Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

KHẮC KHOẢI TIẾNG RỪNG XƯA

BÀI VIẾT VỀ THIẾU TƯỚNG NGÔ QUANG NGHĨA

                     Khắc khoải tiếng gọi rừng xưa
Ông bác bên ngoại tôi là Lê Xuân Viêm - cán bộ thuộc Ban Bảo vệ nội bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, hy sinh ngày 21/9/1971 tại căn cứ Trung ương Cục. Giấy báo tử ghi cụ thể là bác và đồng đội bị bom B52, nhưng phần mộ an táng ở đâu thì không thấy nói đến. Mấy chục năm qua, gia đình cất công đi tìm mộ mà chưa thấy. Trong danh sách các liệt sĩ thời chống Mỹ tại Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Tây Ninh cũng không có tên bác tôi. 
GẶP CHÚ CHÍN NGHĨA TẠI NHÀ

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

ĐÁM CƯỚI HỌ PHÙNG Ở QUÊ

                                   ĐÁM CƯỚI QUÊ

Sáng nay đi đám cưới ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Đúng như cảnh ngoài Bắc thường nói là “ăn bữa cỗ chạy ba quãng đồng”, nhưng vì là đám cưới một gia đình họ Phùng. Ông bố mình quên mặt rồi vì lâu lắm không tới nhà. Mấy đứa em đều vui khi thấy “anh Hai Bắc Kỳ tới”. Thực ra đường xa quá, trời lại mưa liên tục. Từ Trường Đông- Hòa Thành lên Tân Châu gần 30 cây số, phải ngồi uống cà phê gần một giờ đồng hồ chờ mưa dứt mới đi tiếp được. Đám cưới nhà quê gặp mấy ngày mưa dầm, đường sá lầy lội, nhưng bà con tới dự “một! hai! Ba! Zdô! Hết mình”. Cô dâu Phùng Thị Kim Trang mập mạp trắng trẻo, còn chú rể thì ốm và đen thùi lùi. So với đám cưới quê ngoài Bắc thì ở đây đơn giản và ít khách hơn. Giản tiện như vậy đỡ khổ cho gia đình hai bên và cả xóm giềng.
Một số hình ảnh ghi lại.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

TÌNH NGƯỜI XỨ CỌ

PHƯƠNG QUÝ – TÌNH NGƯỜI XỨ CỌ

 (Đọc tập thơ “Mưa trên lá cọ” NXB Thanh niên 2001)
                
          …”Lộp bộp mưa rơi”, “Ràn rạt mưa rơi”... là những câu thơ của Phùng Phương Quý. Và đúng đó là tiếng mưa rơi trên tàu lá cọ. Mưa giọt thẳng thì âm thanh nghe cứ lộp bộp, bồm bộp; nếu có gió tạt xiên thì nghe ra ràn rạt, rào rạt trên đầu. Chỉ ở lá cọ mới có cái âm thanh đặc thù ấy trong mưa. Và chỉ có ở những vùng trung du đặc trưng như Phú Thọ mới có nhiều cọ như thế. Tác giả Phương Quý đã dùng ngay cái nét đặc hữu ấy của quê nhà để đặt tên cho tập thơ của mình là “Mưa trên lá cọ”

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

ĐỀ BUỔI SANG- ĐỀ BUỔI TỐI- Truyện ngắn


 ĐỀ BUỐI SÁNG- ĐỀ BUỔI TỐI

 Anh Bạo bước vội vàng vào nhà, vấp phải chiếc ghế đôn, suýt ngã. “Tiên sư bố chúng mày! Cứ bày hết ra. Định đánh bẫy ông à?”. Chị Bạo lườm chồng rách đuôi con mắt. “Đi đứng như ma đuổi, mắt để trên trán còn chửi ai? Vào mà xem nhanh lên! Con mụ Đệ nhất mai mối mất chồng rồi. Tiên sư con ngu! Cứ tin tưởng vào bọn đàn ông lo chả chết”. Ngày thường mà nghe nói xấu đàn ông thế, Bạo đã cho vợ một tát vênh mặt.

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

NHÀ VĂN NGUYỄN THAM THIỆN KẾ VỚI TÌNH YÊU CUỘC SỐNG

Nguyễn Tham Thiện Kế mới ra mặt bạn đọc cuốn sách mới. Khác với những mảng văn như phù phép ở các tập Tiểu thuyết và truyện ngắn. Cuốn tùy bút của anh lại ngồn ngộn tư liệu và ngôn từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ. NGƯỜI TRUNG DU dẫn đăng bài giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuốn sách này.

Không phải một cuốn sách mà là một đời sống

(Đọc “Dặm ngàn hương cốm Mẹ” của Nguyễn Tham Thiện Kế)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - 06-09-2011 02:30:28 PM
VanVN.Net - Cuốn sách không còn là một cuốn sách nữa. Nó là một đời sống. Sau khi đọc đến dòng cuối cùng của cuốn sách tôi đã nhận ra như vậy. Từng dòng, từng dòng chữ đã dần dần đưa tôi rời xa cái đời sống gấp gáp, thực dụng, qua loa và nhiều vô cảm để bước vào một đời sống của những vẻ đẹp tinh khiết và ngập tràn tinh thần nghi lễ. Đó không phải là một đời sống xa lạ, một đời sống của trí tưởng tượng mà là một đời sống chính tôi đã từng được sống trong nó và giờ đây được sống lại với toàn bộ tinh thần chứa đựng trong nó. Nhưng bây giờ, tinh thần của đời sống ấy đã và đang rời bỏ chúng ta. Và với những trang viết của mình, Nguyễn Tham Thiện Kế thực sự đã phục dựng tinh thần của đời sống ấy, đã làm nó sống lại trong tôi như trong một giấc mơ tôi được trở về một vùng đất với bao điều đẹp đẽ đã biến mất trên thế gian này. Và hơn cả một giấc mơ  là một hiện thực.



Hầu như tất cả những gì Nguyễn Tham Thiện Kế viết vẫn còn đây. Vẫn còn đây những hoa lý, những đồi cọ, nương sắn, còn đây những cốm, những bánh khúc, còn đây những đào, những loa kèn, những cá Anh vũ, còn đây những ngôi nhà cổ, còn đây những Nội, Ngoại, những U Già, những bà giáo Chi, còn đây những Mẹ, những Dì và còn đây bao con người vô danh. Thế nhưng hiện thực của cái đời sống gấp gáp, thực dụng, qua loa và nhiều vô cảm đã đang làm cho lý không đa tình mơ hồ trong nắng hạ như xưa, cọ không còn xanh mộng du trên những vùng đồi trung du như xưa, cốm đã mờ đi ánh sáng xanh trong một ngày thu, đào bớt thắm trong nắng xuân rạo rực, những Anh vũ không còn ngời ngời trong nước biếc, rau khúc không còn dâng hương bất tận dọc chân trời, những ngôi nhà xưa không còn vọng tiếng ai da diết gọi về, những Nội, Ngoại, những U Già, những bà giáo Chi loãng đi trong hồn người hơi thở đầm ấm như lửa bếp chiều đông,  thưa dần những bà mẹ đi trong hoàng hôn, vừa đi vừa tỏa hương thơm của ngũ cốc và bao con người vô danh nhưng bóng không còn mãi in trên bức tường ký ức của con người như thuở trước. Tất cả là bởi con người đã đổi thay. Và khi con người đổi thay  giọng nói của mình, đổi thay cách nhìn của mình và đổi thay cảm xúc của mình thì mọi điều bỗng thay đổi.
Có thể có những người đọc cuốn sách này không tìm thấy những gì tôi tìm thấy. Tôi là người hoài cổ chăng? Hay có phải tôi là người quá nuối tiếc những gì như thế? Có phải những gì trong thế giới của Nguyễn Tham Thiện Kế không còn ý nghĩa trong cuộc sống bây giờ nữa? Hay có phải cái thế giới ấy chỉ là một giấc mơ cho những kẻ lãng mạn không hợp thời như Nguyễn Tham Thiện Kế, như tôi và như bao người khác nữa?  Những câu hỏi như vậy đang vang lên trong tôi từ khi tôi bắt đầu nhìn thấy sự ra đi của những vẻ đẹp kia. Và những câu hỏi đó vang lên nhiều hơn, gấp gáp hơn và buồn bã hơn khi đọc cuốn sách của Nguyễn Tham Thiện Kế. Cho đến lúc này, chính cái thời khắc mà những chữ tôi viết đang hiện dần lên, thì tôi nhận thấy: tôi không phải là kẻ hoài cổ, không phải là kẻ quá nuối tiếc, không phải là một kẻ lãng mạn không hợp thời mà là tôi hiểu rằng: những điều Nguyễn Tham Thiện Kế viết là những điều trong những điều làm nên cuộc sống có ý nghĩa và lộng lẫy của xứ sở này.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Nhưng có lẽ cách nói “những điều Nguyễn Tham Thiện Kế viết…”  đã không phù hợp khi nói về những câu chuyện của anh. Tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi và có nguy cơ rơi vào một thứ lý lẽ vô bổ khi viết với một mớ thuật ngữ để phân tích hay luận giải. Bởi tôi đang trở về sống trong cái đời sống của những câu chuyện trong cuốn sách. Tôi đang được sống trong đời sống mà tác giả cuốn sách đã hồi sinh nó. Đấy thực sự là nhu cầu lớn nhất của một người đọc. Tôi suy ngẫm và thấy rằng: đầu tiên Nguyễn Tham Thiện Kế muốn viết những tùy bút hay bút ký gì đó (tôi thực sự thấy chẳng cần thiết phải xác định thể loại ở đây). Anh chuẩn bị các thao tác của một nhà văn. Nhưng khi ngồi xuống viết, cái hành động viết của anh đương nhiên là được thực hiện nhưng chỉ là một thói quen cơ học từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng. Lúc đó, câu chuyện anh muốn kể và thậm chí muốn “làm văn” đã cuốn anh đi và làm anh quên mất những thao tác kỹ thuật. Lúc đó, cuộc sống trong những câu chuyện kia đã phủ ngập anh. Nó giống như cỗ máy thời gian đưa anh trở lại những phần sống trước đó. Nó làm cho anh không còn bất cứ ký ức nào về cuộc sống hiện tại anh đang sống với xe hơi, với những quán ăn phong cách ẩm thực Châu Âu ngập tràn các đô thị, với những siêu sản phẩm của nền công nghệ hậu hiện đại… Anh như chưa từng được sống cái đời sống hiện tại mà anh đang sống hoặc là nó chưa từng đến với anh. Và thế, anh trở thành một phần không thể tách rời của đời sống những năm tháng ấy – những năm tháng mà con người sống trong một đời sống của run rẩy, của lãng mạn, của linh thiêng, của những giấc mơ huyền diệu… Đó là thời đại mà người ta thi vị và thiêng liêng hóa cả một món ăn, một cánh hoa, một cái cây, một hoàng hôn, một tiếng rao đêm, một ngọn đồi, một ngõ phố, một gương mặt người vô danh… Đấy chính là một cuộc sống với sự sâu thẳm của tâm hồn. Đấy là một đời sống mà con người được sống một cách có ý nghĩa nhất và trong sáng nhất.
Chính vì anh đang sống với toàn bộ tinh thần và thể xác trong đời sống ấy mà không có bất cứ sự can thiệp thô bạo và thực dụng nào của cái đời sống đương đại lọt vào. Và cũng chính vì lẽ đó mà tất cả những gì nhỏ bé nhất, giản dị nhất và cả mơ hồ nhất cũng hiện nên tươi ròng và xác thực như máu của chính tôi khi tôi rạch một vết dao vào da thịt mình và nó tứa ra. Nó chính là đời sống chứ không phải những hoài niệm về đời sống ấy. Chi tiết trong những câu chuyện quả là làm tôi như ngạt thở. Những chi tiết như thế đã xóa sạch dấu vết của phép tu từ học. Tôi là người cũng thường viết về những gì như Nguyễn Tham Thiện Kế viết. Nhưng tôi phải thú tực rằng: khi đọc những trang sách hay nói cách khác là khi bước vào cái đời sống mà Nguyễn Tham Thiện Kế đã hồi sinh nó bằng những trang viết của anh tôi mới nhận ra mình vẫn còn là kẻ nhiều hoài niệm về đời sống đó và vẫn còn dùng kỹ xảo của nghề viết. Chắc chắn sự khởi sinh những câu chuyện trong cuốn sách của  Nguyễn Tham Thiện Kế  là từ những hoài niệm. Và việc đặt tên cho mỗi câu chuyện cũng như những dòng đầu tiên đều được anh thực thi bởi phép tu từ học. Nhưng rồi tinh thần và vẻ đẹp của đời sống đó mang một quyền lực quá lớn đến mức nó biến những hoài niệm của anh về đời sống đó thành một đời sống hiện tại chứ không phải một quá khứ được ký ức hóa.

              Hà Đông, mồng 1 tháng Tám, Tân Mão