Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

CHỢT NHỚ PỜ-SẢO MÌN

CHỢT NHỚ PỜ SẢO MÌN
                    
                       Pờ Sảo Mìn và PQ ở Hà Giang         Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ của dân tộc Pa Dí "Cây hai nghìn lá" ở Hội VHNT tỉnh Phú Thọ do nhà thơ Ngô Kim Đỉnh dẫn đến. Tôi nghe người đàn ông nhỏ thó có đôi mắt dài và sáng tự khai tên là Bạch Thiếu Minh (ánh sáng nhỏ) lại cứ ngỡ là ông bạn thơ người Hoa nào lạ hoắc. Đến khi Ngô Kim Đỉnh gọi đúng tên Pờ Sảo Mìn thì tôi mới oà nhớ ông nhà thơ Pa Dí có bài thơ nổi tiếng " Cây hai nghìn lá "mồm ngang mũi dọc chính là đây.
 

Hỏi vui Pờ Sảo Mìn, chứ bây giờ cái cây dân tộc Pa Dí nhà anh có còn đủ hai nghìn lá hay nhiều hơn rồi? Anh cười dí dủm. "Mình ang áng rồi làm thơ vậy chứ có đi kiểm kê dân số bao giờ mà biết". Quả thực tộc người Pa Dí của anh ít người lắm, chắc cũng chỉ mấy nghìn người thôi.
Chuyến đi thực tế sáng tác ở Tây Nguyên một tháng do Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức hồi tháng 3/2003 có mặt Pờ Sảo Mìn. Tôi chứng kiến màn uống rượu trên tàu của anh, làm cho một viên cảnh sát đường sắt vì yêu thơ anh mà say bò lê kéo càng, còn anh thì hò hát suốt đêm. Tôi ở toa trên mà nghe tiếng anh ở toa dưới vọng lên " người Mèo có chứ (chữ)rồi...". Nhưng lần ấy tiếc Pờ Sảo Mìn không đi Tây Nguyên cùng tôi. Đến Nha Trang đoàn tôi xuống tàu đi lên cao nguyên, còn đoàn của anh đi tiếp vào Ninh Thuận.
Rồi chúng tôi lại gặp nhau trong chuyến đi Hà Giang cuối năm 2006. Pờ Sảo Mìn vẫn như con mèo ướt vì rượu. Anh nhất định đòi cho tôi ở chung phòng với anh vì "tao thích thằng này không biết say rượu". Lạ thế đấy! Một anh suốt ngày say rượu lại thích ở chung với một tay không biết uống rượu và thường bị nó cự nự nhăn nhó mỗi khi uống rượu ca hát bét nhè ở đâu đó, hai ba giờ sáng mới về gõ cửa phòng. Lúc đầu thì Pờ Sảo Mìn bắt chước tay thống lý người Mông trong phim Vợ chồng A Phủ, lè nhè: " Thằng A...Quý kia...mày là con ma nhà tao...là con quỷ nhà tao...Mày phải mở cửa cho tao". Thấy tôi bực bội không nói gì, lên giường nằm, anh quay sang năn nỉ: "Chú đừng có giận hờn anh như thế. Anh có dám quấy quả gì chú đâu. Chẳng qua là chú cùng tên con Quý nhà anh...". Con gái anh tên là Pờ Sẻo Quý sinh năm 1977, đã lấy chồng và công tác ở Hà Nội. Không hiểu sao con mèo ướt như anh lại sinh ra cô con gái xinh đẹp nhường ấy. Hay là cô giống mẹ? Pờ Sẻo Quý thỉnh thoảng lại gọi điện vào máy của tôi hỏi thăm bố có khoẻ không? Cô dặn: "Anh ở cùng bố em, nhớ nhắc bố uống ít rượu thôi nhé!" Tôi đã phải trả lời ngay cô con gái yêu của Pờ Sảo Mìn rằng chỉ có thể "chăm sóc bố em khi ông ấy say rượu thôi, chứ không thể bảo ông đừng uống rượu".

 
Chia tay nhạc sĩ Nông Quốc Bình
     Pờ Sảo Mìn mỗi khi say lại hát hò liên miên. Được cái giọng của anh khá hay, nếu không mọi người còn khổ hơn.  Pờ Sảo Mìn chơi đàn ghi ta giỏi, hát tiếng Tây cũng giỏi. Anh kể chuyện mấy năm học tập bên Tiệp Khắc (cũ), mấy cô gái Tây mê anh như điếu đổ. Một lần tay quản đốc người Tiệp đưa cả cô vợ xuống xưởng kiểm tra, Pờ Sảo Mìn gạ quản đốc uống rượu. Cuối cùng ông Tây bụng to thua anh chàng Pa Dí còi choắt. " Tao để cho thằng cha say hẳn, mới kéo vợ nó vào phòng...". Tôi thắc mắc sao bà quản đốc không kiện anh? Bên ấy vụ đó nó làm nghiêm lắm cơ mà. Anh cười "Nó thích tao từ lâu rồi". Hình như Pờ Sảo Mìn tin cậy tôi. Những câu chuyện anh kể cho tôi nghe trong đêm cao nguyên đá lạnh buốt đều nhuốm màu giang hồ kỳ bí. Từ huyện Mường Khương xa xôi của Lào Cai, mỗi lần về Hà Nội học là cả một cuộc đi vất vả. Anh nói hồi ấy mỗi chuyến đi là một chuyến buôn...lậu. Hỏi buôn gì? Anh nói tao buôn hàng "quốc cấm". Khiếp không! Người ta thấy tao dân tộc thiểu số, lơ ngơ với can rượu ngô và chiếc điếu cày, ai xét hỏi làm gì. Pờ Sảo Mìn còn khoe với tôi có một khẩu súng hiện giấu trong...nhà giam?! ". Chuyện này có lẽ họ Pờ nói phét trong lúc say rượu để ra oai với tôi, chứ công an nào lại khờ khạo đến thế.
Tôi nói chuyện trước đây có đi Công an vũ trang, nằm biên giới mấy năm, anh khoái lắm. Lần leo lên núi Đồn Cao ở Đồng Văn Hà Giang, đứng trên vách đá thẳng đứng hơn trăm mét nhìn xuống thị trấn, hoạ sĩ Đỗ Đức (Hà Nội) và nhạc sĩ Trần Thức (Tuyên Quang) sợ độ cao đến nỗi đứng không nổi để chụp ảnh, thì tôi lại nhảy ra nắp hầm bê tông vốn là đồn trú của quân Pháp. Đứng ở đó chụp ảnh thì được toàn cảnh thị trấn bên dưới. Anh Đỗ Đức vừa bấm máy vừa run. Chỉ có Pờ Sảo Mìn là khoái ra mặt. Anh đi đâu cũng khoe. "Thằng Phương Quý nhà tao có vó, nó nhảy một phát ra vách đá mà không ngá...". Nếu bây giờ có ai gặp Pờ Sảo Mìn mà buột miệng kể chuyện về Phùng Phương Quý, thế nào anh cũng kể lại câu chuyện kia. Thực ra có tài giỏi gì đâu. Tại tôi chịu đựng được độ cao, thế thôi.
Hôm sắp về xuôi, Pờ Sẻo Quý gọi điện cho tôi. "Anh bảo bố có mật ong tốt mua cho em mấy lít". Tôi rủ anh đi chợ Đồng Văn mua mật, anh lắc đầu. "Tội đ...gì phải mua. Mai tao vào uỷ ban huyện xin phó Chủ tịch Sùng Đại Hùng một can. Nó còn nợ tao bữa rượu vì bài thơ Tiếng chim sẻ trên cao nguyên Đồng Văn đấy". Ngày mai, anh ra uỷ ban huyện và xách về hai can 5 lít mật ong thật. Có vẻ như Pờ Sảo Mìn thích chị em. Đi đâu cũng thấy anh hỏi thăm chương trình "bông hoa nhỏ" ở đây có hay không? Hôm ấy chúng tôi mời được cô giáo Vàng Thị Mỷ người Mông ở Trường Dân tộc nội trú Đồng Văn tới ngồi làm mẫu để ký hoạ và chụp ảnh. Cô giáo Mỷ tuy đã hai con, nhưng mặc quần áo truyền thống của phụ nữ Mông thì rất đẹp. Tối ấy, Pờ Sảo Mìn nhất định rủ tôi tới nhà thăm cô giáo. "Tao nhất định phải tán cô này. Xinh quá!" Không ngờ trên đường tới nhà cô Mỷ chúng tôi gặp hoạ sĩ Đỗ Đức cùng đi. Pờ Sảo Mìn bực bội ra mặt, cứ lủng bủng với tôi là "thằng Đức nó tới làm gì?" Thực lòng anh Đức không có ý gì, chỉ đến để trao chiếc phong bì của anh em hoạ sĩ bồi dưỡng cho cô giáo Mỷ vì ngồi cả buổi chiều làm mẫu.
Đã ba năm rồi chưa gặp Pờ Sảo Mìn, dù vẫn nghe tin trại sáng tác nào của Hội nhà văn VN, của Hội VHNT các DTTSVN anh cũng có mặt. Điện thoại di động thì anh không thèm dùng. "Lỡ say rượu rơi mất thì sao", như anh thường nói. Số điện thoại nhà riêng trên Mường Khương tôi không còn nữa. Có điện hỏi thăm Pờ Sẻo Quý thì cô nói không biết bố giờ này ở đâu. Bất chợt nhớ nhà thơ của "Cây hai nghìn lá". Không biết người con trai Pa Dí tài hoa đang uống rượu và ca hát ở góc trời nào?
                                                                                                                             Miền Đông Nam Bộ 14/9/2009
Xin giới thiệu bài thơ Cây hai ngàn lá của anh cùng bạn đọc

 

Cây hai ngàn lá
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Như cái cây hai ngàn chiếc lá
Ai nuôi ai cái rễ cái cây
Ai yêu ai trong tình yêu thầm lặng
Cái tình yêu bé nhỏ trong cây
Rễ nuôi lá, lá nuôi cây cùng lớn.
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng
Muốn hiểu mình qua bao chịu đựng
Thì cây ơi ! Ta sẽ hát đời mình
Thế kỉ nào gieo mầm trong đất
Hôm nay cây lớn toả sum suê
Con trai cởi trần trong mặt trời nắng cháy
Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày
Con gái cũng vén tay khoe tài
Tước vỏ cây thêu áo đẹp ngày mai
Dân tộc chỉ có hai ngàn người
Biết gọi gió gọi mưa gọi nắng
Chắn suối ngăn sông nước ngược dòng
Ngô lúa cười vui tận chân trời đó
Rượu uống quanh năm nước vẫn chảy về.
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Như cái cây hai ngàn chiếc lá
Núi cao, núi thấp tựa bên nhau
Trập trùng. Trập trùng
Gió reo hát qua hai ngàn chiếc lá
Cây ơi !
30 - 3 - 1983

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét