Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

truyện ngắn dự thi trên T/c Nhật Lệ

                         CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
                                                    Truyện ngắn dự thi: Phùng Phương Quý

Mưa đang nặng hạt dần. Trời như đổ cả thùng đậu đen xuống mái lá. Cơn mưa đã níu chân tôi ngồi lại căn nhà hầm. Không biết thời gian trôi đi bao lâu, còn mái tóc của cô gái vẫn chưa khô hẳn. Cô ngồi phía đầu giường bên kia, chỗ có chiếc bàn nhỏ, le lói ánh đèn dầu chiếu ra từ một lỗ nhỏ của ống bương chụp bên ngoài, một loại đèn “phòng không”. Ánh sáng soi mờ mờ một nửa thân hình có những đường cong mềm. Một bên bờ vai áo bà ba đen; một ống quần xắn đến gối để lộ bắp chân trắng. Chỉ có mùi hương hăng hắc của lá gội đầu nguyên vẹn tràn về phía tôi ở đầu giường bên này. 

Tôi đã khoanh chân ngồi tựa vào thành đất mát lạnh. Khỉ thật! Sao mình cứ tưởng tượng bánh lương khô trên bàn kia là một bánh thuốc nổ TNT nhỉ? Bánh lương khô đó tôi đem tặng cô gái lúc mới đến. Cô để ngay dưới chân đèn và nói: “Lương khô của các anh ăn ngon thật, nhưng dính răng dữ lắm”. Có tiếng pháo địch vọng lại ì ầm. “Bọn bên Dốc Miếu bắn đó!”. Cô gái bình thản bảo tôi.
Tôi bị phân tâm bởi tiếng mưa ràn rạt trên mái lá. Cô gái lại hỏi, giọng lảnh lót như tiếng chim: “Anh quê ở mô? Đi bộ đội lâu chưa?” “Tôi quê Vĩnh Phú. Cũng mới nhập ngũ năm ngoái”. Tôi muốn im lặng, cho những tính toán bên trong. Cô gái thì muốn hỏi rất nhiều. Cô thấy lạ khi một anh chàng đi “tán” gái mà cứ ngồi im như thóc. “Anh được đi chơi hay là...?” Tôi không để ý tới câu hỏi có chút nghi ngờ của cô. Tôi vẫn chú tâm vào tiếng mưa ma mị. Mưa đang gõ trên mái lá cọ nhà tôi, một căn nhà nhỏ nằm nép dưới chân đồi cọ già. Tiếng mưa hay còn gọi là bản hoà tấu mưa ào ạt, sôi nổi đến không thể phân biệt đâu là tiếng mưa trên mái nhà, đâu là tiếng mưa ngoài rừng cọ. Thật đúng như câu “Mưa rừng cọ. Gió rừng thông”. Mưa đêm vào tuần trăng mật thật thú vị. Cảm giác chật chội, ấm cúng giữa cơn mưa làm chúng tôi không muốn rời nhau ra. Lộc nhỏ bé, dịu hiền nằm rúc vào nách tôi. Mùi lá gội đầu, mùi thân thể trinh nữ vừa trải qua yêu thương nồng nồng, chật căn buồng nhỏ. Tôi được nghỉ phép mười ngày trước khi vào chiến trường và quyết định cưới vợ. Lúc đầu tôi không định tổ chức, nhưng Lộc khăng khăng đòi cưới. Cố róng riết: “Các anh đi đằng ấy, biết thế nào mà giữ chân. Cứ sấn sẹo, buộc thừng cho chắc ăn, rồi muốn đi bao giờ về cũng được”. Không nói ra nhưng tôi ngại chiến tranh không chiều lòng người. Lỡ sa sẩy, tôi sẽ làm Lộc khổ suốt đời. Sau Lộc động viên mãi, tôi ừ cưới. Lộc nói muốn có đứa con, nhất là con trai. Thời chiến người phụ nữ có con là có cả trái núi vững vàng mà dựa vào cho khỏi ngả nghiêng, chao đảo. Vậy mà thời gian của vợ chồng tôi ít quá: Năm đêm và một buổi trưa trên đồi cọ vắng. Chúng tôi hối hả yêu nhau, cuống cuồng yêu nhau. Ngày thì dài dặc mà đêm ngắn quá.
“Anh thấy con gái nông trường chúng em có dữ lắm không?” Tiếng lảnh lót của cô gái làm tôi chợt tỉnh. “Các cô... à các o hả! Chắc là hiền vì tôi mới biết một mình o thôi!”. Tôi nhớ đến lời dặn của một anh lớn tuổi trong đơn vị “Vào Quảng Bình, muốn con gái trong đó cảm tình thì phải gọi họ là o, đừng gọi cô như ngoài Bắc, họ bảo mình rủa họ là “Cô hồn cáo”. Cô gái này nhìn xa giống vợ tôi, nhất là mái tóc dài và dáng người thon nhỏ. Nhìn gần mặt cô tròn hơn, còn Lộc của tôi mặt trái xoan.
Năm ngày trước, chiếc xe tải bịt kín vải bạt đổ chúng tôi xuống một địa điểm cuối Quảng Bình. Đêm tối đen. Tiếng thì thầm hỏi nhau. “Đây là đâu nhỉ?” “Chắc là ngã tư Thạch Bàn. Sắp đến Vĩnh Linh rồi”. Bê trưởng gắt gỏng: “Trật tự! Trung đội thành ba hàng dọc! Bên phải... quay! Điểm số!” Khi chiếc xe quay đầu, ánh đèn gầm chiếu qua chỗ tôi, chiếc đồng hồ đeo tay chỉ 22 giờ 30 phút. Chúng tôi lặng lẽ hành quân. Là đơn vị thông tin, chúng tôi chẳng bao giờ được hoà vào dòng chảy ầm ầm của đại quân. Độc lập tác chiến là đặc điểm của đơn vị tôi với những quy tắc bảo mật nghiêm ngặt. Mưa lắc rắc suốt dọc đường hành quân đến địa điểm mới. Trên lưng tôi là chiếc máy vô tuyến nặng hai chục ký, một cuộn dây định hướng nặng năm ký, lại còn ba lô, lương thực. Tôi dồn sức lên chiếc gậy, cố cho khỏi ngã. Đường núi trơn như đánh bẫy. Tiếng ối! ái! Mẹ ơi! khe khẽ dọc hàng quân. Cố hết sức mà tôi vẫn ngã liên tục, nghiến răng chịu đựng những cú va đập tưởng vỡ xương hông. Qua một đồi tranh tưởng đã thoát, nào ngờ lá tranh sắc ngọt cứa đứt chân tay đau rát. Lệnh dừng lại làm tôi thở phào, một phịch xuống đất. Xung quanh là mấy thân cây cao su xơ xác. Ai đó bảo: “Đến nông trường Quyết Thắng rồi”. Đây là đất Vĩnh Linh. Hành quân hai ngày nữa là chúng tôi có thể gặp địch. Các tiểu đội được đưa vào nghỉ tạm trong những ngôi nhà nửa chìm, nửa nổi mượn của nông trường. Mắc võng xong, sờ đến vắt cơm đeo bên hông thì đã nát bét. Chẳng buồn lấy lương khô, tôi lên võng ngủ một giấc mê mệt.
Các đội của nông trường ở rải rác quanh rừng cao su để tránh bom pháo. Công nhân sống theo đội. Họ bám rừng sản xuất trong tiếng ì ùng của pháo địch từ bên kia sông Bến Hải. Chúng tôi được nghỉ ngơi một tuần, sau đó sẽ hành quân đến địa điểm cấp trên yêu cầu. Hàng ngày sinh hoạt tư tưởng, ăn nghỉ và tránh tiếp xúc với dân để giữ bí mật. Mấy ngày đầu tôi toàn nằm võng, gặm nhấm lại những hạnh phúc vợ chồng vừa được nếm trải. Nằm dưới những nền nhà chìm thế này không sợ bom pháo nhưng tiếng mưa làm tôi sốt ruột. Bây giờ đang cuối tháng ba. Đúng một năm tôi nhập ngũ. Đợt chúng tôi đi dịp kỷ niệm thành lập Đoàn 26/3/1971. Còn hai tháng nữa là thi tốt nghiệp cấp ba, nhưng chúng tôi tình nguyện nhập ngũ. Những đợt tuyển quân liên tiếp làm chúng tôi không chú trọng vào việc học nữa mà chỉ náo nức được ra tiền tuyến. Mới hôm nào Lộc còn tiễn tôi đến huyện đội với chiếc khăn tặng có đôi chim thêu vụng đang bay ríu vào nhau. Mới tuần trước đây Lộc lặn lội vào tận Hà Tĩnh thăm tôi với nỗi nhớ chồng và ý định gỡ gạc một đứa con. Chỉ một đêm ở đơn vị, chúng tôi thức trắng với bao nhiêu nỗi buồn lo hơn là niềm hạnh phúc được yêu nhau. Sáng hôm sau lên xe về quê, Lộc ôm tôi khóc và nói: “Cầu trời cho chúng mình một đứa con!”. Tôi nói cứng: “Nhất định sẽ có một thằng cu em ạ!”. Ý định trốn về nhà mấy ngày của tôi xuất phát từ lời hứa hôm đó với vợ. Tôi muốn gặp lại Lộc chỉ một ngày để chắc chắn chúng tôi thực hiện được ước mơ nhỏ bé có một đứa con. Từ hôm gặp cô công nhân nông trường có dáng dấp giống vợ mình, tôi càng nung nấu ý định về nhà. Anh em đơn vị sẽ cho tôi là kẻ đào ngũ, rồi có thể trung đoàn sẽ rối tung lên vì thay đổi mật mã. Nhưng tôi đâu phải là kẻ đào tẩu. Tôi chỉ về thăm vợ một ngày rồi sẽ vào ngay. Đơn vị còn đang nghỉ ngơi cơ mà. Thế nào cũng bị kỷ luật. Sẽ như thế nào nhỉ. Khai trừ đoàn, hay hạ cấp từ binh nhất xuống binh nhì? Mong muốn có được đứa con cứ thúc đẩy tôi. Có điều hôm vào đây đi ban đêm. Phải làm sao ra được ngã tư mới đi nhờ được xe ngược phía Bắc. Bởi vậy tôi hy vọng vào lòng tốt của cô gái. Bốn ngày trước tôi gặp cô thật bất ngờ khi đang tản bộ giữa hai hàng cao su xanh tán lá, mê mải ngắm những vết sẹo chéo trên thân cây do dao cạo mủ để lại, trông như cuống huân chương hạng nhất. Một chiếc lá khô còn sót chao đảo rơi xuống đất, cố lật mình lần nữa nhìn lên bầu trời. “Chào eng bộ đội! Mấy eng mới vô?” Tôi giật mình vì tiếng con gái như tiếng chim ngay sau lưng. Sao lại “eng”? Có lẽ là “anh”, tôi quay lại, thót tim thấy một cô gái nhìn hao hao giống vợ mình. Cũng thân hình nhỏ tròn lẳn như mình cá trắm. Cũng mái tóc dài gập đôi lên cặp thành búi nặng sau gáy. Cô xách thùng mủ cao su, nhựa vương một vệt trắng bên ống quần vải phíp. “Chào cô... à chào o! Đi làm về sớm thế?” Khuôn mặt tròn sáng lên nụ cười: “Làm sớm tránh máy bay thằng Mỹ anh nờ. Nhà em đằng tê! Khi mô rảnh mời các anh tới chơi”. Cô chỉ một mái nhà nhỏ trông như chuồng chim khuất sau một lô cao su. Tôi không cưỡng lại được ý muốn gặp gỡ cô gái nông trường trông giống vợ mình, nhưng phải hai hôm sau mới có cơ hội. Cơm chiều xong, lợi dụng lúc anh em chúi vào chơi “tiến lên”, tôi lảng vảng ngoài lán một lúc rồi nhằm hướng ngôi nhà nhỏ mà đi. Đến sát ngôi nhà hầm mà tôi vẫn không nghe tiếng trẻ em, người lớn đâu cả. Đến gần chút nữa thấy cô gái bữa trước đang gội đầu. Chiếc chậu nhôm để trên gốc cây to cắt ngang tầm ống chân, cô nắm mái tóc dài trước trán, quay vù vù, mấy hạt nước lá thơm văng tận chỗ tôi.
“ Chào o! Đã cơm nước gì chưa mà gội đầu sớm thế?”. Cô gái nghiêng đầu nhìn tôi qua cánh tay giữ mái tóc: “A! Anh bộ đội! Anh đến thiệt hỉ?” Mấy giọt nước cũng cười long lanh trên môi cô gái “Cơm xong chẳng biết làm gì, nên tìm đến thăm nhà o! Tưởng có con nít nên đem cho chúng phong lương khô. Thế ra o ở một mình à?” “Dạ! Lính phòng không anh ơi! Thời chiến có chồng con mệt lắm!”. Cô mời tôi vào nhà, nhưng tôi từ chối. Tôi muốn tranh thủ ngắm cô gội đầu, ánh chiều tà bừng trên đôi má bầu bĩnh, đượm hồng. “Quanh nông trường sao toàn gặp phụ nữ thế o?” Tôi hỏi thăm dò. Cô cười rúc rích “Thanh niên khoẻ mạnh đi tiền tuyến hết rồi. Cũng còn mấy chú, mấy anh nhưng toàn người già yếu sức khoẻ. Trông anh dáng thư sinh rứa mà vô được tới đây là giỏi lắm đó!”. Tôi nhìn lại bộ dạng mình mà thầm cảm ơn cô. “Chắc người yêu cô cũng là bộ đội?”. “Dạ! Phụ nữ chúng em không yêu bộ đội thì yêu ai?”. Câu chuyện ỡm ờ hôm đó chỉ có thế. Tôi vội vàng quay về đơn vị khi màn đêm nhoè nhoẹt những hàng cao su. Rừng vắng lặng bỗng ì ùm vọng tiếng pháo xa. Thật xa cuối rừng vẳng lại tiếng hát con gái, tôi nghe rõ câu cuối cứ lặp đi, lặp lại: “Súng dân quân quyết ra tay giữ gìn, ớ... ơ Quảng Bình... Vĩnh Linh... Quảng Bình”. Vươn vai hít đầy một hơi hương rừng ngai ngái, khen khét, tôi chạy về lán, thầm mỉa mai cái tướng thư sinh của mình. Ngay từ khi về đơn vị mới, tiểu đội trưởng đã ái ngại vì dáng gày gò và nước da trắng của tôi. Quả là đáng ngại khi mỗi lần hành quân tôi đều bệt bạt sau đội hình, anh em lúc thì giúp cái ba lô, khi thì cặp ắc quy dự phòng. Quãng đường phía trước không phải mưa nắng vất vả thao trường nữa mà là thử thách của lửa đạn, sống còn. Thật sai lầm khi đã trót cưới vợ. Có câu ca dao thế nào nhỉ? “Cá thia quen chậu. Vợ chồng quen hơi”. Tôi mới chỉ bén hơi vợ mà đã ngẩn ngơ thế này rồi. Tự nhiên ở nơi xa xôi này lại xuất hiện một cô gái giống vợ tôi.
Tôi năng đến thăm cô với nhiều phương án. Nếu có thể hỏi được đường, tôi sẽ vù về nhà thăm vợ mấy ngày. Trong túi tôi còn hai chục đồng tiền phụ cấp dành dụm được. Còn nếu không may, thì cũng có cơ hội nhìn cô gái mới quen, nói chuyện đôi hồi cho đỡ nhớ Lộc. Tôi kể cho cô nghe về quê hương trung du của mình. Về dòng sông Lô trong vắt và ngọn núi Tam Đảo thấp thoáng trong mây. Câu chuyện thi thoảng bị cắt ngang bởi tiếng pháo. Vùng giáp ranh này, hình như cả ngày có tiếng pháo cầm chừng. “Cuối giường có hầm trú ẩn, nếu bắn pháo gần anh nhớ vô với em nghe”. “Bao giờ o tổ chức đám cưới?’. Năm ngón tay đang lùa chải tóc bỗng dừng lại giữa chừng. “Dạ... lẽ ra tổ chức rồi, nhưng em không chịu. Mình còn trẻ vội chi. Tội nghiệp anh Dũng giục mãi, rồi cũng nghe em. Nhưng năm ngoái anh ấy hi sinh rồi. Cả khẩu đội hứng trọn trái bom. Biết rứa...”. Tôi thấy đau trong ngực, không cất lên được lời an ủi cô. Mãi một lúc sau, cô mới hỏi tôi: “Còn eng. Khi mô ra Bắc mới tổ chức hỉ?”. “Tôi mới cưới được hơn tháng nay o ạ!”. “Rứa à! Vậy mấy bữa nay theo tui mầm chi”. Tiếng cô gái nặng như chì. Tôi thú thật: “Là tôi định hỏi thăm đường...”. “Định trốn về với vợ phải không?”. Câu hỏi vỗ vào mặt tôi luồng gió nóng. Tôi nói dối với cô rằng không định trốn, mà chỉ tranh thủ về nhà mấy hôm rồi quay vào. Cô khăng khăng: “Vô răng được! Về với vợ rồi rứt ra không nổi mô”. Giọng cô chì chiết: “Thanh niên chi mà hèn rứa! Mới vô tới đây mà đã đào ngũ rồi”. Giọng cô gái sắt lại: “Bây chừ đứng lên. Theo tui về đơn vị!”. Suýt nữa tôi nổi cáu. Cô là gì mà ra lệnh cho tôi. Thế nhưng tình thế đã khác đi khi tôi nhìn thấy khẩu súng trường trong tay cô. Cô ta là tự vệ nông trường hẳn. “Kìa o! Đừng hiểu lầm. Tôi không định đào ngũ”. “Chỉ tính chuồn về quê thôi. Nhìn tướng thư sinh của eng, lại lén lút hỏi thăm đường, tui đã nghi rồi. Đi ra! Không tui bắn đó!”. Tình thế của tôi thật thảm hại. Tự nhiên để một cô gái ranh áp giải về đơn vị như tên tội phạm. Nước mắt chảy xót một bên má. Tôi khóc vì nhục nhã và thất vọng. Thấy một cô gái giống vợ mình, rồi lân la làm quen, rồi nói ra ý định bỏ trốn và sập bẫy. Tôi định lao tới giật lấy khẩu súng. Cô gái lùi lại sát tường, lên đạn cái roạt. Tôi lạnh dọc sống lưng. “Tui bắn thiệt đó nghe!”. Tôi đâm cáu : “Tôi chẳng phải đi đâu hết! Cô giỏi thì bắn bộ đội xem. Tôi đâu là kẻ sợ chết. Cô là phụ nữ, sao cô không hiểu cho vợ chồng tôi. Chúng tôi mới sống với nhau chưa được một tuần, mà vợ tôi thì ước ao có một đứa con. Cô tưởng tôi đến để tán tỉnh cô hả?”. Tôi nói liền một thôi rằng thấy cô giống vợ mình nên đến làm quen. Tôi đã tin tưởng cô mà tâm sự hết hoàn cảnh và ý định về nhà mấy ngày, rồi quay vào tìm đơn vị. Chứ tôi đâu phải là thằng hèn như cô ta nói. Bây giờ thì “Tiến thoái lưỡng nan”, tôi biết làm sao đây. Tôi cảm thấy bàn tay con gái đang xoa tóc mình. Nhìn lên thấy cô gái đứng trước mặt tôi, khẩu súng biến đi đằng nào. “Chị ấy giống em thiệt răng?’. Cô thì thào. Tôi gật đầu: “Giống lắm, cả dáng người, cả mái tóc dài gập đôi lên cặp sau gáy. Hôm đầu nhìn thấy o, chút nữa tôi gọi tên vợ mình rồi”. Tôi hất tay cô ra. “Thôi! Tôi đã sai lầm khi thú thật mọi chuyện với cô. Bây giờ tôi về đơn vị. Cô không tin thì cứ cầm súng theo”. Cô ghì đầu tôi vào ngực. “Đừng giận em! Chúng em thương các eng lắm. Thương cháy lòng cháy dạ. Nhưng kháng chiến mà. Ai cũng bỏ về cả thì ai đánh giặc. Mà sao còn trẻ, cưới vợ sớm rứa. Kẻ đi, người ở tội lắm....”. Tôi thấy như vừa được cởi cái thòng lọng thít vào cổ. “Tôi chưa muốn cưới, nhưng cô ấy cứ giục. Bảo cưới rồi có người mà chờ. Có đứa con mà nuôi cho đỡ nhớ”. Cô gái rên lên: “Ui cha! Nghe hệt như eng Dũng! Ráng lên eng! Bỏ trốn chừ nhục lắm. Có gian khổ, ráng mà vượt qua là hết thôi eng nờ. Mà eng cũng muốn có đứa con phải không? Cứ đổ tội cho chị ấy! Trời ơi! Phải chi đừng có chiến tranh. Thương các eng quá. Eng ơi!”. Tôi như nghe những lời âu yếm của Lộc. ừ! Phải chi đừng có chiến tranh. Tôi nghĩ thế và yên tâm dựa đầu vào bộ ngực nóng hổi, gấp gáp nhịp tim đập. Tôi choàng tay ôm lấy tấm thân cá trắm tròn lẳn. Những ngón tay cào nhẹ trên tóc tôi, như lúc Lộc gội đầu cho chồng. Mái tóc thơm dịu mùi lá sả. Hơi thở nồng nàn bên má tôi. Tiếng mưa rơi đều trên mái lá. Tôi mê mụ trong căn buồng cưới của mình. Hàng cúc áo mở từ lúc nào, trắng nhẫy bộ ngực ấm. Tôi vục đầu vào đó. Vòng tay con gái âu yếm quanh cổ. Tôi gọi nghẹn ngào: “Lộc ơi!”.
Tiếng pháo nổ gần chát chúa. Tôi choàng dậy nhảy xuống đất. Cô gái nhao theo choàng chiếc áo lính lên người tôi, hối hả giục: “Về đơn vị đi eng! Ráng theo kịp đồng đội nghe. Em hứa rằng eng sẽ có một đứa con!”. Tôi cắm cổ chạy về khu lán đơn vị. Trời đã ngớt mưa. Văng vẳng tiếng còi báo động. Vừa về đến nơi, đã thấy loang loáng ánh đèn pin và tiếng í ơi gọi tên tôi. Tôi đứng nghiêm trước tiểu đội trưởng và hứng trọn một bạt tai: “Đi đâu bây giờ mới về?” “Thưa... em bị đau bụng”. “Khẩn trương vào hàng!”. Một đồng đội trao trả tôi chiếc máy vô tuyến và ba lô. “Nhanh lên! Chậm mấy phút rồi. Tưởng mày đào ngũ!”. Hành quân về phía Nam được hơn tiếng đồng hồ, tôi mới định thần nhớ lại sự việc vừa xảy ra đêm qua. Tôi gặp cô gái nông trường có dáng người giống vợ mình, định hỏi đường trốn về nhà và suýt nữa bị dong về giao cho đơn vị. Cô còn dâng hiến cho tôi sự trinh trắng. Rõ ràng cô ấy còn trinh trắng. Lúc cô ưỡn người đau đớn giống y như Lộc, vợ tôi đêm tân hôn. Tình yêu hay sự tha thứ? Hay sự hi sinh? Tôi không thể hiểu ngay lúc này. Nhưng rõ là cô đã hứa cho tôi một đứa con. Nước mắt lại mặn chát ở khoé miệng. Có nghĩa là xong chiến dịch, tôi sẽ quay lại tìm cô. Nhất định thế. Tôi bỗng hốt hoảng. Cô ấy tên gì? Cả tôi và cô gái còn chưa kịp hỏi tên nhau.

                                                                                               P.P.Q




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét