KHOẢNH KHẮC THĂNG HOA

        Với sự hỗ trợ của hai "Mạnh thường quân" là Lab Fujifilm Tây Ninh  Khu du lịch sinh thái Long Điền sơn (KDLSTLĐS), cuộc Trao giải và Triển lãm ảnh nghệ thuật Tây Ninh lần thứ V diễn ra khá ấn tượng tại trung tâm KDLSTLĐS. Cảnh quan thiên nhiên giúp phá vỡ những tù túng, chật hẹp của các khu triển lãm thông thường, tạo nên sự hoà nhập và thăng hoa cho tác phẩm.

Trong 45 tác phẩm trưng bài tại triển lãm, khách tham quan dễ dàng nhận ra nét tiêu biểu, đặc trưng của miền đất, con người Tây Ninh đã được các nghệ sĩ phân hội nhiếp ảnh bỏ công sức đi tìm, khai thác và trong một khoảnh khắc thăng hoa kịp thu vào ống kính, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật mang tính đương đại. 12 bức ảnh vào giải được Ban giám khảo chấm trước đó vào ngày 15/7/2009 tại Trung tâm VHTT huyện Hoà Thành phần nào khẳng định được chất lượng giá trị của từng tác phẩm. Cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề "Tây Ninh quê tôi" được phát động hơn ba tháng và thu hút 141 tác phẩm dự thi. Tất cả các bức ảnh đen trắng hoặc ảnh màu đều có nội dung bám sát chủ đề, cố gắng thể hiện rõ nhất, nhiều nhất những hình ảnh về con người, mảnh đất Tây Ninh "gian lao và anh dũng". Cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội tỉnh nhà được các nghệ sĩ tuyển lựa đưa vào tác phẩm. Nếu tác phẩm Khung cửa nhà nông của tác giả Lê Văn Đính (giải nhất) bằng cách sử dụng kỹ thuật ánh sáng tương phản đã nêu bật được giá trị kinh tế tiềm năng Tây Ninh là cây cao su, thì Tăng ca (giải nhì) của tác giả Phạm Văn Dũng lại lấp lánh một bước đi mới trong sự nghiệp Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá ở địa phương. Người xem cũng rất hứng thú với những tác phẩm thể hiện sâu sắc hình ảnh gần gũi của người nông dân Tây Ninh chịu thương, chịu khó như Đường về (giải 3)của Dương Đức Kiên hoặc Nắng lên (giải 3) của Huỳnh Đức Nam. Tác phẩm Ớt khô xuất khẩu với gam màu nóng, chủ đạo đã không cần sự hỗ trợ của hậu cảnh mà toát lên được thông điệp muốn gửi đến người xem. Nữ nhiếp ảnh gia Trần Thị Bá có tác phẩm Cho con đường mới, tuy không vào giải nhưng cũng đem lại ấn tượng khá sâu với cảnh nắng nóng, bụi đường và lửa đun nhựa của những người công nhân làm đường. Mồ hôi công sức của người lao động được khắc hoạ sắc nét, thể hiện sức vươn lên mãnh liệt của nền kinh tế Tây Ninh trong công cuộc đổi mới, hội nhập.
Cũng cần nói đến một đặc trưng nữa của Tây Ninh, vùng "thánh địa" của tôn giáo. Các nghệ sĩ không biết đã hết lòng với chủ đề này chưa, mà chỉ xuất hiện một tác phẩm là Thiền viện của Thành Nhiên.  Có lẽ bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc các nhà sư Khơ me đang xây dựng lại chùa Khe Dol xã Thạnh Tân. Nét kiến trúc đặc trưng Khơ me đã mang lại đường nét độc đáo cho tác phẩm, làm át đi điểm yếu của việc sử dụng ánh sáng dễ dãi,đơn giản. Tôn giáo ở Tây Ninh cũng là điểm nổi bật trong đời sống tâm linh của người dân. Nói đến Tây Ninh là du khách nhắc đến tôn giáo, rất nhiều "địa chỉ đỏ" về mảng này chưa được chú trọng khai thác. Tác phẩm Thoát xác của Nguyễn Tấn Hoá cũng mang đậm ý nghĩa "luân hồi" trong đạo giáo, đã đem lại cho người xem những chiêm nghiệm và suy ngẫm. Đi liền với tôn giáo là vấn đề học chữ của bà con dân tộc ít người trong tỉnh, đang được các cấp lãnh đạo quan tâm đặc biệt và có nhiều dự án đầu tư trong tương lai. Bám sát chủ đề này, tác giả Công Danh có tác phẩm Tập đọc (giải KK), phản ánh thực tế trách nhiệm của xã hội với tuổi thơ.
Trong triển lãm ảnh nghệ thuật "Tây Ninh quê tôi" lần này, có những tác phẩm chỉ tham gia triển lãm nhưng cũng gây ấn tượng cho người xem như Kỹ thuật trồng rau của Lê Văn Đính; Long Điền Sơn của Nguyễn Tấn Hoá; Thiếu nữ của Huỳnh Đức Nam; Duyên quê của Trần Thị Bá hoặc có tác phẩm gây xúc động lòng người như Sưởi ấm cho con của Công Danh. Xin mượn lời ông Đổng Đức Thành, Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam để kết thúc bài viết này: " Các nghệ sĩ Tây Ninh ngày càng tự bứt phá vươn lên và khẳng định mình. Các tác phẩm đạt cao về chất lượng, kỹ thuật, góc độ ...để có sự sáng tạo mới".
Xin chúc mừng những khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời của các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh nhà.
                                                                                                 PPQ


ĐOÀN CHỦ TỊCH

Tác giả đạt giải khuyến khích

Ông Dương Văn Phong TUV- TBT báo TN trao giải nhì- ba

Bà Trần Kim Thanh Phó ban tuyên giáo TU trao giải nhất cho tác giả Lê Văn Đính

QuốcViệt và Phương Quý


Tác phẩm Tinh bột xuất khẩu của Châu Sáng