Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

cánh rừng còn sót lại-chương 9- tập 2

Cánh rừng còn sót lại- T2
Chương 9


                    
  Già Hoa giơ bát rượu lên.
- Chủ tịch có cho ta ra tỉnh đòi cán bộ Hà về không? Ta lên gặp cả chủ tịch tỉnh nữa, để nói lại cho nó biết, cán bộ Khả chỉ phá rừng thôi, chứ chưa trồng được một cây nào cả.
Đinh Văn Thực nhắm tịt mắt, chóp chép ngụm rượu trong miệng. Mình phải bảo dân sáu bản làm gì nhỉ? Là chủ tịch xã, không chấp hành việc trồng rừng phòng hộ thì sai rồi, nhưng làm theo ý chỉ đạo của cán bộ Khả thì không hợp cái bụng dân. Già Hoa nói đúng đấy. Nó chưa trồng được cây chè nào mà chặt mất bao nhiêu cây mỡ thật đẹp. Phó chủ tịch Đạo có ý kiến gì không? Sao cứ uống như thèm rượu từ ngày hòn dái bằng hạt dổi thế? Ai cũng bảo không đồng ý với lão Khả, nhưng phải làm thế nào thì không ai nghĩ ra được cách gì. Chủ tịch xã mở mắt ra, thấy ngay cặp mắt trâu đực của Triệu Văn Đạo. Mày cứ mở to mắt ra mà nhìn thế à? Mày làm công an, nắm được nhiều pháp luật hơn tao mà.

   Triệu Văn Đạo thấy trong bụng nóng như chõ xôi sắp chín. Anh tu rượu như uống nước lã. Biết làm thế nào đây? Ông tưởng trưởng công an mà giỏi lắm à? Nếu không bàn được cách gì, thì cứ bảo dân đừng tham gia dự án nữa. Cứ ngấm ngầm mà bảo nhau thôi, đừng chữ đen, dấu đỏ mà chết. Còn già Hoa, nếu có giỏi thì ra tỉnh mà đòi cán bộ Hà về, uỷ ban khắc lo tiền xe, tiền ăn đầy đủ. Hết ! Thật còn khó phát biểu hơn ở cuộc họp. Bao giờ thì già ra tỉnh? Già Hoa mắt sáng quắc. Mai ta đi luôn! Già giấu chuyện bà vợ trẻ giở chứng, cứ ở riệt ngoài phố huyện, không chịu về Gió. Nửa tháng nay, món rượu bổ phá phách trong người già như con gấu bị nhốt cũi. Đêm nào, cứ gần sáng là già lại cứng nhức bụng dưới mà không biết đổ vào đâu. Lẽ ra hôm nay già đi tìm vợ, không lôi được nó về thì cũng bắt nó chiều chuộng một tí cho đỡ nhớ. Nhưng bây giờ chuyện ra tỉnh tìm cán bộ Hà về cho dân bản quan trọng hơn, ta phải đi ngay. Đi ngay không lòng dân La Sơn như cánh rừng khô nỏ sắp cháy đến nơi rồi.
Chọn ba bộ quần áo, mới được một bộ ưng ý. Cũng tại con vợ trẻ đây, đàn bà gần năm mươi tuổi mà cứ tưởng còn trẻ lắm. Nó cứ nghe người ta gọi chồng là già bản thì ghét. Sao lại thế chứ? Già bản thì có sao? Ta còn phải lo bao nhiêu chuyện cho dân bản mà. Chuyện vợ chồng, đêm về lên giường muốn thế nào cũng được, ta còn khoẻ chán, chẳng chịu thua bọn thanh niên đâu, nhưng đến việc làng, việc bản thì ta phải là người già. Phải nói tiếng của bản, lo việc của bản, không thể khác được. Nó buồn chán bỏ về huyện, là cái tính con trẻ còn ám trong người mụ đàn bà nạ dòng. Thôi! Đất không sợ trời thì trời nghe đất vậy. Mày không về thì tao đi đón. Hôm nay ta không mặc quần thụng, áo chàm nữa nhé. Ta mặc quần kaki, áo bộ đội, trông chẳng kém gì cán bộ đâu. Có phải cõng mày về ta cũng cõng mà. Nhưng phải chờ ta ra tỉnh về đã. Uỷ ban xã cấp cho một trăm nghìn. Con Mây bảo tiền xe từ xóm Thượng ra tỉnh hai lăm nghìn. Cả đi, cả về hết năm chục. Còn tiền ăn chắc cũng đủ. Từ bản xuống Thượng, ta chịu khó đi bộ. Ngày trước có cán bộ Hà, xe kiểm lâm xuống núi ta còn được mời đi cùng, bây giờ không muốn nhìn mặt thằng Khả nữa, ai muốn ngồi lên ô tô kiểm lâm làm gì. Tính toán thế nhưng già Hoa vẫn cẩn thận giắt túi thêm hai trăm nghìn, tiền vừa bán con dê đực. Xuống tỉnh về phải mua chút quà cho trẻ nhỏ, nếu tìm được chiếc su chiêng đẹp, ta sẽ mua cho con vợ một chiếc. Nó chẳng ao ước mãi có chiếc su chiêng lót đệm mút mềm. Già rồi mà còn đĩ. Thôi! Cứ mua cho nó. Về nhà nó đeo vào, mình có sờ một tí cũng thích.
*
Cái nhà tạm ở bến Quân bị bão làm đổ từ lâu. Bây giờ có cô Ngân lỡ thì ra dựng quán bán quà nước. Tốn và Phú nhâm nhi gần hết chai rượu trắng với đĩa mồi cá khô sọc xanh nướng.
- Đảm bảo với chú, cuộc sống sinh hoạt trong này khá hơn ngoài ấy nhiều. Cứ bảo ngồi lê thành phố, hơn triệu phú nhà quê. Bố láo tất! Ngoài phố sung sướng chỉ bọn lắm tiền thôi chứ cánh nghèo chẳng bị khinh như rác. Chú vào rừng với anh, chỉ một năm, đổi đời ngay.
Người đối diện không nói gì, anh ta có vẻ ít nói. Đó chính là Phú, con trai ông Pháo. Tốn đã cất công đi đò ngược gần trăm cây số mới tìm được Phú đang chuyển gỗ trên Yên Bái.
- Cũng chẳng biết thế nào mà tính trước.
Phú trầm ngâm từng ngụm rượu, mắt nhìn theo dòng sông đục ngầu phù sa. Cũng màu da đồng hun, từng thớ thịt chắc lẳn, nhưng Phú thấp hơn bố, lại ít nói. Có lẽ anh giống mẹ. Ngày trước, Phú chuyên chống sào đưa bè qua thác, mỗi mũi bè cũng kiếm được hai yến gạo. Từ khi Nhà nước xây nhà máy thuỷ điện, anh chàng thất nghiệp quay sang chuyển gỗ từ lòng hồ lên bến. Ngay từ nhỏ, ông bố đã cảnh báo với con trai.
-Nghề sông nước dễ kiếm miếng ăn nhưng cũng cực nhục lắm. Nếu không có nghề ngỗng gì thì hãy theo nghiệp tao.
Phú có nghề gì được khi chỉ được học hết lớp ba trường làng? Đành theo học nghề của bố. Được hai năm, chàng thanh niên sức vóc trâu đực không chịu được cảnh nhàn tản ngồi trên bè rong ruổi đầu sông, cuối sông. Có người anh kết nghĩa rủ lên Yên Bái làm nghề chống bè qua thác. Các chủ bè muốn về xuôi phải qua thác Cô. Muốn qua thác Cô phải vời đến cánh chuyên nghiệp như Phú. Rất nguy hiểm, nhưng thích thú. Mỗi lần xuống thác, hai chân như đóng ghim xuống bè, tay giữ chặt cây sào mũi bịt sắt. Nước cuốn ầm ầm, tung bọt trắng. Hai bên những mỏm đá chìa răng nhọn đe doạ. Chỉ non tay sào một chút là bè đâm vào đá, vỡ tan, gỗ cũng nát nữa là da thịt người. Vậy mà nghề phiêu lưu đó lại cuốn hút Phú. Nếu không có nhà máy thuỷ điện, làm gì có chuyện hôm nay Phú ngồi chầu chực ở bến Quân với Tốn như thế này.
Phú nghĩ mình không nên đi bè như bố, nhưng tay Tốn nói mãi. Ông Pháo bị nạn chẳng qua lúc ấy lo lắng cho thằng Học quá, không tập trung tư tưởng. Bây giờ chú phải tiếp tục công việc ấy cho ông vui lòng. Anh có bà chủ tính tình thoáng lắm, biết chú là con ông Pháo, bà ấy không trả công hậu hĩnh, tao đâm đầu xuống sông.
Hôm làm ma cho bố. Phú không chảy giọt nước mắt nào. Bà mẹ cũng không khóc lấy một tiếng. Có một bà nạ dòng to béo phóng chiếc xe máy màu đỏ đến viếng rồi vội vàng đi ngay, có phải bà chủ mà Tốn nhắc đến không? Ôi ông bố khốn nạn của tôi. Cả đời không lo lắng gì đến bát cơm, tấm áo cho vợ con, chỉ mải lênh đênh với những mũi bè và đàn bà khắp thiên hạ. Hôm ông chết, có một cô chừng ba chục tuổi tìm đến, thắp hương cho ông xong ngồi chấm nước mắt mãi. Tôi biết thừa là cô nàng có quan hệ với bố, vì hỏi nhà cửa cô ta nói ở trên cảng Đại, mà chỗ ấy bố đóng hộ khẩu thường trú rồi còn gì. Bà già định làm toáng lên. Tôi bảo bà có dở hơi không đấy? Lại ghen với khách đến viếng, xóm làng người ta ỉa vào mặt. Bà biết nó quan hệ với bố tôi thế nào mà ghen? Cô nàng ấy mắt như phù thuỷ, cứ nhìn như nuốt sống tôi. Chắc tôi giống ông bố.
Tôi nể anh một phần Tốn ạ, chủ yếu là kinh tế gia đình bê bết quá. Nếu mỗi mũi bè từ bến Quân về cảng Đại vừa thả, vừa kéo hết một tuần mà được năm trăm nghìn thì tốt cho tôi. Nhà tôi "con độc cháu đàn". Bố tôi chỉ có mình tôi, còn tôi chín đứa con cả trai lẫn gái, lo cho chúng khỏi đói đã khốn khổ rồi, mong gì sau này thành ông nọ bà kia.
Tốn khoái chí ngắm thân hình vâm váp của Phú. Thằng này cao tí nữa thì giống bố, nhưng đụt quá. Lão Pháo thưở còn sống mồm miệng lanh lẹ, cười nói xởi lởi, thấy đàn bà, phụ nữ là mắt sáng như mắt cú vọ, thế mà thằng con lúc nào cũng nhìn xuống. Kiểu người này suốt đời không ngẩng mặt lên được. Mình đã nói với cô Mận, đừng lo thiếu người đi bè. Cô phải tin tôi mới được, tôi không thạo đi bè nhưng sẽ tìm người đi bè giỏi cho cô. Chính hôm đưa ma lão Pháo, mình đã tìm ra thằng Phú rồi. Nòi nào giống nấy. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Con lão Pháo thì phải biết đi bè. Ai ngờ nó còn siêu hơn bố, dám chống bè qua thác Cô cơ mà. Cô Mận mừng quá, thưởng cho mình một trăm nghìn uống bia. Thế là hơi keo. Nếu là thời làm quản giáo mình đã ném trả vào mặt. Thời thế thế ắt thời phải thế. Câu ấy mình đọc trong sách của ông nào mà hay thật, không biết có phải của Cao Bá Quát không nhỉ? Ô kìa! Ai như lão già trong bản Gió? Này! Già bản đấy. Lão đi đâu mà khăn gói qủa mướp thế kia.
-Chào già Hoa! Đi đâu mà xuống núi một mình thế này?
Đôi mắt sáng trên caí mặt đỏ au nheo nheo vì nắng. À! Già biết anh rồi. Người đi bè cùng thằng Học ngày trước hử? Thế hai người cũng vào đây có việc gì? Có lên Gió chơi không? Cái thằng da nâu mặt lì kia ở đâu trông quen thế? Già đã gặp rồi thì phải. Cái thằng da trắng, mặt choắt kia trông có khác gì con chuột không. Mày lại dám gọi tao là già? Con vợ trẻ của tao nghe thấy nó lại bỏ đi thì sao? Tao không uống rượu đâu. Có nước ngọt thì cho một chai uống đỡ khát. Ta còn xuống Thượng cho kịp chuyến xe khách buổi chiều. Cả bản đang trông chờ vào tao, không có thì giờ mà chuyện hão đâu.
-Già bản ơi! Chúng cháu định vào Gió thu mua ít gỗ, nghe nói trong ấy bây giờ gỗ lạt cũng dễ rồi phải không?
-Có người đang phá rừng đấy.
-Thì phải có người phá thì bà con mình mới có cơm ăn chứ. Nếu già bản nói mọi người chở gỗ ra bến bán cho bọn cháu, sẽ có nhiều tiền...
Ông già phủi đít đứng dậy, bước đi không quay đầu lại, còn nhổ một bãi nước bọt trước mặt Tốn.
-Mẹ cái lão hấp này! Mình có nói gì sai với lão đâu nhỉ? Thôi anh em mình cứ lên tìm mối, anh có lên Gió mấy bận, cũng quen vài người.
*
Thắng hươ cây gậy tre, chỉ vào bãi chè giống đang héo vàng vì thiếu nước.
-Chúng mày có định làm việc cho dự án không? Tiền công cán bộ Khả trả không thiếu đồng nào, thế mà để chè giống héo khô thế à?
Mấy cô gái giả vờ căm cúi nhổ cỏ trên luống ươm chè. Xí miền che kín mặt, cái tai giả điếc. Chỉ có một cô thấp béo, má đỏ hây là hay liếc nhìn Thắng. Anh ta cũng mấy lần bắt gặp ánh mắt đong đưa ấy. Hè! Con Nụ này đang thiếu người ngủ thăm đây. Từ ngày thằng Liên chết, nó cứ bám rịt lấy Thắng. Nó tìm cớ để được đứng gần anh ta. Buổi chiều hôm qua, Nụ cố tình đứng đằng sau dòm vào cuốn sổ ghi công nhật của Thắng, hai cái vú lớn áp vào vai nóng hổi. Thắng nóng cả người, muốn qườ tay ra sau lưng nhưng lại ngại bọn thanh niên coi thường. Chẳng gì mình cũng là cán bộ của khu bảo tồn rồi, chỉ huy cả mấy chục đứa thanh niên làm vườn ươm chứ bỡn chơi? Mấy thằng thanh niên lại bắt đầu chụm vào chiếc điếu ục, rít thuốc lào òng ọc. Chúng mày cứ nhởn nhơ đi. Tao chỉ nói với cán bộ Khả một câu là tất cả mất việc. Dân La Sơn nhiều như lá rừng, tao muốn gọi ai đi làm chẳng được.
-Em Nụ à! Nhìn vừa thôi không anh Thắng rách đũng quần đấy.
Một thằng oắt con nằm dài trên bờ đất nói vóng xuống. Con Nụ kéo váy lên cao, để lộ ra cặp đùi vừa to, vừa trắng.
-Tao thích chỗ nào thì cứ nhìn thôi. Có những người nằm như đống phân bò mà không ai để ý đến mới khổ đấy.
-Ha ha! Thằng Chính bị con Nụ đập váy vào mắt rồi. Nó chê củ mài nhà mày bé đấy mà. Tối nay lên nhà nó cạy cửa thử xem .
-Dao nhà tao sắc lắm. Sợ không còn củ mài làm giống nữa đâu.
Thắng ngứa cả tai.
-Bọn mày có chừa thói nói bậy đi không? Tao đã nói từ khi gọi chúng mày đi làm cho dự án, là đến đây không được nói láo, không được bỡn cợt lẫn nhau như ở nhà. Mấy thằng kia đi gánh nước tưới chè ngay. Tao phải nói lần nữa là đuổi về đấy.
Câu nói như cái gai bồ kết đâm vào lỗ tai. Lũ con gái chỉ biết ngấm nguýt phản đối. Một thằng cao lớn, đầu cắt trọc, bẻ cành cây gõ rầm rĩ vào thùng gánh nước.
-Ê! Ê.! Đái vào mồm thằng Thắng nhé! Mày cũng là trai Mường, người La Sơn như chúng tao. Mày bắt nạt mấy con bé Dao được thôi, đừng nạt nộ chúng tao .
- A! Thằng Thường xóm Chóc. Mày giỏi quá rồi! Tao là người La Sơn, nhưng được dự án cho hợp đồng lao động thì cũng là cán bộ rồi đấy. Mày có tin là tao đuổi việc được mày không?
-Chúng tao có muốn làm nữa đâu? Cả xã La Sơn có ai muốn làm nữa đâu? Chỉ có những đứa như mày, như thằng Liên mới thích phá rừng, muốn làm chân làm tay cho bọn xấu thôi.
Bọn này láo rồi. Chúng nó muốn gây sự đây. Chúng mày có nghĩ đến thằng Học không? Nó còn tinh tướng gấp mấy lần bọn tép riu kia, vậy mà lại đi tù rồi đấy. Chúng mày nghe cha mẹ khó dễ với nhà nước thì chết đói thôi. Không làm dự án, vào rừng nhặt phân dê mà ăn, chứ không còn được kiếm nứa, kiếm củi như trước đâu.
Như thế là quá lắm rồi. Người La Sơn bao đời nay chưa biết chửi cha, chửi mẹ nhau như thằng Thắng mất gốc này. Mày ở miền cao mà không biết tính khí khái của người miền cao, dù chết đói cũng không để ai đái lên mặt mình à? Anh em đâu! Xé quần thằng cán bộ giả này ra xem củ mài của nó bằng nào mà dám đái vào mặt người La Sơn.
Thắng không đề phòng, bị một cô gái đứng gần giật mất chiếc gậy. Thằng Chính còi thế mà dám ôm chân Thắng giật ngã bổ chửng. Một chiếc áo nồng nặc mùi chàm và mùi mồ hôi mặn chùm kín mặt Thắng, những nắm đấm thụi vào sườn, vào bụng đau nhói, không kêu lên được. Một cái cây hay gót chân ai giáng xuống mặt làm Thắng nổ đom đóm mắt. Không thể vùng vẫy được vì mấy thằng thanh niên nằm đè lên người Thắng, giữ chặt chân tay. Nào! Lột quần nó ra! Cả bọn cố kéo chiếc quần bò chật cứng, lôi tuột cả chiếc quần lót vá víu nhăn nhúm. A! Thằng này rậm lông quá. Củ mài của nó dài có khiếp không. Bọn con gái kia! Đã có đứa nào cho thằng Thắng ngủ thăm chưa đấy? Nhìn xem có phải củ mài của nó vừa dài, vừa xấu không? Thằng Thường giật sợi dây bìm bìm, thòng vào cái đầu củ mài thưỡn thẹo thít chặt. Thắng rú lên đau đớn. Một đứa thích thú cười ngặt nghẽo, lỏng tay giữ, Thắng giằng tay ra được, đấm lia lịa vào những cái mặt nhăn nhở bên trên. Thằng Thường dính một đấm toé lửa vào tinh mũi, đổ máu ròng ròng. Những bộ mặt tím lại vì giận dữ, đã có bàn tay vơ lấy cục gạch vỡ bên cạnh. Khéo lại giết nhau mất. Lũ con gái hoảng sợ hét lên, bảo nhau nhào vào nắm lấy bàn tay cầm gạch. Lũ con trai say đòn đạp cả vào bụng bọn con gái đến can.
Không ai để ý đến Nụ, từ lúc xảy ra va chạm, nó lẳng lặng chuồn đi. Đến khi mấy cái mặt chảy máu quễ quãi, có tiếng kêu ồ ồ đau đớn của Thắng, thì Nụ xuất hiện, nước mắt ràn rụa, chỉ tay cho trưởng công an Triệu Văn Đạo thấy đám hỗn chiến dưới vườn ươm.
Tốn dẫn Phú vào ngôi nhà đất bên cạnh cổng Trời. Nhà cô Mây, người yêu thằng Học đấy. Ông bố còm róm, mắt lờ đờ, đang chửi con dê đực buộc cạnh bờ rào.
-Mày phá hết vườn khoai lang của tao rồi. Rào nứa cao thế mà mày cũng vào được, mày muốn bố con tao chết đói đây. Chỉ cần con Mây kêu thèm thịt là tao treo cổ mày lên.
Con dê vùng vẫy, kêu be be, húc hai cái sừng ngắn vào đũng quần ông già.
-Chào bố! Cô Mây có nhà không ạ?
- Ờ! Đứa nào thế? Chúng nó còn ở trong nhà cả đấy.
-Con là bạn của thằng Học đây mà.
Ông bố nhướng cặp mắt say rượu lên nhìn nhưng chẳng nhận ra ai, chỉ tay vào phía trong.
-Nếu là bạn thằng Học thì khắc vào nhé. Ta không phải gọi con Mây nữa.
Mây đang băng vết thương trên đầu cho thằng Chính. Thằng Thường ngồi dưới đất, lỗ mũi nhét cục bông thấm máu. Hai thằng nữa cánh tay sây sướt rớm đỏ.
-Chúng mày thích đánh nhau mãi có được việc gì không? Anh Học phải đi tù hai lần mà không đứa nào sáng mắt ra à? Mấy đứa ngồi nghỉ ở đây một lúc rồi sang chỗ công an Đạo viết kiểm điểm nhé, không được chạy đi uống rượu đấy. Mình đã hứa với công an Đạo rồi, băng vết thương cho chúng mày xong là trả về cho nó thôi.
Thường nhăn nhó. Không chạy đâu mà sợ. Mây đã bảo đảm cho bọn này về đây, ai dám làm khó. Nhưng bây giờ, bảo bố cho chai rượu uống mới đỡ đau được, mỗi thằng một chén thôi mà.
-Các chú không phải xin bố. Anh có chai rượu ngon đây. Cô Mây cho bọn anh uống chén rượu làm quen nhé! Thấy chúng mày là anh lại nhớ thằng Học.
Bọn thanh niên ngạc nhiên nhìn hai thằng Kinh một trắng, một đen đứng ngoài cửa. Chúng nó đến đây làm gì? Điều tra vụ đánh nhau à? Đừng có đem rượu mà nhử chúng tao nhé.
Mây mừng rỡ đón Tốn vào nhà. Anh Tốn này là bạn của Học đấy. Nó tốt với Học lắm, từ hồi còn đi tù vì đánh cán bộ Khánh cơ. Anh Tốn vào Gió làm gì? Chẳng có việc mà làm đâu. Dân bản chán dự án trồng chè của Khu bảo tồn rồi, vừa mới đánh nhau vỡ đầu, sứt trán ra đấy. Thôi nể anh Tốn là bạn của Học, cho chúng mày uống chén rượu rồi đi gặp công an Đạo. Hai anh ở lại ăn cơm với bố. Hôm nay Mây không phải trực trạm xá.
- Rượu ngon thật! Anh Tốn mang rượu vào trong này mà bán, không đủ cho dân bản mua đâu.
- Anh đang vào đây mua hàng, mỗi chuyến vào đem cho các chú một can, tặng chứ không bán. Các chú dở bỏ mẹ. Việc gì phải đánh nhau. Đánh nhau là phạm pháp đấy, đi tù như chơi. Chúng mày chán không ươm chè cho Khu thì thôi, ở nhà đi rừng kiếm gỗ mà bán. Ông Khả đang chặt rừng đem bán đấy thôi. Vậy sao dân bản không chặt mà bán? Anh vào lần này, nói với bà con ai có gỗ cứ chở ra bến Quân anh thu mua hết. Gỗ A ba trăm nghìn một khối, gỗ B hai trăm hai, có bao nhiêu mua bấy nhiêu.
Mây xen ngang.
-Không được đâu anh Tốn ạ! Cán bộ Hà nói La Sơn sắp được công nhận là vườn Quốc gia, rừng phải giữ nghiêm, cây củi cũng không được chặt.
-Anh biết rồi! Là nói thế, chứ có làm được đâu. Ông Hà thì chạy ra tỉnh, ông Khả đang phá rừng. Bà con mình việc gì phải giữ cái không phải của nhà mình? Vừa không được ăn, lại mang tội thêm như thằng em Học.
Mấy thằng thanh niên được tí men rượu hâm nóng tinh thần. Anh Tốn này nói có lí đấy. Của mình đâu mà giữ mãi, chỉ tổ đánh nhau mệt xác. Các anh xem có việc gì cứ thuê bọn trai bản chúng em đây. Toàn trâu cả khoẻ lắm, chỉ cần ngày có hai chục nghìn với bữa cơm trưa, bảo leo núi, lội sông chúng nó làm tất. Ngày trước thằng Học rủ ra bến vác gỗ ngày hai chục nghìn, bọn em sợ phải xa đũng quần bọn con gái bản nên không đi, ở nhà chỉ lêu têu uống rượu, tối mò cạy cửa ngủ thăm.
Tốn rót rượu ra một lượt nữa. Uống đi các chú em, rượu ngoài kia nấu toàn gạo ngon chứ không chơi bằng sắn ủ men lá như trong này. Sắp tới công việc nhiều lắm, đứa nào thích đi làm anh sẽ nói cô Mận nhận hết. Còn là tuỳ các chú thôi, nếu sợ ông Khả thì đừng đi tranh chặt gỗ với ông ấy làm gì. Nhưng rừng là của chung mà. Nó chặt thì mình cũng chặt. Được rồi! Được rồi! Các anh không phải nói khích bọn trai núi này đâu. Sẽ có gỗ ra bán cho anh mà. Bọn em thuộc lối rừng như con sơn dương, kiểm lâm còn chịu thua cơ đấy. Chỉ có người anh này sao ít nói thế? Có vợ chưa? Nếu thích gái Dao thì vào đây cạy cửa ngủ thăm. Tốn cười khà. Thằng chú này chuyên gia thả bè đấy. Không có nó bè không về xuôi được đâu, như lão Pháo với thằng Học ngày trước ấy mà. Cả bọn lúc ấy mới nhìn Phú với ánh mắt thán phục. Con cóc bỗng mở miệng. Tớ một vợ sáu con rồi, có cô nào thích rước về thì rước! Bọn kia lắc đầu. Ai dà! Nó đẻ còn giỏi hơn người miền cao mình. Thôi! Theo tao ra gặp công an Đạo, nhận tất cái sai nhé, nhanh lên còn về đi kiếm gỗ bán cho anh Tốn.
*
Già Hoa xuống xe thì trời đã tối. Buổi tối ở thành phố sao cứ sáng rực như ban ngày. Người La Sơn chúng ta buổi tối là đi ngủ, chỉ có bọn thanh niên sôi đèn sùng sục các bản mò gái. Người thành phố họ nhiều việc nên chạy xe đi cả đêm chưa về. Chịu khó thế, thảo nào chúng nó sướng hơn dân bản mình. Cái giấy con Én đưa mình cất chỗ nào nhỉ? Ngồi rãi sẻ ngay giữa hè phố thế này có ai cười ta không nhỉ? Bà con thành phố ơi! Đừng cười lão già núi này, ta vốn cẩn thận, có caí giấy ghi số điện thoại của nhà con Én mà cất tận đáy túi xách. Này cô ơi! Gọi điện ở đây à? Này! Gọi cho già nhà con Én. Chồng nó là nhà báo Quảng đấy, bảo nó già Hoa bản Gió đang chờ. Hử! Chờ ở đâu ta biết được à? Cứ bảo nó ta đang đứng ở đây này. Cái ghế này của nhà ai thế? Gỗ này không phải gỗ La Sơn. Gỗ La Sơn vỏ không đỏ quạch thế này. Ô! Thế à! Lại có ghế xi măng làm giả gỗ à? Lại có người làm ghế đặt ngoài đường cho mọi người đi qua ngồi nghỉ, thật tốt bụng quá. Ta đói rồi. Chỗ này ngồi ăn cơm nắm cũng tốt đây. Mấy bà béo ục ịch kia, đeo giày, đeo vớ, vung vẩy chân tay như con ngỗng tập đi thế a? Chưa nhìn thấy người già ăn cơm nắm ngoài đường bao giờ à?
-Ô! Già Hoa! Sao ngồi ăn cơm ở đây? Không phải nhờ gọi điện bảo cháu ra đón mà?
Ai da! Con Én hử? Mày mặc áo hở rốn, hở vú ra hế kia tao không nhận ra. Chà! Con gái bản ra thành phố cũng đẹp rách con mắt. Tao mang cơm nắm theo, định ăn xong thì vào nhà mày. Người thành phố có cái tốt hơn người bản ta đấy, nó làm cái ghế dài cho ai qua lại cũng ngồi được cả. May mà tao tìm ra nó, chứ ở đây toàn người lạ, chẳng lẽ xin vào nhà ngồi nghỉ nhờ à. Cái con Én này, việc gì mà phải khóc. Từ từ không rơi hết nắm cơm của tao. Mày biết dân bản nhiều cái khổ lắm, nhiều cái không ưng bụng lắm, mà nói không ai nghe cho, tao mới phải ra đây tìm chủ tịch tỉnh. Bây giờ về nhà mày ăn cơm à? Thế thằng nhà báo có nhà không? Nó đi công tác thì ai cho tao uống rượu, ai chỉ đường cho tao đến chỗ chủ tịch tỉnh đây?
Con bé này, bày vẽ nhiều thức ăn làm gì? Mày cứ cho tao một bát mì tôm trộn thêm hai quả trứng là ngon rồi, tao không thích thịt gà, thịt gà thành phố mềm quá, mà tao chưa chịu già đâu, ăn không thấy ngon. Thế thằng nhà báo con đâu? Nó đi nhà trẻ à? Có cái nhà trẻ cũng tốt đấy. Trong bản, nhiều lần chủ tịch xã bàn với tao vận động làm cái nhà trẻ rồi đấy, nhưng không có cô mẫu giáo, bọn đàn ông không chịu thả con ra. Tao thấy đàn ông bản mình lười quá, không chịu làm việc gì cả, tranh với vợ bế con. Ai lại cả đám đàn bà đi làm mải lợp nhà, mấy thằng chồng bế con đi chơi, đến bữa trưa vợ lại về bế con cho chồng đi uống rượu mải. Không phải thằng đàn ông nào cũng chịu khó như nhà báo Quảng đâu. Mày lấy được nó là tốt lắm đấy. Ồ! Cái thằng nhà báo con này, hai bố con chụp ảnh thấy giống nhau quá, thằng Khả muốn nhận con cũng không được mà. "Già đừng nhắc đến lão Khả nữa. Cháu đau lòng lắm. Chẳng qua lúc đó vì khổ quá mà bám theo nó thôi, chứ nó như con ngựa thiến rồi, không có con được đâu. Già đừng nhắc đến, cháu xấu hổ với anh Quảng." Tao không nhắc đến nữa. Người già hay lẩn thẩn, mày đừng trách. Hồi mày còn bán quán, buôn gỗ với chúng nó, dân bản chỉ thương chứ không ghét đâu. Mế mày cứ thù lâu con mụ bán cá khô, chứ tao thấy nó là duyên số cả. Không thế thì mày đã lấy chồng bản rồi, làm gì được gặp thằng nhà báo tốt bụng này. Thôi! Thôi! Tao không ăn được nữa đâu mà mày ép. Già bảy mươi tuổi còn ăn được bốn bát cơm với bát mì trứng, xấu hổ quá. Bây giờ tao đi gặp chủ tịch tỉnh, mày chỉ đường cho già nhé. Ờ nhỉ! Đang giữa trưa thế này, chắc nó cũng phải nghỉ. Tao chờ đến chiều vậy.
Già bản ơi! Chồng cháu nó còn tốt hơn những người tốt mà. Vì mẹ con cháu mà anh Quảng bị kỉ luật thôi việc ở toà báo tỉnh rồi. Còn may có tờ báo ngành ở Hà Nội nhận cho làm phóng viên hợp đồng. Mẹ con cháu phải xa anh ấy thì buồn, nhưng chồng cháu nó lại thích vì được đi nhiều, viết nhiều. Mỗi tuần chị cả lại bắt con gái lớn chở lên thăm thằng cu La Sơn. Vâng! Cha nó đặt tên con là La Sơn để nhớ nhứng ngày vất vả làm báo trong ấy và gặp cháu. Mẹ cả nó quý nó hơn vàng. Mới tuần trước, chị ấy đùng đùng bắt cháu đem thằng cu đi tiêm vắc xin phòng chống bại liệt. Việc tiêm chọc cháu sợ lắm già ạ. Cứ nghĩ đến mũi kim nhọn hoắt, bé tí chọc vào thịt là rủn cả người. Mẹ cả nó mắng: "Dì sợ thì cũng phải lo cho thằng bé chứ! Phải tiêm phòng cho nó đủ sáu mũi. Nó mà mà sinh bệnh là dì chết với tôi. Không chăm sóc được thì để tôi mang thằng bé về dưới quê." Sợ quá ! Cháu chỉ sợ chị ấy bắt thằng cu đem về quê thôi. Anh Quảng bảo chuyến này sẽ vào La Sơn viết báo về việc trồng rừng đấy. Cháu bảo, bây giờ lão Khả vào La Sơn rồi, không ai giúp đỡ anh như hồi còn cán bộ Hà đâu. Chồng cháu gầy như cây củi nhưng lại cứng đầu như con trâu đực, nó bảo làm báo cứ sợ chuyện này, chuyện kia thì ở nhà trông con, còn dân bản, còn già Hoa thì lo quái gì.
Ô! Thằng chồng mày thiêng như con ma xó. Vừa mới nhắc đến nó là nó lù lù trước cửa. Ây dà! Mày bế được già bản lên thế này mà con Én cứ chê chồng gầy như cây củi. Giỏi quá! Già và dân bản biết mày tốt với con gái bản Gió lắm. Không lời nào nói hết được đâu. Mày cho nó thằng con trai, lại cho nó cửa hàng buôn bán giữa phố thế này...Thật cái số con Én tốt quá mà.
"Già gặp chủ tịch tỉnh làm gì? Khó lắm đấy! Nếu có đơn từ của dân bản, già cứ gửi con chuyển giúp cho. Mai con vào Gió, già có về bản thì đi với con luôn." "Không được đâu! Tao đã hứa với dân bản, với chủ tịch xã rồi. Phải trực tiếp gặp chủ tịch tỉnh để đòi cán bộ Hà về, không thì rừng bị phá hết. Dân bản lại đói khổ, chỉ bọn người xấu là to bụng ra thôi."
- Cám ơn nhà báo nhé! Mày cho già đi nhờ đến cổng Uỷ ban tỉnh là tốt rồi. Tao khắc vào tìm chủ tịch mà. Mai mày cứ vào Gió nhé. Cứ khắc đi thôi, tao còn có việc chưa về ngay được. Nói ra thì mày lại cười nên tao không nói đâu. Đi xe khách về huyện, tao còn đón con vợ trẻ, xa nó nửa tháng rồi, nhớ lắm.
- Này chú công an. Chủ tịch tỉnh ở chỗ nào thế? "Cụ ở đâu đến đây?" Ai dà! Cái thằng công an mặt non choẹt này sao nó lầm lì, lạnh ngắt như tảng đá ngoài suối thế? Tôi là già bản từ trong Gió ra, muốn gặp chủ tịch có việc quan trọng. "Cụ đã đăng kí trước với văn phòng chưa? Không đăng kí trước, không gặp được đâu." Nó lại còn chạy ra ngăn ta lại nữa. Ta tận trong bản Gió, lúc nào ra mà đăng kí được? Hồi mới làm xong đường lên La Sơn, chủ tịch đi xe con vào Gió gặp dân bản, nói bà con có gì cần đề đạt thì nói thẳng với nó mà? Sao bây giờ ta cất công ra tận đây nó lại trở mặt không chịu gặp? Thế chú bảo ta đi đâu để đòi được cán bộ Hà về? Chú lại còn hỏi cán bộ Hà nào à? Cán bộ Hà mà cũng không biết à? Mà nó không biết là phải. Cả ngày ngồi trong cái chòi bé tí như cũi chó thế kia thì biết gì. Lại phải về hỏi nhà báo Quảng thôi. Chú tên là gì? Ta hỏi cho biết để về bản còn nói lại cho chủ tịch xã, cho dân bản biết có chú công an tên là thế này, thế kia không cho ta vào gặp chủ tịch tỉnh. A! Mày dám đuổi già bản à? Là mày đuổi trước đấy nhé! Ta nhìn rõ mặt mày rồi, sẽ về đưa cả bản ra đây cãi lí với mày. Hồi bầu cử Hội đồng nhân dân ba cấp, chính tao đi vận động dân bản bỏ phiếu cho Chủ tịch tỉnh đấy. Tao bảo dân bản. Cán bộ nó dám vào tận Gió thăm dân bản, cho quà học sinh con cháu ta, thì nó là người tốt, phải bầu cho nó thôi. Bây giờ thì ta biết chúng mày chỉ nói tốt chứ không làm tốt. Có mỗi việc già bản xin gặp mà cũng không cho.
*
Xe ô tô nhảy chồm chồm. Mỗi lần xe gặp ổ gà, lại xóc nảy lên, người ngồi bên cạnh đè dí Mây vào thành xe. Ông Khả ngồi nhìn thẳng phía trước xe, nhưng bàn tay chốc chốc lại đặt lên đùi Mây, ghế sau xe rộng thế mà Mây bị dồn ép vào một góc. Cô cố nhìn ra bên ngoài, về phía ven rừng loang lổ vết cháy từ những bãi thực bì mới bị phát khô. Sau dãy núi Voi, cánh rừng mỡ ba tuổi song sóng thân cây mốc trắng, lá xanh bạc. "Mây cứ yên tâm. Tôi nói một tiếng là phòng y tế huyện phải có kế hoạch cho trạm xá của cô ngay."
"Vâng! Trăm sự nhờ chú Khả đấy. Trạm xá xã không có thêm tủ thuốc, giường bệnh, việc khám chữa bệnh cho dân gặp nhiều khó khăn lắm. Cháu chỉ cần năm cái giường bệnh thôi, lượng thuốc bệnh phải tăng gấp đôi. Đấy là những loại thuốc cần thiết, còn những bệnh thông thường có thể dùng thuốc nam, cây thuốc dân gian trong rừng cũng nhiều lắm chú ạ." Khả liếc khuôn mặt nhìn nghiêng của cô y sĩ trẻ. Con bé ngày càng đẹp ra, ăn cơm nhà nước có khác, văn minh lịch sự hơn ngày xưa nhiều. Thế mà trước đây nghe nói ông bố không chịu cho con đi học trường y tế tỉnh cơ đấy. Bông hoa xinh đẹp thế này mà yêu thằng tù bất trị, thật phí cả đời con gái. Khả chạnh lòng nhớ tới Én . Cô ta còn đẹp hơn Mây gấp mấy lần. Dù hoa rữa nhị tàn, bọn gái trẻ xách dép chạy theo không kịp. "Mây giỏi lắm! Đi học xong dám xin về công tác ở bản, lại tinh thông nghiệp vụ. Tôi nghe bà con trong xã khen cô mát tay lắm, chữa được nhiều bệnh cho mọi người, nhất là đỡ đẻ rất khéo. Mây nên tìm cho mình người chồng có công ăn việc làm, là cán bộ nhà nước càng tốt. Người như cô, hé môi một cái là đầy người xin chết." " Chú cứ nói thế, chứ cháu đâu có gan trèo cây cao. Con sơn dương trên núi đá thích ăn lá cây trên núi đá thôi."
Chiếc xe lao ào qua suối, nước bắn tung cả vào bên trong. Khả ngã nhào sang bên cạnh, cánh tay vô tình ôm choàng quanh người Mây, cô cảm giác bàn tay trái ông ta vuốt nhẹ ngực mình. Không có chỗ nào lùi nữa, Mây đành bảo. "Chú Khả lui lại cho cháu ngồi với." Khả cười chống ngượng. " Chiếc xe cà khổ này xóc còn hơn xe bò. Năm nay tôi sẽ đề nghị tỉnh cho mua chiếc xe mới. Lúc ấy cô Mây có đi nhờ cũng đỡ vất vả hơn. Hay Mây tập đi xe máy nhé. Tôi giúp tiền mua hẳn chiếc xe mới, chạỵ quanh khám chữa bệnh cho dân bản cũng tiện." Mây nó lơ ra ngoài xe, giả vờ không nghe thấy gì. Con nai nhỏ ngơ ngác này, mày làm bộ, làm tịch mãi đi. Xong cánh rừng vực Khỉ, tôi tặng cô chiếc Đờ rim mới thật đấy, tưởng thằng này nói đùa à? Có điều cô đừng như con Én là không được. Lúc khổ thì cần nhau, lăn xả vào. Lúc khá giả rồi thì bạc bẽo như gà rừng.
Chiếc xe máy đầu vênh nhảy nhót vượt dốc. Ai như tay Quảng nhà báo? Lâu nay nó biến đi đằng nào, nay lại lò dò vào rừng, chắc mới đánh hơi được cái gì đây? Khả ngoái đầu lại, bực bội nhìn cái lưng gấu gù gù trên chiếc xe cà tàng. Khả với tay lên đập vào vai lái xe. "Đến Bưu điện văn hoá xóm Thượng, dừng xe lại nhé!" Anh thấy sốt ruột, linh tính như lúc nửa đêm có kẻ trộm rình mò vào nhà. Thằng nhà báo vào địa phận của mình, dù với mục đích gì thì cũng phải cảnh giác. Phải báo ngay cho anh em bên lâm trường đề phòng. Nỗi lo lại nhói lên, cơn đau co thắt trong lồng ngực. Những chứng từ, giấy má thì có thể giấu, còn con đường đang mở vào vực Khỉ thì giấu đi đâu? Hay là bảo chúng nó tạm dừng xe máy lại vài hôm. Tiên sư bọn nhà báo! Tự dưng cứ nhảy bổ vào nhà người ta khua khoắng loạn cả lên. Thằng Quảng này, có khi phải dùng biện pháp răn đe mới được. Xe dừng lại trước cửa bưu điện xã. Trong phòng chẳng có ma nào ngoài cô nhân viên ngồi cắn móng tay. Trên bàn lỏng chỏng mấy tờ báo và tạp chí cũ. Khả yên tâm bấm máy. Đường dây quá dài, máy cứ lẹt xẹt không nghe rõ tiếng nói đầu dây bên kia. Khả đành ngắn gọn. " Thằng Quảng nhà báo vào đấy! Liệu mà xử lí."
Bà chủ tịch huyện sà ngay chỗ Mây ngồi. "Cô y sĩ trẻ của bản Gió đây hả? Ôi chao! Vừa xinh, vừa giỏi. Em thật là tốt! Học xong biết về với dân bản...thật chẳng ai bằng đâu." Mây cảm thấy xấu hổ, nhưng trong lòng lại dâng lên chút tự mãn. Dân bản Gió, ngoài chủ tịch xã Đinh Văn Thực ra, có ai được gần gũi thân thiết với chủ tịch huyện thế này? Cháu sẽ cố gắng ạ! Cháu hứa sẽ công tác tại bản, lập gia đình tại bản. Không xin đi đâu cả. Có người gợi ý xin cho cháu ra thành phố công tác đấy, nhưng cháu muốn ở lại với dân bản thôi. Quý quá! Thế đã có người yêu chưa? Lúc nào cưới chồng nhớ mời cô nhé. Mây thấy nhói đau trong ngực. Bất ngờ thấy thương Học. Thương muốn khóc lên ngay lúc đó. Khả khệnh khạng đến bên bà chủ tịch huyện. "Cán bộ nguồn của chủ tịch đấy! Chị mà chú ý bồi dưỡng cho những người như em Mây, sau này đội ngũ cán bộ nữ của huyện mình ăn đứt mấy huyện miền núi." Chủ tịch huyện cười tươi. Thoả mãn với lời nịnh kín đáo của Khả. "Anh ở trong ấy! Để ý giúp đỡ cô Mây. Làm cán bộ huyện mãi rồi, anh biết việc gì cần làm mà." Khả âu yếm kéo nhẹ đầu Mây ngả vào nách mình. "Mây nghe rõ rồi nhé! Đích thân chủ tịch huyện giao em cho tôi quản lí đấy. Công việc của trạm xá trong Gió cũng không còn nhiều khó khăn nữa, nhưng trang thiết bị và thuốc men thiếu nhiều chị ạ. Hôm nay ra huyện họp, tôi động viên cô Mây mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo huyện chỉ đạo phòng y tế có biện pháp tăng cường cho La Sơn. Người thì đào tạo xong rồi, cũng nên giúp địa phương về cơ sở vật chất cho đồng bộ." Bà chủ tịch thân mật ôm ngang lưng Mây. "Khó gì chuyện ấy! Chỉ sợ cơ sở không làm thôi, chứ có người như cháu Mây về bản, huyện tiếc gì mà không đầu tư."
Uỷ ban huyện tổ chức ăn trưa cho hội nghị tại quán nhà sàn Ngã ba thị trấn. Cũng là món thịt dê như trong bản, Mây thấy ngoài huyện người ta nấu nướng cầu kì, lắm món quá. Khả kéo Mây ngồi cùng mâm. Toàn những chú, những bác trưởng phó phòng trong huyện cả. Cô để ý, ngồi cùng mâm với cán bộ Khả chẳng có cán bộ bé nào, ngoài cô là y sĩ, trưởng trạm xá xã. Khả nâng chén rượu mật màu vàng sóng sánh. " Nào! Anh em mình chúc mừng người đẹp bản Gió lần đầu ra họp huyện. Cầm chén lên cô Mây. Để tôi giới thiệu nhé. Anh Hưởng, phó trưởng công an huyện. Anh Toàn Viện kiểm sát. Anh Lê trưởng phòng Nông Lâm. Còn đây mới là sếp của Mây, anh Dân Giám đốc trung tâm y tế huyện." Mây rụt rè nâng cốc. "Chúc sức khoẻ các bác, các chú. Xã cháu còn nghèo lắm. Nhờ các chú chú ý giúp đỡ." Mây bắt chước cô giáo Lan, hiệu phó Trường Y, mỗi lần có khách cấp trên đều phát biểu như vậy. " Mời các chú cầm đũa đi!" Mây chuyển mấy bát tiết canh dê màu hồng tươi vào lòng mấy vị cán bộ đầu ngành, lòng không khỏi ái ngại khi nghĩ mình chỉ là con bé trong rừng vụng dại, dám ngồi ngang hàng với họ. Cô nhìn thấy bát nước chấm màu xanh mốc bèn giấu sau bát canh rau sắng. Món nậm phịa người trong bản lấy từ đoạn cuối ruột non con dê, nơi thức ăn vừa tiêu hoá xong, ai cũng thích, nhưng sợ các chú cán bộ huyện không quen dùng thứ nước chấm này? Khả nhìn thấy, liền hiểu ngay. "Cô Mây sợ anh em chúng tôi không dùng món nậm phịa hả? Đặc sản vùng cao đấy. Thịt dê hấp không có nậm phịa chấm thì không còn là thịt dê nữa."
Có hai thanh niên mặt mũi sáng sủa, rón rén mãi cạnh mâm mới dám có ý kiến. "Báo cáo các sếp! Chúng em bên phòng văn hoá thông tin, xin phép được chúc sức khoẻ các sếp và cô Mây, người đẹp bản Gió." "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét