PHƯƠNG QUÝ – TÌNH NGƯỜI XỨ CỌ
(Đọc tập thơ “Mưa trên lá cọ” NXB Thanh niên 2001)
…”Lộp bộp mưa rơi”, “Ràn rạt mưa rơi”... là những câu thơ của Phùng Phương Quý. Và đúng đó là tiếng mưa rơi trên tàu lá cọ. Mưa giọt thẳng thì âm thanh nghe cứ lộp bộp, bồm bộp; nếu có gió tạt xiên thì nghe ra ràn rạt, rào rạt trên đầu. Chỉ ở lá cọ mới có cái âm thanh đặc thù ấy trong mưa. Và chỉ có ở những vùng trung du đặc trưng như Phú Thọ mới có nhiều cọ như thế. Tác giả Phương Quý đã dùng ngay cái nét đặc hữu ấy của quê nhà để đặt tên cho tập thơ của mình là “Mưa trên lá cọ”.
Từ đó, hình ảnh và hình tượng lá cọ cứ trở đi trở lại trong nhiều bài thơ Phương Quý: -“Che chung dưới tàu lá cọ/ Tiếng mưa khúc khích trên đầu” (Mưa trên lá cọ); -“Ai hẹn về làm dâu xứ cọ/ …Lá cọ xòe che mát cả giấc mơ” (Lời hẹn hai quê); -“Trong xanh dòng nước sông Lô/ Cọ xòe che nghiêng bờ cát” (Những giòng sông quê hương) v.v…
Ngoài những “rừng cọ đồi chè” quen thuộc, trong tập thơ Phương Quý còn nhắc nhiều đến những cảnh sắc gần gũi thân thương và những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của một vùng đất cổ và miền Đất Tổ quê mình, như một cách giới thiệu, tự hào về quê hương xứ sở. Nào những Giỗ Tổ, hội làng, hát xoan hát ghẹo; nào những hoa sim, hoa gạo, hoa xoan… Phải là người gắn bó, yêu mê và tâm huyết lắm với những sự vật và sự kiện ấy mới có được những câu thơ hay và xúc động như thế này: -“Nơi nào cha ngồi đợi mẹ/ Cánh hoa tím đến bây giờ” (Hoa sim); -“Anh bỏ quên câu Ghẹo ở nhà/ Nên để em đơn lẻ” (Lời trách hẹn); -“Bao năm làm lính xa quê/ Câu dân ca dắt anh về hội xuân” (Hội làng) v.v… Riêng bài “Tháng Ba” thể hiện được tương đối khái quát cái nét, cái chất chung nhất của quê hương Phú Thọ và tiêu biểu cho phong cách thơ của tác giả: -“Tháng Ba riêng mỗi miền quê/ Hoa xoan tím một đường về Hội chung/ Linh thiêng khói tỏa Đền Hùng/ Đợi nhau, núi đứng chập chùng dáng voi/ Tháng Ba ngắn lắm người ơi/ Dẫu đi xa hãy nhớ lời nước non/ Góc trời đỏ những dấu son/ Mùa hoa gạo rụng người còn đi đâu/ Ai soi giếng ngọc tìm châu/ Tôi soi vào tháng Ba câu tự tình”.
Không chỉ riêng quê nhà trung du đồi cọ, Phương Quý cũng đã từng trang trải tâm hồn mình đến với nhiều miền quê khác trên khắp cùng đất nước theo “dấu chân người lính” một thời trận mạc của mình. Những Huế, Quảng Trị, Trường Sơn, Đông Nam bộ… hiện ra rất hiện thực và thiết tha trong thơ Phương Quý sau khi đã được lọc qua tình cảm và tâm trạng mến yêu hoài niệm của tác giả : -“Triệu Phong nắng lả vồng khoai/ Mái tôn trống gió đêm dài thương nhau” (Về miền Trung); - “Chợt nhớ rừng Tân Biên chiến trận/ Lá trung quân che suốt mấy mùa mưa/ Thương anh nằm xuống bên đồi vắng/ Nắm xương gửi lại đến bây giờ” (Nhớ miền Đông); - “Một thời chúng mình đi dọc Trường Sơn/ Ba lô trên lưng súng quàng trước ngực” (Một thời để nhớ)…
Cái mà Phương Quý gọi là “một thời để nhớ” ấy chính là thuở làm anh lính Giải phóng quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đó là những tháng ngày đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời tác giả. Và do vậy, chủ đề người lính đã chiếm một phần quan trọng trong tập thơ. Điều này là đáng quý, bởi ở những tập thơ được ấn hành gần đây, chủ đề này hầu như khó gặp, nếu có thì cũng thi thoảng gọi là! Có phải nó chỉ còn là ký ức?
Phương Quý đã mở đầu cho mảng chủ đề này bằng một “cung chiêu anh hồn” người cha liệt sĩ - một chiến sĩ Vệ quốc quân mùa thu Cách mạng năm xưa – như một cách bái vọng tiền nhân về chứng giám và tiếp truyền tinh thần cho lớp người sau kế tục lên đường: -“Người chiến sĩ đã trở về cùng đất/ Mà hốn sống mãi những mùa Thu” (Người chiến sĩ và mùa Thu). Cảm nhiệm và tiếp nhận từ anh linh và truyền thống ấy, đến thế hệ của tác giả đã đinh ninh một lời thề nguyện: -“Lớn lên con cầm súng/ Nối bước cha diệt thù” (Kỷ niệm đầu đời)…Và người con ấy - những người con ấy của những người cha ấy – đã làm tròn ý chí và trách nhiệm của mình một cách vinh quang và xứng đáng.
Nhưng… Vâng, phải nhưng… Đằng sau những câu thơ ngợi ca và tưởng vọng một cách trang trọng và trân trọng những thế hệ người lính qua các thời đại, bất giác Phương Quý đặt ra một vấn đề vô cùng thiết thực và bức xúc đang bủa vây những con người vừa trải qua nghĩa vụ lịch sử thiêng liêng của mình. Những con người “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” ấy sau khi bước ra khỏi chiến trường lại gặp ngay một thương trường khốc liệt! Và hôm nay họ đang ngụp lặn giữa dòng đời khắc nghiệt: -“Đã lâu chúng mình xa áo lính/ Câu thơ băn khoăn đứng giữa dòng đời!” (Một thời để nhớ). “Câu thơ” hay chính là tác giả của nó và những người đồng cảnh ngộ đang “băn khoăn đứng giữa dòng đời” đây? Hãy thử nhắm mắt tưởng tượng cái ngác ngơ ngỡ ngàng của những người lính trở về sau chiến tranh đang “chiến đấu” một cách khó khăn giữa vòng quay chóng mặt của thời buổi cơ chế thị trường!
Bàng bạc trên các trang thơ Phương Quý là chất trữ tình hiền hậu và dung dị như nỗi niềm của một con người luôn canh cánh bên lòng những tình sâu nghĩa nặng. Tình sâu nghĩa nặng với người, với đời, với chính những kỷ niệm riêng tư và những thiệt thòi, phiền muộn của riêng mình. Có phải chỉ nhằm để chuyển tải cái dung dị chân thành ấy mà tập thơ ít có nét bức phá, kỳ khu? Hay tác giả chủ yếu là người hoạt động mạnh bên mảng văn xuôi (và cũng đã đạt một số thành công nhất định ở phương diện này) nên ít chú ý, dụng ý đến nghệ thuật thi ca?! Ví dụ bài thơ bốn câu “Một nửa vòng tay”, hai câu đầu “Ôm em một nửa vòng tay/ Nửa kia gửi lại những ngày đạn bom” đã là hay với ý tưởng và hình tượng đầy cảm khái và cảm động, nhưng tiếp liền hai câu sau “Nửa đi nặng gánh nước non/ Nửa về nặng cả tay ôm cùng người” thì là… nhẹ bẫng (mặc dầu tác giả bảo… “nặng”)! Hai câu này thường cả ý tưởng, hình tượng và cảm xúc, không vực kịp tứ thơ đang đau đáu nỗi niềm thời sự và thế sự của hai câu trước. Nếu không bị “tì vết” ấy thì đây sẽ là một bài thơ tứ tuyệt thuộc hàng thơ hay của tác giả. Và đấy cũng chính là minh chứng cho kiểu làm thơ thiếu chăm chút của Phương Quý. Mong tác giả chú ý hơn.
Tạ Văn Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét