Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

BÍ MẬT ĐÊM GIÁO THỪA-



BÍ MẬT ĐÊM GIAO THỪA

                                                 Truyện ngắn: Phùng Phương Quý

Anh Mười Hên thấy trong ngực ngột ngạt như sắp tắc thở. Ngồi xuống, như ngồi đụng miếng vỏ sầu riêng. Nằm xuống giường, như nằm trên chảo than nướng bánh tráng. Ông bà ơi! Trời phật ơi! Sanh tui ra đặt tên Hên chi cho khốn khổ vầy nè?! 


Ngày tháng gì khốn nạn. Chạy như ma đuổi. Sáng ngày ba mươi trôi qua èo một phát. Trôi lẹ đến nỗi chưa kịp dứt tiếng đay nghiến của mụ vợ mặt mũi chàu quạu. Bây giờ đã sang chiều. Thời gian lại ù ù chạy. Bên kia hàng rào là nhà của Năm Cà rem. Thấy vợ chồng nó hò hét sắp nhỏ phụ lau lá, lựa dây chuẩn bị gói bánh tét mà nôn ruột. Sáng nay còn thấy thằng Năm rinh một cành mai ế trên chợ huyện về chưng bàn thờ. “Có mười lăm ngàn hà. Tao mua về cho con nít nó mừng”. Năm Cà rem hí hửng bảo vợ.
Mụ vợ mập tròn quay lăn từ bếp ra sàn nước, cái miệng chành bành thiếu ba chiếc răng cửa. “Đồ đàn ông cùi bắp! Sao ông không lọt sông chết suối cho rồi. Coi xóm này có ai cực khổ hơn vợ chồng Năm Cà rem không? Vậy mà ba mươi Tết nó có nếp gói bánh. Có tiền mua mai, mua đồ mới cho con. Còn ông để má con tui thân sơ thất sở như vầy. Đồ mới cũng không! Gạo nếp cũng không! Bánh mứt cũng không! Tiền…không!”. Mỗi tiếng “không”, con mẻ ném một chiếc nồi vô xó nhà, nghe cái “xoảng”. Anh Mười co rúm người mỗi khi một tiếng “xoảng” vang lên. Thằng Út 5 tuổi đeo theo ỉ ôi: “Ba…mua cho con bộ đồ siêu nhân đi ba…”. Anh Mười phát khùng. “Siêu… siêu cái con… mẹ mầy! Tao đang tức muốn chết đây!”.
Anh Mười Hên làm nghề bốc vác ở lò mì. Lương, tháng nhiều bù tháng ít cũng hai triệu mấy. Anh kiếm tiền nhiều hơn Năm Cà rem. Thằng chả bán cà rem còn trông trời, trông đất, trông mây…Hên xui. Nhưng nó hơn anh là con vợ ở nhà biết nuôi bầy gà đẻ mấy chục con. Miếng đất sau nhà còn trồng đậu bắp, rau ngò lâu lâu cắt đem ra chợ bán. Con vợ mập ú nhà anh chỉ biết ngày đi chợ làm bà tám, về nấu ăn, đêm quậy cọ không chịu ngủ sớm mà đòi xoa lưng, xoa ngực cho chồng. Con mẻ xoa riết, xoa tùm lum chỗ này chỗ kia, đến lúc anh chịu không nổi bò dậy lao động tiếp ca ba. Lúc đó con mẻ mới dang tay, dang chân ngủ phè phè. Bởi vậy mà cùng đám cưới với Năm Cà rem. Nhà nó mới hai nhóc, nhà anh đã ba nhóc rưỡi. Con mẻ ỷ mình  mới sanh nên chắc chồng không dám “nựng” thành ra sanh sự từ sáng tới chiều.
Đã nói anh Mười Hên mà số xui tận mạng. Lương cuối năm cũng được gần ba triệu. Hôm lãnh lương xong, mấy thằng trong tổ rủ nhau đi nhậu…ôm. Mẹ bà nó. Hồi nào tới giờ anh biết nhậu ôm là gì? Mấy thằng mắc dịch dụ khị “đi cho biết mùi đời”, anh theo liền. Ai dè nhậu xỉn nằm ngả ngớn với mấy em tiếp viên trong vườn nhãn, khi về tới nhà hí hửng móc bóp lấy tiền cho vợ sắm Tết, ai dè bóp rỗng không. Hớt hơ hớt hải kiếm mấy thằng bạn, hỏi tụi nó có thấy tiền rớt đâu không? Tụi nó la trời. “Thôi rồi! Mấy con nhỏ nằm ôm ông chớ không ai hết”. Là nói vậy, chớ chừng cớ đâu mà tới kiếm chuyện với quán nhậu. Không chừng bị mấy thằng bảo kê “dạy võ” cho nữa. Thôi mấy thằng cho tao mượn đỡ chút đỉnh. Không có tiền cho má sắp nhỏ sắm Tết, chắc nó giết tao quá. Mấy thằng bạn đều giơ lộn túi ra than thở. Rằng về nhà nộp hết cho vợ, chớ dám giữ một cắc trong túi chết liền. Vậy là về nhà nói dối vợ. “Tao bị rớt cái bóp đâu mất”. Mụ vợ lúc đầu cười cười. “Tết tới nơi, ba sắp nhỏ cũng biết nói giỡn vui quá ha?”. Nhưng khi biết rằng không còn đồng nào sắm Tết, con mẻ lồng lên như heo rừng. “Ông xuống âm phủ nói với bà nội sắp nhỏ chuyện đó, chớ đừng nói với tui nghen thằng chồng cùi bắp kia. Tui nói cho ông hay. Từ giờ tới chiều không mang tiền về lo Tết, kiếm đường mà đi …”.
Anh Mười phải hứa chạy tới chủ lò mì ứng trước mớ tiền, con mẻ mới nín, nhưng nằm khóc sụt sịt. Anh yên ổn được một lúc, nằm ngoài võng vắt tay lên trán suy tính. Một hồi rồi anh vùng dậy, bỏ ra đường. Mẹ bà nó! Cứ sụt sịt, sụt sịt…Tía nó không chịu nổi… Thà nó cứ nhảy choi choi mà chửi vô mặt anh còn dễ thở hơn. “Đồ đàn bà khùng! Nằm đó mà khóc. Tao đi kiếm tiền đây”. Nói với vợ vậy, anh Mười lững thững đi ra ngõ. Bàn chân vô định, chênh chao giữa không gian thơm lừng hương xuân. Nhìn đàn én chao lượn trên lưng chừng trời, anh ước gì mình được hoá thành chim, bay vút lên trời xanh vô định. Không phải nghĩ tới trong thùng gạo chỉ còn mấy lon. Bột nêm, đường, nước tương…tất cả chỉ là sự phù du trần tục. Anh bay lên cao mãi, hoá thành một con đại bàng dũng mãnh. Mắt đại bàng sáng quắc, nhìn rõ mấy con nhỏ tiếp viên móc tiền của anh. Đại bàng nhào xuống, quắp chặt lấy thân hình mảnh mai của cô gái, mang lên cao. Cô nàng mặt xanh mét, mà cặp môi tái nhợt vẫn tủm tỉm cười. “Trả tiền cho anh đi cưng! Nếu không anh ném cưng xuống đất tan tành thịt xương bây giờ”. Con nhỏ không tỏ ra sợ hãi, mà còn lùa tay vô chỗ kín của anh mà khều khều. Nhột quá, đại bàng buông con nhỏ ra. Nó không rớt thẳng xuống đất mà cứ bay lơ lửng cùng đại bàng, cười rinh rích.
Tiếng phụ nữ éo éo làm anh Mười giật mình, tỉnh dậy. “Tía thằng An coi chừng nồi bánh. Em coi truyền hình chút nha”.  Anh ngạc nhiên thấy mình nằm trên lớp lá khô ở vườn cao su. Một lúc sau Mười Hên mới định hướng được chỗ mình nằm là khu vườn cao su năm mẫu của cô Tư Sài Gòn. Khu này ở cuối ấp, cách nhà anh chừng ba cây số. Không biết anh đi tới đây lúc nào. Đêm ba mươi, trời tối như bình mực. Ánh lửa lem nhem từ cái bếp cạnh vườn. Anh Mười cảm thấy đói quặn ruột và khát nước. Lê bước vô nhà xin miếng nước uống rồi về chớ đi đâu bây giờ. Căn nhà cất trong vườn cao su dành cho vợ chồng người em họ cô Tư ở, vừa trông nom phân, cỏ, vừa thu mủ hàng ngày. Nghe đâu cô Tư trả cho vợ chồng nhà này mỗi tháng hơn bốn triệu, khoẻ re. Khoẻ hơn nghề bốc mì của Mười Hên nhiều lần. Nhưng họ bà con với nhau mà. Ước gì mình cũng có người ba con giàu vậy mà nhờ cậy há.  Mùi bánh tét làm anh lại thắt ruột vì sợ. Giờ làm sao mà về nhà với con heo rừng đây? Nó xé xác anh ra chứ giỡn hả. Bước chân đã dừng lại gần bếp lửa.  Nồi bánh tét sôi ình ịch, mùi nếp, mùi thịt mỡ toả bay ngầy ngậy. Nhà trên tiếng ca cải lương vừa vút lên, rồi xuống xề. Có tiếng vỗ tay lép bép của cô vợ. Cạnh bếp, chiếc xe cúp 80 dựng nghiêng ngửa. Có dáng người chồng nằm úp trên võng, hơi thở nghèn nghẹn, nồng hơi rượu. Thằng nầy vừa cơm no, rượu say, lột cả quần dài vắt trên xe máy kìa. “Ông chủ! Có nước xin miếng đi”. Thằng chồng nằm như chết rồi. Bỗng Mười Hên quên phắt cơn đói khát. Tim anh bỗng tăng nhịp, thình thịch. “Bần cùng sinh đạo tặc”. Anh chép miệng, tự an ủi. Chi bằng ta mượn vợ chồng nhà nó hai cặp bánh tét đem về chưng Tết. Anh nhấc chiếc nắp nồi nóng rãy, suýt nữa ném đi vì bỏng. Hơi nóng phả vô mặt, ngột ngạt. Cầm khúc củi, anh lùa vô nồi, lựa nhấc lên một cặp bánh. Một cặp nữa, rồi…ngần ngừ, anh đậy nắp nồi bánh lại. Thôi! Bi nhiêu đủ rồi. Mong con mẻ không chửi rủa mình là được. Nóng quá, sẵn chiếc quần dài vắt trên xe, anh cuốn hai cặp bánh lại ôm chặt, nhẹ bước ra khỏi vườn cao su. Mỗi bước lại giật mình thon thót vì tiếng lá khô lạo sạo. Ra tới con lộ đất, anh mới rảo bước nhằm hướng nhà mình. Khi chuyển bánh qua một bên cho khỏi nóng, anh phát hiện túi quần trên tay cồm cộm. Chắc là chiếc bóp của thằng chồng. Hên rồi. Bèo gì cũng có triệu bạc ở trỏng. Tha lỗi cho tao nghen mậy. Vợ chồng mầy chắc còn tiền mà.
Đường về tối thui, mà bước chân Mười Hên phăm phăm không vấp té chỗ nào. Mấy giờ rồi ta? Còn kịp cho con mụ mập mua sắm bậy mấy thứ. Mà giờ này ai người ta còn bán mua gì nữa. Thôi cũng còn hai cặp bánh cho sắp nhỏ. Mùng một, ta sắm sửa cho chúng cũng được. Bà cố nội mấy con tiếp viên nghen. Tao mà gặp lại lần nữa, coi như tụi bây …về vườn nuôi chim cút nghen. Mồ hôi nước mắt của tao cả tháng trời chớ ít sao? Tiền nhậu tụi tao trả đủ. Tiền bo cũng “chơi đẹp”. Vậy mà con nào đó móc bóp tao lúc say sỉn. Tụi bay biến tao thành kẻ trộm nè. Bay tưởng tao rành vụ nầy lắm hả. Ông trời còn thương tao nên cho thằng chồng kia say rượu ngủ quên chết, chớ bữa nay nó tỉnh, có nước tao bỏ xứ đi luôn. Tao thề! Tao thề có hai cặp bánh tét đây. Tao mà gặp mấy con đĩ ngựa là coi như bây chết. Ánh đèn chói loà chiếu vô mặt Mười Hên. Anh sững lại, lấy tay che mắt. “Ai chơi kỳ vậy?”. “Công an xã chớ ai! Sắp giao thừa rồi ôm bọc gì đi đêm vậy ông?”. Anh Mười quýnh quáng, chợt nhớ ra thân phận mình. “Dà…em lỡ lần đầu mấy anh”. “Làm gì mà lỡ?”. “Dà…dà…”. Hai bóng đen lù lù phía trước tiến tới sát sạt. “Anh tên gì? Ở ấp nào?”. Mười Hên choáng váng, nước tiểu chảy nóng dưới ống quần. “Dà…em …Mười Hên…dà ấp…ấp 2”.
Trụ sở công an xã bật sáng đèn. Bàn thờ Tổ quốc giữa phòng căng lá cờ đỏ sao vàng. Một bình mai vàng rung rinh trên bàn. Khói nhang thơm phức. Hai người vừa gặp Mười Hên là chú Út Rựa, Phó công an xã và cậu công an viên còn trẻ măng. Họ bảo Mười Hên để chiếc quần và hai cặp bánh lên bàn. “Chú mầy là Mười Hên làm ở lò mì Hai Hạnh chớ gì?”. “Dà!”. “Hồi nào tới giờ chú mầy có dính vô vụ trộm đêm như vầy đâu?”. Anh Mười Hên bật khóc. “Con quẫn trí quá chú Út ơi!”. Trong tiếng nấc nghẹn của người đàn ông, thấy tội nghiệp sao đó. Câu chuyện tới hồi gay cấn là khi anh bị móc bóp, hai người kia cười ha hả. Chú Út Rựa chửi tục: “Đù tía con cóc. Vậy là mò vô quán Ba Bắp chớ gì. Quán đó tụi tao rình hốt mấy lần chưa được đó”. “Giờ xử vụ nầy sao đây chú Út?” Nghe cậu công an viên hỏi, chú Út ngó thẳng vô mặt Mười Hên, quát: “Chùi nước mắt đi mầy! Làm quấy mà bày đặt khóc lóc hả!”. Hai người kéo nhau ra ngoài xì xầm bàn cãi một hồi. Mười Hên chỉ muốn đập đầu vô tường cho rồi. Tiêu đời rồi con ơi. Giờ họ cho mình vô kho, xong tết mới giải quyết. Có khi giải lên công an huyện đêm nay không chừng.
“Mấy thứ nầy chôm ở đâu Mười Hên?”. “Dà. Trong vườn cao su cô Tư Sài Gòn!”. “Rồi! Nhà của vợ chồng thằng Chín Hò. Có nhiêu thôi phải không?’. “Dà!”. Ông Út cầm chiếc quần của Chín Hò, móc trong túi sau ra chiếc bóp sờn rách. “Mầy ghi biên bản đi”. Chú bảo cậu công an viên. Mười Hên không dám nhìn vô chiếc bóp. “Một tờ năm chục ngàn, sáu tờ bạc hai ngàn. Tổng cộng sáu mươi hai ngàn. Mười tờ vé số đài Tiền Giang, sê ri 00345. Một chứng minh nhân dân. Hết. Ký vô đi mầy”. Mười Hên ngạc nhiên sao mình là thủ phạm vụ trộm mà không phải ký? Chú Út biểu cậu nhân viên: “Mầy còn tiền đó hông. Đưa tao mượn đỡ một trăm ngàn”. Trong bóp cậu nhân viên còn một trăm rưởi. Ông Út móc túi ra tờ một trăm nữa, bĩu môi chê cậu nhân viên: “Mày chưa vợ mà dở quá, có bi nhiêu thôi hả. Tao bị thím Út mầy quản dữ lắm, lúc nào cũng để một trăm trong bóp thôi. Còn hơn thằng Chín Hò phải không?”. Ông lại cười khục khục, rồi đưa cho Mười Hên hai trăm ngàn. “Cầm về đưa cho con vợ mầy. Coi như ông Út lì xì cho sắp nhỏ nghen. Bữa nay tao tha, không xử vụ này. Mẹ họ! Lần sau tao gặp như vầy nữa. Đừng hối hận nghen con”. Chú quay qua cậu nhân viên. “Mầy chạy xe tới kêu thằng Chín lên nhận đồ về đi. Nói là thằng trộm chạy mất tiêu rồi”.
Mười Hên ra khỏi trụ sở công an xã, hai tai vẫn ù ù không hiểu chuyện xảy ra như thế nào. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, anh cảm thấy cái tên Mười Hên thật ý nghĩa.
                                    
                                                       P.P.Q



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét