Những ánh lửa rừng
Bạn gái tôi quê ở một huyện miền núi phía tây Phú Thọ,cuộc sống của người dân nơi đây gắn bó với rừng với bao nhiêu kỉ niệm vui buồn, đến khi con người quá lạm dụng vào rừng, thì gặp sự phản ứng của rừng, như câu ngạn ngữ "ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Những câu chuyện bạn tôi chứng kiến và ám ảnh suốt đời chính là cái nợ con người đã và đang phải trả cho rừng.
•· Phần 1- Con gấu đen
Trại giam TL ngay cạnh nhà Đào. Ngày ngày cô bé quen với cảnh những tù nhân mặc quần áo sọc lặng lẽ vác cuốc xẻng,quang gánh ra cải tạo ngoài cánh đồng sát bìa rừng .Đào còn nhớ những ngày cuối năm rét mướt, sương muối phủ trắng mà mấy thửa ruộng trồng rau của trại vẫn lên xanh mơn mởn.
Chú Dục quản giáo của trại thỉnh thoảng phàn nàn ruộng bắp cải hay bị nhổ trộm, ven ruộng có những dấu chân thú nhỏ lượn quanh, người dân ở đây bảo trong rừng có con gấu đen hay ra phá vườn. Chú Dục nghi con gấu đen nhổ bắp cải của trại nên mấy lần đem súng ra rình bắn. Con gấu không thấy xuất hiện. Chỉ có cô bé Đào là biết con gấu bị oan, bởi những chiều thả bò cạnh ruộng rau của trại cô thường tò mò nấp xem những người tù tự giác trông thế nào? Thì ra họ cũng vui vẻ, tán dóc và ca hát như những người ngoài xã hội, chắc chắn một điều là họ đói, nhiều lần Đào thấy những người tù lén khoét một lỗ nhỏ trên thân bắp cải, bỏ muối vào trong rồi cuốn lá bắp cải già che lại, hai ba hôm sau đi làm, họ nhổ cây bắp cải lên ,chia nhau ăn .Muối trong bắp cải đã biến phần lá non bên trong thành món dưa cải ăn rất ngon. Con gấu đen tất nhiên chẳng được miếng nào nhưng vẫn là đối tượng săn bắn của chú Dục.
Bác Hân trưởng xóm mới ngoài năm mươi nhưng hay lo việc bao đồng. Ngoài việc làng xóm, việc xã hội, bác còn lo cả việc biết đâu con gấu đen vào làng phá phách, đánh người, rồi lo cả việc sau này mình chết sẽ an táng ở đâu? Buồn cười nhất là lần bác Hân tìm được một cây Dổi to hơn vòng tay ôm người lớn, bác xẻ gỗ bán được món tiền rồi nghĩ đến đóng cho mình cỗ hậu sự, sau này vợ con đỡ phải lo. Người làng cười ông lo vớ lo vẩn, người to như gấu biết khi nào chết mà lo quan tài? Bác cười hì hì bảo. Các cụ nhà tớ trước kia đóng hậu sự để sẵn hàng chục năm mới qua đời, mình cứ đóng để đấy, càng yên tâm chứ sao. Chỉ có điều ông cụ Nhân thợ mộc nhất định không đóng quan tài vào ngày mùng 3 tháng chạp. "Tôi năm nay ngoài 80 tuổi, đóng không biết bao nhiêu quan tài nên có chút kinh nghiệm. Nhà bác để ngày khác hãy đóng, hôm nay ngày vong chủ, đừng nên đóng". Bác Hân khoát tay cười. "Cháu không phải người hay mê tín dị đoan, không sợ gì cả. Nhân có mấy anh em bạn xẻ gỗ chở về giúp, cháu làm con cầy uống rượu, cụ cứ đóng cho cháu, rồi trưa nay sang ăn cơm với anh em chúng cháu nhá. Cụ Nhân mấy lần gàn rằng hoãn, bác Hân cứ khăng khăng. Cứ đóng, chết cháu chịu. Cụ Nhân chép miệng. Con người ta có số cả, biết đâu nhà nó mệnh cao. Thế rồi cụ bào gỗ, ghép quan tài.
Rừng cuối năm mang mang sương khói, suối như dừng cả lại không chảy được vì giá rét. Người làng không mấy ai vào rừng, những tháng trước đó họ đã chuẩn bị củi đốt cho dịp Tết và cả mùa đông. Ven rừng, vẫn chỉ những người tù tự giác tẩn mẩn với mấy thửa ruộng rau và thi thoảng họ vẫn chén món dưa bắp caỉ làm tại ruộng mà chú Dục công an vẫn nghi ngờ là con gấu đen. Tại nhà cụ Nhân, việc ghép quan tai đã sắp xong, chỉ còn đánh giấy ráp cho nhẵn và sơn đỏ là có thể giao trả cho ông trưởng xóm. Cụ Nhân ngắm nghía mãi chiếc quan tài bằng gỗ dổi nâu bóng, cảm thấy trong đời mình chưa đóng chiếc nào đẹp như chiếc này. Cụ chỉ buồn trong lòng là nó được đóng vào ngày xấu và chủ nhân của nó lại là trưởng xóm. Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng chạp, người trong xóm đang rục rịch rủ nhau ăn đụng lợn Tết. Ông Hân có con lợn gần tám chục cân trong chuồng nhưng chưa nhận lời đụng với ai, ông định bụng rình bắt con gấu đen. Làng ăn thịt lợn, mình ăn Tết thịt gấu, chả oách hơn ư?
Chiều chạng vạng, ông Hân lưng đeo dao, tay xách súng kíp một mình vào lặng lẽ vào rừng. Sợ con gấu phát hiện ra, ông mặc bộ quần áo đen để hoá trang. Buổi trưa nghe con bé Đào nói lấp lửng có con gấu lại về nhổ mất mấy luống bắp cải của trại giam, chú Dục công an đang doạ rình bắn con gấu đem nấu cao và lấy mật. Mình không nhanh thì thằng Dục bắn mất, nó nổi tiếng bắn giỏi nhất trong các kì hội thao của công an tỉnh và cả trong những cuộc đi săn trong rừng. Bác Hân dặn người nhà. Tao vào rừng, tối mới về, cấm nói với ai nhé .
Lúc đầu bác Hân kiểm tra lại dấu vết con gấu gần khu ruộng rau của trại giam. Nếu con gấu hay lảng vảng ở đây thì việc rình bắn không khó lắm vì chỉ có mỗi lối mòn từ cửa rừng ra, cứ phục tại đó thế nào cũng tóm được cu cậu. Những người đi rừng hay gặp gấu đen thì bảo nó là con gấu mới lớn, chỉ nặng chừng bảy, tám mươi cân. Nhưng phục bắn nó cũng phải cẩn thận và quan ttrọng nhất là phải ra đòn nhanh và chí mạng mới tránh được gấu tấn công lại.Tuy không có súng tốt như công an Dục, bác Hân rất tự tin vào khẩu súng kíp nòng dài mét rưỡi và tài bắn của mình. Gần ruộng rau không có dấu vết mới, chắc con gấu lười ra vì trời rét. Đã vậy ta vào rừng tìm mày. Bác Hân nói với con gấu thế rồi theo lối mòn, rẽ ngang ở chân suối.
Trời về chiều. Khí lạnh tụ lại ở chân trời vàng xám, ngoằn ngoèo mấy vệt mây đỏ quạch như máu loãng. Lối tắt vào khu rừng rậm nơi có thể con gấu đang ngủ lổn nhổn đá hòn và những gộc cây mục từ năm nảo năm nào. Qua được vạt dốc chằng chịt dây leo, lằng nhằng gai song mật là xuống đến thung lũng đầy lau sậy. Phía bên phải thung lũng có những hang đá nhỏ, có thể con gấu trú trong một hang nào đó. Bác Hân căng mắt nhìn, hai tay vạch lau sậy, rẽ thành lối đi.
Chú Dục rất bực mình vì mấy luống rau bị nhổ trộm. Bên luống su hào không bị mất cây nào, chỉ mất bên luống bắp cải. Rõ ràng là con gấu ăn trộm vì nó nhổ cả gốc lên, nếu là kẻ trộm thì nó phải lấy dao cắt gốc chứ ôm cả rễ, cả đất về làm gì cho nặng. Bắp cải chắc mềm và ngọt hơn nên con gấu quen mùi chén mãi. Buổi chiều ăn cơm xong, chú Dục lau chùi lại khẩu súng A.K, quyết định bí mật vào rừng tìm con gấu thanh toán nợ. Nếu hạ được gấu, ban giám thị sẽ được bữa tiệc bất ngờ, chú Dục sẽ được cái mật mang về xuôi, đủ tiền sửa lại cái bếp cho vợ. Buổi trưa chú đã xách súng ra ven rừng thăm lại dấu vết, tính vào rừng luôn nhưng chợt nhớ ra trận giao hữu bóng chuyền chiều nay giữa hai tiểu đội. Chính lúc chú lúi húi thăm vết chân gấu, cô bé Đào đi chăn bò đã nhìn thấy và về nói lại đến tai bác Hân. Bắt đầu từ phía mặt trời lặn, chú Dục lội tắt qua đàu con suối, men theo bờ bên phải có những cây dọc quả chín vàng. Những quả dọc chín nục tụt cả cuống rơi quanh gốc, vị chua ngọt chắc con gấu thích ăn. Tìm quanh quẩn vạt bờ suối có nhiều cây dọc, chú Dục không phá hiện ra dấu vết của con gấu đen. Gió lạnh thổi nhẹ từ đằng trước tới, chú Dục vội băng tắt về phía trái bìa rừng, định bụng vòng lên phía đầu gió để tránh bị con gấu ngửi thấy mùi lạ. Gặp lối đi xuống thung lũng, chú thận trọng dò từng bước chân tránh phát ra tiếng động. Người ta bảo gấu hay ngủ ttrong hang ở thung này. Đang đi chợt chú dừng lại, nghiêng tai lắng nghe. Hình như phía bên phải có tiếng sột soạt. Kẻ trộm rau đây rồi.Tiếng động lớn dần và chú Dục như nghẹt thở vì mừng. Cách chú khoảng trăm mét về phía phải, bóng con gấu đen xuất hiện. Nó chui qua đám lau sậy rậm rạp, tiến về phía những cái hang chú Dục định tìm. Hồi hộp quỳ một chân, giương súng lên nín thở. Con gấu đen thẫm gù gù tiến lại. Một loạt ba tiếng nổ nối liền nhau. Con gấu hự một tiếng rồi gục xuống, không vùng vẫy được tí nào. Chú Dục chạy tới, vẫn cảnh giác chĩa súng về phía con gấu nằm lù lù. Nó chết hẳn rồi không thấy cựa quậy gì nữa. Chú Dục cúi xuống nhìn cho rõ chiến công của mình. Bỗng chú kêu: "Trời ơi!" Ngã phệt xuống cỏ. Dưới đất không phải là con gấu đen mà là bác Hân trưởng xóm, người quen của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong trại giam. Ba viên đạn phá tan từ bụng dưới lên đến chấn thuỷ, làm ruột gan bác Hân xổ cả ra ngoài. Chú Dục vội vàng cởi áo cuốn quanh bụng nạn nhân cõng lên một tảng đá cao, bẻ cành cây đắp lại rồi chạy về báo cáo lãnh đạo.
Trong xóm trời sập tối nhanh, cụ Nhân thấy sốt ruột quá, soi đuốc sang nhà bác Hân, định bụng thông báo cho trưởng khu mai cho người sang nhà khiêng cỗ hậu sự về. Cậu con trai lúc đầu thì dấu, không nói bố một mình đi vào rừng, nhưng khi cụ Nhân nói ban nãy nghe có ba tiếng súng nổ trong rừng, thấy sốt ruột lắm. Người con mới hốt hoảng nói thật bố mình vào rừng săn gấu từ lúc mặt trời sắp tắt giờ chưa về. Cụ Nhân linh tính chuyện chẳng lành liền hô hào người lớn trong xóm dập nứa bó làm mấy bó đuốc dài vào rừng tìm bác Hân. Tiêng mõ, tiếng hú gọi âm âm rừng sâu. Đến gần thung lũng mọi người thấy thoang thoảng mùi tanh của máu và tử thi. Lần theo mùi tanh họ tìm thấy xác bác Hân trên tảng đá cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét