Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

MIẾU LÀNG CẢ

Miếu làng cả
                              
Cuối cùng thì Uỷ ban huyện cũng đồng ý cấp giấy phép cho làng Cả khôi phục lại ngôi miếu cổ bị phá từ thời "cải cách ruộng đất". Trước đó các vị trong Ban xây dựng đã chạy như cờ lệnh suốt từ xã lên tỉnh, tận dụng mọi mối quan hệ, quen biết để Ban Tôn giáo của Mặt trận tổ quốc tỉnh đồng ý với việc xây lại miếu.
     

       Dân làng Cả bảo: Xây xong miếu, Thần hoàng phù hộ cho mấy ông bà trong Ban xây dựng nhiều nhất. Chuyện thờ cúng không thể đại khái, nên làng cử người tìm thầy địa lí, thầy cúng cao tay xem cho rõ ràng thế đất, phong thuỷ xung quanh. Ngày giờ khai móng, bắc nóc, khánh thành, rồi lễ hô thần nhập tượng, nhất nhất theo bài bản mà làm. Thầy cúng còn dặn, hôm khánh thành nhớ đặt lấy bốn hình nhân dâng cho thành hoàng, vì ngày trước dân làng còn mắc nợ đấy. Chẳng ai rõ làng Cả nợ nần thánh thần những gì, thôi cứ thành tâm biện lễ cho hậu mà kêu cầu. Đáng buồn là người ta quên mất hình nhân thế mạng. Vị chủ lễ hôm ấy bảo. " Chỉ vẽ, làng ta xây chùa là khôi phục lại bản sắc văn hoá tâm linh, không mê tín dị đoan." Chuyện sơ sảy ấy sau dân làng còn ân hận mãi.
Miếu làng Cả ngày xưa nổi tiếng linh thiêng. Nghe kể lại dân làng mấy trăm năm về trước lập miếu thờ một ông tướng họ Trần đã tuần tiết ngoài sông Lô. Miếu thờ vì thế ngày càng được tu bổ lớn dần. Từ cột tre, lá cọ ban đầu, sau là cột lim mái ngói, còn được sắc phong của một ông vua thời Nguyễn. Năm "bốn sáu", Chính phủ Việt Minh kêu gọi "tiêu thổ kháng chiến", miếu bị giặc pháp đốt cháy. Hoà bình lập lại, dân làng thu gom lại cột kèo, tượng phật, ban thờ làm lại miếu. Nhưng đến thời có Hợp tác xã nông nghiệp, xã hội kêu gọi bài trừ mê tín, dị đoan, miếu làng Cả bị phá hẳn. Mái ngói thì đem lợp chuồng lợn cho trại chăn nuôi. Cột lim được cắt ra làm trục lăn lúa chia cho các đội sản xuất. Đám tượng lóc nhóc bị ném ra ngoài đồi. Chỉ còn hai cây nụ cổ thụ trước miếu là còn, làm chỗ trú nắng cho dân làng và lũ trẻ trâu. Chuyện lâu quá rồi, chẳng mấy người nhớ được, có chăng bà Phi cụt tay ở làng trong là lơ mơ hiểu đôi chút. Hồi miếu bị phá lần cuối bà Phi cụt chưa sinh, nhưng nghe đâu cánh tay cụt của bà có liên quan đế đền, miếu.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, hoà bình lập lại chưa được bao năm thì cả nước lại bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Cả nơi heo hút núi đồi như làng Cả, mọi người cũng bị cuốn vào không khí chung sục sôi cứu nước. Hồi ấy ở đâu cũng trương lên khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến". Nội dung khẩu hiệu đã nói lên tất cả. Không có chuyện đi lễ chùa, miếu, không ai thờ cúng thần thánh gì để bị quy là thành phần mê tín, dị đoan.
Hồi ấy miếu làng Cả chỉ còn là túp lều lợp cọ, hoang phế. Đêm đêm tiếng gió hú từ các dộc ruộng vọng lên như tiếng quân binh rên xiết từ xưa vọng về. Đêm mưa rào, có những người bắt ếch bạo gan đi qua khu miếu còn nghe tiếng phun phì phì, giận dữ. Những tin đồn vớ vẩn làm cho người dân lo lắng, còn các vị lãnh đạo xã bực bội. Đang dồn sức cho sản xuất, chăn nuôi, tuyển quân mà cứ xì xầm chuyện ma quỷ, phải dẹp ngay, và số phận ngôi miếu được định đoạt. Trong số tượng gỗ bị ném ra ngoài rừng, một tượng bị nước mưa cuốn xuống đồng. Mấy ông xã viên làm ở lò gạch của HTX nhặt được liền cho ngay vào nhóm lò. Tượng gỗ mít, cháy nỏ và lâu, nhưng lần ấy cả lò gạch 10 vạn viên đều chảy ra, đóng bánh lại như những hình người, phải dùng xà beng cạy mãi mới vỡ ra hết. Ba trong số năm ông xã viên lò gạch về đều ốm liệt giường. Còn ông Trung cán bộ công an xã đi lên đồi chặt lá cọ, lối mòn lên đồi cọ ướt đẫm sương sớm, đầy những cây xấu hổ, cây chó đẻ. ống quần ông Trung bị vật gì kéo lại, nhìn xuống ông hốt hoảng kêu lên vì không phải cành gai mà là một cánh tay trẻ con. Tưởng có trẻ em bị chết mọi người xúm lại vạch cỏ xem, thì đó là bức tượng gỗ của miếu Cả vứt ra rừng từ hồi nào. Ông Trung cười nhạt. "Đã bị ném ra đây còn chưa biết thân, định kêu kiện à?" Sẵn con dao chặt cọ mới mài sắc lẻm, ông chặt phăng cánh tay gỗ. Chuyện đó chẳng ai để ý, chỉ đến năm sau khi vợ ông Trung sinh ra người con gái thứ ba, thì đứa trẻ chỉ có nửa cánh tay trái, y như bị chặt cụt từ trong bụng mẹ. Đó chính là bà Phi cụt bây giờ.
Nhờ có chính sách đúng đắn của nhà nước về tôn giáo, việc xây dựng lại miếu làng Cả đã hoàn thành. Dân làng chuyển miếu lên phía trên cách nền cũ hai mét cho cao ráo. Hai cây nụ to bị chặt hạ, giờ nhân dân tìm bằng được hai cây nụ nhỏ trồng đằng trước miếu, hi vọng đến đời con, đời cháu cây lại xanh và xum xuê tàn lọng như xưa. Kinh phí xây miếu nhà nước hỗ trợ cho một ít, tưởng không đủ xây, ai ngờ nhân dân tích cực đóng góp tiền của, con em trong làng đi công tác trong nước, định cư ở nước ngoài gửi bao nhiêu là tiền về ủng hộ. Thành ra miếu Cả xây to như cái đình làng, có đủ tiền cung, hậu cung, hương án, tượng phật, tượng thần hoàng. Ngày khánh thành Ban Mặt trận tổ quốc xã mời cả được một thượng toạ về đọc kinh làm lễ, hô thần nhập tượng. Đại diện phòng văn hoá , mặt trận tổ quốc huyện và chính quyền các xã lân cận về dự đông đủ, vui vẻ. Dân làng hởi lòng. Ngôi miếu cổ tưởng mất đi nay có lại như phép lạ. Đời sống tâm linh từ ngàn xưa được nối mạch với hiện tại. Người người ngưỡng vọng đức phật cao siêu và thần thánh đã có chỗ mà gửi gấm tâm nguyện của mình. Ngày xưa đã có câu ca dao . "Mắt toét là tại hướng đình/ Cả làng mắt toét chứ mình em đâu". Thế mới biết đình miếu quan trọng thế nào  với đời sống tâm linh của người dân nông thôn. Lần này chắc trời phật phù hộ, độ trì cho dân làng bình an, mạnh khoẻ, cuộc sống bớt cơ cực, nghèo khó.
Ngay hôm sau ngày khánh thành miếu Cả, dân làng chưa hết vui lại phải chịu nỗi buồn vì một cậu thanh niên trong làng bị chết. Đang rất khoẻ mạnh, cậu thanh niên vừa thi vật tay với bạn xong, tự nhiên ngã ra đập đầu xuống đất chết tươi. Pháp y khám nghiệm tử thi cho rằng nạn nhân bị đứt mạch máu não do va đập đầu vào tường gạch. Một tuần sau, tai nạn lại đến, cả làng sững sờ, hốt hoảng khi thấy một chiếc công nông chở hai thanh niên của làng về, đó chỉ là hai cái xác. Hai người này đi xe máy và bị va phải ô tô. Lúc này trong làng mới nháo nhào lên vì lo sợ. Vừa xây miếu xong sao lắm người chết trẻ thế. Có người nói cứng, tai nạn giao thông bây giờ như cơm bữa, nó giáng tội xuống nhà nào thì nhà ấy phải chịu, chứ liên quan gì đến việc xây miếu. Thực ra mấy người hay "mê tín, dị đoan" nhớ ngay đến việc đi xem thầy cúng hồi chuẩn bị xây miếu. Thầy nói làng phải làm bốn hình nhân thế mạng trả nợ cho thần hoàng làng, mà các vị trong Ban xây dựng quên béng đi mất. Thôi! Phải đi kê đệm ngay, không thì gay. Chuyện tâm linh, đôi khi lơ là sẽ phải trả giá đấy. Đang tán loạn cả lên thì lại có tin dữ. Một thanh niên của làng đang làm thuê cho quán thịt trâu ngoài thị trấn, tự nhiên trèo lên cột điện hạ thế để bắt tổ chim sẻ, bị điện giật rơi xuống đường "bất đắc kỳ tử".
Nói chuyện phải trả bốn nhân mạng cho thần linh, nhiều người cười cợt bảo rằng chỉ thêu dệt chuyện trời ơi, đất hỡi. Nhưng việc làm của người dân làng Cả với ngôi miếu làng từ trước tới nay, có nhiều tình tiết không thể giải thích nổi. Ai cho ngôi miếu là thiêng thì nó thiêng, ai bảo chuyện tình cờ, trùng lặp mà thôi, thì cho là việc bình thường. Nhưng nhiều lời nhất là mấy bà già đệ tử nhà phật, các bà cho rằng ăn ở phải nghĩ đến "luật nhân quả". Mình trồng hạt gì, đời con cháu sẽ thu gặt quả ấy.
P.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét