Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

                           MƯA THÁNG BẢY
                                           Bút kí: Phùng Phương Quý

Bây giờ đang là giữa mùa mưa. Những cơn mưa không hẹn trước, thường kéo dài ba, bốn giờ, xối xả trút nước, gió quất ào ạt. Con đường đất đỏ bắt đầu từ cuối đường Nguyễn Văn Linh kéo dài, dẫn về khu rừng 16 mẫu khu di tích lịch sử văn hóa Năm Trại, nước đục ngầu tràn sang hai bên những vườn cao su, nhãn, mì làm ngập cục bộ khoảng nửa ngày.
Cũng một ngày mưa như thế này, anh Tám Hùng trong ban liên lạc cựu chiến binh D26 tới nhà kêu tôi gấp gáp: “Có đi viếng anh Sáu Tòng không? Ảnh mất đêm qua rồi”. Trời đất! Mới ngày hai sáu tháng ba vừa rồi, anh Sáu Tòng còn ngồi nhậu với anh em chiến hữu cũ giữa rừng Năm Trại, “quất” liền sáu câu vọng cổ “Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà” mà. Sao đi sớm vậy?
 Lễ tang anh Sáu Tòng diễn ra dưới trời mưa rỉ rả, trong tiếng mõ tụng kinh rền rền, vỡ tung từng lớp mưa bụi và hợp tấu kèn đồng rộn rã. “Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến đấu…”. Tiếng kèn dội thẳng vào kí ức những người lính một thời trận mạc, khi mà tiểu đoàn 26 của huyện Tòa Thánh (Tây Ninh) được thành lập gấp đúng ngày 26 tháng 3 năm 1975 để phục vụ kịp thời tình hình chiến sự tại địa phương. Anh Sáu Tòng tên thật là Lê Anh Tòng, hồi đó giữ chức chính trị viên, được coi là linh hồn của Tiểu đoàn. Mang tiếng là tiểu đoàn, nhưng quân số chỉ hơn một đại đội chút xíu, chủ yếu tập trung anh em từ các trung đội vũ trang của Trường Hòa; Trường Đông; Năm Trại. Vậy mà D26 cũng có dịp tung hoành đánh giặc khắp từ Chợ Bắp (Ninh Sơn) về Cẩm Giang (Gò Dầu)…góp phần chiến công cho ngày giải phóng 30-4-1975. Tiếc rằng D26 tồn tại được có hơn một năm. Cuối năm 1976 thì giải thể, bổ sung cho tỉnh đội. Thông lệ, hàng năm cứ ngày 26 tháng 3 là anh chị em cựu chiến binh D26 lại tìm về rừng Năm Trại họp mặt truyền thống. Họ từ các nơi trong tỉnh tập trung lại, có những anh chị định cư bên Bình Dương, Bình Phước hay tuốt dưới Cà Mau cũng lặn lội tìm về. Mỗi năm, điểm lại quân số thấy thiếu vắng vài người, do bệnh tật hay qua đời, như trường hợp anh Sáu Tòng vừa nói ở trên.
Nhà tôi thuộc ấp Năm Trại, ở gần rừng, lại là CCB nên hay được mời tham dự buổi gặp truyền thống của D26, cũng là chụp giùm vài tấm ảnh, đưa cái tin lên báo nhà.  Còn lý do tại sao tôi chọn vùng đất Năm Trại này để trú ngụ? Chuyện cũng đơn giản thôi, vì ở đây môi trường trong lành, trật tự trị an tốt. Một lần nhà văn Phan Đức Nam lên Tây Ninh có việc, ghé nghỉ “tệ  xá” của tôi. Chiếc xe tay ga đắt tiền của anh, tôi cứ bảo dựng ngoài hiên, xe máy cùn của tôi còn để tuốt ngoài cổng cơ mà. Đêm ở đây, cứ khóa cổng lại là xong, xe cộ, đồ đạc để ngoài sân chẳng bao giờ mất. Quán ăn sáng trước cổng đến thờ Phật mẫu Trường Lưu, giá chỉ ba đến bốn ngàn đồng một tô bún hoặc hủ tiếu, tất nhiên là đồ chay. Ghé tiệm cà phê Cây bàng, kêu một li cà phê“tốc hành” ba ngàn, uống xong rồi đi làm. Chi tiêu buổi sáng chưa hết mười ngàn đồng. Bữa Phan Đức Nam lên chơi, tôi đưa nhà văn thành phố ghé quán bún của bà Hai Sài Gòn cho lịch sự một chút. “Ông kêu tô năm ngàn hay bảy ngàn?” Tôi hỏi. Phan Đức Nam cười, ghé tai bỏ nhỏ. “Cho tô bảy ngàn đi! Tôi ăn hơi nhiều”. Tô bún bảy ngàn chỉ dành cho mấy người dân đi làm công, bốc vác nặng, cho nên đầy có ngọn, chạm tới mũi thực khách, nhà văn của tôi kêu trời. “Ngon! Nhưng mà nhiều quá!”.
Bà Phạm Thị Bông, hay còn gọi là Út Bông, một chiến sĩ liên lạc của khu căn cứ Năm Trại hiện còn bám trụ tại khu giáp ranh rừng 16 mẫu, ngôi nhà đơn sơ bên bờ kênh nhỏ thường tâm sự với tôi. “Qua ở đây quen rồi em. Từ mấy chục năm trước lận. Mấy ông từng nằm hầm bí mật được tiếp tế, sau này lên lãnh đạo huyện kêu qua chuyển nhà ra gần chợ, gần phố cho đỡ cực. Vậy mà cứ muốn ở đây, hái rau bắt cá sống thảnh thơi. Rảnh rang lại ngồi ôn lại chuyện cũ, những ngày đi tiếp tế thuốc men, vải vóc, pin đèn cho anh em trong rừng, mấy lần xém bị cảnh sát ngụy bắt”.
Thực phẩm, hoa trái ở đây cực rẻ. Chôm chôm chín đỏ hái tại vườn chỉ ba ngàn một kí, ra tới chợ Trường Lưu giá bốn ngàn. Lên tới chợ Long Hoa vọt lên tám ngàn một kí. Nói chung vật giá ở đây quá hợp lí, trường hợp như bà Út Bông “tự sản, tự tiêu” còn dễ chịu gấp mấy lần. Đây là khu trung tâm của họ đạo Trường Đông, bà con đạo Cao Đài mỗi tháng ăn chay mười ngày. Tôi nhờ ăn chay theo vợ mà sức khỏe cải thiện rõ rệt. Chỉ ngặt nỗi, lỡ nhà có khách xa tới chơi nhằm ngày chay, không biệt kiếm đâu ra cá thịt đãi khách, vì cả chợ người ta không bán đồ mặn.
Chiến khu xưa giờ thay đổi rất nhiều. Ngay con lộ đất trước kia nay cũng không còn nhận ra. Từ chợ Quy Thiện dọc theo Thiên Thọ lộ cũ (nay là đường Nguyễn Văn Linh nối với đường Nguyễn Lương Bằng), qua cầu Giải Khổ chừng hai cây số là tới Cung Trí Huệ, gặp cầu Đoạn Trần, rồi mới tới Năm Trại. Tôi nghe bà con đạo Cao Đài nói, con đường về đất Thánh bắt đầu ngược lại, từ Sài Gòn lên qua Thiên Thọ lộ tới cầu Đoạn Trần. Đoạn tuyệt với kiếp trần gian rồi, tới cầu Giải Khổ, sau đó thênh thang tiến về miền đất hứa là Tòa Thánh Tây Ninh. Trước kia đường đất đỏ nhỏ hẹp, gập ghềnh dấu bánh xe bò lút sâu tới gối, lại gặp hai chiếc cầu bằng gỗ chênh vênh, đi vào Năm Trại như đi vào vùng biệt xứ. Nay cầu xây, đường nhựa rộng thênh. Hai bên đường trải rộng những vườn nhãn cao thấp đang vào vụ thu hoạch. Tất cả đều yên bình, nếu như không có tiếng rú ga kinh hoàng của những chiếc xe Honda 67 cũ đã độ lại. Tuyến đường Nguyễn Văn Linh kéo dài, chạy qua trước nhà tôi luôn bị ám ảnh bởi những quái xế 67, tuổi choai choai. Xe Honda 67 dùng để chở nhãn đã được chế lại, chiếc yên chỉ còn lại bằng hai bàn tay, đủ đặt mông, phía sau đặt giá gỗ rộng, chất ngất từ mười đến mười bốn thùng xốp chứa nhãn, tùy theo “công lực” của tài xế. Hàng chất lên rồi, xe chạy hết ga. Nghe tiếng rú của xe chở nhãn từ xa, người đi đường đã tự động dẹp vào một bên, phòng tránh tai nạn.
Anh Tám Hùng cũng là một trong những người bám trụ lại Năm Trại. Nhà anh sát ngay cửa rừng, là nơi tập kết hàng năm của anh chị em cựu chiến binh D26. Tám Hùng ghé nhà tôi, cười bô lô, ba la: “Nghe tin gì chưa? Ông Hai Thước sắp được phong Anh hùng lực lượng vũ trang rồi đó”. Ồ! Vụ này mới, nhưng không có gì ngạc nhiên, bởi ông Hai Thước xứng đáng được phong Anh hùng từ mấy chục năm trước kia, nếu như ổng không thẳng tính, hay đối đầu với cấp trên hồi ấy. Giữa tháng Tư, được ban liên lạc truyền thống D26 giới thiệu, tôi có tìm đến thăm và xin viết về ông. Thời kháng chiến chống Mỹ, ông Hồ Thước (Nguyễn Tấn Phước) là một đại đội trưởng dũng cảm, mưu trí, có trong tay đến 10 Bằng dũng sĩ, gồm 1 Bằng dũng sĩ quyết thắng; 1 Bằng dũng sĩ diệt máy bay; 4 Bằng dũng sĩ diệt xe cơ giới; 4 bằng dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó có một bằng DSDM cấp 2.
Tháng Tư, con đường đất bừng cháy hoa phượng đỏ. Ngôi nhà của ông nằm sâu trong con hẻm thuộc ấp Long Kim, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành. Giữa hành lang hẹp, la liệt những bọc bánh tráng muối ớt vừa đóng. Một ông già móm mém, lưng hơi còng, ngồi tỉ mẩn bỏ từng nhúm bánh tráng vô bịch ni lon. Nụ cười tuy móm mém, nhưng rất tươi khi có người hỏi đến tên Hồ Thước. “Dà! Chính nó đây! Mời ông vô nhà”.
Năm nay 73 tuổi, sức vóc cao lớn đã còng xuống. Ông Hai Thước run run bình trà, hơi thở nặng nhọc, hổn hển. Trả lời câu hỏi xã giao của tôi về sức khỏe, ông cười, thở phì. “Mấy năm nay, nó muốn mệt chừng nào thì mệt, khỏe chừng nào thì khỏe. Bác sĩ khám, bảo tui mắc bịnh hơi thở ngắn. Tính đi trị mà chưa đi được”. Hai vợ chồng già gộp lại có hơn bốn triệu đồng lương hưu mỗi tháng, lại còn phải nuôi thêm cô út ba mươi tuổi chưa có gia đình, cũng không nghề nghiệp. Vậy lý do chưa đi trị bịnh của ông cũng dễ hiểu. Hàng ngày, bà Thanh vợ ông nhận bánh tráng muối ớt về vô bao. Làm nhiều thì được nhiều tiền. Bữa nào khỏe, hai ông bà kiếm được sáu, bảy chục ngàn. Bữa nào mệt, chỉ được ba, bốn chục ngàn, đủ tiền mắm muối. Ông bảo, lẽ ra kinh tế gia đình cũng không đến nỗi nào. Hai anh con trai lớn đã đi làm, có gia đình riêng. Năm 2009, cô Út đang học năm cuối trường Đại học Công nghệ thông tin dưới Sài gòn, cuối tuần về đi chợ mua đồ cho má, rủi bị tai nạn giao thông, cũng là không may gặp một quái xế chạy xe 67 từ trong ngõ lao ra, tông phải. Mấy chú cảnh sát giao thông đến kịp, đưa đi cấp cứu ở bệnh viên Cao Văn Trí, họ lắc đầu bảo đem lên bệnh viện tỉnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh sơ cứu rồi đưa ngay đi thành phố, hết gần năm chục triệu đồng, nhưng hên còn cứu đựơc người. Số tiền nợ đến nay còn chưa trả hết, mỗi tháng lương hai ông bà phải trả nợ hơn ba triệu đồng, chỉ còn lại hơn triệu đồng gạo muối cho ba con người, mỗi người chưa được ba trăm rưởi một tháng, lại còn tiền thuốc men cho cả hai cha con, làm sao đủ xài, thế nên phải nhận bánh tráng về đóng bao. Ông Hai nói phải ráng thôi, ngày khỏe làm nhiều, ngày yếu làm ít. Bà Thanh vợ ông, trong kháng chiến công tác trong Ban dân y tỉnh, có chút kiến thức y tế nên cũng chăm sóc sức khỏe cho chồng con được. Có lẽ đó là lý do trong nhiều lý do ông Hai chưa chịu đi chữa bệnh.
Hỏi ông Hai vậy tên thật là Nguyễn Tấn Phước hay Hồ Thước? Hồi sáng tôi hỏi đường vô nhà ông Nguyễn Tấn Phước, ai cũng lắc đầu không biết. Điện thoại cho Tám Hùng, ảnh nói thử hỏi Hồ Thước xem sao? Ai dè người ta chỉ tới nhà luôn. Ông Hai cười vui, quên cả mệt. Cái tên đó là do anh em đơn vị đặt cho ông từ năm “sáu lăm”, lúc ông còn là Tiểu đội phó phụ trách tổ chiến đấu trong động Kim Quang trên núi. Năm ấy, Mỹ - Ngụy đổ quân đánh chiếm núi Bà. Ông Hai với cây AK đã bắn hạ một trực thăng chiến đấu của Mỹ. Máy bay chưa kịp rớt xuống đất thì tụi trực thăng khác bu lại phóng hỏa tiễn xuống trận địa. Vừa lăn qua ngách hang khác, ông cảm thấy nóng rát người vì hai trái hỏa tiễn bắn vào vị trí vừa đứng. Đại liên từ trên máy bay bắn rát rạt. Trước động, cách vách đá có cái hồ nước sâu chừng một thước, ông nhảy đại xuống để thu hút hỏa lực địch, cứu anh em. Nhảy xuống hồ lặn một hơi, nghe đạn bắn xèo xèo bên trên. Trận đó ông được khen thưởng, rồi nhận bằng dũng sĩ diệt máy bay, nhưng cái tên Hồ Thước do anh em đặt thêm cho đã đóng đinh vào cuộc đời. Thậm chí có hai bằng dũng sĩ còn ghi là “tặng cho đồng chí Hồ Thước”. Ông Hai kêu vợ đem giùm chiếc hộp nhựa cũ, bên trong xếp đầy Huân, Huy chương, bằng dũng sĩ, huy hiệu các loại. Bà Thanh nói không còn đủ 10 bằng dũng sĩ, vì mấy năm trước một cô nào đó trong Ban quản lý di tích lịch sử núi Bà xin mất hai tấm rồi.
Chuyện quá khứ khơi gợi lại bao điều đáng nhớ. Còn trong tháng Tư rực nắng này, người dũng sĩ năm xưa cũng đang dũng cảm vật lộn với hoàn cảnh khó khăn, để chiến thắng số phận. Lẽ ra ông được phong anh hùng LLVTND từ năm 1976. Hồ sơ đã gửi lên quân khu rồi, nhưng có lần mấy chú lính trong đại đội của ông đi chơi, gây lộn ngoài đơn vị. Ông bênh lính, cãi lại cấp trên, thế là mất hết. Nay hồ sơ của ông Hai Thước được xem xét lại, cũng là điều hợp lý, là niềm vinh dự cho người lính già, dù muộn màng.
Trong những cựu chiến binh của D26 cũ hiện đang sống ở Tây Ninh, anh em thường nhắc đến “tổ tam tam” gần chân núi Bà Đen. Đó là Tám Điền; Năm Phát và Sáu Xuân. Dù sau cuộc chiến đã bốn chục năm, số phận mỗi người một khác, nhưng họ vẫn gắn bó, thương yêu nhau. Tám Điền có một vườn mãng cầu gần khu khai thác đá thuộc núi Phụng, giáp ranh núi Bà. Ngày chủ nhật, tôi được mời lên đó cùng mọi người mần thịt chó nhậu chơi. Cuộc nhậu đang đến hồi vui, bỗng ầm một tiếng long trời lở đất. Bụi phía chân núi Phụng bốc mù mịt, đất đá bay rào rào. Một viên đá rơi trúng mái tôn mỏng lủng lỗ bằng vốc tay. Anh Tám Điền chủ nhà hối mọi người chạy ra nấp sau bức vách gỗ trước nhà để tránh miểng  đá văng. Nhưng chỉ có chú Bảy cán bộ hưu và ông Hai hàng xóm là chạy tìm chỗ núp, tôi và Tám Điền, Năm Phát, Sáu Xuân, bốn cựu chiến binh vẫn ngồi lì bên mâm rượu. Anh Sáu Xuân lột cái áo đang mặc ném lên bộ ngựa. “Hồi chiến tranh, pháo nổ rầm trời tao còn ngồi uống trà. Mấy thằng mìn phá đá nầy ăn nhằm gì”. Chúng tôi đang ngồi trong căn nhà tạm của Tám Điền giữa vườn mãng cầu ngay dưới chân núi Bà. Lý do có cuộc nhậu này là chú Bảy kéo hai anh Năm Phát và tôi tới thăm vườn của Tám Điền, nhân tiện xem công việc ở đây có hợp với Sáu Xuân không.
Trừ chú Bảy là cán bộ ngành công an về hưu, còn ba anh em trước kia đều chung một đơn vị D26. Anh Sáu Xuân quê mãi trên Xa Mát, Tân Biên, còn lại hai người đều cùng ngụ tại xã Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh. Súng đạn đã ngưng, nhưng tình đồng đội của họ vẫn gắn bó như ngày nào. Năm Phát có vợ cũng là nữ quân y, sau về mở quầy bán thuốc tân dược, anh thì làm nghề cầu đường. Kinh tế gia đình khá giả, bây giờ Năm Phát nghỉ việc, ở nhà phụ vợ. Tám Điền cũng làm nông nhưng thích làm chủ điền nên gom góp mua được gần ba mẫu đất trồng mãng cầu núi. Chỉ có Sáu Xuân là lận đận, nghèo khó. Người đại đội phó năm xưa đánh giặc giỏi, gan lì, bao lần vào sống ra chết bây giờ rất vất vả. Năm “tám hai” xin ra quân, về nhà đẻ một lèo năm đứa con, vợ tối ngày gồng gánh bán xôi cực nhọc mà cũng chỉ kiếm được ba chục ngàn đồng. Anh lặn lội chạy xe hon da cà tàng qua Bình Phước, sang tận rừng Campuchia để bứt mây về bán. Mỗi tuần đi về chở được ba trăm kí, kiếm được chừng năm trăm ngàn đồng, đủ cho vợ con cầm cự được mươi ngày, rồi lại đi tiếp. Nhà anh gần Vườn quốc gia Lò Gò-Xa mát, nên mấy lần liều vào rừng đặt bẫy bắt chồn đem bán, bị bảo vệ vườn bắt được, may mà họ không đưa sang công an. Bởi thấy bạn cực quá, mấy anh em bàn cách giúp đỡ. Bàn tới bàn lui, cuối cùng họ quyết  định kéo Sáu Xuân về dưới núi Bà coi vườn mãng cầu cho Tám Điền. Lương tháng một triệu hai, cơm chủ bao ba bữa kèm cà phê, thuốc lá. Công việc là coi giữ, chăm sóc mãng cầu. Khi tôi ghé thăm, thấy Sáu Xuân đang lặt lá mãng cầu, cười tươi rói. “Hên có thằng Tám nó thương, chớ không tui còn long đong chưa biết tới khi nào”. Anh nói công việc “nhẹ hều”, chỉ hơi buồn và ớn mỗi buổi trưa bên công trường đá nổ mìn ì đùng nghe mệt đầu quá.
Món “mộc tồn” nấu với nước cốt dừa, không giống thịt chó ngoài bắc, nhưng có món gà nướng do Năm Phát trổ tài, gỡ lại. Những người lính già như trẻ lại bên nhau qua những kỉ niệm thời chiến tranh. Sáu Xuân lớn nhất năm nay sáu mươi tuổi, còn hai người kia đều nhỏ hơn, tuổi Mậu Tuất. Nhớ lại năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, mấy anh em đều còn trẻ. Tham gia đánh giặc mà lòng phơi phới không gợn chút lo lắng, ưu tư.  Năm Phát nhắc lại. “Tụi mầy còn nhớ đêm hai chín tháng tư (1975) không? Mấy anh em lội từ Vườn điều qua Hiệp Ninh trinh sát, tới giữa đồng đụng hai thằng dân vệ. Nó hỏi. Ai đó! Vậy là thằng Tám quất liền nửa băng AK. Trật lất! Phải để anh Sáu ổng bình tĩnh thì bắn lật hết mấy thằng đó rồi”. Năm Phát cau có: “Thì sau tụi nó rủ thêm bọn địa phương quân kéo lại, mình bắn lật hết còn sót có một thằng mà. Hôm sau đánh ở Chợ Bắp, thấy hai chiếc xe GMC chạy qua, hô nó dừng lại mà trên xe có con nhỏ chĩa cạc bin xuống bắn mới ức chớ. Anh Hai Việt ổng phóng cho một trái B41. Cháy rụi!”.
Sau vụ nổ mìn bên bãi đá, trước khi về Năm Phát còn dặn Sáu Xuân: “Thằng Tám nuôi cơm thuốc cho ông hết rồi. Tiền lương gom lại đi, cuối năm tụi tui mỗi người giúp thêm một mớ, mua lấy miếng đất dưới này mà làm vườn. ở trển có bả lo gạo muối rồi”. Mọi người đều nắm tay Sáu Xuân, nói ráng giỏi lên như hồi đánh giặc nghe ông xê phó. Sáu Xuân chùi mắt bằng cánh tay nhọ nhem than củi. Cười mếu.
Trên đường về, Năm Phát nói với tôi. “Còn ông bạn thân nữa cùng nhóm tui. Ghé thăm hông?”. Chúng tôi ghé thăm một người hàng xóm của Năm Phát đang bị bệnh, đó là ông Hai Bảo. Anh nói ông nầy cũng dân làm vườn, hay qua lại giúp nhau rồi chơi thân từ nhiều năm nay. Nhà Hai Bảo ở sâu trong ngõ nhưng rất khang trang. Năm nay đã sáu lăm tuổi, anh bảo mới bị bệnh đau khớp. Trước kia còn khỏe, lo rãy cỏ, tưới nước cho mãng cầu được, nay yếu rồi phải cho người ta mướn. Mỗi mẫu, tùy theo vụ trúng hay bình thường họ trả anh ba lăm hay bốn chục triệu. Bà vợ mấy chục năm nay duy trì nghề bán cá bên Dương Minh Châu, thế nên hai vợ chồng nuôi được năm đứa con ăn học, còn cất được nhà cửa khang trang. Anh chém tay khẳng định: “Tôi là lính chế độ cũ. Chính quyền cách mạng mấy chục năm nay đều đối xử công bằng. Các con đều đã trưởng thành, một thằng là cán bộ Ngân Hàng Tân Biên. Mấy ông tướng này (chỉ Năm Phát) cũng qua lại giúp đỡ, ăn nhậu như bạn thân vậy”. Nay rảnh rang, anh Hai Bảo có điều kiện theo các đoàn đi làm từ thiện. Anh kể từng đi quân dịch hai năm, bị ngã gãy tay anh xin về chạy xe tải chở mì, chở mía. “ Sau giải phóng, những gia đình dính líu tới chế độ cũ vô cùng lo lắng, lo di tản. Tui nghĩ chẳng có chuyện gì ghê gớm đâu. Cách mạng về rồi thì cũng phải lo cho dân mần ăn chứ. Tôi chỉ phải đi học tập có bảy ngày, về lại được đi lái xe”. Anh nói tất cả đều dễ chịu, hợp lý, chỉ mấy năm sau, khi có cuộc vận động “công tư hợp doanh”, nhà anh đem chiếc xe tải tham gia thì…ớn quá. Chỉ ba năm, chiếc xe không được bảo dưỡng, sửa chữa chỉ còn bộ khung sắt vì bị tháo ra, ráp vô liên tục. Anh xin ra khỏi hợp doanh và nhận lại tiền chiếc xe ấy, dù giá tiền chẳng còn được như cũ. “Sau năm 1986, nhà nước đổi mới tư duy, dân tụi tôi sống và làm giàu cũng dễ”. Hai Bảo nhận xét.
Lúc chia tay, có người buột miệng nhắc Năm Phát nhớ quyên góp những người trong đơn vị cũ lấy mớ tiền phụ với các nhà mạnh thường quân để dựng cho Sáu Xuân căn nhà nhỏ. “Để vợ con nó chui rúc trong túp lều trống trước, trống sau, tội nghiệp. Mưa tháng bảy là dữ dằn lắm. Coi anh Sáu Tòng đó. Sống chết biết lúc nào”. Đúng là cơn mưa chiều nay quá lớn. Từ năm giờ chiều vắt qua đêm tới chín giờ tối. Nước dồn về ngập hết lối đi và sân nhà, giày dép không kịp thu, nổi trôi như lá khô. Chỉ ngày mai thôi, nắng lại chan hòa, rực rỡ, mặt đất lại khô ráo. Chỉ có nỗi lo lắng của những cựu chiến binh về đồng đội của mình không biết bao giờ ngớt, suốt dọc tháng bảy nghĩa tình.
                                                                                              P.P.Q



 
lính cựu chiến binh năm xưa

Anh hùng Hai Thước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét