Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

KHẮC KHOẢI TIẾNG RỪNG XƯA

BÀI VIẾT VỀ THIẾU TƯỚNG NGÔ QUANG NGHĨA

                     Khắc khoải tiếng gọi rừng xưa
Ông bác bên ngoại tôi là Lê Xuân Viêm - cán bộ thuộc Ban Bảo vệ nội bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, hy sinh ngày 21/9/1971 tại căn cứ Trung ương Cục. Giấy báo tử ghi cụ thể là bác và đồng đội bị bom B52, nhưng phần mộ an táng ở đâu thì không thấy nói đến. Mấy chục năm qua, gia đình cất công đi tìm mộ mà chưa thấy. Trong danh sách các liệt sĩ thời chống Mỹ tại Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Tây Ninh cũng không có tên bác tôi. 
GẶP CHÚ CHÍN NGHĨA TẠI NHÀ


Trong thời gian sống và làm việc ở Tây Ninh, tôi thử đi tìm mộ bác Viêm. Có người mách tôi tới hỏi chú Chín Nghĩa (Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa) trước vốn là Chánh Văn phòng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam mà mọi người thường gọi tắt là Ban An ninh miền. "Nhà ổng ở tuốt trong ngõ kế Trường Mẫu giáo Võ Thị Sáu đó. Vô hỏi thử coi. Hên xui mà".Từ đường Cách mạng Tháng Tám chạy về phía bùng binh thị xã Tây Ninh, phải chú ý lắm mới thấy con hẻm nhỏ nằm khuất sau những cửa hàng quây kín hè phố. Nhà của chú Chín Nghĩa, nguyên Trưởng ty Công an Tây Ninh thời mới giải phóng; nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử CAND, nằm khiêm tốn trong một khuôn viên rộng cuối con hẻm. Bà vợ chú Chín Nghĩa đã ngoài 80, lụm cụm đi ra đón tôi. "Con ngồi chờ chút đi. Chín giờ rưỡi rồi, ổng sắp về đó". Một ngôi nhà cổ bằng gỗ, lợp ngói âm dương rộng rãi, thoáng mát vì không có tường. Bàn ghế tiếp khách, võng nằm, bàn sách báo đều kê ở đây. Bên trong là ngôi nhà cấp bốn nhỏ, tường trát đá garito theo model những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Bà Chín dặn tôi: "Con đừng hỏi gì nhiều nghen. Ổng mới đi bệnh viện về, cái họng còn đau".
Chú Chín Nghĩa về nhà rất đúng giờ. Chiếc xe đạp khung ngang líp kêu tành tạch, trên ghi đông treo một túi đồ ăn. Trao túi đồ ăn cho chị giúp việc, chú than phiền giá cả lên ù ù. "Cá trê bữa nay lên 35 ngàn một ký rồi đó bà. Năm ngàn đậu bắp được có bấy nhiêu đó. Cà tím cũng lên giá". Mời tôi ngồi uống nước, chú Chín chẳng buồn hỏi khách tới có việc gì mà kể chuyện về Câu lạc bộ Chát của mình: "Tụi tao chát bằng miệng chớ không có lên mạng đâu. Ai biết chuyện gì thì chat chuyện nấy, thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh, chuyện đời sống hàng ngày. Câu lạc bộ này tập hợp những người đồng quan điểm, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Chỉ cần là người đàng hoàng. Có cả mấy thằng chạy xe ôm, thợ sửa chữa điện đó. Mọi người tập trung tại quán cà phê Loan lúc 6h30' sáng, chát cho tới 8h rồi ai đi việc nấy. Tao đạp xe qua chợ Phường 3 mua thức ăn cho cả ngày rồi về nhà. Chiều coi sách báo, tưới cây. Có chỗ nào em cháu trong ngành khó khăn quá thì tìm cách giúp đỡ". Thấy tôi dè dặt đưa tờ giấy báo tử của ông bác ra, chú Chín vụt trở nên nhanh nhẹn: "Ủa! Anh Ba Viêm người Bắc đây mà. Ổng có cái mũi bự đỏ như trái cà chua". Tôi mừng rỡ và hy vọng. Chú Chín xoay xở nhìn tờ giấy, nói trường hợp này có danh sách liệt sĩ ở Bộ Công an, sao ở đây không có? Chú lẩm bẩm: "Sẽ kiếm ra thôi! Sẽ kiếm ra thôi". 
Chú Chín Nghĩa xác định mộ liệt sĩ Lê Xuân Viêm

Tôi nhìn sang bà Chín, ghé tai chú hỏi nhỏ: "Chú mới đi viện về phải không ạ?". "Ờ! Mới về mấy bữa nay. Bị ung thư thanh quản. Ác tính đó". Thấy tôi ái ngại, chú cười: "Bệnh viện Chợ Rẫy nó đòi mổ. Tao nói tôi đang ăn ngon, ngủ ngon, nói chuyện bình thường, sao lại mổ? Nó biểu mổ cho khỏi chết. Mổ xong cắm một cái ống nhựa qua cổ họng, ăn uống, hít thở qua đó. Vậy là nằm như chết rồi chớ gì! Tao nói nếu nằm vậy mà sống thêm 5 năm nữa tao cũng không ham. Thà như vầy mà sống 2 tháng nữa cũng được. Thôi về uống thuốc nam". Chú với ấm trà, thong thả rót ra hai chiếc ly, rồi cũng ghé tai tôi nói nhỏ: "Thiệt với cháu, bà già bả lo quýnh lên chớ tao đâu có sợ chết. Hai cuộc kháng chiến tao đều tính sẽ chết chớ đâu tính sống. May mà sống tới giờ, lại được hưởng 35 năm hòa bình độc lập, lời quá rồi còn gì. Nhưng mà còn sống ngày nào là còn được lo cho anh em đồng đội đã hy sinh mà chưa tìm thấy như anh Ba Viêm đây".
Chú Chín kể lại, những năm sau khi về hưu chú hay trở lại rừng chiến khu xưa kiếm tìm đồng đội. Trong chiến tranh ác liệt, mỗi người có hoàn cảnh hy sinh khác nhau và bây giờ chú và những người còn sống phải có trách nhiệm tìm lại hài cốt anh em. Còn nhớ mấy năm trước, chú dẫn đầu một nhóm người sang tận đất bạn Campuchia tìm hài cốt liệt sĩ Bảy Sang vốn là cán bộ điệp báo C48, hy sinh ngày 3/12/1970. Cuộc tìm kiếm gần như tuyệt vọng vì rừng núi thay đổi quá nhiều. Bằng trí nhớ "siêu" của chú Chín, hài cốt liệt sĩ Bảy Sang đã tìm thấy. Sau đó chú Chín cất công đi gõ cửa các cơ quan chức năng để làm chế độ cho liệt sĩ Út Phol. Đợt đó gia đình Út Phol đều ở trong cứ. Một trận B52 đánh bom, Út Phol lấy thân mình che chở cho hai cô con gái nhỏ. Mấy chục năm sau gặp lại chị Hồng vợ anh, chú Chín mới tá hỏa khi biết lính của mình chẳng có chế độ gì, vợ con thì nghèo khổ. "Nó hy sinh trong cứ khi làm nhiệm vụ thì là liệt sĩ chớ sao?". Chú Chín đã tìm hai cô con gái của Út Phol hiện sống tại Suối Dây - Tân Châu, cùng vô rừng tìm mộ, làm thủ tục trợ cấp cho thân nhân liệt sĩ. Chú Chín cười buồn: "Lần mít tinh kỷ niệm chiến thắng 30-4 năm rồi, tao có kể chuyện vợ con Út Phol cực khổ quá, một nhà doanh nhiệp nghe được hứa sẽ ủng hộ 50 triệu cho vợ con nó lấy vốn mần ăn. Ai dè sau đó người ta gởi tao có 30 triệu. thiệt không biết nói với vợ Út Phol ra sao. Cũng mừng là con vợ nó hiểu giùm. Nó biểu ở quê con có 30 triệu làm vốn là hên lắm rồi".
Trường hợp của liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Đậu Văn Ngôn (trong cứ gọi là Ba Duy) ở Vĩnh Phúc cũng vậy. Năm 1965 anh tha thiết xin được đi công tác đồng bằng và bị địch giết tại Mỹ Tho. Rất nhiều năm gia đình và đơn vị đi tìm mộ mà không được. Sau này lại là chú Chín thân chinh đi tìm và phát hiện mộ anh Ngôn tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền giang. Mộ để lâu quá, không còn nhiều cốt, cuối cùng phải xét nghiệm ADN mới khẳng định được. Toàn bộ hồ sơ, thành tích của liệt sĩ được gửi ra Vĩnh Phúc để tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho anh Ngôn. Nghe những câu chuyện cảm động về tình nghĩa đồng đội của chú Chín, trong lòng tôi le lói hy vọng. Chú Chín khuyên tôi nên vô rừng, tìm đến khu di tích lịch sử của Ban An ninh Trung ương Cục hỏi cho kĩ việc mai táng bác Viêm tôi ra sao. "Ngày 21/9/1971 đơn vị bị bom B52 tao có biết, nhưng bữa đó đi móc nối gia đình dưới Cây Dầu. Có nghe tin bom nó đánh vắt ngang từ Ban Hậu cần qua Ban Bảo vệ nội bộ. Mấy anh em hy sinh sau chôn gần sân bóng chuyền của đơn vị". 
Một buổi sáng cuối năm, tôi theo cô Ba Hạnh ở Ban Quản lý di tích lịch sử Tây Ninh tìm vào chiến trường xưa. Khu vực trước kia là nơi đóng quân của Ban An ninh miền giờ như một thị tứ. Đường nhựa chạy suốt từ cửa khẩu Sa Mát vào trong rừng. Ngàn cây xanh thẫm, ngợp mát gợi nhớ những ngày chưa xa. Anh Tư Nhứ, Giám đốc Khu di tích Ban An ninh miền cho biết sân bóng chuyền ngày xưa giờ đã là khu nhà Bảo tàng khang trang. Các ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập ra nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên cả rồi. Buổi tôi ghé nghĩa trang Tân Biên, nhờ mấy anh quản trang lục tung đám sổ sách cũ mới mà không thấy tên liệt sĩ Lê Xuân Viêm. Chú Chín Nghĩa bảo tôi cứ yên tâm, nhất định ông sẽ tìm ra mộ bác Viêm. "Mầy đừng đi đâu xa trong dịp cuối năm nghen. Cứ loanh quanh ở Tây Ninh, lúc nào tao kêu là tới liền. Để tao hỏi lại Tư Phụng coi, chả trực tiếp làm vụ quy tập liệt sĩ mà".
Còn một tuần nữa là đến Tết con Mèo, chú Chín điện thoại kêu tôi lên thị xã gấp. 9h sáng, khi tôi và chú Chín đi xe con mượn của Công an tỉnh Tây Ninh vừa lên tới nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên thì xe của chú Sáu Hòa (Trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) cũng tới nơi. Trên xe có cả anh Tư Phụng (Đại tá Huỳnh Minh Phụng). Sau khi dâng hoa viếng các liệt sĩ trong khu nghĩa trang Ban An ninh miền, anh Tư Phụng dẫn hai vị tướng đi thăm lại từng khu mộ. Anh Tư Phụng chỉ tay: "Đây là Ban Thông tin. Kia Ban Hậu cần. Ban Bảo vệ nội bộ chắc khu cuối nghĩa trang. Tôi vẫn nhớ mà". Tôi mừng run khi chú Chín Nghĩa lom khom ở một khu mộ rồi cất tiếng khàn khàn: "Anh Ba Viêm đây chớ đâu". Chú chắp tay xá dài một xá trước ngôi mộ, nói: "Tôi nè anh Ba. Bữa nay tôi dẫn em cháu từ ngoài Bắc vô kiếm anh đó". Trên mộ bia ghi đúng họ tên liệt sĩ Lê Xuân Viêm, hy sinh ngày 21/9/1971, nhưng phần quê quán lại ghi là xã Lợi Thuận, huyện Thanh Liêm - Hà Nội, trong khi bác tôi quê ở tỉnh Hà Nam. Anh Tư Phụng trấn an mọi người: "Chắc anh em làm bia mộ họ nhầm lẫn. Lâu quá nên có khi chữ bị mờ, Hà Nam lại uýnh qua Hà Nội". Chú Chín hứa sẽ điện thoại hỏi lại chú Mười Thương, anh Hai Xuân phụ trách hồ sơ. "Chừng nào gia đình tính đưa hài cốt anh Ba về quê, cứ báo trước tao lo thủ tục cho" - Chú Chín hứa như vậy. Được biết, mới đây chú Chín Nghĩa vừa đi bàn giao ngôi nhà tình nghĩa của các cán bộ hưu trí ngành Công an làm cho con gái chú Ba Bình (Phạm Thái Bường - nguyên Trưởng Ban An ninh miền) ở quận Bình Chánh, Tp HCM. "Anh Ba đông con lắm, mấy đứa còn nghèo quá. Cha làm lớn nhưng đâu để lại của cải gì cho các con". Giữa rừng chiến khu xưa, tiếng nói của vị tướng già âm vang như lời nhắn gửi của lịch sử, của những người đi trước.
                                                                                            Tháng 2/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét