Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

TRUYỆN NGƯỜI NỔI TIẾNG

TRUYỆN IN BÁO VĂN NGHỆ TRẺ NGÀY 25/3/2012

     TÔI MUỐN LÀM NGƯỜI NỔI TIẾNG
                                           Truyện ngắn: Phùng Phương Quý

Bà nội hay cằn nhằn mắng tôi là đứa mơ tưởng hão. Ở xứ nhà quê này, phấn đấu làm một cô giáo cấp một đã là cao sang, vậy mà cứ muốn đứng lên vai mình. Tôi dạy văn, nên tâm hồn hơi khác người bình thường. Thực lòng thì tôi muốn mình có tiếng tăm một chút. Nhiều lúc tôi muốn nổi loạn. Tự nổi loạn không vì cớ gì, ngoài việc để thiên hạ nhắc đến mình nhiều hơn.
Làng tôi có bốn người nổi tiếng. Tức là được thiên hạ nhắc đến nhiều, được trong làng ngoài xã biết tên biết tuổi. Đầu tiên phải kể đến cô Đức, bằng tuổi tôi. Gái quê hai mươi sáu tuổi, chưa có chồng thì không còn gì để nói, đến nỗi tôi phát khóc vì những lời xa, gần của bà nội. Thế mà cô Đức kia đẹp tàn bạo. Cặp chân dài, eo lưng thon hút mắt đàn ông từ xa. Tới gần nhìn cặp môi hồng, sống mũi dọc dừa và đôi mắt to mơ màng làm chết đứ đừ con đực nào dù già hay trẻ. Cũng khá nhiều thanh niên doạ nhau “xin tí tiết” vì tranh giành cô Đức. Khổ nỗi cô là “người của công chúng”, theo nghĩa đen. Cô bán nhan sắc trời cho để nuôi cha mẹ già, một ông cựu chiến binh cụt chân phải và một bà béo phì bị bệnh huyết áp cao. Chuyện “bán trôn nuôi miệng” của Đức từng được dân làng xì xầm bàn tán mãi, sau mỏi mồm thì thôi.
Người nổi tiếng thứ hai là lão Hủm. Mới ngoài bốn mươi mà lão rụng gần hết răng, da dẻ đen sạm, khô mốc, người luôn bốc mùi hôi của chó vì cả tuần lão mới tắm một lần. Vậy mà lão Hủm luôn xuất hiện ở các đám tiệc tùng, ở nhà mấy ông cán bộ huyện, xã ngày nghỉ hay a lô nhau họp RTC. Chúng tôi gọi tắt các cuộc rượu thịt chó của các sếp là như thế, cho nó có văn hoá. Lão Hủm thì chuyên gia cao cấp giết mổ, chế biến chó. Một con chó, lão làm lông, thui mổ trong vòng mười phút, chừng ấy thời gian để phân loại thịt, chế biến món ăn. Luộc, hấp, rựa mận, nướng, lòng dồi...đâu vào đấy. Các quán thịt chó trong xã, trong huyện tranh nhau mời lão Hủm tới giúp việc. Mời trọng vọng hẳn hoi chứ không phải ơi ới như gọi mõ ngày xưa đâu. Lúc đầu công giết mổ chó là ba mươi nghìn một con, sau các quán cạnh tranh đồ tể nên nâng giá lên năm mươi nghìn. Bở lão Hủm. Lão phải xếp lịch để tận thu. Quán Thiên Lý chạy khách nhất, ngày bán năm sáu con chó, lão Hủm “quất” một ngày, vừa làm vừa chơi, rượu uống thả cửa, chiều bỏ túi hai, ba trăm nghìn. Những quán nhỏ hơn như Đây rồi; Ti Ti 7 món...lão tranh thủ buổi chiều, hoặc tối. Ngoài ra như đã nói trên, các sếp to nhỏ, mấy anh chị công nhân viên dở dói chó mèo liên hoan cuối tuần đều tìm đến lão Hủm. Thành ra xe đón, xe đưa lão ta chẳng kém gì ca sĩ hạng sao đang thời lấp ló.
Tôi thì cho rằng cậu Tấn tôi mới là người nổi tiếng nhất. Cậu đi bộ đội, đánh đông dẹp bắc mấy chục năm, về hưu với quân hàm đại tá, lương hưu hơn năm triệu đồng mỗi tháng. Ngày lễ, ngày tết, xe con của Quân khu, của Trường chính trị, của các đơn vị thay nhau đón cậu đi họp, đi mít tinh. Mẹ tôi bị bạo bệnh mất hồi tôi tròn ba tuổi. Trước khi chết, mẹ còn dặn cha may cho tôi bộ váy hồng và anh Cả bộ đồ hải quân. Chắc mẹ muốn anh Cả trở thành bộ đội như cậu, còn tôi trở thành cô văn công. Mợ tôi đẹp người nhưng xấu tính. Mà cậu lại sợ vợ. Hôm cha tôi mất, anh em tôi cuống cuồng gọi cậu đến, nhưng không thấy cậu đâu. Sau mới biết mợ tôi không cho cậu đi. Hôm đưa cha ra đồng mới thấy cậu. Cậu thanh minh rằng mợ ốm nặng, phải ở nhà chăm sóc, nhưng dì tôi thì nói tại mợ tôi ghét cha vì ông hay mắng cậu nhu nhược, chỉ huy hàng nghìn quân được mà về vợ ho một tiếng đã quặp râu vào. Anh Cả tôi làm nhà, cậu Tấn đem cho một trăm nghìn còn nguyên trong phong bì, chắc là ông giấu vợ hôm họp cựu chiến binh trên huyện. Anh Cả nhất định không nhận, làm cậu suýt khóc. Tôi vội cầm lấy, sợ vong hồn mẹ tủi.
Cậu nhận thêm chức Chủ tịch hội cựu chiến binh xã. Hôm xét trợ cấp khó khăn cho hội viên, ông bố cô Đức không được. Bà béo vừa đi vừa thở, lên xã thắc mắc. “Chồng tôi là thương binh, nhà lại nghèo, sao không cho trợ cấp? Các ông ăn ở kiểu vắt chanh bỏ vỏ à?”. Cậu Tấn lánh mặt, cho ông phó ra giải thích. “Xã không đồng ý trợ cấp vì ông nhà không gương mẫu. Là cựu chiến binh mà không giáo dục con gái, để mang tiếng làng xã”. Cô Đức nghe tin, đi xe Mẹc về tận trụ sở uỷ ban xã. Vênh cái mặt xinh xắn đáng yêu lên, cô dõng dạc: “ Tôi làm thừa tiền nuôi cha mẹ, dí ... vào mấy đồng trợ cấp của các ông”.
Ông Nhị “ba nhà” trong làng viết ngay một bài báo lên án hành động của cô Đức là “hiện trạng xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội”, cần phải đấu tranh loại bỏ. Cậu Tấn không nói gì. Uỷ ban xã cũng không nói gì. “Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”. Ai dại gì nghe ông “ba nhà” để xã mất chỉ tiêu đơn vị văn hoá. Ông Nhị đây là nhân vật thứ tư tôi muốn nói đến. Ông cũng là người nổi tiếng khắp huyện. Ông Nhị trước kia là Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp phụ trách ngành nghề, cụ thể là phụ trách lò gạch thủ công của HTX. Khi HTX giải thể, ông mua lại lò gạch, mở doanh nghiệp tư nhân. Công việc kinh doanh lụn bại, ông bỏ ngang đi làm nhà báo. Vốn có năng khiếu viết, ông hay viết tin bài gửi cho báo tỉnh. Thỉnh thoảng được in bài, dân làng gọi ông là “nhà báo”. Thế là hội nghị ở xã, ở huyện ông Nhị đều được mới đến, trang trọng, lịch sự. Mấy năm nay nghe đâu ông quay sang viết văn, vừa rồi ông quyết định bán căp bò nái, chạy chọt để được kết nạp Hội viết văn. Ông mừng rỡ đi khoe khắp cả, mặc kệ bà vợ khóc lên, khóc xuống vì tiếc cặp bò. “Bà muốn cặp bò hay muốn làm vợ nhà văn. Người đâu âm lịch quá. Chán vạn người muốn không được kia kìa”. Tôi ủng hộ ông Nhị. Cái gì làm được cho mình nổi tiếng thì nên làm, có cơ hội là làm. Bây giờ ông được gọi là “ông ba nhà” chẳng đẹp mặt bà sao. Vừa là nhà kinh doanh, nhà báo, nhà văn...Thật ra tôi cũng chỉ mong mình được nửa cái tiếng của ông Nhị.  

Năm giờ sáng ở thôn quê đã là muộn. Nhà nào cũng dậy lục sục cám lợn, cơm cháo cho ngày lao động mới. Chó ở cuối làng cắn dậy lên từng hồi, theo dây chuyền tới giữa làng, rồi đầu làng. Chẳng nhà nào quan tâm tới tiếng chó sủa. Họ biết thừa đó là lão Hủm dậy sớm, lò mò tới lò rượu Tâm Móm xúc miệng vài cốc để lấy sức vào một ngày sát sinh mới. Đàn chó thật thính mũi, chúng ngửi thấy mùi tử khí từ lão Hủm nên ra sức sủa báo cho nhau mà tránh.
Bà nội ngồi lặng lẽ bên bếp lửa, cái bóng lay động mong manh trên vách tường. “Chắc nhà Lưỡng nó tráng bánh cuốn xong rồi đấy. Con mẹ ấy giỏi. Một nách ba con nhỏ mà không thiếu đói, nhờ vả ai”. Tôi biết bà thèm bánh cuốn. Lâu lâu bà lại nhắc đến nhà chị Lưỡng là bà muốn ăn bánh. Đĩa bánh cuốn nhà quê tráng không được mỏng nhưng lại ngon. Nhân mộc nhĩ trộn trứng, thịt phi hành mỡ béo ngậy. Rau húng, mùi tàu, kinh giới… thơm nức mũi. Tôi lặng lẽ đi ra cổng, trong tiếng chó cắn xa dần về phía đầu làng.
Cây sung đầu ngõ nhà ông Nhị gù gù như lão già ngồi đánh cờ. Bóng cây vẫn tối mờ, che khuất cánh cửa sổ le lói ánh sáng đèn. Ông “ba nhà” chắc đang viết. Thấy ông nói với mấy người trong làng là thường thức dậy viết văn vào lúc ba giờ sáng. Trời đất lúc đó trong lành, con người sáng suốt. Tôi vẫn chờ một tác phẩm hay của ông Nhị để đọc. “Tôi hứa sẽ tặng cô giáo một tác phẩm để đời. Nhưng văn chương là thứ quý giá, phải chờ nó xuất thần cô ạ”. Tôi tin ông Nhị sẽ làm được. Một con người đi lên từ cái lò gạch, chịu bán cả cặp bò để lo sự nghiệp văn chương cho mình thì không thể tầm thường. Đợt này xã tôi đang thuê ông viết lịch sử địa phương. Ông đòi phải chi đúng ba mươi triệu mới viết. Chữ nghĩa có giá lắm, phải là rác đâu. Chắc mấy ông xã đồng ý rồi.
 Ở ngã ba đầu làng, tôi gặp cậu mợ Tấn đi bộ buổi sáng. Mọi ngày chỉ mình cậu, hôm nay chắc cậu kéo vợ theo để cải thiện tình trạng cơ thể mợ ngày càng tăng cân. “Sao bà sờ sẩm mãi thế?”. Tiếng cậu Tấn nhẹ nhàng nhắc nhở. “Từ từ đi đâu mà vội. Thể dục mà như đi ăn cướp”. Mợ tôi nhấm nhẳng. Tôi đang định cất tiếng chào thì thấy mợ Tấn cúi xuống đống rác người ta đổ bên bụi chuối già. “Bà làm gì thế?”. Cậu tôi ngạc nhiên. “Có chiếc dép nhựa còn tốt quá. Em nhặt”. “Bà có vứt ngay đi không?”. “Cứ nhặt về, không dùng thì bán. Sĩ!”. Cậu tôi kéo vợ xềnh xệch về phía nhà. Chắc ông xấu hổ.
Một bóng người vật vờ từ cổng làng đi vào. Cái bóng cao gầy, trắng mờ như bóng ma. Tôi rợn người, chực quay đầu chạy. Cái bóng phát tiếng ho khan. Tiếng phụ nữ. Ánh đèn xe máy từ xa quét lại giúp tôi nhận ra bóng người kia là cô Đức. Sao hôm nay không xe đưa, xe đón nhỉ. Đầu tóc cô rối bù, quần áo nhầu nhĩ. “Ồ! Người đẹp! Hôm nay về sớm thế? Xe cộ đâu cả rồi?”. “ Anh Dục đi tuần về hả! Lâu lâu đi bộ một hôm có sao?”. Tôi cũng nhận ra anh Dục đội trưởng tuần tra xã. “Có bắt được thằng trộm nào không anh?”. Lại là tiếng cô Đức. “Trộm thì không, nhưng bắt được người đẹp đi đêm. Lên xe đi với anh một lát. Xong ăn sáng rồi hãy về”. “Thôi! Hôm nay em mệt lắm. Mấy thằng người Hàn vần vò cả đêm, lại bỏ em giữa đường. Khốn nạn!”. “Thì cứ đi với anh một lúc. Anh bảo mà em không nghe à”. Tiếng anh Dục nói như quát. “Tí thôi nhé! Em mệt lắm. Thật đấy!”.
Bà nội chê bánh cuốn nhà Lưỡng hôm nay nhão nhoẹt, không ngon như mọi bận. Tôi giở cuốn giáo án ra xem lại, đầu óc mông lung trên nóc nhà. Mặt trời chỉ le lói qua hàng cau trước sân, rồi trốn biệt. Cơn bão số ba đang tiến dần vào đất liền. “Bà ơi! Lúc nào bà nhắn anh Cả sang lấy mấy cây tre chằng chống thêm vào cột nhà bên ấy nhé. Bão sắp đến rồi”.
Tôi vẫn ấp ủ trong đầu mơ ước nổi tiếng. Nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Ngay bây giờ, quãng đường từ nhà đến trường học phải vượt qua ba con dốc và một chiếc cầu hỏng, mỗi lần sắp có mưa là tôi lại run sợ. Nếu còn run sợ thì chưa thể là người nổi tiếng được. Tôi chợt buồn. Trái tim khẽ nhói đau.



                                                       Làng Đá Vách 26/8/2010
                                                                         PPQ
…………………………………………………………………………..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét