Nhạc sĩ Hồ Bông:
"MÌNH KHỔ VÌ TÍNH CHƠI NGÔNG"
Nhạc sĩ Hồ Bông (Hồ Văn Bông) nguyên phó Bí thư chi bộ Ban văn nghệ R (TW Cục miền Nam), nguyên Trưởng đoàn Ca múa Bông Sen. Đã từng cùng Đoàn Ca múa nhạc Giải phóng đi trình diễn ở một số nước XHCN năm 1974. Những người từng công tác và quan hệ với ông đều chung một nhận xét là "Hồ Bông thích chơi ngông". Cũng vì tính chơi ngông, một lần ở Ban văn nghệ R, nhạc sĩ Hồ Bông suýt ...chết oan. Tác giả bài viết mới ghi lại một số chuyện chơi ngông mà nhạc sĩ Hồ Bông kể cho nghe tại Nhà sáng tác VHNT Vũng Tàu tháng 4/2010.
Năm nay đã bước sang tuổi 81, mỗi lần lên xuống cầu thang ông đã phải nhờ đến cây gậy i-nốc lúc nào cũng cặp kè bên mình, nhưng nhạc sĩ Hồ Bông còn tinh tường lắm và tán chuyện tiếu lâm như khiếu. Ngày trẻ chắc ông cũng "một thời oanh liệt"? Câu hỏi này khiến ông cười khơ khơ: "Oanh liệt thì có, nhưng rất thủy chung với bà Thanh Trì. Hồi còn ở Đoàn ca múa nhạc Giải phóng, nhìn các em diễn viên múa xinh như mộng, thấy mình muốn sống mãi. Sau này là Trưởng đoàn ca múa nhạc Bông Sen, trong tay tớ bao nhiêu là bông hoa đẹp. Vậy mà vẫn đàng hoàng".
Nhạc sĩ Hồ Bông và nghệ sĩ Thanh Trì cùng là cán bộ văn hóa tập kết ra Bắc năm 1954, cùng được cử đi học ở Liên Xô cũ. Trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Hồ Bông học ở Nhạc viện Traicôpxki (Matxcova), còn Thanh Trì học thanh nhạc ở thành phố Ki ép. Một lần xuống Ki ép thăm Thanh Trì, ông Giám đốc Nhạc viện Ki ép nửa đùa, nửa thật khuyên Hồ Bông: "Người yêu mày đẹp thế này, sao không xuống đây học mà giữ. Ở trên Mát, coi chừng mất người yêu đó. Nếu xin về đây học, tao xin mở rộng cửa đón mày". Vậy mà Hồ Bông trả lời rất ngông: "Tôi đố anh nào tán được Thanh Trì!" Sau vụ "xét lại" ở Liên Xô năm 1963, Nhà nước ta cho gọi một số lưu học sinh bên ấy về để tập huấn chính trị. Năm 1964, Thanh Trì được tiếp tục sang Liên Xô học tập vì thuộc chuyên môn kĩ thuật, chỉ là thanh nhạc "ò ó o! à á a", không ảnh hưởng gì. Hồ Bông ở lại Nhạc viện Hà Nội.
Trước khi người yêu đi Liên Xô một tuần, Hồ Bông nảy ý chơi ngông, liền bàn với Thanh Trì: "Tôi với em yêu nhau chung thủy, nhưng cần có cái xích của pháp luật để mà chờ nhau. Mình đi đăng ký kết hôn nghen!" Hai cơ quan "hai họ" là Nhạc viện Hà Nội và Đoàn văn công Liên khu V cấp cho mỗi anh chị một giấy giới thiệu là trai chưa vợ, gái chưa chồng, rồi kéo nhau ra Ủy ban quận Đống Đa đăng ký. Hồ Bông có ý định từ trước, nên dẫn vợ đi đăng ký vào đúng ngày 2/9/1964 "cho dễ nhớ". Xong tuần trăng mật, đến ngày 10/9/1964 Hồ Bông ngậm ngùi tiễn vợ bay sang Đông Âu. Cuộc chia tay này hơi dài và hy vọng gặp lại nhau quá mong manh. Năm 1968, khi Thanh Trì về nước thì Hồ Bông đã ba lô lên đường trở lại chiến trường miền Nam trước đó rồi. Cuộc hội ngộ của đôi vợ chồng nghệ sĩ 10 năm sau mới đến. Coi như cuộc chơi ngông hôn nhân của Hồ Bông gặp may.
Cuộc chơi ngông lần hai của nhạc sĩ Hồ Bông khá nguy hiểm, suýt nữa thì ...chết oan. Nghe dư luận an ninh Cục đã có "lệnh mồm" rằng,các đội biệt động Sài Gòn gặp "hai tên" nhạc sĩ Hồ Bông, Thanh Trúc ở đâu thì cứ việc "tiền trảm hậu tấu" vì tội chiêu hồi. Vụ này xảy ra vào tháng 5/1070, khi hai nhạc sĩ Hồ Bông và Thanh Trúc đi thực tế sáng tác ở Công sở Thượng, giáp biên giới Campuchia. Địch tổ chức càn quét vào TW cục, một số cơ quan phải sơ tán qua đất bạn. Hồ Bông và Thanh Trúc cũng chạy sang bên kia biên giới rồi không biết đường nào mà về. Bên Campuchia lúc ấy cũng vừa xảy ra cuộc đảo chính lật đổ ông hoàng Xihanúc, tình hình rất hỗn loạn. Hai người lợi dụng lúc rối ren, khai với chính quyền sở tại mình là Việt Kiều để xin giấy tờ hợp pháp về nước. Xe đò đưa hai ông Việt cộng về thẳng Sài Gòn. Hồ Bông lại nảy ý định chơi ngông, bàn với Thanh Trúc:"Chẳng mấy khi vô được Sài thành, tao với mầy tiếu ngạo giang hồ ít bữa cho thỏa chí rồi tìm cách về lại R. Cũng là đi thực tế sáng tác thôi mà". Kể ra, R ở ngay Tây Ninh, chưa đầy 100km đường xe đò, nhưng không có giao liên thì làm sao về được cơ quan. Lang thang chán ở Sài Gòn, tiền trong túi đã cạn. Hồ Bông rủ Thanh Trúc về chơi thăm bắc Cần Thơ ăn đặc sản miền Tây là món chim chàng riệc rô ti. Thấy có món "333", hai anh em liền kêu đại. Hóa ra nó là bia chai, hồi nào tới giờ chưa dược dùng nên có biết đâu. Thêm mấy chai bia nên hết tiền, anh nhạc sĩ ngông lại tỉ tê rủ bạn về Sa Đéc quê mình thăm ba má và xin tiền. " Mười sau năm xa nhà tao chưa gặp ba má lần nào. Thôi tới luôn đi mầy". Ai dè ba má Hồ Bông nhìn con dửng dưng như nhìn người xa lạ. "Anh đi chỗ khác giùm. Nhà này không chứa chiêu hồi. Nếu cần tiền thì tôi cho rồi đi chỗ khác". Thấy ba mẹ tỏ thái đội cứng rắn vì tưởng mình chiêu hồi thật, Hồ Bông phải trình bày hết sự việc và đưa giấy tờ giả do chính quyền Campuchia cấp ra. Hai người được gia đình Hồ Bông nuôi "an dưỡng" một tuần, rồi má Hồ Bông gửi họ lên cho cậu Chín trên Sài Gòn, cũng là cơ sở cách mạng, nhờ móc nối đưa hai nhạc sĩ về R. Sau một tháng "tiếu ngạo giang hồ", hai nhạc sĩ được đưa trở lại TW Cục.
Hồi tổ chức đám tang cho cố ca sĩ Quốc Hương, ông Tư Du là tổng chỉ huy các đội biệt động Sài Gòn ngày xưa, chỉ một phụ nữ choàng khăn trắng, bảo Hồ Bông: "Con nhỏ đó được tôi phân công xử ông đó. Nhưng hên cho ông là nó không làm vì hồi đó thương Hồ Bông dữ lắm". Hồ Bông chỉ biết cười. Số tôi còn hên, không bị anh em xử oan. Chớ hồi đó ông bắn tôi thì sau này ai phụ trách đoàn Bông Sen? Vừa rồi ai đưa Quốc Hương đi chữa bịnh, ai lo đám tang cho ổng. Tư Du vỗ vai Hồ Bông: "Thôi! Chuyện cũ bỏ qua". Thực ra năm ấy anh em đều thương Hồ Bông, nên không đưa anh về R theo đường giao thông của cơ quan vì sợ vị anh em bên bảo vệ bắt giữ. Họ đưa hai người theo đường rừng, bí mật tới tận lán của nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng phụ trách bên văn nghệ. Hồ Bông báo cáo: "Thưa đồng chí Huỳnh Minh siêng! Tôi và Thanh Trúc đi thực tế sáng tác, còn sống trở về". Cuối cùng cơ quan cũng họp kiểm điểm kỷ luật hai nhạc sĩ, ới lý do vô thành không được sự phân công của tổ chức. Cảnh cáo nhưng không ghi lý lịch. Quá là may.
Năm 1989 nhạc sĩ có một cuộc chơi ngông nữa, hơi nhuốm vẻ "tráng sĩ vị quốc". Lúc đó quân đội ta chuẩn bị cho đợt rút quân cuối cùng từ Campuchia về nước. Trước đó Đoàn ca múa Bông sen của Hồ Bông nhiều năm gắn bó với vùng biên giới Tây Nam phục vụ đồng bào chiến sĩ ta, được coi như một thê đội của Quân đoàn 4 cùng dọc ngang chiến trường. Vì vậy biết quân ta sắp rút về nước, Hồ Bông lại "nổi máu giang hồ", cùng Minh Tuấn phóng viên báo Công an thành phố HCM đi thưc tế bên nước bạn. Trước khi đi, Hồ Bông đến trước giường bệnh của cha, ông cụ năm đó đã 92 tuỏi và rất yếu. "Con lại sắp đi chiến trường. Nhưng còn lo sức khỏe của ba". Ông cụ động viên con trai cứ đi lo việc dân, việc nước. Ông thấy sức khỏe bình thường. Mới ở KongpongThom được một tuần thì Minh Tuấn đòi về, với lý do làm báo phải về sớm để viết bài. Hồ Bông thấy bạn về, linh tính sao đó cũng về cùng luôn. Tới thành phố HCM, thấy nhà cửa khóa im ỉm. Hỏi bà con hàng phố, họ bảo bà Thanh Trì đưa các con về Sa Đéc rồi. Ông cụ thân sinh anh đã mất ba ngày nay. Hồ Bông vội vàng thuê xe chạy một mạch về quê, vừa kịp nhìn mặt cha lần cuối. Anh về lúc 13h thì 14 h động quan đưa cụ đi an táng. Lần chơi ngông này làm Hồ Bông ân hận một thời gian dài. Dù có tự an ủi rằng mình bất hiếu là do đi làm nhiệm vụ cho Tổ Quốc, nhưng nỗi lòng người con bao nhiêu năm xã nhà, giờ phút lâm chung của cha mà không có mặt mình thì đau buồn quá.
Gặp gỡ vợ chồng nhạc sĩ Hồ Bông lần này, tôi biết được ông chưa bỏ hẳn thói ngông. Đang ngồi uống cà phê với chúng tôi ớ đường Thùy Vân - Vũng Tàu, bỗng Hồ Bông xin lỗi đi mua thuốc uống. Lát sau ngồi xe ôm về, cậu lái xe phì cười: "Tưởng bố đi đâu gấp, ai dè trả 40 ngàn đồng xe ôm để đi khắp thành phố mua một gói thuốc bắc giá 6 ngàn!?" Hôm sau nghe bà vợ kêu ngứa tai quá, mà mất cây móc tai rồi. Hồ Bông lại ngồi xe ôm hết 15 ngàn, đi tìm mấy người bán hàng rong để mua cho vợ cây móc tai giá ...2000 đồng. Hôm chia tay nhau ở Vũng Tàu, tưởng ông đưa vợ về thành phố, ai dè nhận được điện của ông bạn là phó Bí thư tỉnh ủy Kon Tum mời lên chơi, thế là ông đi luôn. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Trì vợ ông cười hồn nhiên bảo, cái nết ngông nó ngấm vào máu ổng rồi, khó bỏ lắm.
Tranh thủ "phỏng vấn"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét