Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

LAO XAO TRƯA HÈ- tạp văn

Bài đã in trên Tuổi trẻ Cuối tuần



Tạp văn
                            LAO XAO TRƯA HÈ

Nắng ở Thủ đô gay gắt, đạt ngưỡng 39 độ C. Giữa ồn ào xe cộ và bụi bặm thì thời tiết này quả là “quá sức chịu đựng” với một nhà văn. Từ chối lời mời đi xuống biển hay lên Tam Đảo, ông tìm về tá túc tại nhà ông bạn làm công tác nghiên cứu văn học dân gian ở một làng quê heo hút vùng trung du. Làng có tên là Làng Rền, một Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi có những ngôi mộ táng đã hai nghìn năm tuổi.

Không khí ở đây thật trong lành. Giữa trưa hè nóng nực, hai ông bạn không ngồi quạt điện trong nhà mà kéo nhau bắc ghế ngồi ngay dưới rặng tre sát đường làng. Phía trước mặt là quả đồi thấp, lao xao tiếng gió khua trên tàu lá cọ. Một vạt xanh mỡ của lá sắn non, kẻ từng hàng đều đặn trên đất đỏ. Mặt hồ rộng khẽ gợn sóng, uể oải mấy tăm cá đớp bóng. Phe phảy chiếc quạt lá cọ, cảm nhận làn gió trời tinh khiết ve vuốt khắp cơ thể, ông nhà văn lim dim mắt tận hưởng. Bỗng ông mở choàng mắt reo lên: “Chim! Tiếng chim cu gáy ông ạ! Nó gù gần đây thôi”. Ông bạn người làng cười mỉm. “Lão chuyên viết về thành phố, toàn tả những cảnh salon, mỹ phẩm; tiệc tùng, nên thấy lạ thôi. Chim cu gáy ở đây còn nhiều, nó làm tổ trên mấy cây cọ kia chứ đâu”. Ấm nước vối để nguội ngọt chát. “Ông có thèm bia không để tôi sai các cháu đi mua?”. Nhà văn lắc đầu. “Ông cứ để tôi tự nhiên. Uống nước lá vối có cái hay riêng của nó”. Mấy bà trung niên nón lá, quạt cọ rón rén đi qua. “Chúng em đi qua nhờ hai bác tí ạ!”. Thấy bạn ngạc nhiên, chủ nhà bảo cái lệ làng nó cổ hủ thế đấy, ông thông cảm. Rõ ràng đường làng mình, cổng nhà mình, nhưng có ai ngồi cạnh đấy, muốn qua mặt thì phải xin phép ông ạ. Thông cảm nhá! Ông khách ngẩn mặt kêu: “Ối giời ơi! Tôi bái phục cái lệ làng nhà ông ấy chứ. Ông cứ về thành phố, chạy xe máy ra đường mà xem. Nó tranh giành nhau từng xăng-ti-mét, va quẹt người ta rồi còn quay lại chửi. Khủng khiếp lắm ông ơi!”. Lại hai ông già che quạt cọ trên đầu, đi ngang cất tiếng chào. “Ông mới về chơi ạ!”. Ông khách lúng túng bật đứng dậy, hai tay chắp trước ngực, đáp lời chào. Hai ông lão đi qua rồi, mới dè dặt hỏi: “Sao họ biết tôi mới về chơi hả ông?”. “Cả làng quen mặt nhau, có ông thành phố về, biết ngay ấy mà. Tí nữa xong cái đám hiếu, họ quay lại hỏi thăm bây giờ”. “Đám hiếu ở đâu?”. “Ở khu bên cạnh, ông không thấy mỗi bà xách một túi gạo đi à”. Chủ nhà phải giải thích cho ông nhà văn rõ, hương ước của làng từ bao đời nay quy định nhà nào có người thân qua đời, mỗi hộ đem tới giúp một đấu thóc. Bây giờ dân làng quy ra gạo. trong túi ni lon là nửa cân gạo và một nghìn đồng”. Khách chỉ biết giơ hai tay ngạc nhiên. Đấy là tình quê ông ạ. Làng này 800 nóc nhà, mang đến 800.000đ và 4 tạ gạo. Chậc! Chậc! Người thành phố chúng tôi thật…không làm nổi, dù nhiều tiền của hơn.
Chuyện nhà quê thì còn nhiều cái lạ. Nhiều phong tục, tập quán được gìn giữ hàng bao đời nay, mà các nhà văn hóa các ông thường gọi là “bản sắc dân tộc”. Nó quý lắm, nó gắn bó đời sống cộng đồng thành một khối gọi là “làng”. Các cụ xưa thường nói “còn làng là còn nước” phải không? Tuy vậy cũng còn nhiều cái cổ hủ chưa bỏ được. Ví như cái tục đi ăn cỗ xong, ai cũng có gói phần mang về. Gia chủ nào mời khách phải tính lượng gạo, thịt gấp rưỡi thực khách, vì khách về, còn phải kèm theo gói phần cho trẻ ở nhà. Hoặc như có đám cưới nào rước dâu qua, thế nào cũng gặp vài đám trẻ con, thanh niên chăng dây ngang đường “đánh bẹ” xin tiền.
Chủ nhà cười buồn. Hình như người nhà quê chúng tôi chịu khổ mãi quen rồi, giờ đời sống hiện đại lên họ khó thích nghi. Đấy là nói mấy người già trong làng. Quạt điện giờ nhà nào chả có, nhưng các cụ không thích cái thứ cứ quạt thông thốc gió vào mặt người ta đến ngạt thở. Các cụ thích phe phảy cái quạt cọ hay quạt mo, quạt nan. Mấy thứ quạt thô sơ này hợp với tính năng động, hay làm của người nông dân. Có vẻ như làn gió tự bàn tay mình tạo nên nó trong lành hơn, mát mẻ hơn. Như bà cụ M trong làng, năm nay thọ 108 tuổi rồi, răng chưa rụng chiếc nào. Suốt thời trẻ trung mò cua bắt ốc, ăn cơm độn sắn để nuôi được một ông Tiến sĩ và hai ông cử nhân. Giờ ăn cơm vẫn đòi con cháu phải độn chút sắn khô cho nó đậm đà, chứ ăn cơm trắng thấy nó nhạt hoét. Ông tiến sĩ ngoài 70 tuổi về làng thăm nhà, thich nhất là được ngồi cạnh giường để mẹ phe phảy quạt cọ giải nhiệt cho như thời ấu thơ.
Chiều làng quê chậm chạp buông xuống. Nền trời trong xanh bị nhòa đi, lẫn vào màu xanh của cây lá xum xuê. Gió vẫn thổi mát một dọc bờ tre làng. Mấy ông nông dân ngả nón che mắt, nhìn trời. Mong “ông” đừng có mưa bây giờ. Cố mấy trận nắng nữa cho lúa, ngô chín đều. Một cậu thanh niên cởi trần, tay xách chiếc nơm, tay xách chiếc giỏ lấm láp bùn nước, bước từ dưới ao cá lên. Đưa chiếc giỏ lấm bùn cho chủ nhà, anh ta cung kính: “Chẳng mấy khi có bác dưới thành phố về chơi, con biếu ông trẻ mấy con cá nấu canh chua”. Chủ nhà vui mừng: “Ờ! Cho ông xin nhá!”.  Chỉ có ông nhà văn là ngạc nhiên, móc ví: “Để tôi trả tiền cho cháu. Ai lại…”. Chủ nhà ghé tai nói thầm: “Ông chớ làm thế, mất lòng con cháu. Cái lệ làng nó thế rồi. anh em mình cứ tự nhiên mà hưởng thôi”.
Nhà văn thành phố nhìn xa xăm lên đồi cọ già. “Tôi muốn về ở với dân làng một hai tháng để tìm chủ đề mới. Được không ông bạn?”.
                                                                           




2 nhận xét:

  1. M.Đ | 24/06/2011, 21:22

    Lâu ngày em gái vào "bóc tem" nhà anh đây. Chúc mừng nhà báo có bài tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ. Hôm nào anh em mình cafe nhé!
    Em Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ's Blog)

    Trả lờiXóa
  2. LHS | 25/06/2011, 09:14

    Tin nhắn của LƯƠNG HOÀI SƠN.
    Cái làng đó hay quá! Muốn sống ở đó. Nhưng biết làm gì để sống.

    Trả lờiXóa