Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

CẢNH TRÀ VIẾT VỀ THƠ BÀNG SỸ NGUYÊN

Thấy trong tập bản thảo MẤY QUẢ KHẾ CHUA của nhà thơ Cảnh Trà có bài cảm nhận về thơ Bàng Sĩ Nguyên. Mình thích quá mang về đây. Người viết cảm nhận như Cảnh Trà thật khéo và tinh, mong ở Tây Ninh, có được vài cây bút như anh.
xin trân trọng giới thiệu:


 

Bàng sỹ Nguyên

 

                       Vợ chồng đi chợ xuân

 

Núi rừng xa mờ xanh với xanh

Đường non như lưng rồng uốn khúc

Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước

Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh

 

 

Vợ chồng xuống núi đi chợ xuân

Sương sớm còn che như lấp lối

Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân

Vợ thương dìm cương dừng ngựa lại

 

Một dãy rừng mai mờ ướt sương

Đường xuân đưa vợ chồng xuống nùi

Váy vợ phồng căng đầy gió đồng

Đuổi theo vó ngựa mỏi chân chồng

Vào chợ đổi hàng mua vải muối

 

Mắt đưa nhìn quanh thấy rượu nồng

Chồng ghé vào hàng say mấy chén

Vợ bán mua xong dắt ngựa đến

Thấy chồng dím mắt cười nắng xuân

 

Ngả nón tu lờ đưa chồng gối

Xòe quạt bên chồng vợ phe phẩy

Chen chân trong chợ người đi lại

Rực rỡ đường thêu, vòng bạc rung

 

Gió mát nằm lâu chưa hết say

Nâng chồng lên ngựa hàng chất đầy

Vợ đi thong thả theo sau ngựa

Về núi tay cương chồng lỏng tay …

 

 

 

 

 

 

 

Trong sự thẩm định cái đẹp, cái hay của phong cảnh, hoa trái, văn chương … mỗi người đều có một sở thích riêng, không ai giống ai tuyệt đối. Có người chỉ thấy đẹp ở những cây đã được tạo dáng,  uốn vặn hình các loại chim, loài thú. Lại có phái chỉ thích dáng cây ra sao cứ để vậy. Có những chàng trai ưa phụ nữ uốn các kiểu tóc kỳ dị lông nhím, đuôi công … Có chàng thích tóc con gái dài tự nhiên, bông xỏa…

Tôi thuộc loại thứ hai, vì thế từ lâu đã rất nặng lòng với bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên, bởi lời lẽ  chất phác, giản dị và mộc mạc đúng tính cách của cảnh và người vùng cao Tây Bắc.

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên, họ và tên là Bàng Khởi Phụng, sinh năm 1925 ở Bình Lục, Hà Nam trong một gia đình trí thức. Ông đã từng đi bộ đội thời kháng chiến chống Pháp làm báo trong quân đội. Năm 1954 hòa bình lập lại ông học tiếp đại học, ra trường làm ở báo Văn Nghệ, nhà xuất bản Văn học, đã in 7 tập thơ, 1 trường ca, 5 tập truyện và 1 vở kịch.

Tây Bắc núi nhiều, trập trùng, giăng mắc. Dưới chân núi là chổ sinh sống của người Thái, lưng chừng núi là người Dao, cao, cheo leo, hiểm trở nhất là người Mèo (Mông). Chợ vùng cao thường họp ở đồng bằng. Bởi vậy để trao đổi hàng hóa, giao lưu tình cảm … bà con các dân tộc thường đến chợ.

Đây là bài thơ tả cảnh vợ chồng người Mèo xuống núi đi chợ xuân

Một dãy rừng mai mờ ướt sương

Đường xuân đưa vợ chồng xuống núi

Tả cảnh chỗ ở của người Mèo, tác giả chỉ dùng hai câu

Núi rừng xa mờ xanh với xanh

Đường non như lưng rồng uốn khúc

Chưa ai thấy, chưa ai  biết rồng là con vật như thế nào nhưng nhìn con đường từ rên cao đổ xuống như lưng rồng uốn khúc cũng cảm thấy lạ lẫm, hoang sơ và thú vị.

Tiếp đến là những câu thơ nói lên sự bình đẳng giới giữa Nam và Nữ, giữa người vợ và người chồng, tự nhiên, hồn hậu lạ thường. Ngồi trên lưng ngựa để đi chợ xuân không phải là người con trai, không phải là người chồng mà là Vợ ngồi lưng ngựa, vợ đi trước. Còn người chồng thì Chồng nắm đuôi ngưa, chân theo nhanh

Sương ở đâu cũng vậy, xốp nhẹ, nhưng ở vùng cao sương dày đặc đến nổi

Sương sớm còn che như lấp lối

Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân

Vợ thương dìm cương dừng ngựa lại

Xuống núi, đi chợ xuân là một nét văn hóa bản địa của người Mèo. Ở đây ta chỉ mới thấy hưởng cảnh xuân lúc này của người vợ

Váy vợ phồng căng đầy gió đồng

Đưổi theo vó ngựa mỏi chân chồng

Người chồng hưởng xuân theo cách khác

Mắt đưa nhìn quanh thấy rượu nồng

Chồng ghé vào hàng say mấy chén

Ở trên, ta được chứng kiến cảnh người vợ ngồi trên lưng ngựa, đi trước, người chồng nắm đuôi ngựa, chạy lẽo đẽo theo sau, không trách móc, không tranh giành. Ở phần sau, khi người vợ mua bán xong xuôi

Vợ bán mua xong dắt ngựa đến

Thấy chồng dím mắt cười nắng xuân

Ai cười với nắng xuân đây? Hình như cả hai! Chồng say, vừa ngủ, vừa như cười, vợ thấy trong lòng vui quá vì chồng say rất đẹp, thấy người đi chợ đông vui, đường thêu rực rỡ, vàng bạc rung kêu, kê nón để chồng gối, xòe quạt mát để chồng ngủ. Những câu thơ hay như cho ta cùng uống chén rượu xuân vậy. Đúng là  Câu thơ hay, bài thơ hay làm cho người đọc không còn thấy câu chữ, chỉ còn cảm thấy tình người.

Và bài thơ kết cũng thật đậm đà bản chất vùng cao

 

 

 

Gió mát nằm lâu chưa hết say

Nâng chồng lên ngựa hàng chất đầy

Vợ đi thong thả theo sau ngựa

Về núi tay cương chồng lỏng tay …

Tay cầm cương mà say quá không nắm được, ngựa thì đi nước kiệu còn vợ thì bước thong thả. Tất cả hiện lên vẻ tự tin, khoan thai và yên ổn đến kỳ lạ.

 

 

 
Nhà thơ Họa sĩ BSN tại nhà riêng


 

 

 

và ở Tây Ninh

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét