TRÁI TIM MỘT NHÀ THƠ - CHIẾN SĨ
Cuộc đời nhà thơ-chiến sĩ Trần Quang Long thật quá ngắn ngủi (1941-1968), nhưng bất tử với hành trình Nam tiến gian khổ, hào hùng. Ông sinh quán ở làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, lớn lên học đại học tại Huế, từng tham gia các phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn suốt từ Huế đến Quy Nhơn, Cần Thơ, Sài Gòn rồi dừng lại vĩnh viễn ở Tây Ninh.
Trong đêm thơ kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại thành phố HCM, nhà thơ Nguyễn Phước Hải đã nhắc tới nhà thơ –chiến sĩ Trần Quang Long: “ Trần Quang Long từng là Trưởng ban báo chí của Tổng hội sinh viên Huế. Trong từng giai đoạn, ông tổ chức đấu tanh chồng lại chế độ Sài Gòn. Ông còn là Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội sinh viên Sài gòn, tuyển chọn thơ sinh viên “Tiếng hát những người đi tới” để cổ vũ đấu tranh. Thơ ông thường hay nói về TRÁI TIM . Đối với ông, TRÁI TIM và THƠ là một. Trong tim có thơ và trong thơ có trái tim. Cũng trái tim rất thơ ấy bỗng bốc cháy những tình cảm chưa từng có”.
Trần Quang Long từng có các tập thơ Thưa Mẹ trái tim; Vực thẳm và hy vọng; Thơ Trần Quang Long; Sao rừng. Ông cũng sáng tác kịch thơ Tiếng gọi Lam sơn. Tham gia biên tập và cộng tác với một số báo như Đất Mới; Dân; Huế; Tin văn; Đất nước. Năm 25 tuổi, ông viết bài thơ Nhận Diện, với cách nhìn rất nhân văn về chiến tranh. Hình ảnh đối lập rực sắc màu:
Khi anh bắn trái hỏa châu lên trời.
Dưới cánh đồng xanh loang dòng máu đỏ
…
Anh tự bắn mình khi ngắm đối phương.
Đi tới đâu Trần Quang Long cũng gây dựng được phong trào chống chiến tranh. Từ Huế vào Quy Nhơn, ông được bầu làm Chủ tịch lực lượng bảo vệ dân tộc Bình Định. Với nội dung “chống pháo kích bừa bãi, chống chế độ độc tài, tiến hành bầu cử dân chủ”, ông là người cầm đầu các cuộc xuống đường đấu tranh của học sinh, sinh viên, là một “tên tuổi lớn” làm nhà cầm quyền nhức đầu. Ngụy quyền Bình Định đã đánh gãy chân ông, bắt ông vào tù. Ra tù ông tiếp tục vào Sài Gòn tham gia công tác Tổng hội sinh viên Sài gòn. Sau này Trần Quang Long được tín nhiệm bầu là Ủy viên Mặt trận liên minh dân tộc dân chủ Sài Gòn. Trước đó, bài thơ Thưa Mẹ trái tim của ông như là một nhận định về sự hy sinh hiến dâng cho dân tộc, cho đất nước. Lúc đó ông đã linh cảm, mơ hồ nghe được tiếng kêu đau đớn của người Mẹ mất con:
“…Tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm
Qườ quạng xác con trong ngôi nhà gạch vụn
Oanh tạc vùng tình nghi
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya
Từng tràng cười ré lên như địa ngục
Con đang nghe trái tim
Nổ tung thành mảnh vụn
Máu từng dòng im lìm
Máu từng dòng phẩn nộ…”.
(Thưa Mẹ trái tim)
Ngày 11/10/1968, một trái bom đã rơi trúng căn hầm Trần Quang Long và một số đồng chí nữa trú ẩn tại Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Trái tim thơ của nhà thơ- chiến sĩ “nổ tung thành mảnh vụn” khi ANH đang tuổi 27 thanh xuân. Trái tim đó và những bài thơ của Trần Quan Long còn rừng rực chảy đến bây giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét