Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

TẾT TRÊN ĐẤT NHẬT

Bài của Nguyễn Tuyết Mai in trên Văn nghệ Tây Ninh số Tết

            TẾT TRÊN ĐẤT NHẬT

Nhìn tờ lịch dày đặc kín mít những buổi đi học cắm hoa, đi dự tiệc liên hoan cuối năm vào những ngày cuối tuần, lòng thấy buồn nhiều hơn vui. Đã mười bảy năm xa quê,  mỗi năm qua đi là tuổi lại thêm già. Nỗi nhớ quê hương cũng dồn nén hơn, mỗi khi mùa xuân về, Tết đến.
Những ngày cuối năm trên đất Nhật, đi siêu thị, ghé chỗ "chợ hoa" thấy nhộn nhịp khác thường. Các bà, chị em, thậm trí cả mấy vị đàn ông cũng muốn ghé vào ngắm những bó hoa tươi, thơm ngát, nồng nàn và ấm áp... Cảm giác nhớ Tết Việt cứ lâng lâng trong lòng.  Bây giờ đang là cuối mùa thu bên Nhật, những cành khô trụi lá, lác đác một vài cánh lá mỏng manh phất phơ còn sót lại, chỉ cần gặp cơn gió nhẹ, lìa cành nhẹ nhàng rơi xuống. Những đám lá vàng, nâu khô cong đâu đó vẳng nghe tiếng giẫm chân xào xạc của mùa mới đang về.  Cảm giác chợt buồn mênh mông thật khó tả. Nhưng nỗi buồn hiện hữu nhất trong tôi, lúc này là nỗi nhớ quê hương, nhớ Tết nguyên đán cổ truyền mà cho dù có đi bất cứ nơi đâu cũng không thể nào quên.
Nhớ những năm xưa ở quê nhà. Mỗi lần chuẩn bị đón Tết, mẹ cặm cụi ngồi đảo nồi bánh bánh tẻ trong góc bếp. Bố ngồi ngoài góc sân làm món chả bọc lướt”, tiếng băm thịt gõ xuống thớt gỗ nghe thật vui tai, náo nức. Và không năm nào bố để thiếu món chả lỗ”, là món thịt nạc xiên vào que tre rồi đem nướng dưới than hồng, một món ăn rất quen thuộc của quê hương Phú Thọ. Hai Tết nay, bố đi xa, không biết nhà có ai thay được bố gói chả và làm món thịt có lỗ cúng Tết?!   
Nhớ lại những năm đầu tha hương “đất khách, quê chồng”,  không được về thăm gia đình cùng chung đón Tết. Ở bên chồng con thật đầm ấm, mà vẫn thấy mình lạc lõng, bởi hai nên văn hóa hoàn toàn khác biệt. Người Nhật chỉ ăn tết dương lịch. Năm nào tôi cũng lo đón mẹ chồng đến ăn Tết cùng cho gia đình cho vui, ở một mình trong khu nhà tập thể, cách đó 300 cây số. Cô con dâu Việt lo đảm đương tất bật ba ngày Tết cho cả nhà, mà trong lòng chẳng có hơi hướng gì của Tết. Đến ngày Tết âm lịch cổ truyền của Việt Nam, tôi vẫn phải rời nhà đi làm bình thường. Những năm không đón Tết cùng  cộng đồng người Việt bên này, tôi vẫn chuẩn bị một mâm ngũ quả, cũng làm cỗ Tết có nem Hà nội, có thịt gà quay hoặc luộc, xôi đậu xanh và bát canh măng nấu miến hầm hạt sen, nồi canh đông mộc nhĩ thật ngon lành... Chỉ khác là không có bàn thờ để cúng Tổ tiên. Tôi mời mẹ chồng và mấy người bạn Nhật thân thiết tới cùng ăn và giới thiệu cho họ biết phong tục ngày Tết của Việt Nam, họ thích thú và ngạc nhiên, háo hức thưởng thức các món ăn tự tay tôi làm. Tuy vậy, vẫn thiếu bánh chưng xanh và dưa hành, như mất hẳn đi một “nét” văn hóa độc đáo của Tết Việt.

Rồi thời gian sau, khi mối quan hệ được nhân rộng ra, tôi quen biết một số anh em, bạn bè là du học sinh, là thạc sĩ, là tiến sĩ người Việt đang sống làm việc và học tập ở Tỉnh nhà, thì cũng là lúc tôi “được” ăn Tết âm lịch đều đặn và đầy đủ hơn. Hội người Việt xa xứ ở thành phố Isahay, tính trên đầu ngón tay chỉ trên dưới hai chục người, nhưng họ về Việt Nam ăn tết cũng gần một nửa. Số còn lại thì tập chung tại phòng của một em nào đó hơi rộng một chút, đủ chỗ cho trên 10 người dự tiệc. Rất tiếc, nhà tôi ở khu phố khác, hơi xa nơi sinh viên học tập. Chồng tôi tuy là người Nhật, nhưng đặc biệt rất hiếu khách, rất thoải mái tiếp đón bạn bè của vợ tới nhà chơi, nhưng vì trở ngại xa xôi nên mọi người cũng ngại đến. Nếu mọi người tới dự Tết sẽ khó khăn cho việc đi lại, nhất là trở về vào lúc đêm khuya. Bản thân tôi cũng muốn cho chồng và con tìm hiều về văn hóa lễ tết của quê ngoại, nên năm nào cũng thủ thỉ bàn chuyện đi ăn tết với hội sinh viên cách nhà 30 cây số, được chồng và con vui vẻ chấp thuận ngay. Chuẩn bị cho tiệc Tết, chúng tôi mua nguyên liệu có bán trên mạng, bởi chỗ tôi ở rất ít người Việt sinh sống. Việc tìm kiếm nguyên liệu thực phẩm cho bữa tiệc làm món ăn Việt hơi khó khăn. Tôi nhớ một lần đến chơi với cô bạn cũng lấy chồng Nhật, nhà ở một tỉnh khác. Hai chị em rất thích ăn bánh chưng, bàn nhau làm bánh mà không kiếm đâu ra lá để gói, quanh quẩn tìm kiếm mãi thì chúng tôi phát hiện ra nhiều bụi lá nhìn rất giống lá dong, trồng  trên một ngôi Đền. Người Nhật thường dùng lá đó để miếng cá sống, sushi hoặc là để bánh mochi chứ không dùng để gói bánh như người Việt. Nhưng không biết làm sao để lấy lá đó được, không dám “ăn trộm”, đành ngậm ngùi nuối tiếc. Một lần khác, cô bạn tên H, cũng vào dịp Tết nhắn tin rủ tôi đi xin lá chuối về gói bánh chưng. Nhưng biết ai có mà xin, thi thoảng trên đường đi có một vài bụi người ta trồng để làm cảnh mà xin được sao. Nhưng cũng có năm được một vài em sinh viên mới sang đúng vào dịp Tết, họ đem theo bánh chưng, giò chả và các thực phẩm khác nữa thì chúng tôi cũng có một cái Tết rất hoành tráng trên đất nước bạn xa xôi này. Ngoài ra chúng tôi tự gói giò chả, tự gói bánh chưng bằng giấy bóng láp vì bí nhất là ở Nhật không hề tìm thấy có lá dong rừng hay lá chuối tươi để gói. Được cái thanh niên sinh viên Việt Nam sống ở đây ai cũng khéo tay hay làm. Tết là dịp những người con xa xứ “khắp mọi miền về đây chung vui”. Thật thú vị và bất ngờ, ẩm thực bữa tiệc Tết bao giờ cũng góp mặt các món ăn đặc trưng của ba miền. Đầu tiên chúng tôi lên danh sách số người tham gia, thống nhất thực đơn, rồi phân công nhau mỗi người làm một vài món tại nhà, sau đói đem đến cùng bày tiệc Tết. Có một anh người Hà Nội sang nghiên cứu sinh 2 tháng, đúng vào dịp Tết cũng tới dự, đã  xung phong làm món giò xào và nem thính rất ngon. 
Tìm mua thịt gà cả con quả là hiếm, thi thoảng ở cửa hàng bán đồ ăn đông lạnh có bán gà cả con, là loại gà già người Nhật thường mua về hầm nước dùng  để ăn phở. Tết Việt phải có món gà luộc, nên chúng tôi đành  mua về thay thế. Trông rất hoành tráng, nhưng ăn thì dai nhách. Đước cái hoa quả ở đây sẵn, rất nhiều chủng loại, đẹp, ngon mà không lo độc tố. Mấy em gái trẻ đẹp luôn chọn công việc cần sự khéo tay là bày mâm ngũ quả thật to. Tôi tự làm món mứt gừng và mứt cà rốt ăn trong mấy ngày cho có hương vị Tết. Có năm tôi gọi điện về Việt Nam kể cho mẹ nghe chuyện thèm các món ăn của quê hương, mẹ bảo ở nhà làm nhiều món quá mà chả có người ăn, còn con gái ở bên đó muốn ăn mà không có. Thế là hai mẹ con nước mắt lại vắn dài...
Vui đón Tết ở quê người

Tết xa quê đối với tôi thì có nhiều kỷ niệm lắm, những kỷ niệm quan trọng của cuộc đời tôi luôn gắn bó với Tết, như năm 2001, cũng Tết con Rắn . Đúng trưa mùng 1Tết tôi nhập viện để sinh em bé. Cậu con trai đầu lòng của tôi đã ra đời lúc 14 giờ ngày mùng 2 Tết. Năm ấy, hình như gia đình tôi ở Việt Nam đã nín thở hồi hộp, đợi tới lúc tin báo tôi đã  mẹ tròn con vuông”, cả nhà mới thở phào và ăn Tết.
Tiệc tết năm con Rồng, hội người Việt chúng tôi rất đông vui, nhiều thành viên mang cùng tới. Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam chúng tôi thường hẹn nhau gặp gỡ vào ngày nghỉ gần Tết Việt nhất để được nán lại với nhau thật lâu, trong  không khí ấm cúng của Tết cổ truyền. Cho đến gần sáng, một số rủ nhau đi Đền, Chùa thắp hương cầu may như người Nhật vẫn thường làm vào đêm cuối năm. Thế là những năm gần đây, gia đình tôi được ăn Tết quây quần cùng với hội người Việt xa xứ. Để được cảm nhận như đang trở về quê hương ăn Tết, hòa trong hương xuân ấm áp chân tình như ruột thịt tại xứ người.
Ngoài kia, nhiệt độ có lúc xuống dưới âm độ C, tuyết rơi ngập trắng xóa các bến xe, các con đường trong khu phố nhỏ, lạnh cóng, rét buốt. Nhưng trong căn phòng chật hẹp nào đó, vẫn ấm áp tình người Việt xa xứ đang nhộn nhịp đón Tết quê hương.
                                                           
( Nguyễn Tuyết Mai- Việt Kiều tại thành phố  Isahay - Japan )
                                                                                                 
Mẹ con Tuyết Mai ở Nhật


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét