Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

NẮNG MỒ CÔI

truyện ngắn in trên Văn nghệ thành phố HCM ngày 7-6-2012

                                NẮNG MỒ CÔI
                                            Truyện ngắn: Phùng Phương Quý
Dòng sông quằn quại, ngộp thở. Lục bình nhởn nhơ ken kín mặt nước, vừa trôi vừa cười, nụ cười tím. Những hạt nắng nằm khóc lả trên lá lục bình xanh. Chúng muốn xuống nước đùa giỡn, tắm. Đàn cá linh loi thoi bơi, ngoi ngóp gọi nắng. Vô lối. Kín mít

Mái nhà ông giáo Tư có một lỗ thủng bằng đầu đũa. Nhà Đại đoàn kết mới được tặng cuối năm ngoái. Từ lỗ thủng, một giọt nắng mồ côi mở mắt tròn xoe trên nền gạch đỏ, ngay chỗ đặt quan tài bà Tư, ba năm trước. Năm ấy nhà lợp lá dừa nước, thủng một lỗ bằng bàn tay. Giờ lợp mái tôn, cũng thủng ngay chỗ đó. Con Út xoa xoa bàn tay nhỏ lên nắp hòm, mắt ráo hoảnh nhìn giọt nắng vật vã trên quan tài, gần chén cơm. Mầy cũng muốn chui vô hòm với má hả nắng? Đời chi đáng sợ. Má biểu hồi chưa sanh Út Tiền, chị Hai Gạo cũng chết yểu. Đặt tên cho hai chị em như vậy là mong gia đình có đủ gạo, tiền, mà má chết trong đói khổ. Người ta biểu má bị bịnh tim. Bệnh tim biến chứng từ bệnh ghen. Cái chết đến từ bịnh tim. Ba ngồi tiếp nước những ông hàng xóm, những bạn dạy học cũ. Chiếc khăn trắng trên đầu nghiêng ngả, muốn rớt. Nụ cười ba buồn, đẹp. Có đến ba cặp mắt phụ nữ sáng rỡ, đầy hy vọng chiếu mặt ba. Ba là mẫu người nhiều phụ nữ mơ ước. Cao ráo, trắng trẻo thư sinh, miệng ngọt mía đường, mắt nâu đại bàng. Thời ba dạy văn ở trường Nguyễn Khuyến, nghe nói nhiều nữ sinh lớp 9 chết mê, chết mệt. Thấy ớn. Út nghe người lớn láp ráp chuyện, rằng ba “sát gái”. Cũng như cậu Sáu đi câu “sát cá” chớ gì. Bữa má nằm bịnh viện, Út Tiền ngạc nhiên thấy ba đưa một cô về nhà. Đêm. Bà ngoại nằm canh má. Cô gái nằm canh ba. Út Tiền tỉnh giấc giữa khuya, lo sợ thấy cô gái da thịt trắng bóc ngồi trên bụng ba, miệng gầm gừ. Chôn má xong, chưa kịp cúng “hiệp cửu” thì ba theo cô gái kia lên cửa khẩu Xa Mát buôn bán, bỏ nghề dạy học. Bao nhiêu người tiếc. Bà ngoại chửi ba ác. Mồ vợ chưa xanh cỏ đã theo gái, bỏ con nhỏ no đói cho bả.
Ông Tư không nằm được, chỉ ngồi. Trên người lúc lỉu những bọc to, mụn nhỏ. Thều lễu. Thầy thuốc đếm được 23 cái bọc to nhỏ, mọc từ vai xuống ngực, từ cổ xuống lưng. U lành, nhưng không có thuốc trị. Kỳ vậy!? Bốn cái bọc to bằng chén ăn cơm căng mọng, nhằng nhịt tia máu, chỉ muốn vỡ bung. Ông Tư thấy nhức buốt khắp người, bứt rứt khó chịu. Phải chồng mền gối thật cao, ông ngồi gục ôm lấy mà ngủ. Quần áo khoác vô thấy đau rát, chỉ muốn xé. Ai ghé thăm, ái ngại không muốn nhìn tấm thân ốm nhom chỉ có chiếc xà lỏn rộng rinh, hở ra một đám bèo nhèo, một thời từng mưa gió tình trường. Những ý nghĩ thoảng qua trong đầu, nuối tiếc và cam chịu. Tính ông vốn dễ dãi, ngại suy nghĩ. Đốm nắng trên nền nhà làm ông chợt nhớ con Út. Nó làm gì ở Sài Gòn? Ông không biết. Từ ngày nó oán giận ba, bỏ đi, chỉ một lần về thăm cho ông mớ tiền. “Chắc ba chỉ cần tiền. Đâu cần con. Phải hông?”. Nó hỏi xóc óc. Ông im lặng, nhận tiền. Bốn năm trước, khi nó mới 13 tuổi, ông tham tiền mà không đòi sự công bằng cho con gái. Nó hận và mắc cỡ. Thực hồi đó khốn khổ quá kiếp chó. Sau khi bị tình nhân bỏ rơi, ông giáo “mất dạy” và đói rách. Sẵn chiếc xe honda cũ, ông chạy xe ôm. Xe ôm cũng chỉ đủ cho ông sống. Con Út 12 tuổi, phổng phao xinh đẹp. Ông gởi nó vô lớp đồng nhi của họ đạo. Hàng ngày chỉ tập đờn, học kinh, lại có cơm chùa nuôi. Ông Tư nhẹ gánh con cái, tận hưởng mã bảnh trai. Bây giờ ông ăn tạp, già trẻ chi miễn là đàn bà cho ông trút nỗi bức xúc. Một năm sau, con Út về, khóc kể với ba nó bị hãm hiếp. Ông Bảy gác cổng chùa thấy nó dễ thương, sau buổi học thường rủ nó ra nhà gác chơi. Bánh kẹo. Những đồng tiền lẻ mới cáo. Những câu luyến láy trong bài kệ được hướng dẫn lại. Bàn tay ông già tuổi nhiều hơn ba, âu yếm vuốt tóc, vuốt lưng. Nó yên tâm như gần ba vậy. Ông Bảy rủ nó về nhà, nấu bánh canh cho ăn. Mua tặng bộ đồ mới. Ông rủ rê nó làm chuyện người lớn. Lúc đầu nó không biết gì, làm theo. Đau quá nên van xin ông Bảy. Mấy lần sau, nó quen, không cự nự nữa. Ông già mất nết không ngày nào buông tha con nhỏ. Thấy nó hồi này tỏ ra mệt mỏi, học hành sút kém, một bà giáo nhi gạn hỏi. Con Út khai ra và bị đuổi khỏi lớp học. Nó về nhà khóc than với ba. Ông Tư uất quá, đâm đơn kiện. Nhà báo nhào vô, mấy kỳ in liên tiếp về vụ gã bảo vệ chùa cưỡng bức con nít. Sau “chìm xuồng” vì ông Tư làm đơn bãi nại. Út Tiền khóc, hỏi sao ba không làm tới rửa nhục cho con? Ông Tư đưa ra bọc tiền 40 triệu. “Người ta bồi thường danh dự cho mầy rồi. Thưa kiện nữa, tiền đâu ăn?”. Út Tiền hận ba. Bỏ đi.
Những cơn nhức nhối dày vò thân xác bơ phờ. Đã bảy tháng ông giáo Tư mất ngủ vì đau. Nhiều lúc cây dao nhỏ gọt trái cây muốn thọc vô những cái bọc trên ngực. Hãy cho chúng vỡ bung ra, hãy nhầy nhụa máu đỏ bầm hôi thối. Cơn đau từ trên trời rớt xuống. Đầu tiên là hai cái nhọt ở bả vai. Sau một tuần thêm ba bốn bọc thịt phía sau lưng. Sau ba tháng những mụn cóc, mụn ễnh ương, mụn bò toọc mọc tùm lum khắp người. Không tiền đi bệnh viện, ông giáo Tư cầu hên xui với những thang thuốc nam từ thiện. Không còn thân thể thư sinh, phong độ. Tất cả chợt teo tóp đi gớm ghiếc. Người ta đến chia sẻ với ông, hay là bố thí cũng vậy. Toàn đàn ông đến cho quà. Không một bóng dáng phụ nữ nào. Phái nữ thể hiện lòng hận thù với ông, con bướm sặc sỡ nhởn nhơ một thời. Của bố thì đầy trong nhà. Gạo, bột ngọt, nước tương, đường, muối và mấy triệu đồng. Ông ráng nuốt. Nhắm mắt lại mà nuốt. Dù cổ họng đau nhức, dù không hề thèm ăn.
Sáng nay cơn nhức nhói trên cơ thể bỗng dịu đi. Hay là bài thuốc uống bằng lá đu đủ hiệu nghiệm? Vái ông trời. Vái Đức chí tôn cứu giúp ông. Những cơn đau như vậy ông không quen chịu đựng. Soảng! Tiếng va đập trên mái tôn làm ông xém xỉu. Tiếng rầm rầm cuối mái tôn, trái mít rụng rớt bịch xuống đất. Cây cối còn không thương đến ông. “Chào chú Tư! Sức khoẻ sao rồi chú?”. Nhà có khách. Giọng đàn ông trung niên ồm ồm. “Tôi đại diện cho Công ty Đắc Tài, tới tặng quà cho chú”. Bao gạo 25 kí, bọc đường, hai chai nước tương. “Bà chủ nhờ nói lại với chú Tư, mỗi tháng công ty sẽ cung cấp cho chú một phần quà như vầy. Cho tới cuối đời”. “Là tới lúc tôi chết đó hả?”. “Chắc vậy!”. “Làm ơn cho biết quý danh bà chủ?”. “Chú cứ kêu bà Hai Ngọc được rồi”. “Hả?!”. Hai mươi năm trước, người vợ đầu tiên bị thầy giáo Tư ruồng rẫy cũng tên Hai Ngọc. Cô bị chê là “hai lúa”, không biết buôn bán nuôi chồng.
Dòng sông vươn vai, khoả tay xua lũ lục bình dạt qua một bên. Mặt nước lấp lánh nắng chiều, rộng chừng vài chục sải tay, đủ chỗ cho hai chiếc ghe xuôi ngược tránh nhau. Đàn cá linh lao nhao đớp nước. Con cá lăng lớn quẫy đuôi ùm ũm, tạo vòng tròn lớn, lặn mất hút đáy sông. Đáy sông rực rỡ vàng son thuỷ cung. Hình người bợt bạt lội dần xa bờ sông. Nước ngập tới gối, tới bụng, tới ngực. Những bọc thịt lúc lỉu trên vai, trên ngực bỗng nhẹ bẫng. Chỉ còn mấy khối u mới mọc trên đầu là muốn nổ bung. Cái chết có đáng sợ không? Mát mẻ như vậy chắc cũng sướng. Nhưng ngộp nước, không thở được thì thật khó chịu. Ta hãy thử xem đã. Ừ! Hãy thử xem ngộp nước ra sao. Cái đầu trọc lóc ngụp xuống. Một vòng nước xoáy trên mặt sông. Mở to hai mắt. Ồ! Dưới nước cũng đẹp chớ bộ. từng hạt nắng lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Một con cá nhỏ dừng lại, hai chiếc vây quạt nhẹ như múa. Con cá tiến lại gần, ngạc nhiên, cặp mắt lồi khúc xạ nước, to bằng miệng chén. Đẹp quá! Ý nghĩ tới cùng cơn sặc nước cay xé phế quản. Hai chân, hai tay theo phản xạ tự nhiên, chòi đạp đưa tấm thân da bọc xương lên khỏi mặt nước. Hụt hẫng. Nước đã đẩy thân người khỏi chỗ bờ thấp. Chới với. Sặc sụa. Ba chết mất! Út Tiền ơi cứu ba. Ba chưa muốn chết. Cái miệng vừa mở ra, nước liền ồng ộc tràn vô họng. Con mắt trân trối thất vọng nhìn lên phía trên, mặt nước vàng chói ánh nắng. Hình như có con cá khổng lồ lướt tới, bóng che tối sầm. Hay là hà bá tới rước. Trong đau đớn ngột ngạt, ông giáo Tư nghe đâu đó tiếng mái chèo khua nước vội vàng.
Cô gái dừng tay quạt. Những trái chuối vàng đen cựa quậy trên vỉ. Cô dòm thật kỹ hình người đàn ông ở trần in dưới góc tờ báo. Ba!? Cô gái hét lên. Có phải ba không? Khuôn mặt sáng sủa, đôi mắt rừng rực kia đúng là ba. Còn thân hình bên dưới là quỷ sứ. Teo tóp, khẳng khiu, lủng củng những u nhọt. “Bán mười ngàn chuối nướng đi!”. Người khách quen ngạc nhiên nhìn cô gái bỏ chậu chuối, chạy nhào vô nhà. Tiếng thổn thức qua điện thoại. “Mình về liền đi. Có chuyện gấp”. Khách bỏ tờ bạc mười ngàn lên bàn, tự lấy năm trái chuối nóng, gói vô tờ báo cô gái vừa bỏ lại, mắt lướt qua mẩu tin từ thiện. “Một giáo chức cũ bị bệnh lạ, cần được cứu giúp”. Trước nhà cô gái xe cộ ùn ùn đứng lại, mùi khét lẹt của dầu nhớt, của khói thải. Tiếng còi xe các loại ầm ĩ, lẫn trong tiếng chửi thề. Bữa nay tắc đường sớm vậy? Chiếc xe honda đầu gà đít vịt lách qua đám khói bụi, chui tọt vô hẻm. Cái sọt đằng sau lỏng chỏng ve chai. “Sao vậy bà xã. Đứa nào tới kiếm chuyện nữa?”. “Không đứa nào hết. Ba em nguy rồi”. “Ủa! Có ba hả! Hồi nào tới giờ thấy nói gì đâu?”. “Ổng còn trên quê. Em hận ổng nên không nhìn. Giờ ổng sắp chết rồi. Em về quê ít bữa”. “Ừa! Dẹp hàng đi. Hai đứa cùng về luôn”. “Anh cứ đi gom hàng. Em về được rồi”. “Như vậy đâu có được. Hay em sợ ba nhìn thấy thằng rể ba trợn. Anh bận áo dài, che hết ba hình săm nầy là được chớ gì”. “Không phải vậy. E rằng ổng không xứng đáng có rể nữa kìa”. “Kỳ vậy?”. Cái đầu tóc lởm chởm. Bàn tay to bè gãi tung, bụi gầu bay lả tả.
 Bà Mười Trầu bơi xuồng đi lấy đọt lục bình, vớt được ông giáo Tư. Để ông nằm sấp trên xuồng, bà vỗ mạnh lên tấm lưng đầy u bướu. Nước ọc ra khỏi miệng, xanh nhớt. “Trời chưa gọi đâu mà vội dạ. Chết vầy đâu có được ông Tư”. Bà ngoắc một người chạy xe đi ngang, nhờ chở ông giáo Tư về nhà. Cô gái trẻ, xinh đẹp ăn bận kiểu thành phố đang sớ rớ tìm quanh nhà ông. Thấy chiếc xe honda chạy vô nhà, bà Mười ngồi kẹp ông Tư ở giữa. “Ba con sao rồi bà Mười?”. “Ủa! Con Út! Mầy về hồi nào?”. Cô gái luýnh quýnh đỡ ông giáo Tư xuống, nghẹn giọng. “Ba! Sao lại như vầy?”.  Ông Tư thều thào: “Con ơi! Cứu ba!”. Cô gái gật đầu. Nước mắt lã chã.
                                                                              
                                                                                 Vũng Tàu 9/5/2012                                                                                            



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét