Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

CHỊ KHÔNG HỀ ĐƠN ĐỘC

Lời chúc muộn
                CHỊ KHÔNG ĐƠN ĐỘC GIỮA CUỘC ĐỜI

Những ngày cuối đông, thời tiết càng trở nên khắc nghiệt. Trời mưa phùn, gió bấc cả tháng không ngớt. Con đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt bị cày xới bởi vết xe máy, xe trâu càng khó đi hơn. Khi màn đêm buông xuống, cái giá rét như đậm đặc thêm. Nhà nhà đều khép hờ cánh cửa, mọi người cuộn tròn trong chăn ấm xem ti vi hoặc ngồi bên bếp lửa ấm canh nồi cám lợn, không ai muốn ló mặt ra đường. Nhưng người ta đã quen với bóng dáng một phụ nữ nhỏ bé cùng ánh đèn pin quét sáng lặn lội trong gió rét. Đó là chị Trịnh Thị Phương sinh năm 1960, Chi hội trưởng phụ nữ Khu 6 xã Phú Lộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Suốt 27 năm làm công tác phụ nữ ở địa phương, năm 1993 đến nay chị kiêm luôn cộng tác viên dân số, những đêm lặn lội đi tới từng hội viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc vận động làm công tác KHHGĐ như vậy không có gì lạ. Khu hành chính số 6 chị Phương phụ trách gồm 225 hộ dân, trong đó có 83 hội viên Hội phụ nữ, địa bàn trải dài 3-4 km từ các hẻm đồi núi giáp xã Gia Thanh cho tới khu chợ Phú Lộc cạnh Quốc lộ 2. Riêng số hội viên phụ nữ cũng nhiều thành phần phức tạp: số làm nông nghiệp chiếm chỉ khoảng 50%, còn lại là tiểu thương, ngành nghề phụ, cán bộ nhân viên nhà nước, giáo viên…Với nhiều thành phần như vậy, rõ ràng trình độ văn hoá, nhận thức xã hội khác nhau và người cán bộ phụ nữ như chị phải có trình độ và bản lĩnh để tiếp xúc, hợp tác sao cho hiệu quả. Hiện nay hội viên phụ nữ trong chi hội 6 vẫn còn 3 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo, số hộ buôn bán và làm việc nhà nước hầu hết kinh tế đều khá và giàu. Việc phân tích làm sao cho các hộ khá, giàu chung tay giúp đỡ các hộ nghèo là cả một vấn đề. Điều này yêu cầu cán bộ phụ nữ phải chịu khó “ngồi”. Ban ngày, tranh thủ cho xong việc gia đình, chị Phương tìm đến các chị em tiểu thương vận động. Ban đêm, lại một mình với chiếc đèn đi tới các hộ nông thôn, hay cán bộ viên chức. Kết quả trong từng ấy năm, chị Phương vận động được 7 chị trong độ tuổi đi đình sản, hàng trăm lượt chị em thực hiện các biện pháp phòng tránh thai có hiệu quả. Suốt từ năm 1993-2011, khu vực chị phụ trách chỉ có 5 người sinh con thứ 3. Vận động xây dựng quỹ “phụ nữ giúp nhau thoát nghèo” được 7 triệu đồng. Những hoàn cảnh như chị Lê Thị Liên 46 tuổi bị bệnh hiểm nghèo nằm tại chỗ nhiều năm nay; chị Phạm Thị Thanh 42 tuổi chồng chết để lại hai con nhỏ; chị Hường bị hen suyễn mãn tính; chị Sơn, chị Thu vừa có chồng mất sớm…đều được chi hội quan tâm giúp đỡ, cho vay vốn làm kinh tế.
Tuy vậy, hoàn cảnh riêng của chị Phương cũng khá đặc biệt. Lấy chồng năm 1982, sinh được một trai một gái. Chồng làm thợ xây, chị làm nông nghiệp kiêm công tác xã hội. Đến năm 1995, cậu con trai 12 tuổi của anh chị đột ngột qua đời. Năm 2003 chồng chị bị biến chứng não, chạy chữa hơn năm trời thì mất. Chồng chết, mất hẳn trụ cột kinh tế gia đình, chị một mình vất vả với cô con gái 16 tuổi. Tưởng rằng còn chỗ dựa cuối đời là con gái, ai ngờ số phận quá nghiệt ngã với chị. Năm 2009, cô con gái 22 tuổi cũng ngã bệnh. Những đêm giá rét, chị phải nhờ người em gái tới nhà trông con giúp để đi vận động KHHGĐ. Mấy tháng trời mang con đi khắp bệnh viện tỉnh đến bệnh viện TW, tốn bao nhiêu tiền bạc mà cuối cùng con vẫn chết. Chị vô cùng hoảng loạn, suy sụp. Chỉ 5 năm, chị mất sạch chồng con, còn gánh thêm món nợ không nhỏ hơn 40 triệu đồng vay để chữa bệnh cho họ.
Đã có những lúc chị muốn bỏ hết công việc, nhưng gia đình động viên chị, bà con thôn xóm an ủi động viên chị. Rồi chị tự xác định, ai cũng có số phận riêng. Mình hãy lấy công việc phục vụ xã hội làm niềm vui cho cuộc sống. Chị Phương tâm sự: “Tôi đau lòng lắm, nhưng chết cùng chồng con thì không chết được. Vậy còn tồn tại thì phải lo, nhất là lo trả nợ. Cũng may mà trời còn cho sức khoẻ để làm việc, tới nay số nợ 40 triệu đồng chỉ còn có 10 triệu thôi, chỉ nuôi một, hai lứa lợn nữa là trả hết”. Chị biết mình phải gắng sức lo cho cuộc sống, dù chỉ một mình. Dù có thâm niên 27 năm công tác phụ nữ, lại phụ trách tới 225 hộ dân trong công tác dân số, nhưng mỗi tháng chị chỉ có 70.000đ phụ cấp, đủ mua giấy bút chứ làm sao nuôi sống bản thân.
Gìơ đây chị lấy kết quả công việc, sự tiến bộ và hạnh phúc gia đình của các hội viên phụ nữ làm niềm vui của mình. Về tới nhà, chị lại âm thầm chăm sóc chiếc bàn thờ nhỏ có di ảnh của chồng và hai con. Đảng bộ và chính quyền xã rất tin tưởng vào năng lực của chị. Bà con trong khu rất thương mến, tin yêu chị. Có những nỗi đau riêng tư như chị mà mọi người chỉ biết thông cảm chứ không gánh vác giúp được. Ghi nhận thành tích của chị trong công tác, năm 2010 chị Trịnh Thị Phương vinh dự được Bộ y tế tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân”, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các ngành, các cấp.
                                                                                    PHƯƠNG QUÝ

Trịnh Thị Phương với tấm Kỷ niệm chương "Vì sức khoẻ nhân dân"
 
                       chồng con của Phương giờ chỉ còn trên bàn thờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét