Cho đến Tết Tân Mão này, Nguyễn Quốc Việt vừa tròn một giáp con Mèo. Tuổi 60 già nửa cuộc đời, nhiều chuyện buồn vui để nhớ, nhưng có lẽ kỷ niệm không bao giờ quên trong đời người cựu chiến binh ấy là những ngày tháng 2 lịch sử cách đây 38 năm, chính xác là ngày 15-2-1973. Năm ấy, anh đang là một tù binh cùng rất nhiều đồng đội của mình bị giam giữ tại khu A trại giam Hố Nai- Biên Hòa. Sau những đấu tranh thắng lợi của quân dân ta trên cả hai mặt trận vũ trang và chính trị. Hiệp định Paris đã được ký kết. Cuộc trao trả tù binh giữa ta và Mỹ -Ngụy đã tạo cơ hội cho anh và đồng đội trở về với nhân dân, Tổ quốc.
Năm ấy Nguyễn Quốc Việt mới 22 tuổi, người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua những năm tháng tù đày, chịu đựng tra tấn cực hình của địch. Sự trở về tháng 2 năm 1973 với anh đầy nước mắt vì sung sướng. Từ Biên Hòa, địch đưa các anh lên máy bay quân sự, chở một lèo ra Huế, rồi chúng dùng xe vận tải chở tiếp tù binh ta ra sông Bến Hải. Chiều hôm đó anh đã có mặt ở Vĩnh Linh, được gặp lại các o du kích vùng đất lửa với nước chè xanh và khoai lang luộc quen thuộc. Các anh được xem và giao lưu với Đòan văn công Tổng cục chính trị. Những bài hát, bài thơ của các chiến sĩ ta sáng tác trong nhà tù đế quốc đựơc mang lên sân khấu biểu diễn cho đồng bào chiến sĩ thưởng thức, chia sẻ. Trong cuộc liên hoan khó quên ấy, một bài thơ của Nguyễn Quốc Việt sáng tác trong nhà tù Phú Quốc đã được ngâm trên sân khấu. Cô văn công gảy đàn tranh đệm cho một chiến sĩ ngâm bài thơ đó đã vừa đàn vừa khóc, vì bài thơ của anh được chắt lọc từ "tim óc, máu xương" chiến sĩ ta trong những ngày tù đày khốc liệt.
Hết chiến tranh, Nguyễn Quốc Việt đi học Đại học. Rồi anh vào Tây Ninh sinh sống, công tác với nhiều công việc khác nhau. Anh đã từng làm Giám đốc Xí nghiệp xây dựng, từng làm cán bộ Ban tôn giáo tỉnh...Tức là cũng có chút chức quyền trong mặt bằng chung của xã hội. Nhưng hình như ít người biết đến tên anh. Cho đến năm 1997, chùm thơ 3 bài (thi Miền Trung; Đi ngược nắng; Dùng dằng) của anh đoạt giải A trong cuộc thơ của tạp chí Sông Hương, một tạp chí văn học được đánh giá có chất lượng ngang ngửa với báo Văn nghệ của Hội nhà văn, thì bạn yêu thơ cả nước biết nhiều đến một nhà thơ Nguyễn Quốc Việt ở Tây Ninh. Năm 2009, bài ký "Nước mắt ngày trở về" của anh được tạp chí Văn nghệ quân đội xét giải thưởng bài hay nhất trong năm, thì tên anh lại được nhiều bạn văn biết và yêu mến. Hình như công tác văn nghệ hợp với tạng của anh. Từ ngày chuyển sang Hội VHNT tỉnh làm phó Chủ tịch thường trực, có vẻ anh thành danh hơn những ngày trước đó. Bây giờ người ta quen thấy một nhà thơ Nguyễn Quốc Việt lãng đãng với những vần thơ bất chợt, hay một nhà báo với bút danh Nguyễn lang thang cùng chiếc máy ảnh, ghi lại nhiều khoảng khắc đáng quý. Một người "đa tài", như anh em văn nghệ sĩ hay nói vui về anh. Làm thơ, viết báo, chụp ảnh, anh lăn vào làm nghệ thuật với niềm đam mê sáng tạo. Những cây viết trẻ ở Tây Ninh và một số địa phương trong cả nứơc từng coi nhà thơ Nguyễn Quốc Việt như một bà đỡ mát tay. Yêu mến, quý trọng và biết nâng niu những tài năng trẻ, dù tạp chí Văn nghệ Tây Ninh hai tháng mới ra một số mỏng mảnh, anh vẫn dành cho các cây bút trẻ "đất dụng võ". Không kể những bạn trẻ làm thơ trong tỉnh đợc anh giúp đỡ, những tác giả thơ trẻ đựơc anh ghé mắt xanh tới, phát hiện, động viên, sau này trở thành những cây bút khá vững tay như Vũ Thị Huyền Trang (Đại học Văn hóa Hà Nội), Lê Thu Hiền (Hội VHNT tỉnh Phú Thọ).
Những ngày đầu năm mới Tân Mão, người cựu tù binh, nhà thơ Nguyễn Quốc Việt đang chuẩn bị cho mình một bước chuyển mới, đó là được nghỉ hưu, chấm dứt cuộc đời công chức để toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật. Hình như trong không khí xuân nồng nàn, bất tận, nỗi lòng anh đau đáu về những ngày tháng hai 1973, những người tù binh các anh trở về trong bàn tay thân yêu của bà con xóm chài Đội Cá bên dòng sông Kiến Giang của đất Lệ Thủy- Quảng Bình. Với tình cảm quân dân cá nước sâu nặng của những mẹ Xoa, em Thủy, em Tuyết Bông...Khi mà bà con Quảng Bình nhường nhà, nhường cơm nuôi các anh trong những ngày tạm trú chờ về dơn vị an dưỡng.
Chúng tôi từ lâu biết đến một Quốc Việt làm thơ và yêu mến trân trọng anh em văn nghệ sĩ. Anh chẳng có vẻ gì quan cách, sẵn sàng nhậu tới bến với anh em, tới lúc hát bài "Bóng cây Kơ-nia" thì thôi. Nếu không tình cờ đọc được bài Hồi ký cảu anh trên Văn nghệ quân đội, chúng tôi nhiều người đâu biết anh từng là một cựu tù binh ở Phú Quốc. Cuộc đời chiến sĩ gian lao và niềm đam mê khát khao những cung bậc mới của nghệ thuật đã tạo ra một con người mới. Cuối năm 2010, anh đợc mới dự trại sáng tác văn học của Nhà xuất bản QĐND tại Vũng Tàu, chuyên về tiểu thuyết và trường ca. Nghe anh nói đã "nộp quyển" tới 2 Trường ca "có chất lượng" mà mừng cho anh. Thời gian thủy chung chờ Nguyễn Quốc Việt đến cái đích 60 năm của đời người, để trao những món quà mới. Đó là những bài thơ anh đang viết với niềm hăng say trẻ trung, mãnh liệt của mùa xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét