GẶP LẠI TIỀN GIANG
Kể từ đợt đi thực tế sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ Tây Ninh ở Tiền Giang hồi tháng 8/2009, lời hẹn gặp nhau ở miền Đông đến nay mới được thực hiện. Sáng ngày 15/10/2010, đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang đã có mặt tại Tây Ninh.
Quán cà phê trong khuôn viên Trụ sở Hội VHNT tỉnh chợt trở nên chật chội, tất bật những ánh mắt vui mừng, những bàn tay nắm chặt. Trong số 28 thành viên đoàn Tiền Giang, nhiều người từng đến Tây Ninh, cũng có những bạn trẻ đây là lần đầu tiên biết đến vùng đất "mưa dầu, nắng lửa". Tuy hai cơ quan Hội VHNT không có "thủ tục hàng chính" về cuộc viếng thăm này, nhà thơ Nguyễn Quốc Việt Phó chủ tịch thường trực, nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh và nhạc sĩ Đỗ Thanh Hiền nguyên chủ tịch Hội đã có mặt, nồng nhiệt đón tiếp các bạn miền Tây. Sau khi được nhà thơ Nguyễn Quốc Việt tặng đoàn một số ấn phẩm, nhạc sĩ Huỳnh Anh Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang xúc động nói: "Chúng tôi tính né ban lãnh đạo Hội Tây Ninh, vì không muốn làm phiền các anh. Vậy mà các anh thật nhiệt tình chu đáo". Điều này tiếp tục được thể hiện qua việc làm của nhà thơ Nguyễn Quốc Việt. Anh gọi điện cho Ban quản lý Di tích lịch sử -văn hóa Núi Bà, đề nghị cho xe của đoàn Tiền Giang chạy thẳng vào chùa Trung, không phải mua vé và gửi xe, vì sợ anh chị em đang mệt mà phải đi bộ.
Khung cảnh miền Đông xanh biếc màu cây cao su, mì, mãng cầu xen lẫn màu đất đỏ mịn màng, đã làm các VNS miền Tây thích thú, náo nức với những cảm xúc mới lạ. Chú Ba Đức, cán bộ hưu trí, hiện là chủ nhiệm CLB thơ người cao tuổi Tiền Giang đã phải thốt lên: "Tây Ninh mới lạ quá. Thay đổi nhiều quá". Thời kháng chiến chống Mỹ, chú Ba Đức từng nhiều lần lên Tây Ninh học tập trên R. Hồi đó đi theo đường giao liên, chỉ rừng với núi, đâu có thời giờ thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên. Lần khác, trong kỳ Đại hội tỉnh đảng bộ Tây Ninh đầu tiên sau năm 1975, chú Ba Đức là thành viên trong đoàn đại biểu Tỉnh ủy Tiền Giang lên dự họp. Nhưng cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Gặp lại Tây Ninh bây giờ, chú không thể nhận ra cảnh cũ.
Đối với những người bạn thân thiết của Tây Ninh như nhà văn Thu Trang, Phó chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang; nhạc sĩ Huỳnh Anh; nhà thơ Lá Me Trưởng Gia đình Áo trắng Tiền Giang, thì việc lên Tây Ninh lần này là dịp để gặp lại bạn văn chương. Bởi vậy một số VNS Tây Ninh như các nhà thơ Trần Hoàng Vy; Nguyễn Văn Tài, nhà văn Đào Phạm Thùy Trang...đã náo nức chờ đón các bạn Tiền Giang từ hôm trước. Nhà báo Nhất Phượng đang bận bịu cho tờ báo ngày thứ bảy không ra đón các bạn ngay được, cũng điện thoại liên tục hẹn. "Buổi trưa nghỉ ở đâu nhớ báo cho tôi biết nha!".
Trời Tây Ninh mưa lắc rắc như chiều lòng khách. Trèo lên núi Bà mà không nắng, không mưa lớn. Trừ mấy chú có tuổi và các chị hơi...mập, chọn cách lên núi bằng cáp treo, còn thì mọi người gắng sức đi bộ lên tới Điện Bà trên núi. Nhà thơ Lá Me kể rằng, ngày còn nhỏ chị từng được mẹ cho lên núi Bà. Hồi đó đường còn khó đi lắm, chân cô bé muốn sụm xuống vì mỏi nhưng mẹ cô dặn lên núi không được than mệt. Giờ đã ngoại tứ tuần, chị vẫn quyết tâm trèo núi bằng chính đôi chân mình. Trương Trọng Nghĩa Chủ nhiệm CLB sáng tác trẻ Tiền Giang và mấy bận trẻ cùng tháp tùng nhà văn Thu Trang lên đến nơi. Mệt và đói bụng, mỗi người mua một gói xôi hay bánh để trên ghế đá trước Điện Bà, tính vào thắp nhang viếng bà rồi ăn lót dạ. Tới khi làm lễ xong, quay ra thì hỡi ôi, mấy bọc xôi bánh đã toòng teng trên cây bồ đề, trong tay lũ khỉ táo tợn. Nhà văn Thu Trang vừa bực vừa buồn cười. Chị đi mua một gói bánh khác và chai nước, vừa ngồi xuống ghế vừa chê mấy bạn trẻ không cẩn thận. Có tiếng động sau lưng, chị quay lại thì một chú khỉ nhanh như cắt giật mất gói bánh. Mọi người lại phá lên cười. Mấy anh bốc vác ở đó nói vậy là còn hên, chứ có du khách lỡ để máy chụp hình hoặc điện thoại di động trên ghế, coi như tiêu tùng với lũ khỉ.
Chuyến du ngoạn Núi Bà chắc có thêm nhiều tư liệu để các bạn Tiền Giang viết về cảnh vật Tây Ninh. Tại trạm nghỉ số 3, các bạn Tiền Giang đều ùa ra trước lan can, mê mải nắm nhìn những làng xóm trải dài phía dưới với những lô cao su mới trồng thẳng tắp, những vườn nhãn, vườn mãng cầu xòe tán, xa tít tới mênh mông nước hồ Dầu Tiếng. Đẹp quá! Thơ mộng quá. Còn hơn cả cảnh trời mây sông nước Tiền Giang. Các bạn thốt lên như vậy và tranh nhau chụp hình. Thật tiếc trời không có nắng, nếu không những bức hình lưu lại sẽ đẹp hơn nhiều. Dù thời tiết xấu, nhưng lịch trình đã vạch sẵn. buổi chiều đoàn Tiền Giang sẽ viếng thăm Khu di tích Căn cứ trung ương cục. Rừng Lò gò- Xa mát càng trở nên âm u dưới trời mây xám xịt. Cả đoàn ghé nhà khách của Bộ công an để nghỉ. Suốt từ 4giờ 30 phút sáng từ thành phố Mỹ Tho, bây giờ mọi người mới được nghỉ ngơi. Chặng đường xa và cuộc hành hương Núi Bà đã rút hết sức lực các thành viên, nhất là mấy anh. mấy chú cao tuổi. Tắm giặt và nghỉ ngơi. Trời bắt đầu mưa và không thể tranh thủ thăm quan trong rừng được nữa.
Sáng 16/10, thấy nhà văn Thu Trang gọi điện về thị xã Tây Ninh cho một người bạn, thông báo rằng đoàn đang tranh thủ thăm một số nơi, chụp hình. Căn cứ trung ương Cục giờ đây chỉ còn là một Di tích lịch sử. Đã có một thời hàng vạn người con ưu tú của mọi miền đất nước đã tập trung về đây, chiến đấu và xây dựng. Có bạn trẻ Tiền Giang tha thẩn bước chân, cố hình dung mấy chục năm trước cha anh mình từng nằm hầm dánh giặc ở chỗ nào. Người xúc động nhất có lẽ là chú Ba Đức. Rừng đã xanh trở lại, mọi dấu tích chiến tranh chỉ còn là phỏng đoán. Chú không thể tìm lại bước chân của chính mình giữa một vùng đất mới đang hồi sinh, phát triển.
Buổi trưa các bạn Tiền Giang quay lại thăm chợ Long Hoa. Đoàn không đi luôn sang Bình Dương như dự tính. Tình cảm với Tây Ninh còn quyến luyến lắm. Mọi người muốn ghé thăm chợ Long Hoa, một trung tâm thương mại có tiếng cả về quy mô và lịch sử. Thôi thì thương nhau cho trót. Nếu đất Tiền Giang năm trước trải lòng sông nước đón bạn văn Tây Ninh. Mênh mang tâm tình suốt từ Rạch Gầm tới Ấp Bắc, Chợ Gạo, Mỹ Tho. Thì hôm nay đất Tây Ninh cũng lưu luyến chút tình với thời giờ ít ỏi. Mỗi nơi điều kiện mỗi khác, cũng mong gặp lại Tây Ninh lần này, các bạn Tiền Giang sẽ giữ lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và cảm thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét