ư?". Tôi đã dọn dẹp lại nhà, sửa cái cửa phòng, ngay cả gác vẻ
cũng dọn dẹp khá tinh tươm. Cô đến đây đi... sẽ thấy tôi "phục sinh" sau
chuyến thăm và bài viết của cô đấy! Tôi mong lắm! Mong lắm lắm! Còn cả
một tập thơ dài mấy trăm trang tôi vừa viết xong đang đợi cho cô bé xem
đấy!"
Ôi...
người họa sĩ tài hoa, nhà thơ vang bóng một thời, lại là một trong
những Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam lại quý tôi đến thế ư? Việc
có gì đâu là lớn mà ông lại quá bận lòng, chả là sau lần thăm ông, tôi
về có viết một bài báo đăng trên tờ báo tỉnh nhà, rằng tôi đã gặp ông:
nhà thơ họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng
(chắc không cần nhắc lại ở đây). Bao nhiêu thăng trầm nỗi trôi của cuộc
sống, hiện tại ông là như thế... như thế... Vậy mà...
Cảm tình của ông khiến tôi không thể nào không đếm thăm ông lần nữa.
Ghé
vội bên một shop hoa định mua vài cành hoa biếu ông - người họa sĩ họ
Bàng tài hoa ở tuổi bát tuần vẫn miệt mài chăm chỉ cùng công việc - tôi
mới chợt nhớ không biết ông thích hoa gì, hoa gì thích hợp để tặng người
cao tuổi? Thôi đành mua ít hoa hồng xen lẫn ít hoa hoàng anh cùng những
lá măng tây.
Vẫn
căn hộ nhỏ luôn đóng kín cửa trong con hẻm dài hun hút. Tôi ấn chuông
đôi lần mới thấy mái tóc lấp lóa bạch kim của ông hiện ra sau khung cửa
kính nhì nhằng những mảng màu.
Đúng
là căn nhà đã được ông "tân trang" thật nhiều. Cánh cửa phòng bằng mica
mỏng dính đã được thay bằng cửa sắt với nhiều hình vuông, chữ nhật sơn
xanh mới tinh. Chiếc gạc- măng-giê cũ kỹ được ông dùng làm tủ đựng sách
với bao nhiêu là sách chất cao quá tầm tay với. Những quần áo vứt ngổn
ngang ngày nào giờ đã được ông cho vào chiếc tủ gạch theo kiểu Nhật Bản
và trên cửa tủ cũng là những tác phẩm tranh. Ông hồi hởi lấy cho tôi xem
tập thơ "Hành Trình" mới hoàn thành vào những ngày đầu tháng 1 năm
2008. Bản thảo đã được đánh máy khoảng 120 trang A4, nhưng theo ông phải
là 300-400 trang mới hết vì tập "Hành Trình" có tới 4 phần. "Mà mình
viết tập thơ này chỉ có gần hai tháng thôi đấy nhé!". Tôi chợt thấy sợ
sức làm việc ở một người có tuổi như ông. "Nhưng mình vẫn còn lo Trang
ạ, bản thảo mình rất nhiều, viết rồi ném đâu đó, thế là mất. Mình mong
có một người giúp mình đánh máy vi tính, tiền công không phải bận tâm vì
mình đủ sức trả theo yêu cầu. Chỉ cần người ấy có chút am hiểu để không
đánh máy sai nữa... Đây này, Trang nhìn xem, họ đánh sai những từ thật
vô nghĩa. Họ bảo với mình xong, thế là mình trả tiền, chừng mang về xem
lại mới thấy nát ra hết". Ông vừa nói vừa cầm chiếc mắt kính chỉ còn có
một gọng soi thật gần vào từng trang bản thảo đã đánh máy xong để tìm
thêm những từ sai, chiếc kính dừng lại nơi nào thì tay bút của ông lại
khoanh tròn những từ "sai thật vô nghĩa" rồi gạch gạch viết viết.
Gác
vẽ của ông bây giờ đã được sắp xếp tương đối gọn gàng. Tranh nào vẽ
xong được xếp một bên, tranh sắp hoàn thành để bên góc khác, tranh vừa
phát thảo để bên phía này... Những túyp màu cũng được xếp thành hàng nơi
góc phải từ bên ngoài nhìn vô, nhưng lão họa sĩ họ Bàng bảo với tôi
rằng "Đó là cậu ấy thương mà sắp xếp giùm, chứ mình làm việc một hai
ngày, mọi thứ lại tung lên nữa thôi.". "Anh ấy là ai ạ?". "Nào mình có
biết là ai, chỉ nghe bảo tên Công, ở Đà Lạt - Lâm Đồng chi đó. Mình có
tật hay nễ người nên chẳng bao giờ nhìn thẳng mặt. Cậu ấy đến thăm mình
rồi xin phép dọn dẹp giúp phòng tranh, cũng may nhờ có cậu mà tôi biết
mình có hàng mấy trăm bức tranh chứ nào giờ vẽ rồi vứt đấy, nào biết là
bao nhiêu!". Nét mặt già nua, thoáng buồn của ông chợt hiện rõ nụ cười.
Cuộc
sống của nhà thơ - họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên sau hai mươi năm tạ khách, bây
giờ người đến thăm hỏi ông vin vào điều gì để sống trong bao nhiêu năm
buồn tẻ như thế. Ông bảo "Mình vin vào con chữ và những tuýt màu để
sống. Con cái mình không nghèo và rất thành đạt, năm lần bảy lượt rước
mình về lại Hà Nội sống. Nhưng mình nghĩ, ai cũng thích sự tự do riêng,
nếu ở nhà các con, làm gì mình được muốn viết muốn vẽ lúc nào thì cứ
việc, muốn ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ, muốn vứt tàn thuốc
nơi nào thì vứt!!! Mình đã 17 lần mất trộm, mất tất cả, từ tranh tới
quần áo, sách, đồ dùng nhưng rồi mình vẫn đứng lên được, đó là nhờ tình
người. Đất Bắc là nơi sinh ra mình và cho tôi những ngày tháng trưởng
thành, nhưng ánh nắng của phương Nam làm ấm áp tâm hồn tôi, giúp tôi
đứng lên sau những biến cố cuộc đời. Cuộc sống mình thế này là quá đầy
đủ, chỉ cần một người am hiểu, giúp mình trong việc đánh máy, lưu giữ
bản thảo và phơi tranh..."
Ông
lại nắm chặt tay tôi trong lời chào từ biệt. Ngoài kia, mùa xuân đã bắt
đầu trên sắc hoa mai, trong sự nhộn nhịp ồn ả của đường phố Sài Gòn của
buổi hoàng hôn đang xuống thấp. Lão họa sĩ "khác người" họ Bàng không
cho tôi nói về cuộc sống của ông bằng những câu chữ đại loại như thiếu
thốn và buồn khổ, vì với ông, cuộc đời này niềm vui và mối họa là hẳn
nhiên. Còn phúc? "Phúc cho ai khổ đau, phúc cho ai nghèo khổ, phúc cho
ai biến cố..."