Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

BUỒN VUI MÙA VU LAN

Lời cám ơn. Sau khi bài báo này in trên báo Phụ nữ Thành phố. Đã có hai đoàn từ thiện của chợ Bến Thành và chợ Lớn đã gọi điện liên hệ với tác giả nhờ chỉ đường để các chị đem quà tới tặng cho những trại viên trong Trại dưỡng lão Trường Tây. Thay mặt các trại viên xin gởi lời cám ơn chân thành đến quý vị.

BUỒN VUI MÙA VU LAN                                              

Mùa Vu Lan lại về, mấy người bạn Sài Gòn  làm cuộc hành hương về “đất thánh” Tây Ninh. Cơn mưa như rây bột đón chúng tôi từ cầu Rạch Rễ, qua con đường đất đỏ lỗ chỗ ổ trâu ổ voi nối dài từ cửa  6 Toà Thánh ra đến Trại dưỡng lão Trường Tây thuộc huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
NHỮNG NGƯỜI LÀM CÔNG QUẢ

Những người đầu tiên chúng tôi gặp là hai cụ già còm cõi ngồi cúi gập người trên chiếc ghế đá trước sân chùa, mắt nhìn lơ đãng ra phía cổng.  Sắp tới rằm tháng bảy, họ lại ra ngồi ghế và chờ đợi, nỗi chờ vô vọng. Hai cụ đều là người Bắc. Nghe cụ bà hỏi cụ ông về những người con, người cháu vô tình vô nghĩa của họ.
-         Ông bảo rằm này chúng nó có vào thăm mình không?
-         Thế nào chúng nó cũng vào! Năm năm rồi còn gì.
Hầu như ngày nào, hai ông bà cũng ra ngồi trên chiếc ghế này, như một cặp tình nhân già. Chiếc ghế hướng ra phía cổng, lại gần lối ra vào, nếu con cháu có đứa nào đến là họ nhận ra ngay. Năm năm trời họ lưu lạc vào xứ xở miền Đông xa lạ, không một lần được người thân thăm hỏi. Chỉ họ biết là mình còn có con, có cháu ở quê. Những người con dụ dỗ họ vào đây, rồi gửi vào trại dưỡng lão, khai là họ cô đơn không nơi nương tựa. Năm năm trời, cứ đến rằm thắng bảy, ngày lễ báo hiếu cha mẹ, họ đều ngóng con cháu đến thăm mà không thấy ai. Có lần ông cụ lo lắng hỏi bà bạn:
- Lỡ con cháu tôi bị bệnh, bị chết thì sao nhỉ? Nếu chúng nó còn sống, nó phải nhớ tới tôi chứ?
Bà cụ an ủi:
- Chắc chúng nó bận. Mấy đứa con tôi cũng vậy, suốt ngày buôn bán ấy mà.
 Một ông già ngồi trên ghế đá ngay cửa phòng ngủ. Đó là ông Huỳnh Văn Thành 75 tuổi. Chân trái đi cà lết. miệng bị méo vì di chứng của bệnh tai biến não, dù nói cà lăm, nhưng ông cũng chia sẻ được với khách hoàn cảnh đời mình.
- Con trai tôi là Huỳnh Văn Trí. Nó lấy vợ rồi ở bên vợ luôn. Con chị đi lấy chồng xa xứ. Vợ chồng thằng Trí dụ tôi bán nhà cửa đất đai mấy chục triệu, rồi nó gởi tôi vô trại dưỡng lão. 
                    
CHẲNG AI ĐẾN THĂM MÌNH NHỈ?

Quê ông Tư Thành tít ngoài Bình Định. Mấy năm trước người con trai đưa ông vào một Trung tâm bảo trợ xã hội ở Huế, mỗi năm phải đóng góp mấy triệu, sau sợ tốn tiền nên tìm đưa ông vô tận Tây Ninh gởi gắm cửa chùa. Mới vô được hơn năm nên ông Tư Thành rất nhớ quê. Chỗ ở còn thiếu nên ông được bố trí chỗ nằm gần ngay lối vào nhà vệ sinh. Phải chờ vậy, một người qua đời, là có ba bốn người vô trại. Trên chiếc giường cá nhân ở phòng người cao tuổi, một thân hình gầy ốm bận đồ trắng nằm bất động, chiếc quạt bằng vải đỏ che kín mặt. Đó là bà cụ Ba Hương năm nay tròn 100 tuổi. Bà cụ bị điếc. Thấy có người vỗ nhẹ lên vai thì giở chiếc quạt ra, bình thản gật đầu chào mọi người. Gần ba mươi năm sống trong trại dưỡng lão nầy, chắc cụ quá quen với những cuộc viếng thăm của xã hội. Có một bà khách già sang trọng từ thành phố ghé thăm. Hai người già chủ, khách nắm tay nhau. Một bàn tay lạnh, một bàn tay ấm áp. Cụ Hương không nghe rõ câu hỏi của khách, thanh minh:
-   Lãng tai quá, nghe hổng được. Tôi vẫn đi ra, đi vô đặng cho gân cốt nó khỏe…


Trời lành lạnh, mưa xì xụp bởi ảnh hưởng cơn bão số 3 nhưng trong trại dưỡng lão này mọi công việc đều “nóng” như mọi ngày, bên phải sân lố nhố những người chờ hốt thuốc nam, bên trái sân là một tốp dân “công quả” đang vạt thuốc lốp cốp. Một đống cây thuốc có tên luợc vàng, mần trầu, đinh lăng của ai đó vừa mang đến hiến còn tươi nguyên màu lá.
Trại dưỡng lão Trường Tây nằm trong khuôn viên Điện thờ phật mẫu Trường Tây hiện có 103 người già yếu, bại liệt, bệnh tật trú ngụ. Theo bác Sáu Cảnh –Phó Ban cai quản điện thờ- thì họ đều là những người vô gia cư. Thảng hoặc vài người có gia đình, nhưng là gia đình nghèo, nghèo đến nỗi không nuôi nỗi cha mẹ mình nên đành phải “gửi” vô chùa (!?). Hơn trăm con người như thế nhưng chỉ khoảng gần một phần ba là có thể tự đi lại, vệ sinh, ăn uống được, còn lại đều phải có người chăm sóc như bón cho ăn, giặt giũ, tắm rửa. Tất cả những công việc đó đều trông cậy vào hai mươi người “công quả”. Ở trại liệt nữ, hôm qua mới có một người mất nên hôm nay mấy chị dọn dẹp vệ sinh cực hơn hàng ngày vì phải tẩy trùng cả phòng, giặt giũ cả sáu giường cùng phòng. Mùi nước tiểu xộc lên. Nắng không qua được mấy lớp mái nhà, mùi phân sống càng “tung hoành” dữ. Mùi thuốc sát trùng nặng quánh khiến chúng tôi phải lùi mấy bước nhưng các chị vẫn bình thản lau dọn. Trực tiếp khâu vệ sinh này có hai mươi người nhưng phải chia đều cho hơn trăm người già, bệnh. Công việc của mấy chị thật nặng nhọc, nhất là tuổi tác cũng không còn trẻ nữa. Như cô Chín Ân 62 tuổi, đã có thâm niên gần 20 năm; chị Ba Đèo được 4 năm; chị Hai, cô Tám, mợ Út… đều đã ngót nghét 50 tuổi và ai trước đây cũng có “hoàn cảnh”. Chị Ba Đèo tâm sự “Mười năm trước chồng tôi 34 tuổi thì bị tai biến, nhà nghèo, con nhỏ không tiền nên cả nhà  ăn nhờ cửa chùa những 6 năm trời! Rồi nhờ thang thuốc, hột cơm của chùa mà anh hết bệnh. Nay anh 44 tuổi có thể đi làm được rồi. Tôi thì hàng ngày vô đây làm “công quả”, con cái lớn đi làm được hết nên cũng không phải lo nhiều”. Ở trại dưỡng lão Trường Tây này, giữa những con người không ruột thịt đang chăm sóc nhau như những người thân. “Thì mình cứ coi họ như cha mẹ mình vậy. Đời người ai cũng đến lúc nào đó phải ra đi, như một ngày nắng nóng rồi cũng tới lúc cuối ngày nắng yếu. Hôm nay mình khỏe mạnh, biết đâu ngày mai bệnh tật”.
Chúng tôi được biết, những người làm công quả đều “cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ làm từ thiện mà không ăn cơm chùa, bởi số tiền hàng năm phải chi vào thuốc men, cơm áo, tang ma cho những người già ở đây đã lên tới vài tỉ đồng. Ấy là chưa kể phòng thuốc nam từ thiện của Điện thờ, với những cây thuốc phải mua như đỗ trọng, đậu xương, nhân trần… mỗi năm cũng “ngốn” hết 300 triệu. Mà tiền để chi vào các việc ấy đều từ nguồn “công quả” do các vị mạnh thường quân hỉ hiến và “dân công quả” trực tiếp se nhang, trồng mì, làm lúa.
CUỘC VIẾNG THĂM CỦA MỘT BÀ GIÀ QUÝ PHÁI VỚI BÀ BA hƯỜNG 100 TUỔI

Hầu như tất cả trại viên vào đây hiếm được đi ra khỏi cổng trại. Không ai cấm, nhưng họ không biết đi đâu, làm gì. Đến bữa có người cho ăn, bệnh có người cho thuốc, yếu quá có người chăm. Có chăng phép màu nào đó hiện ra, con cháu bất ngờ ở đâu tìm đến đón họ về nhà, hoặc là đi ra bằng chiếc xe tang mà ở đây họ gọi bằng cái tên khá đẹp: “Thuyền Bát nhã”. Trong khu người liệt, ước muốn được di chuyển thân mình vài chục mét thôi cũng là không tưởng. Những thân hình nằm dán xuống giường, bất động. Những đôi mắt cố ngước nhìn ra phía có ánh sáng mặt trời. Những đôi chân khẳng khiu, những bàn tay run rẩy. Sự tồn tại trong chờ đợi giải thoát.
Rằm tháng bảy, mùa báo hiếu hay mùa xá tội? Phật dạy rằng tội gì cũng có thể xá, chỉ có tội bất hiếu là không. Không biết những kẻ đành tâm bỏ rơi cha mẹ có bao giờ chợt tỉnh mỗi mùa Vu lan?
LÁ RÁCH ÍT ĐÙM LÁ RÁCH NHIỀU



PHÙNG PHƯƠNG QUÝ
ảnh kèm: 0137- Một bà khách thăm cụ Hương 100 tuổi
                0139- Chăm sóc người bị liệt
                0006- những người làm công quả.
………………………………………………………………………. Địa chỉ liên hệ: Phùng Phương Quý
Hộin học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh- Cửa 4 Nội ô tòa thánh Tây Ninh. Đt: 0915265826. email: phuongquy53@gmail.com
Tk: 0104556601 Ngân hàng Đông Á, chi nhánh Tây Ninh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét