Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

truyện ngắn GÓC TRỜI ĐỎ NHỮNG DẤU SON

truyện in trên báo Văn nghệ thành phố HCM tháng 3/2012
GÓC TRỜI ĐỎ NHỮNG DẤU SON
Truyện ngắn: Phùng Phương Quý

Chị lõm bõm giữa mộng mị đen kịt. Trong mơ, bỗng loé lên màu đỏ như lửa của những chùm hoa gạo. Bên trái la núi Nghĩa Lĩnh sừng sững, thấp thoáng mái đền rêu phong cùng màu lá xanh thẳm, màu mây mờ bạc. Góc trời bên phải là hai cây gạo xù xì u bướu, khẳng khiu những cánh tay. Phía ấy rực màu hoa gạo, trông cứ như nắm than đỏ ném tung lên trời. Đã có lần chị ví von như thế, nhưng anh lại nói nó giống như những vệt son môi các cô gái hôn lên trời xanh. Chị cãi làm gì có nhiều nụ hôn như thế? Anh ngờ nghệch cười. “Chẳng thế ư! Lúc mới yêu người ta hôn nhau ghê lắm, hôn đến tối tăm mặt mũi ấy chứ”. Chị hỏi anh ngay bây giờ có ước mong gì? “Muốn hôn em một cái! Đôi môi em giống như bông hoa gạo kia kìa”. “Chỉ muốn hôn thôi sao?”. Anh gật đầu. Ừ chỉ muốn hôn thôi! Cặp môi ấy mềm và ấm, không hôi khét mùi thuốc lá, không chua mùi rượu bia. Anh gượng nhẹ, như dò tìm cảm giác từ chị. Thân thể chị nóng dần lên. Chị muốn nuốt chửng đầu lưỡi anh, nhưng bị đẩy ra phũ phàng. “Ta về thôi em! Trời chiều lạnh lắm”.

Đêm đặc quánh, lạnh và lặng ngắt. Tiếng chuông đồng hồ trên tường gõ boong boong như tiếng búa trong phòng kín. Bóng tối ngôi nhà ba tầng lèn chặt chị xuống mặt ghế salon da dưới phòng khách. Chồng chị vừa về lúc bảy giờ tối, ngột ngạt mùi rượu và mùi thịt chó. Từ trẻ ông đã nghiện thịt chó, cả tuần ngày nào cũng thịt chó mà không ngán. Mỗi lần say rượu về, thường ông lăn ngay vào giường, đổ ập lên người chị. Chị phải cố quay mặt sang một bên để tránh cái mùi nồng nã tổng hộ của thịt chó, mắm tôm, riềng mẻ và lá mơ hôi. Đêm qua về, ông không đổ ập lên chị mà loạng choạng ném lên mặt, lên ngực chị một xấp ảnh. “Hãy nhìn lại đi! Đồ đĩ! Cô thật trơ trẽn, không còn biết mình là ai”. Một tấm ảnh rơi dưới đất. Chị nhận ra đó là tấm ảnh chị chụp chung với anh ở Khu khảo cổ làng Đá. Chị ngồi hơi ngả đầu vào vai anh, e thẹn như cô gái mới lớn, miệng cười dịu dàng. Anh ngồi dạng chân, hai tay khoanh trên gối, gù gù lưng gấu, bộ mặt xanh rì râu quai nón, ánh mắt trầm ngâm, xa xôi.
“Ông lấy những tấm ảnh này ở đâu?”. “Thì sao! Tưởng giấu trong cặp số mà tao không biết à”. “Tôi đi công tác, chụp ảnh chung với mọi người là chuyện thường. Chẳng lẽ bây giờ ông mới biết!”. “Tao chỉ hỏi trong số ảnh này, tại sao mày chụp với thằng người rừng kia những sáu tấm? Còn đây nữa, thư của nó gửi về có làm cả thơ tình cho cô đấy. Chứng cớ rành rành…”. Chị ngồi hẳn lên. “Ông có biết lục lọi tư trang, thư tín của người khác là phạm pháp không?”. Ông chộp chiếc chiếc ly thuỷ tinh dùng uống rượu vang, ném choang vào tường. “Gái đĩ già mồm! Trong nhà này tao là lụật pháp. HIểu không? Hơn chục năm lấy chồng không chịu đẻ đái gì, nay đổ đốn đi bồ bịch lăng nhăng. Không biết xấu hổ”.
Chị giận tím tái cả người. Chồng chị, một có học thức, đạo mạo đang nói với chị những lời lẽ của dân chợ búa. Hồi mới lấy ông, người vợ cả đã li dị có gặp chị một lần và nói: “Chẳng cao sang quyền quý gì đâu cô ạ! Nhà ấy chỉ ai vô phúc mới vào ở được thôi”. Lúc ấy chị cho rằng mình bị bà ta sỉ nhục vì ghen tuông. Giờ ngẫm lại, thấy hai người bỏ nhau không phải vì bà vợ chỉ sinh toàn con gái.
Năm ngoái, chị đi đền Hùng vào ngày mười sáu tháng giêng, theo lời rủ rê của cô bạn thân tên là Thắm. Phải mất ba ngày Thắm mới thuyết phục được chị. Bà lạc hậu vừa vừa thôi. Đi đền Hùng ngày chính Hội, chỉ có xem người với chen chúc toát mồ hôi. Muốn cầu tài, cầu lộc nên đi vào tháng Giêng. Vừa linh ứng, vừa ít người. Chị xuôi lòng, bởi sâu thẳm tâm linh có một lời nguyện ước trời phật thương chị mà cho một đứa con. Từ ngày lấy chồng, không sinh nở gì, chị cảm thấy mình có tội. Cũng tại những lần gần gũi chồng, chị bị dị ứng bởi mùi thịt chó. Hoặc cũng có thể chồng chị đã già. Ông hơn chị hai chục tuổi, cả một khoảng cách của hai thế hệ và chị chấp nhận như một cách tiến thân.
Thắm rủ chị ra chợ chim, mua hẳn một lồng hơn ba chục con chim sẻ nâu. Lũ chim thay vì bị vặt lông cho vào chảo rán làm mồi nhắm rượu, sẽ được thả phóng sinh ở Đền Hùng.
Chiếc xe khách chưa dừng hẳn, đã có năm, sáu chiếc xe ôm ầm ầm lao đến. Hai chị em bước xuống ngã ba quốc lộ 2 với lỉnh kỉnh ba lô, túi xách, lồng chim. “Đi xe anh hai em ơi. Xe mới tinh đấy”. “Hai chị đi đâu em chở cho. Giá hữu nghị thôi”. Những chiếc xe vây tròn hai người với những lời mời chào ồn ào. Thắm kêu lên: “Đi đâu thì chúng tôi cũng chỉ thuê hai chiếc xe. Các anh vây kín thế này biết làm sao?”. Bỗng có tiếng đàn ông trầm đục: “Đi đâu thì cũng để người ta nghỉ ngơi, hoàn hồn đã chứ. Giãn bớt ra đi!”. Hướng theo tiếng nói, chị nhìn thấy chiếc xe Win 100 màu đỏ dựng bên gốc sà cừ tán rộng. Trên yên xe, một người đàn ông khó đoán tuổi ngồi vắt vẻo với bộ quần áo kệch cỡm, quần lính và áo chàm thổ cẩm. Tướng mạo to lớn cùng bộ râu quai nón, cặp mắt xếch của anh ta có vẻ như làm cánh xe ôm nể nang. Nhét cuốn sách đang đọc dở vào túi quần, anh ta xuống xe, bước lại chỗ hai người. “Hai cô đi đâu? Để tôi bảo anh em họ chở đi”. “Từ đây vào Đền Hùng bao nhiêu tiền hở anh?”. Thắm mạnh dạn mở miệng. “Đền Hùng đây rồi. Cách ba cây số. Các cô trả họ ba nghìn một người”.
Phía xa lại có một chiếc xe khách dừng bánh. Đám xe ôm lại lao ầm ầm về phía ấy, còn trơ lại hai chị em và anh chàng râu quai nón. “Thôi hai cô lên cả đây tôi chở đi. Đường gần chở ba cũng được”. Chị ngồi giữa, một tay bíu hờ vào lưng áo chàm, tay kia xách lồng chim. Thắm ngồi sau lỉnh kỉnh với mớ túi xách. Tấm lưng rộng che khuất tầm nhìn của chị. Chị chỉ có thể nhìn sang hai bên đường, thấy những hàng cây cọ thấp, những cột đèn đường hình tháp vuông chạy vun vút về phía sau. Xe phanh gấp, cả hai chúi về phía trơưc. Chị ôm chòang tấm lưng rộng, suýt văng mất cả lồng chim. Anh chàng xe ôm cười hề hề: “Xin quý khách một cái ôm làm kỷ niệm. Xe ôm mà!”. Ánh mắt anh chàng thán phục nhìn thân hình thon thả của chị trong bộ đồ bò mốc, cặp má mịn màng loáng thoáng lông tơ. Chị trả anh cả tờ mười nghìn, nói không phải trả lại, nhưng anh ta kiên quyết tìm bới trong túi quần ra mấy tờ bạc hai nghìn. Trước khi quay về, anh dặn hai người nên mua mấy bó nhang từ dưới cổng, lên đền nào thì thắp hương đền ấy, đừng nhận lời nghỉ lại quán nào nếu không muốn bị đám thanh, thiếu niên bám theo lẵng nhẵng làm phiền. Vừa dứt lời đã thấy mấy đứa con gái chạy tới. “Cô ơi! Tí nữa xuống đền vào quán cháu nghỉ ngơi đã nhé!”. “Hai chị ơi! Quán em ngay cổng đền Giếng, các chị vào mua quà lưu niệm không?”. Anh chàng râu quai nón dựng xe, gửi vào bãi. “Thôi, để tôi đưa hai cô lên đền”. Nói xong anh ta túm quai ba lô hất lên vai, tay kia xách lồng chim sẻ. Chị còn loay hoay chọn vị trí chụp ảnh thì anh ta đã sải bước lên núi, hai chị em phải chạy theo mới kịp. Nhìn thấy hai ông hộ pháp cầm đao đứng gác cổng đền, chị phì cười vì thấy giống anh chàng rậm râu. Chị hỏi Thắm : “Bốn chữ Cao sơn cảnh hành nghĩa là gì nhỉ?”. Thắm bảo, về rửa ảnh, đem tra từ điển thì khắc biết. Anh chàng xe ôm đang đi bỗng quay lại. “Mấy chữ này người ta tranh cãi nhau mãi trên báo rồi. Người thì bảo là Cao Sơn Cảnh Hành. Người thì đọc là Cao Sơn Cảnh Hạnh, lại có người đọc là Cao Cảnh Hành Sơn. Loạn cả lên”. Chị mỉm cười: “Theo anh thì nên đọc thế nào?”. Anh xoa cằm: “ Bài Xa Hạt trong Kinh Thi xưa có câu Cao Sơn ngưỡng chỉ. Cảnh hành hành chỉ. Đền Hùng tuy có từ lâu, nhưng cũng mới trùng tu vào đời vua Gia Long. Hoành phi, câu đối toàn những quan đại thần, học sĩ, tiến sĩ viết cả. Họ cũng trích từ trong Kinh Thi ra mà thôi”. Chị đứng lại ngang dốc: “Anh làm nghề gì?”. “Như hai cô biết đấy. Xe ôm!”. Hai chị em từ đó lặng lẽ leo dốc, không hỏi han gì nữa. Họ thả chim trên sân đền Thượng. Lũ chim sẻ nháo nhác suốt mấy trăm cây số, ngần ngại đứng trước cửa lồng một lúc rồi mới tung mình bay vào những tán lá xung quanh. Tiếng chim lích chích xa dần trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Là một cán bộ ngành khảo cổ học, chị thường hoá thân vào trong những cổ vật để tìm tiếng nói riêng của trầm tích. Đền Hùng cũng là một mảng trầm tích lớn lịch sử văn hoá, nhưng hôm nay chị là người đi cầu lộc đầu năm. Đền Hùng ở góc độ truyền thuyết lịch sử đã được minh chứng, vậy mà những nhận xét của anh chàng xe ôm kia làm chị băn khoăn. Thắm cũng đang được anh ta chia ssẻ suy nghĩ bên cột đá thề. “Theo truyền thuyết thì Thục Phán dựng cột đá này thề gìn giữ giang sơn của vua Hùng, khi được nhường ngôi cho. Tôi thì nghĩ khác. Có thể đây là vật linh của tín nghĩ phồn thực, như là linhga ở đền thờ Chăm, Mỹ Sơn. Người Việt cổ có tục thờ sinh thực khí. Làng Gáp cạnh đây còn duy trì lễ hội Trò Trám mà lễ vật là hai bộ phận sinh dục của nam và nữ”. Chị liếc nhìn cột đá tròn múp, thẳng lên trời, hơi đỏ mặt khi tưởng tượng đó là vật giống đầy sức mạnh của nam giới. Cái anh chàng râu rậm này. Thực ra anh ta là ai? Làm nghề gì? Hay anh ta là một kẻ tâm thần, nói năng những điều chị chưa đọc trong sách vở. Mãi đến lúc xuống núi, chị mới dám xin lỗi rồi hỏi trước đây anh làm gì? Có thể nói qua về bản thân được không? Anh gãi đầu: “Các cô cũng quan tâm tới tôi ghê. Thế ra mình cũng quan trọng thật. Tôi là Đinh Văn Thực, người Mường Yên Lập. Đi bộ đội ba năm hồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau chuyển ngành làm bảo vệ cho cơ quan ngành văn hoá. Bây giờ thì làm xe ôm. Hết!”.
Những dòng trích ngang ít ỏi của Thực, làm chị luôn nghĩ về anh, người có vẻ ngoài bặm trợn. Năm nay khi nhận lời tham gia khai quật mấy ngôi mộ cổ ở làng Đá, cách đền Hùng khoảng chục cây số, chị đã dừng lại ở Ngã ba cổng đền tìm anh. Vẫn đang chúi đầu vào cuốn sách, anh vui mừng khi nhận ra chị. “A! Chào cô bé. Thế ra còn nhớ tới tôi đấy. Cô Thắm đâu?”. Chị thấy trong lòng thật ấm áp. “Thắm không đi vì việc này không thuộc chuyên ngành của nó. Còn anh đừng gọi Hằng là cô bé nữa. Tôi lớn hơn anh một tuổi đấy!”. “Trời ạ! Thật không? Sao trông cô…à trông chị trẻ thế?”. Chị thông báo đợt công tác này kéo dài cả tháng. Hy vọng sẽ được anh làm hướng dẫn viên và…phu khuân vác. Anh giơ cả hai tay lên trời. “Xin phục vụ vô điều kiện”. Thực bỏ chỗ ngồi đón khách, đi xe máy theo chị lên làng Đá. Không biết bằng cách nào, anh thuyết phục được ông trưởng đoàn cho làm lao động hợp đồng ngày, với mức phụ cấp 15 nghìn một ngày công, cơm nước tự lo lấy. Công việc là phục vụ đoàn khảo cổ ngoài hiện trường, tối về nghỉ. Sau này trở nên thân thiết, anh tâm sự với chị rằng chỉ có kẻ thần kinh mới bỏ nghề xe ôm đi làm lao công lấy 15 nghìn một ngày. Anh vốn cũng ham mê nghiên cứu văn hoá dân gian, nhất là những gì có dính dáng đến văn hoá Mường. Chính cũng vì tính tò mò hay nhúng mũi vào công việc nghiên cứu của ông này, bà kia mà mất chân bảo vệ. Nhân dịp này, Thực muốn tìm hiểu thêm về những ngôi mội cổ hai nghìn năm tuổi. Lý do nữa là anh muốn đơực gần chị. Từ lần gặp đầu tiên, anh ngưỡng mộ phong thái và sắc đẹp của chị như ngưỡng mộ kỳ công của tạo hoá.
Hiện trường khu khai quật rộng cả ngàn mét vuông. Ngoài số nhân công người địa phương được thuê đào đất, còn có anh hộ pháp râu quai nón, áo chàm chuyên khuân vác đồ đạc và gánh nước sạch cho đoàn. Anh làm việc chăm chỉ, luôn ghé vào mọi chỗ xem mọi người làm việc, bàn bạc thảo luận. Cũng có lúc anh đứng ngẩn ra nhìn dáng chị nhỏ bé gọn gàng, với chiếc khăn lụa buộc ngang trán, bàn tay thon thả mân mê những cổ vật như cô bé say mê búp bê mới. Hai người có nhiều thời gian bên nhau, hiểu nhau thêm và cùng bàn bạc những vân đề văn hoá cổ. Có lần làm như vô tình chị hỏi: “Nhà anh Thực ở đâu. Sao không thấy mời tôi về chơi? Hay ngại vợ ghen?”. Anh cười xoà: “Có ai ghen cho thì tốt. Tôi có cháu gái 7 tuổi, nhưng nó theo mẹ lên Lạng Sơn ba năm nay rồi”. Chị về thăm nhà anh nhân một ngày nghỉ. Nhà anh ba gian lợp lá cọ, ở sâu trong xóm. Ngôi nhà nhỏ bé, xinh xinh như nhà của bảy chú lùn trong chuyện cổ tích Nga. Ngả lưng trên chiếc võng đay, chị chắp tay trước ngực thốt lên. Tuyệt quá! Cứ như trong cổ tích. Hàng rào cây duối xén phẳng bên cạnh giếng thơi có cái cần múc nước bằng tre. Anh ra giếng, tránh những câu hỏi của chị về chuyện vợ con. Cần giếng kêu kẽo kẹt. tiếng nước đổ oà xuống chậu thau như tiếng cười trẻ con. Chị bước ra theo anh, với ao ước được dội lên đầu một gầu nước giếng. “Nước giếng trung du ngọt mát lắm phải không? Dội cho Hằng một gầu đi”. Chị xoã tóc, cúi đầu trước anh, vén áo hở ra cổ gáy trắng mịn. Làn nước chảy thấm qua mái tóc dày, chảy xuống mặt mát lạnh. Chị le lưỡi nếm thử những giọt nước quanh miệng, rồi cất tiếng cười khanh khách. “Anh Thực nhìn Hằng ghê thế?”. “Tài thật đấy!”. “Hằng thấy nong nóng ở gáy mà”.
Có tiếng bước chân vội vã từ ngõ vào sân. “Chị thẽm về đấy hử? Con cháu Lụa của bà đâu?”. Tiếng bà già như hụt hơi. Thực khẽ nói. “Bà cụ tôi ra đồng về đấy. Không phải nhà con đâu bầm ạ. Đây là chị Hằng cán bộ nơi con đang làm thuê đấy. Hôm nay nghỉ, con đưa chị ấy về thăm nhà”. Mặc cho nước còn rớt tong tỏng, chị hất mái tóc về phía sau, mặt hồng đẫm nước. “Con chào bác ạ!”. Trước mắt chị là bà cụ ngoại sáu mươi tuổi, thân hình cao lớn, da nâu sạm, tóc như cước. Thoáng qua, chị thấy ngay Thực giống mẹ. Sau ánh mắt đầy thất vọng của bà cụ, có nét sửng sốt. Lạy giời. Sao có người đẹp thế cơ chứ. Con vợ thằng Thực đã đẹp, nhưng chỉ đáng xách dẹp cho cô này”. Bà thở dài hỏi con trai: “Thế đã cơm nước gì cho khách chưa? Bầm lại tưởng mẹ con nó về”. “Chúng con ăn rồi ạ!”. Anh quay sang giải thích với Hằng, rằng ở đây người ta gọi những người đẻ con gái đầu lòng là anh thẽm, chị thẽm. Vợ chồng nhà nào sinh con trai đầu lòng thì gọi là anh cu, chị cu. “Cũng là sự giữ gìn tiếng Việt cổ phải không?”.
Đằng trước nhà Thực có hai cây cổ thụ khẳng khiu cành nhánh, trơ trụi lá nhưng lại đầy hoa đỏ. Anh bảo chị đó là hoa gạo. Phải đến tháng tư âm lịch hoa gạo mới rụng hết. “Hoa gạo rụng đất. Bà già cất chăn”. Câu tục ngữ đó nói rằng khi hoa gạo rụng hết, thời tiết mới bắt đầu ấm lên, bước sang mùa hè. Chị xuýt xoa. “Đẹp quá! Cứ như đám than đỏ hất tung lên trời”.
Đêm ấy bà cụ thật thà kể cho chị  nghe về hoàn cảnh của Thực. Vợ anh đẹp nhất mường trong, nhưng có với nhau một mặt con, cô không chịu nỗi cảnh nhà lá cơm độn khi xã hội giàu lên nhanh chóng. Cô chê chồng không biết làm ra đồng tiền dư dật, chỉ bổ tìm đủ thứ chữ nghĩa không mài ra gạo, tiền. Khi anh bị mất chân bảo vệ cơ quan, cô vợ cũng đem con bỏ đi Lạng Sơn buôn bán. Nghe nói giờ cô cũng chẳng giàu lên được, mà làm vợ bé hco một gã buôn hàng lậu tân Hà Nội lên. “Chị chơi thân với cháu Thực, lúc nào khuyên hộ tôi đi tìm vợ con về. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại. tôi chết đi thì ai cơm nước, giặt giũ cho nó? Với lại tôi thương con bé cháu lắm chị ạ. Bảy tuổi đầu mà mẹ tha như mèo tha con, chẳng biết có được học hành gì không”.
Chị buồn và thương anh. Chị khuyên anh được gì khi chính chị cũng đang chạy trốn gia đình. Chị ngày xưa có lẽ cũng nghĩ như vợ Thực, cứ tưởng nơi giàu có, quyền chức là nơi mang đến cho mình hạnh phúc. Chị là người hoài cổ nên chị thấy thương Thực, người đàn ông có những ước mơ giản dị. Giờ chị quá sợ cái bộ mặt tròn xoe của ông chồng đầy quyền lực và tiền bạc.
Những ngày họ bên nhau qua đi nhanh. Chị chợt nhận ra mình yêu anh. Những gì anh dành cho chị thật ít ỏi. Chị khuyên anh nên đi tìm vợ con về. anh im lặng và chị thấy nỗi vui mừng loé lên, trong lòng thật đáng xấu hổ. Bây giờ sự việc đã bị ông chồng già làm tung toé lên. Ông còn doạ chị, sẽ cho tay chân tìm “thằng người rừng” cho nó một trận. Chị lo sợ cho anh. Anh có tội gì khi trao cho chị một nụ hôn. Chỉ một nụ hôn thôi, nhưng bây giờ chị muốn nói với anh, chị muốn vô cùng, có một đứa con dù trai hay gái. Chị dám đánh đổi tất cả để có được đứa con.
Chị bước xuống ngã ba quen thuộc, không thấy anh ngồi trên yên chiếc xe Win 100. Mấy người bạn xe ôm nói anh đi Lạng Sơn cả tháng nay chưa về. Chị buồn, nhưng vẫn thuê xe vào thăm nhà anh. Không có ai ở nhà. Căn nhà lá xào xạc lời chào hỏi. Phía ngoài kia, cây gạo còn sót lại một bông hoa đỏ như đốm lửa. Đầy nuối tiếc.


P.P.Q

…………………


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét