Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

NHỮNG BÀI VIẾT VỀ PHÙNG PHƯƠNG QUÝ


NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BẠN BÈ VỀ PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

Ngày 21 tháng 6, ngày Báo chí CMVN. Chẳng có gì ngoài những lời khen tặng, góp ý và chê trách của bạn bè cả nước. Thôi thì tập hợp về đây, vừa cho anh em đọc cho vui, vừa tự PR cho mình.
Phùng Phương Quý - Người có duyên với giải thưởng văn xuôi

PTO- Trước năm 2003, bạn đọc ở Phú Thọ biết đến Phùng Phương Quý (PPQ) như một tác giả thơ và nghề chính của anh là làm báo, rồi lác đác đọc, nghe bút kí văn học, truyện ngắn của PPQ trên Văn nghệ Trẻ, Tiền Phong chủ nhật, chương trình Đọc truyện đêm khuya của ĐPTTN Việt Nam, bạn đọc bỗng chú ý đến PPQ như một cây bút văn xuôi có cá tính và triển vọng. Những truyện ngắn Trung thu cho người lớn; Ngược rừng; Mùa trăng suông của anh gây không ít ấn tượng cho bạn đọc trong tỉnh và cả nước.

Năm 2004, sau khi được giải khuyến khích của cuộc thi viết truyện ngắn cho Thanh niên, hoc sinh, sinh viên do Hội Nhà Văn Việt Nam và NXBGD tổ chức, PPQ hình như phấn khởi, tự tin hơn và sáng tác đều, có tác phẩm in thường xuyên trên Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ dân tộc, và các tạp chí văn nghệ địa phương như Văn nghệ thành phố HCM, Sông Hương, Cửa Việt... Cho đến năm 2005, trong cuộc thi viết truyện, kí của thành phố HCM nhân dịp 30 năm giải phóng miền Nam, PPQ đạt luôn hai giải, một giải B (không có giải A) với truyện ngắn Đêm cù lao và giải khuyến khích với truyện Ngày sắp rạng, PPQ như được tiếp thêm sức mạnh, giành tiếp giải B giải thưởng văn học Hùng Vương 5 năm với tập truyện ngắn Mùa trăng suông và giải Nhất cuộc thi bút ký văn học đề tài Nông nghiệp-nông thôn Phú Thọ với bài kí Những người nông dân không có đất. Năm 2006, lại thấy anh em, bạn bè VNS chúc mừng PPQ đạt giải 3 cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam do Hội Nhà văn VN và Bộ GD-ĐT tổ chức với truyện ngắn Lục bình trôi tím săc chiều.

Trước đó, hồi tháng 3-2006  PPQ đã cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn xuống Hải Phòng nhận giải truyện ngắn do tạp chí Cửa Biển tổ chức. Tác phẩm truyện ngắn Mây rừng gió biển của Quý “qua cửa nhà sấm” ở Hải Phòng để giành giải Nhì và gây hiệu ứng sôi nổi cho bạn đọc cả nước. Cuối năm lại thấy anh ngồi chờ nhận giải cuộc thi truyện ngắn Vì trẻ thơ ở hội trường Hội nhà văn, lần này thì tác phẩm Vào đời của anh được giải “khúc khích”. Cuộc thi viết truyện ngắn trên báo Văn nghệ năm 2006-2007, thấy PPQ cũng xuất hiện với 2 truyện ngắn khá chắc tay là Nhân cáchĐồng hành cùng sói, nhưng không vào giải, anh em VNS Phú Thọ cứ tiếc mãi cho Quý. Dù sao qua mấy truyện ngắn in trên báo Văn nghệ sau cuộc thi, bạn đọc cả nước cũng biết đến PPQ như một tác giả văn xuôi đã “thành danh” như nhận xét của nhà văn Dạ Ngân trên Văn nghệ Trẻ số 52. Bù lại, tiểu thuyết Cánh rừng còn sót lại của Quý đạt giải C giải thưởng văn học thường niên của Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Mừng cho thu hái ban đầu của PPQ
 Với cách sống hết mình, viết xả thân, nên truyện ngắn của PPQ ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, ngổn ngang nhân tình thế thái. Là một tác giả từng trải trong cuộc đời, giàu vốn sống, bạn đọc gặp ở PPQ những trang viết trải nghiệm. Dòng văn của anh không giấu diếm, quanh co, sự đời thế nào vào chuyện cứ vậy, đã dẫn dắt người đọc vào mê hồn trận của cuộc sống đương đại, cùng người đọc phanh phui, mổ xẻ cái Thiện, cái Ác đang trú ngụ trong mỗi con người. Có khi cái Thiện và cái Ác song song tồn tại (nhân vật Tôi trong Mây rừng gió biển). Thường cái ác hay lẩn khuất trong cõi u mê bản ngã, vào lúc nào đó, khi gặp điều kiện thì thò cổ ra, nẩy chồi, vươn lá, đến cả người biết chế ngự cũng không khỏi bàng hoàng, tự hỏi không hiểu vì sao? Tại sao lại xảy ra điều đó? Là khi lương tâm con người thức tỉnh khi đối mặt với cái ác. Trong truyện ngắn Đêm cù lao đã lí giải được điều đó. Cái ác nảy mầm từ Quyền lực thì thậm nguy hiểm, nó hủy hoại cả một kiếp người, như sách Tam tự kinh xưa dạy “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn” (con người ta sinh ra bản tính vốn thiện, tính ấy giống nhau nhưng do hoàn cảnh mà khác nhau), vấn đề được nêu ra trong truyện ngắn Đồng hành cùng sói. Cũng đôi khi cái ác bật nảy trong hoàn cảnh bất khả kháng, khiến người ta không thỏa nguyện liền đổ lên đầu, lên cổ người khác, vấy vá theo kiểu “trâu lấm vẩy càn” trong truyện ngắn Tôi xin lỗi mới in trên báo Văn nghệ đầu tháng 7-2007.

Không né tránh, uốn éo làm phép, bạn đọc cùng PPQ lục lọi trong những ngổn ngang, rối rắm cuộc đời, để tỉa ra điều gì đó đáng nói, ví như khi công lí đứng đúng vị trí của nó thì cái ác quyền lực tất bị lật nhào, nghĩa là cái thiện át được cái ác. Đọc truyện của PPQ thấy nó không còn là chuyện văn chương nữa, nó chân thật như chính thực tại thường nhật cuộc sống đương đại. Ngoài những truyện đọc thấy “căng căng” cái đầu, Quý có những truyện “âm tính” hơn như Lục bình trôi tím sắc chiều, Mưa ở cuối trời, …Suy ra, âm dương hài hòa mới sinh vượng khí, văn chương phải biết chế ngự, có độ dừng thì mới thành công.

  Với lối dẫn chuyện tưng tửng, không gò bó vì cốt truyện, với ngôn ngữ rất truyện, Quý lôi kéo người đọc lang thang theo từng chi tiết kể. Mới bập vào đọc truyện của PPQ, cứ tưởng anh lan man, dây ca, dây muống, nhưng đọc hết, đọc kĩ truyện ngắn của Quý người ta chợt à lên, thì ra anh chàng có cái tên vốn như con gái này đã xỏ mũi được mình với những bất ngờ trong từng tầng vỉa ngầm và cái kết thú vị. Với lối kể chuyện có duyên, lúc thủ thỉ, thù thì, lúc sôi sùng sục, anh khiến người đọc ngỡ ngàng với vốn ngôn từ phong phú khắp ba miền đất nước, những ngôn từ luôn phù hợp xuất xứ, bối cảnh câu chuyện ở Nam Bộ, miền Trung, hay vốn từ ngữ cổ vùng trung du Phú Thọ.

Truyện ngắn của PPQ, nhất là những truyện vào giải chưa xuất sắc lắm, nhưng cũng có cái để người ta nhắc đến khi “trà dư, tửu hậu”, rồi có người hỏi Quý kể chuyện có duyên thế sao không chịu Tả? Không tả được hay chưa tả? Vẫn biết sở trường, sở đoản là tốt nhưng được đọc truyện tả thì tác phẩm sẽ đa dạng hơn. Vả lại, anh cứ tưng tửng mà viết theo lối “thả” mãi sao?

   Con đường văn chương đầy gập ghềnh, trắc ẩn, leo được nấc thang nào hay nấc thang đó, nhưng tôi tin PPQ không thuộc diện nửa vời. Mong được đọc những truyện chín hơn của anh.
                                                                                               
                                                           
Tác giả bài viết: Bùi Thắng
Nguồn tin: (Báo Phú Thọ tháng 5/2008)

Đăng ngày: 21:51 05-08-2009
Thư mục: Tổng hợp
Toquoc)- Phùng Phương Quý là người biết kể một câu chuyện theo cách mà người nghệ sĩ thường làm. Anh khao khát tạo ra được một thế giới nghệ thuật riêng. Do vậy, anh luôn cố gắng vượt mình trong nhiều thể nghiệm táo bạo.
Cái tên Phùng Phương Quý thoạt nghe, tưởng như một người xa lạ vừa lỡ nhịp lạc vào cõi văn. Thực ra, những truyện ngắn kí tên anh xuất hiện khá đều trên Văn nghệ  Văn nghệ trẻ hay Tiền Phong chủ nhật… Anh đi nhiều, trải đời nên viết khá sung sức. Phùng Phương Quý đã dâng tặng bạn yêu thơ mọi miền tập “Huế xa” và “Mưa trên lá cọ” với tấm lòng tri kỉ, bè bạn. Anh đã từng đặt chân tới địa hạt của kịch với tất cả niềm say mê được cầm bút. Song, có điều với Phương Quý, hình như diễn biến của vở kịch chỉ thích hợp với cấu trúc giản đơn về một câu chuyện phiếm, và người đọc, người xem chỉ tìm đến kịch vào những lúc thật sự rỗi nhàn (không có việc gì làm). Điều thú vị và đáng quý ở chỗ: Phương Quý ngày càng có đòi hỏi cao về nghề nghiệp, anh dám bỏ lại sau lưng mình vở kịch “Hoa của ngày xưa” nhạt nhẽo như nước ốc. Vì anh biết đó không phải là sở trường nặn đắp nên tính cách, gương mặt của anh. Người đọc ghi nhận sự tìm đường, thử bút không mệt mỏi của tác giả, nhất là thống nhất khẳng định rằng: Phương Quý thành công hơn cả ở thể loại truyện ngắn và bút ký. Anh đạt nhiều giải thưởng về Văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm của anh hiện diện trang trọng trong các tuyển truyện ngắn hay.


Cái tên Phùng Phương Quý đã bắt đầu trở nên quen thuộc, gần gũi với chúng ta. Phương Quý cũng như bất kì một nghệ sĩ đích thực nào, không bao giờ chấp nhận bấu víu vào những khuôn mẫu nghệ thuật xơ cứng. Nhưng nghiêm ngặt mà nói thì đó là hành trình bền bỉ lâu dài, đòi hỏi người nghệ sĩ từng khoác áo lính ấy, phải dấn thân tìm tòi, mới mong tạo ra những giá trị mới, những chuẩn mực mới.
Thế giới nhân vật trong miền truyện ngắn của Phương Quý đa dạng, có nhiều nét đặc thù không dễ bị thay thế. Phương Quý thường quan tâm đến “con người tha hương” phiêu bạt, bơ vơ trên đất khách quê người. Dưới ngòi bút của tác giả, họ hiện ra không phải với niềm than thân trách phận như ta thường thấy, mà với một bản lĩnh sống vững vàng, cứng cỏi.
Viết về con người tha hương, tác giả truy tìm câu trả lời: vì sao con người có thể tồn tại,bám trụ được trên mảnh đất mà khó khăn chất chồng, nguy hiểm luôn luôn rình rập. Vẫn biết, người trần thuật trong truyện Phương Quý luôn cảm thông, ngợi ca những con người đã từng vào sinh ra tử, nâng niu khát vọng hạnh phúc lứa đôi và trân trọng ước mơ giản dị về mái ấm gia đình. Song, có lẽ ai đã từng đọc Phương Quý thì không thể quên những trăn trở, day dứt giàu giá trị nhân văn của người kể về thế thái nhân tình. Truyện nào của Phương Quý, cũng đúc kết những bài học thấm thía, chẳng hạn như: “sự đời nhiều lúc éo le, làm người ta vô tình phụ bạc lẫn nhau”, “người ta thường khi phú quý rồi, thì ngại tìm dĩ vãng”…(Đêm cù lao).
Ở truyện ngắn Tôi xin lỗi, Phương Quý khắc hoạ được một kiểu con người tha hương khá độc đáo. Nhân vật tôi muốn cất lời xin lỗi những chủ nhân đích thực của vùng đất miền Tây khi anh đặt chân đến đây để kiếm sống, thấy mình có lỗi khi bỏ quê hương xứ sở, khi không bảo vệ được gia đình thân yêu, không giúp gì được cho mối tình của người bạn gái thân thiết. “Tôi” thấy có lỗi khi đứng trước một người con gái trắng trong, trước cái đẹp, anh muốn xin lỗi cuộc đời vì anh không kịp cứu giúp đồng loại thoát khỏi cái chết. Đó là lời xin lỗi cao cả, một mặc cảm rất đáng trọng chỉ có ở con con người cá nhân tự ý thức. Xưa nay trong văn học thường thể hiện “mặc cảm Ơđip”, mặc cảm sống thừa, mặc cảm bất tài, chứ hiếm có ai mang trong mình nhiều mặc cảm như nhân vật tôi trong tác phẩm này. Có lẽ, chưa tác giả nào thể hiện con người tha hương với những dằn vặt, mặc cảm đến như vậy. Con người mặc cảm trong Tôi xin lỗi của Phương Quý đối lập hẳn với con người vô cảm, đốn mạt, con người lạnh lùng, tàn nhẫn đang tồn tại như một nỗi đau nhức nhối trong văn xuôi hiện nay.
Truyện ngắn của Phương Quý luôn dành những không gian đặc biệt để chở che, bênh vực và an ủi vỗ về những người phụ nữ bất hạnh. Họ lạc lõng, bơ vơ ngay trong gia đình mình. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với nữ nhân vật của Phương Quý là thiếu thốn tình cảm vợ chồng, thiếu người tri âm. Nhân vật nữ của Phương Quý hầu hết đều có một tính cách ổn định: vừa đa tình, hiền hậu vừa táo bạo, mạnh mẽ trong những ham muốn rất đời thường. Họ không bao giờ nguôi quên trạng thái mình bị bỏ rơi trên một “xa mạc không người”. Họ muốn trốn chạy, muốn tái tạo lại cuộc đời, nhưng không sao vượt nổi hoàn cảnh gò bó, thân phận lệ thuộc của mình. Lẽ tồn tại duy nhất trọn vẹn đối với họ là tình yêu đích thực. Nhưng họ lại luôn phải đối mặt, chung sống với những kẻ trọng tiền bạc, quyền hành hơn cảm giác yêu thương, và ý thức vun đắp hạnh phúc. Bi kịch của các nhân vật nữ trong truyện Phương Quý, vì vậy là bi kịch gia đình, bi kịch của sự muộn màng lỡ dở. Tôi muốn nhắc đến truyện ngắn Góc trời đỏ những dấu son.
Phương Quý vốn là một cây bút tinh tế, thích đưa người đọc nhập ngay thế giới nội tâm đầy bí ẩn, phức tạp của con người. Truyện của anh nhiều hình ảnh ẩn dụ, tư tưởng được gói lại kín đáo. Không ít lần, Phương Quý gắn truyện ngắn với dòng kí ức chập chờn, mờ ảo của con người. Hạnh phúc vẹn nguyên đáng lẽ ra phải có, phải đến với con người chua chát thay, lại cứ nằm im lặng khuất sau cuộc đời.
Phương Quý cũng đã quen rồi với kiểu vẽ mây nảy trăng, với bút pháp tượng trưng hàm súc, anh không men theo lối viết ghi chép tư liệu, ghi chép tư tưởng một cách ngây thơ, vụng về như ta thường thấy. Anh là một trong số ít người, luôn tạo ra được những hình ảnh so sánh mới mẻ trải đều trong trang văn của mình. Chẳng hạn để diễn tả tâm trạng khát khao vừa nồng đượm vừa như chới với, bất định ở người thiếu phụ, Phương Quý so sánh với màu hoa gạo rực rỡ như nắm than đỏ ném tung lên trời: “Chị lõm bõm giữa mộng mị đen kịt. Trong mơ bỗng loé lên màu đỏ lửa của chùm hoa gạo”. Phải là một người hiểu tâm lí nhân vật, gần gũi với nhân vật mới tả được những uẩn khúc riêng tư đầy bất trắc trong tâm hồn người thiếu phụ tinh tế như thế. Cũng phải là người giàu trải nghiệm, mới thấu hiểu tất cả sự mong manh, nhỏ bé của phận người một khi đã lạc vào miền đời khô cằn, tối sẫm.
Phương Quý tả sự cô đơn, bế tắc và sự giam hãm sức xuân, tuổi trẻ của con người khá xúc động: “Đêm lạnh, đặc quánh và im ắng. Tiếng kim đồng hồ trên tường boong boong như tiếng búa trong phòng kín. Bóng ngôi nhà ba tầng lèn chặt chị xuống mặt salon da dưới phòng khách”. Một kiếp lạnh không lối thoát được diễn tả bằng những câu văn độc lập, dồn chứa sự căng thẳng ngột ngạt. Tiếng lòng thổn thức rạo rực ở thiếu phụ bị ghìm giữ lại, rồi chuyển hoá thành sự cảm nhận về một thời gian lạnh lùng, một không gian chật hẹp, nặng nề bủa vây, nhấn chìm con người.
Viết về người phụ nữ, Phương Quý hay tạo dựng những tình huống gặp gỡ bất ngờ. Tưởng như anh đã sắp xếp, xui khiến những con người lẻ bóng gặp nhau. Có điều, sự gặp gỡ nào trong truyện của anh, cũng thuộc về những người đã có chồng, có vợ. Nghĩa là sự gặp gỡ ấy được nâng cao ý nghĩa khái quát để trở thành biểu tượng về ý thức muốn nổi loạn chống lại trật tự an bài của định mệnh nghiệt ngã, của số phận trớ trêu, ngang trái. Nữ nhân vật của Phương Quý muôn vẻ đẹp, ít khi đánh mất thiên tính nữ .
Một người phụ nữ đẹp theo Phương Quý không chỉ ở dáng hình, phong thái, mà còn ở khát khao được làm tròn thiên chức cao cả của một người vợ, khao khát được sống thực với lòng mình, với người mình yêu. Họ muốn được chở che trong vòng tay yêu thương đằm thắm, muốn được ngả đầu vào một bờ vai tin cậy, muốn giúp đỡ sẻ chia với bạn bè. Hằng trong Góc trời đỏ những dấu son cầu ước có một đứa con nên phóng sinh ba chục con chim sẻ. Đứng nhìn đàn chim bay tự do trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chị thấy nỗi phiền muộn trong lòng mình nguôi dần đi. Hằng thích nếp nhà ba gian lợp lá cọ, xinh xắn gọn gàng, ước ao được dội lên mái tóc một gàu nước giếng đồi mát ngọt. Tính nữ ở nhân vật Hằng còn là sự nhạy cảm và giọng nói dịu dàng tình tứ : Khi Thực dội xuống mái tóc mềm mượt một gàu nước mát, Hằng liền cất tiếng cười dò hỏi : “Anh Thực nhìn vào gáy Hằng phải không? Sao cô tài thế? Hằng thấy nong nóng như nắng dọi vào mà”.
Huệ ở Mây rừng gió biển cũng luôn cuồng nhiệt, dữ dội trong những đam mê bản năng đẹp đẽ. Đây là một truyện ngắn đa âm và giàu sắc thái trữ tình, lời văn êm nhẹ, tràn đầy cảm giác lãng mạn. Mây rừng gió biển có dáng vẻ một cuốn nhật kí tâm tình, tâm sự, các phát ngôn đều được diễn đạt bằng thời hiện tại. Ở đó hầu như vắng bóng người kể ngôi thứ ba, nhân vật tự thể nghiệm nhân sinh. Họ kể về mình, về những gì mình nếm trải chứng kiến như những ảo vọng về hạnh phúc đích thực. Tác giả không có quyền năng đứng ra thuyết giải, cắt nghĩa một cách khuôn sáo rằng: vì sao họ làm thế này hay thế khác. Những nghịch luật,nghịch lí, trớ trêu ở đời, vì vậy vẫn cứ siêu thăng, bay bổng trong một lôgíc nghệ thuật giàu sức thuyết phục. Trang văn của Phương Quý miêu tả dục vọng bản năng, song không hề rơi vào lối viết dễ dãi, thô thiển, coi thường người đọc.
Thiên tính nữ qua mĩ cảm của Phương Quý trở thành phẩm chất ưu trội của nhiều nữ nhân vật. Đào và Tuất trong Mồ côi cũng là những cô gái hồn hậu, thật thà. Đào giúp đỡ bạn chu đáo, nhưng không dấu nổi sự e thẹn nữ tính khi nhìn Mão. Tuất chăm chỉ, đảm đang và dễ khóc. Một mặt cô “xấu hổ giấu mặt sau lưng Đào”, nhưng dỗi hờn ngay, khi thấy Mão nhìn Đào trìu mến. Sáu trong Tôi xin lỗi là một người con gái đáng yêu, “ánh mắt nụ cười thân thiện đằm thắm”. Nhân vật nữ trong Nhân cách thì lại đi tìm “di tích tình yêu” thời trẻ. Đó là một người thiếu phụ giàu lòng nhân ái và dễ xúc động. Chị “chết lặng” khi biết cảnh ngộ lận đận, bi thương của người bạn cũ, trông thấy đứa trẻ đang lê la đào đất giữa chiếc cổng xộc xệch bằng tre, chị chạnh lòng nhớ tới câu ca dao tình nghĩa: “Con mình những trấu cùng tro… Ta đi múc nước rửa cho con mình”. Thì ra, chị là một phụ nữ giàu lòng vị tha và có đức tính hi sinh cao đẹp.
Phương Quý biểu dương những phẩm chất tốt đẹp của con người, đồng thời thẳng thắn nêu lên việc làm hèn kém, đê tiện và những mưu tính sinh tồn đến mức khiến con người “hoá Sói” mà không hay (Tôi xin lỗi, Nhân cách, Đồng hành cùng Sói…).Truyện của Phương Quý thường có môtíp “ông quan” ăn tiêu xa xỉ, coi thường luật pháp, tham ô, lỗ mãng. Ngòi bút tả việc, tả người của Phương Quý đặc biệt sắc sảo trong những thiên truyện đậm tính chiến đấu, tình thời sự như thế.
Công bằng mà nói, truyện của Phương Quý không hiếm những trí thức nhiệt tình, tận tuỵ trong công việc (Nhân cách). Nhưng không ít trang văn, tác giả tập trung bút lực phanh phui bộ mặt thật của một số cán bộ, trí thức đã thoái hoá biến chất. Trong cảm niệm của người viết, họ chính là một tác nhân gây nên bao cảnh đời bất hạnh. Nhiều tác phẩm Phương Quý miêu tả đời sống tình cảm riêng tư. Song, ta vẫn nhận thấy cảm hứng xã hội, cảm hứng công dân thường trực ở một cây bút đã trải nghề, trải đời khá lịch lãm.
Truyện ngắn của Phương Quý chặt chẽ, bởi vì tác giả thường tập trung khám phá, đánh giá, miêu tả một tình huống nhân sinh đặc biệt với một cảm niệm sâu sắc nào đó khá gần gũi với triết lí dân gian, triết lí sinh tồn. Dường như tác giả muốn tạo một ảo giác thẩm mỹ: Câu chuyện anh kể là cốt lõi. Nhưng với cách kết thúc mở tự nhiên và hợp lí, tác giả lại gợi ở người đọc cảm nhận: người kể còn biết nhiều hơn những điều anh ta nói .
Truyện ngắn của Phương Quý thường trùng phức về tư tưởng. Đồng hành cùng Sói một mặt miêu tả quá trình tìm biết sự thật, khám phá điều ẩn giấu sau sự thành đạt, mặt khác lại thể hiện quá trình con người bị sói hoá, tha hoá. Nhân vật Tôi trong Đồng hành cùng Sói vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân, vừa bằng lòng tiếp tay cho những liên minh đen tối, đáp ứng nhu cầu bản năng của người đàn bà quyền chức vừa muốn thoát khỏi vũng bùn lầy. Sự sinh tồn không hề êm phẳng, trái lại đầy những cạm bẫy người nghiệt ngã. Nhân cách một mặt thể hiện cách ứng xử đầy bản lĩnh của con người trước đồng tiền, quyền chức, mặt khác dự báo về những nguy hại tiềm ẩn trong thái độ thoả hiệp của con người trước danh lợi . Đêm cù Lao mở ra lối ứng xử cao thượng, nghĩa tình của con người, đồng thời thừa nhận sức mạnh của kẻ có quyền chức. Mây rừng gió biển miêu tả cuộc tình luyến ái vụng trộm, nhưng cũng công khai khẳng định có những giới hạn con người không nên vượt qua, không thể vượt qua…
Phương Quý không đuổi theo sự kiện, biến cố, nhiều khi tác giả dừng lại khá lâu trước diễn biến nội tâm phức tạp của con người. Viết về chiến tranh, nhà văn không dành nhiều trang miêu tả những tổn thất, hi sinh, mà nghiêng về tìm kiếm những giá trị người đang được đặt bên lề, bên cạnh cuộc chiến đấu ác liệt. Có lẽ vì vậy, hình ảnh người lính trong tình huống chiến tranh vừa đẹp trong hành động dũng cảm, vừa khá đời thường khi bị những tình cảm riêng tư níu giữ. Dẫu khó khăn gian khổ đến đâu, họ cũng không bao giờ để nguội tắt khát vọng thành thực (Mưa ở cuối trời).
Đọc Phương Quý, ta có cảm giác: anh không bỏ qua một cơ hội nào nhìn ngắm, bình phẩm vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ . Phương Quý có một cái “form chung khi miêu tả loại nhân vật này. Với anh người phụ nữ nào cũng cười đẹp, mặt hoa da phấn, mái tóc thơm dịu, hơi thở nồng nàn, thân hình toát lên sức sống rạo rực... Phải nói rằng, anh tả khá tinh “vẻ đẹp sơ ý” của người phụ nữ và thể hiện tự nhiên xúc cảm của người được ngắm nhìn. Phương Quý cắt nghĩa thực tại từ cái nhìn đời tư, hăm hở khám phá, chiếm lĩnh sự yêu đương nồng nàn, bản năng được biểu hiện đa dạng ở từng nhân vật.
Phương Quý ưa kể, tả những khoảnh khắc ở đó con người bên trong bộc lộ chân thật nhất, và hoàn cảnh sống của con người hiện ra trọn vẹn, sâu sắc nhất. Đó là giây phút lão Chù được xem trò diễn dân gian và được nhận quà trung thu của mấy đứa trẻ trong xóm (Trung thu cho người lớn), khoảnh khắc nhân vật Tôi gặp gỡ cô dân quân Quảng Bình (Mưa ở cuối trời) hạnh phúc thì mong manh, ngắn ngủi, hành động gấp gáp, vội vàng, nhưng tình yêu, sự hi sinh thì cứ ám ảnh mãi. Đó là thời điểm con người bị bỏ đói, bị xa lánh, hắt hủi (Cây mít già) hay khi con ngựa già nhà họ Lý bị đối xử “tệ bạc” phải đợi ngày chết mà vẫn có nghĩa (Con ngựa bạch nhà họ Lý)…
Truyện ngắn Phương Quý nhiều chỗ gấp, nhiều góc khuất khó đoán định. Nhiều tác phẩm trần thuật sự việc tưởng nhỏ vặt, song ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, thấm thía. Hầu hết truyện của Phương Quý đều phản ánh hay động chạm đến vần đề: mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại; tiền bạc và nhân cách; sự sinh tồn trong chiến tranh và thời bình; lối ứng xử của kẻ có chức quyền và dân thường; nhớ ơn và bội nghĩa; giữa cách làm ăn nhỏ lẻ, tập quán cũ kĩ với yêu cầu đổi mới cách làm ăn; ước muốn dự định đẹp đẽ và khả năng thực tế… Nhưng ở đa số truyện ngắn Phương Quý, giọng điệu của người kể, nhẹ nhàng chậm rãi, văn mạch dàn đều, ít có truyện gai góc, sắc nhọn như Đồng hành cùng Sói.

Trần Thiện Khanh

Vua Phùng Hưng

     


Phùng Phương Quý và ước mơ rong ruổi đi tìm "Cái kiến" (*)
(Toquoc)- Tập bút ký không lời giới thiệu, không lời đề tựa, vỏn vẹn mấy ý kiến ngắn của nhà văn Dạ Ngân ở trang bìa 4: “ …Từ đó, “miền sáng tác” của tác giả đứng tuổi này (Phùng Phương Quý - người viết) không thay đổi. Tác phẩm nào cũng nhìn thấy những thân phận nhỏ nhoi đối trọng với những quan ông quan bà như cái kiến với củ khoai.
Tập bút ký này là kết quả của những năm tháng lăn lộn khắp miền đất nước của tác giả. Từ miền cực Bắc Hà Giang tới các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, lên tới miền rừng núi Tây Nguyên. Những bài viết đầy trải nghiệm và suy ngẫm, trong đó có những tác phẩm đã đoạt giải cao về bút ký văn học ở Trung ương và địa phương…”

Phùng Phương Quý với cuốn "Khắc khoải tiếng rừng xưa"


Cả tập bút ký dày 298 trang với 26 bài viết, có bài viết từ Si Ma Cai, Bắc Hà đến Bát Xát, Lào Cai, lại ngoặt lên Đà Lạt, rồi xuống Tiền Giang, song có lẽ Phùng Phương Quý dành nhiều tình cảm cho vùng đất Tây Ninh, trung dũng kiên cường, nơi anh hiện dừng chân với một mái ấm gia đình… (với hơn 10 bài viết!). Mang tính khắc họa chân dung và những trở trăn của một ngòi viết giàu tính nhân ái, trước những thân phận đời người. Cái tình của Phùng Phương Quý, trước hết đó là sự “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và cả sự bình yên của mọi người khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Như tâm sự của một vị tướng già trong “Khắc khoải tiếng gọi rừng xưa”: “ …Được biết, mới đây chú Chín Nghĩa vừa đi bàn giao ngôi nhà tình nghĩa của các cán bộ hưu trí ngành công an làm cho con gái chú Ba Bình (Phạm Thái Bường, nguyên trưởng ban An ninh miền) ở quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. “Anh Ba đông con lắm, mấy đứa còn nghèo quá. Cha làm lớn nhưng đâu để lại của cải gì cho các con”. Giữa rừng chiến khu xưa, tiếng nói của vị tướng già âm vang như lời nhắn gửi của lịch sử, của những người đi trước” (trang 12). Rồi hình ảnh người “Nữ huyện đội trưởng” Năm Mai một thời “Gan dạ, chiến đấu dũng cảm, khôn khéo cầm quân đánh giặc. Cái đầu của chị từng được bọn địch treo giá 25.000đ những năm thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước…” vươn lên từ những khó khăn vất vả trong hòa bình hay như người bác sĩ Vi Văn Đội trong “Áo trắng vùng biên giới”, kể về một ông bác sĩ người dân tộc Thái gắn bó hơn 26 năm với vùng biên giới Tây Nam của tổ quốc, đây cũng là bài bút ký với nguyên mẫu thực sinh động của đời thường đã giúp Phùng Phương Quý đạt giải ba trong cuộc thi bút ký do Bộ Y tế tổ chức năm 2010.
Người đọc còn bắt gặp những hình ảnh của các dân tộc ít người ở Tây Ninh như Lâm Xích, người Tà Mun, rồi những mảnh đời vất vả gian khó của đồng bào Mông, Lô Lô, H’ Mông… ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, họ cũng giống như đồng bào Kinh, biết vượt lên số phận, chăm chỉ lao động làm ăn và sinh sống với những khát khao về cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả, cùng nhau góp sức giúp đỡ hàng xóm láng giềng trong lúc hoạn nạn vất vả,như những người dân ở Ngã tư Năm trại… với những cái tên mộc mạc, thân thương như Tám Gầm, ông Hai Sê-ri, bà Út vé số, ông Năm Bự v. v…
Ngòi bút của Phùng Phương Quý không xoáy vào những nỗi đau, sự cùng cực, vừa đủ để gợi nên những mảnh đời của những “cái kiến”, hướng người đọc vào niềm cảm thông, mong làm những việc thiện có ích để giúp đỡ mọi người: “Bây giờ cuộc sống gia đình của người nữ huyện đội trưởng xưa đã bình lặng trở lại sau cuộc chiến…” (trang 178), hay “Nắm bàn tay gầy guộc của ông Trang, tôi hứa trong một dịp khác sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này để có thể viết tiếp những ký ức của vợ chồng ông…” (trang 190). Vì là văn phong của thể loại bút ký, nên người viết thiếu đi sự tung tẩy, mà phải dựa vào nhân chứng vật chứng cụ thể và có thật, do vậy, nhiều trang viết gần như đều dùng một giọng kể, cái cảm giác phải “suy nghĩ” cùng tác giả có lúc lại là những giải đáp có sẵn của tác giả. Bạn đọc dường như không phải “liên tưởng” gì thêm. Thế mạnh và cũng là nhược điểm của thể loại bút ký. Nhưng dù sao, sự vượt trội trong miêu tả, kể chuyện, Phùng Phương Quý đã thể hiện một bút lực sung mãn, vốn sống dồi dào. Chịu khó đi và viết, và anh đã truyền được sự nhiệt tình, chia sẻ đồng cảm là điều thật đáng quí.
Những “cái kiến” (chữ dùng của nhà văn Dạ Ngân) trong tác phẩm của Phương Quý đa phần chịu thương, chịu khó. Biết vượt lên thân phận, mới thật đáng yêu trong cuộc sống hiện nay…
Trần Hoàng Vy
--------------
(*) Đọc tập truyện kýKhắc khoải tiếng rừng xưa của tác giả Phùng Phương Quý, NXB Thanh Niên, quí IV - 2011
          
Lấp Lánh Niềm Tin Yêu : Đọc tập truyện ngắn Mùa trăng suông của Phùng Phương Quý.
Nguyễn Nguyên An (Hội nhà văn Huế)

alt
Tôi quen anh lính giải phóng trẻ Phương Quý sau ngày giải phóng thành phố Huế ít lâu. Hồi đó tôi là thanh niên sống trong chế độ cũ . Chúng tôi quen nhau vì lòng đam mê thơ và cùng chung nhịp đập trái tim tuổi hai mươi trong sáng. Chính những dòng thơ ca đến với tôi từ những người lính như Phương Quý và bạn của anh. 

Trước đó, anh lính biên phòng Phương Quý đã viết khá nhiều thơ, nhưng mới chỉ là “lưu hành nội bộ”. Bây giờ, anh có hai tập thơ và một tập truyện ngắn. Tập thơ "Mưa trên lá cọ" (NXB Thanh Niên - 2001) Bìa trang nhã với tán lá cọ xòe ô nhỏ bé mà sang trọng mang hình ảnh đặc trưng miền trung du Phú Thọ. Ba mươi hai bài thơ chủ yếu viết về những kỷ niệm của người lính suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Thơ Phương Quý trầm buồn từng lời rót nhẹ thấm lòng người đọc.Và giờ đây anh trình làng tập truyện ngắn Mùa trăng suông (NXB Văn Hoá Dân Tộc - 2005). Tập truyện ngắn được trình bày dày dặn dịu dàng đập vào mắt người đọc bởi nền lạnh gam màu xanh ngọc và mảnh lưỡi liềm nghiêng một vầng trăng khuya khoắt bao dung.

21 truyện ngắn cùng một lối kể khi dửng dưng, khi rủ rỉ tâm sự, khi bổ bả giang hồ cùng với cái nhìn thấu đáo đời sống nông thôn trung du, vùng bưng biền sông nước Nam Bộ và miền mưa dầm nắng quái miền Trung..., Phương Quý tạo được một giọng điệu đa ngôn cho tập truyện. Dựng được nhiều nhân vật có góc cạnh, có cá tính. Một lão Chủ trong Trung thu cho người lớn làm cho người đọc tội nghiệp mảnh đời thua thiệt của lão. Căm ghét tay Hải cán bộ xã ăn chặn tiền trợ cấp của lão và yêu mến các em thiếu niên biết dành quà cho lão. Những sa ngã nhân bản nhưng kịp đứng lên trong Mưa cuối trời. Và sự bạc ác của đứa con bất hiếu trong Cây mít già . Phương Quý có cái nhìn già giặn tình trường như trong truyện ngắn Ngược rừng:  "Vẻ à cái sàn nhà em kêu ghê quá. Làm ban đêm anh chẳng dám đi đâu". Và cô gái sơn cước đã bạo dạn chỉ cho chàng trai vừa quen ở hội đền Hùng: "Đêm....có đi đâu...giữa sàn nhà có cái dầm gỗ đấy". Một đoá hoa rừng khoẻ khoắn cầm mảnh bằng kỹ sư chính quy hiếm hoi đi tìm việc cho thoả nguyện rồi cũng quay về với mảnh đất sinh ra và lớn lên để đem kiến thức học được giúp bà con quê nhà trong Hoa rừng đỏ thắm. Và những buồn vui lẫn lộn của bà con nông dân khi còn rụt rè đến với khoa học kỹ thuật trong Chiếc máy cày màu đỏ...

Tập truỵện ngắn của Phương Quý đan xen hai đề tài chính là chiến tranh và đời sống bình yên mà không hề tĩnh lặng của bà con nông thôn. Với bút pháp đồng hiện và thể hiện chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Phương Quý đã gợi mở cho người đọc tự ngẫm ngợi khi đi qua những nhân vật tốt xấu, cao thượng, thấp hèn và cả những lãng mạn, những tủn mủn; những khao khát nhân bản của một người đàn bà goá trong Mùa trăng suông. Với sự phân biệt rạch ròi, tách bạch nhân cách hai người lính của hai bên. Một bên là bộ đội giải phóng dù đang trong chiến trận khốc liệt vẫn cố sức đùm bọc hai bà cháu đang gặp cơn hoạn nạn hiểm nguy; một bên là hai người lính mất nhân tính, chúng nhẫn tâm hãm hiếp một cô bé tật nguyền, trong Cây thập giá màu xanh...

Trong năm này, với những truyện ngắn Con suối vô tình, Đêm cù LaoNgày sắp rạng Phùng Phương Quý đã đoạt một giải thưởng khuyến khích trong cuộc thi "Viết cho thanh niên học sinh sinh viên" do NXB Giáo dục và Hội Nhà văn tổ chức và một giải B cùng giải khuyến khích do UBND Tp. HCM trao giải vào ngày 23/4/2005. Gần đây, anh lại được một giải Ba trong cuộc thi thơ do Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa trao giải tại Hà Nội. Ỏ đây tôi không nói đến giá trị các giải thưởng mà mừng anh có vốn sống sung mãn viết đã đến độ chín tới mới gặt được những thành quả khích lệ như vậy.

Mỗi nhà văn đều có một vùng miền sáng tác của mình. Vùng viết mà Phương Quý thâm nhập sâu sắc nhất là "rừng cọ, đồi chè" đồi núi trung du và những hoài niệm về người lính. Với 21 truyện ngắn trong tập Mùa trăng suông Phùng Phương Quý đã đem cho người đọc những giây phút quặn đau rồi léo lên một điều : Đời sống cho dù đây đó cũng còn ít nhiều người xấu nhưng còn rất nhiều người tốt trong cuộc sống tươi đẹp quanh ta và cũng là một thông điệp bằng văn học vừa sâu lắng vừa bình dị đưa đến bạn đọc những trang văn mộc mạc lấp lánh niềm tin yêu cuộc đời...

Phương Quý – Tình người xứ cọ

“Lộp bộp mưa rơi”, “Ràn rạt mưa rơi”... là những câu thơ Phùng Phương Quý viết về tiếng mưa rơi trên tàu lá cọ. Mưa giọt thẳng thì âm thanh nghe lộp bộp, bồm bộp; có gió tạt xiên thì nghe ra ràn rạt, rào rạt trên đầu. Chỉ ở lá cọ mới có cái âm thanh đặc thù ấy trong mưa. Và chỉ có ở những vùng trung du đặc trưng như Phú Thọ mới có nhiều cọ như thế. Tác giả Phương Quý đã dùng ngay cái nét đặc hữu ấy của quê nhà để đặt tên cho tập thơ của mình là “Mưa trên lá cọ”. Từ đó, hình ảnh và hình tượng lá cọ cứ trở đi trở lại trong nhiều bài thơ Phương Quý: -“Che chung dưới tàu lá cọ/ Tiếng mưa khúc khích trên đầu” (Mưa trên lá cọ); -“Ai hẹn về làm dâu xứ cọ/ …Lá cọ xòe che mát cả giấc mơ” (Lời hẹn hai quê); -“Trong xanh dòng nước sông Lô/ Cọ xòe che nghiêng bờ cát” (Những giòng sông quê hương) v.v…


Ngoài những “rừng cọ đồi chè” quen thuộc, trong tập thơ Phương Quý còn nhắc nhiều đến những cảnh sắc gần gũi thân thương, những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của một vùng đất cổ, một miền Đất Tổ quê mình, như một cách giới thiệu, tự hào về quê hương xứ sở. Nào những Giỗ Tổ, hội làng, hát xoan hát ghẹo; nào những hoa sim, hoa gạo, hoa xoan… Phải là người gắn bó, yêu mê và tâm huyết lắm với những sự vật và sự kiện ấy mới có được những câu thơ hay và xúc động như thế này: -“Nơi nào cha ngồi đợi mẹ/ Cánh hoa tím đến bây giờ” (Hoa sim); -“Anh bỏ quên câu Ghẹo ở nhà/ Nên để em đơn lẻ” (Lời trách hẹn); -“Bao năm làm lính xa quê/ Câu dân ca dắt anh về hội xuân” (Hội làng) v.v… Riêng bài “Tháng Ba” thể hiện được tương đối khái quát cái nét, cái chất chung nhất của quê hương Phú Thọ và tiêu biểu cho phong cách thơ của tác giả:  -“Tháng Ba riêng mỗi miền quê/ Hoa xoan tím một đường về Hội chung/ Linh thiêng khói tỏa Đền Hùng/ Đợi nhau, núi đứng chập chùng dáng voi/ Tháng Ba ngắn lắm người ơi/ Dẫu đi xa hãy nhớ lời nước non/ Góc trời đỏ những dấu son/ Mùa hoa gạo rụng người còn đi đâu/ Ai soi giếng ngọc tìm châu/ Tôi soi vào tháng Ba câu tự tình”.

Không chỉ riêng quê nhà trung du đồi cọ, Phương Quý cũng đã từng trang trải tâm hồn mình đến với nhiều miền quê khác trên khắp cùng đất nước theo “dấu chân người lính” một thời trận mạc của mình. Những Huế, Quảng Trị, Trường Sơn, Đông Nam bộ… hiện ra rất hiện thực và thiết tha trong thơ Phương Quý sau khi đã được lọc qua tình cảm và tâm trạng mến yêu hoài niệm của tác giả : -“Triệu Phong nắng lả vồng khoai/ Mái tôn trống gió đêm dài thương nhau” (Về miền Trung); - “Chợt nhớ rừng Tân Biên chiến trận/ Lá trung quân che suốt mấy mùa mưa/ Thương anh nằm xuống bên đồi vắng/ Nắm xương gửi lại đến bây giờ” (Nhớ miền Đông); - “Một thời chúng mình đi dọc Trường Sơn/ Ba lô trên lưng súng  quàng  trước ngực” (Một thời để nhớ)…

Cái mà Phương Quý gọi là “một thời để nhớ” ấy chính là thuở làm anh lính Giải phóng quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đó là những tháng ngày đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời tác giả. Và do vậy, chủ đề người lính đã chiếm một phần quan trọng trong tập thơ. Điều này là đáng quý, bởi ở những tập thơ được ấn hành gần đây, chủ đề này hầu như khó gặp, nếu có thì cũng thi thoảng gọi là! Có phải nó chỉ còn là ký ức?

Phương Quý đã mở đầu cho mảng chủ đề này bằng một “cung chiêu anh hồn” người cha liệt sĩ - một chiến sĩ Vệ quốc quân mùa thu Cách mạng năm xưa – như một cách bái vọng tiền nhân về chứng giám và tiếp truyền tinh thần cho lớp người sau kế tục lên đường: -“Người chiến sĩ đã trở về cùng đất/ Mà hồn sống mãi những mùa Thu” (Người chiến sĩ và mùa Thu). Cảm nhiệm và tiếp nhận từ anh linh và truyền thống ấy, đến thế hệ của tác giả đã đinh ninh một lời thề nguyện: -“Lớn lên con cầm súng/ Nối bước cha diệt thù” (Kỷ niệm đầu đời)…Và người con ấy - những người con ấy của những người cha ấy – đã làm tròn ý chí và trách nhiệm của mình một cách vinh quang và xứng đáng.

Nhưng… Nhưng đằng sau những câu thơ ngợi ca và tưởng vọng một cách trang trọng, trân trọng những thế hệ người lính qua các thời đại, bất giác Phương Quý đặt ra một vấn đề vô cùng thiết thực và bức xúc đang bủa vây những con người vừa trải qua nghĩa vụ lịch sử thiêng liêng của mình. Những con người “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” ấy sau khi bước ra khỏi chiến trường lại gặp ngay một thương trường khốc liệt! Và hôm nay họ đang ngụp lặn giữa dòng đời khắc nghiệt: -“Đã lâu chúng mình xa áo lính/ Câu thơ băn khoăn đứng giữa dòng đời!” (Một thời để nhớ). “Câu thơ” hay chính là tác giả của nó và những người đồng cảnh ngộ đang “băn khoăn đứng giữa dòng đời” đây? Hãy thử nhắm mắt tưởng tượng cái ngác ngơ ngỡ ngàng của những người lính trở về sau chiến tranh đang “chiến đấu” một cách khó khăn giữa vòng quay chóng mặt của thời buổi cơ chế thị trường!

Bàng bạc trên các trang thơ Phương Quý là chất trữ tình hiền hậu và dung dị như nỗi niềm của một con người luôn canh cánh bên lòng những tình sâu nghĩa nặng. Tình sâu nghĩa nặng với người, với đời, với chính những kỷ niệm riêng tư và những thiệt thòi, phiền muộn của riêng mình. Có phải chỉ nhằm để chuyển tải cái dung dị chân thành ấy mà tập thơ ít có nét bức phá, kỳ khu? Hay tác giả chủ yếu là người hoạt động mạnh bên mảng văn xuôi (đã đạt một số thành công nhất định ở phương diện này) nên ít chú ý, dụng ý đến nghệ thuật thi ca?! Ví dụ bài thơ bốn câu “Một nửa vòng tay”, hai câu đầu “Ôm em một nửa vòng tay/ Nửa kia gửi lại những ngày đạn bom” đã là hay với ý tưởng và hình tượng đầy cảm khái và cảm động, nhưng tiếp liền hai câu sau “Nửa đi nặng gánh nước non/ Nửa về nặng cả tay ôm cùng người” thì là… nhẹ bẫng (mặc dầu tác giả bảo… “nặng”)! Hai câu này thường cả ý tưởng, hình tượng và cảm xúc, không vực kịp tứ thơ đang đau đáu nỗi niềm thời sự và thế sự của hai câu trước. Nếu không bị “tì vết” ấy thì đây sẽ là một bài thơ tứ tuyệt thuộc hàng thơ hay của tác giả. Và đấy cũng chính là minh chứng cho kiểu làm thơ thiếu chăm chút của Phương Quý. Mong tác giả chú ý hơn./.
                                                                                             TẠ VĂN SỸ

Phùng Phương Quý- Cây bút có duyên với các giải thưởng
Cập nhật ngày: 22/02/2011 22:23:54

Phùng Phương Quý nhận giải thưởng cuộc thi “Những tấm gương hy sinh thầm lặng”.
Phùng Phương Quý là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN, hội viên Hội VHNT Phú Thọ và hiện cũng là hội viên Hội VHNT Tây Ninh. Quý viết văn, viết báo và cả làm thơ, đã có trong tay 7 tác phẩm được xuất bản (1 tập thơ, 2 tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn), chứng tỏ anh có một bút lực khá phong phú. Tác phẩm của Phùng Phương Quý được in trên nhiều báo địa phương và trung ương, anh đang là cộng tác viên tích cực của Báo Tây Ninh.
Mấy năm qua, hầu như năm nào Phùng Phương Quý cũng… “ẵm” một giải thưởng mang về, khi thì truyện ngắn, khi thì bút ký. Cứ nhìn những giải thưởng gần đây của Quý sẽ thấy được khả năng và sức viết của anh: giải C tiểu thuyết, Hội VHNT các dân tộc thiểu số năm 2007, Giải KK truyện ngắn tạp chí VNQĐ hai năm 2008 - 2009, giải B giải thưởng văn học Hùng Vương 2005- 2010. Ba năm liên tục, Phùng Phương Quý đều đạt giải các cuộc thi cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (từ năm 2008 đến năm 2010) do tỉnh Tây Ninh tổ chức. Một trong những bài viết đó được Phùng Phương Quý gửi tham dự cuộc thi viết “Những tấm gương hy sinh thầm lặngnhằm tôn vinh những người thầy thuốc Việt Nam năm 2010 do Báo Sức Khoẻ & Đời sống và Bộ Y tế phối hợp tổ chức và bút ký văn học “Người ở lại”- viết về một bác sĩ người dân tộc thiểu số ở Châu Thành (Tây Ninh) của anh đã đạt giải Ba.
Chúc mừng Phùng Phương Quý và hy vọng trên mảnh đất Tây Ninh giàu truyền thống này, anh sẽ tiếp tục có được những tác phẩm hay, để lại ấn tượng tốt trong lòng người đọc.
TRẦN HOÀNG VY



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét