Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

NHỮNG VẦN THƠ VỤN


                            NHỮNG VẦN THƠ VỤN

(Nhân đọc tập thơ NHỮNG MẢNH ĐỜI GHÉP LẠI của hai tác giả Lê Trí Viễn- Lê Hoài Tông. NXB Hội nhà văn năm 2012)

 

Tôi đọc tập thơ “Những mảnh đời ghép lại” đến ba lần, đọc kỹ. Lần thứ nhất đọc ở dạng bản thảo, khi hai tác giả gửi tác phẩm về Hội VHNT tỉnh, đăng ký hỗ trợ sáng tác năm 2012. Lần hai, lại đọc rất kỹ, khi nhận bản bông của nhà in, sửa lỗi chính tả lần cuối. Và lần thứ ba, lại đọc qua một lượt nữa, để chọn vài vần thơ tâm đắc, cho mấy lời cảm nhận hôm nay. Vì vậy, xin hai lão nhà thơ thứ lỗi cho cái tựa đề “Những vần thơ vụn”. Không phải thơ của các bác “vụn vặt”, mà là những vần thơ của mỗi tác giả, của từng thời gian khác nhau, cung bậc tình cảm khác nhau, như những mảng màu vụn, ghép lại thành bức tranh hay còn gọi là “NHỮNG MẢNH ĐỜI GHÉP LẠI”.

Ở đây, xin không nói đến thơ hay, thơ dở, thơ đã lên đỉnh tuyệt mỹ hay còn lưng chừng dốc của bập bõm tư duy. Chỉ xin nói lời cám ơn với hai thi lão, đã nhặt nhạnh những vần thơ vụn, để góp thành một thi phẩm đẹp. Vừa  thỏa lòng bạn hữu văn nghệ, vừa chung tay xây dựng nền văn học tỉnh nhà. Thực lòng tôi hơi ngại đọc thơ mấy ông bạn già, bởi bản thân mình cũng đang già, nên thấy mấy ông cứ một mực Đường luật hoài cổ hay lục bát kiểu “ca dao hò vè”, buồn nẫu ruột. Ấy vậy mà khi đọc “Những mảnh đời ghép lại”, bất chợt gặp một niềm tâm sự của những kẻ tha hương. Đã tha hương, càng sung sướng, đầy đủ, càng thương nhớ quê hương, cha mẹ, họ hàng. Như nỗi niềm hàng đêm của bác Lê Trí Viễn:

“Rằng trong thao thức đôi bờ

Có thương đơn chiếc cánh cò sang sông”

Cánh cò chứ không phải con sáo sang sông, hay là một cánh cò Lê Trí Viễn rời bỏ quê nhà Ninh Bình lặn lội nơi miền Đông Nam bộ. Cũng như anh Lê Hoài Tông chia biệt miền Đồng Tháp để trong lòng cứ khắc khoải nhớ:

“chua chát vị bần

Ngọt bùi hương củ ấu

Lấp lánh phù sa

Hoa so đũa trắng ngần

Tôi em mãi làm thân cò viễn xứ

Đọng nơi lòng bao nỗi nhớ bâng khuâng”

Mỗi người một vẻ, không phải tự nhiên hai nhà thơ lại cùng nhau chung in tập thơ này. Có thể chất lượng thơ thế này, thế kia, nhưng có hai điểm trùng hợp là họ cùng họ Lê, cùng là dân ngụ cư ở Tân Châu. Mỗi người sẵn nhiều vụn vải nhiều màu sắc, cùng khâu lại, thành một tấm màn sặc sỡ. Mỗi người một sở trường, sở đoản, nâng đỡ lẫn nhau.

Tôi tin chắc nhiều độc giả, sau khi đọc xong tập thơ sẽ nhận ra điều này. Những bài thơ hai thi sĩ họ Lê chăm chút câu chữ, gửi gắm nhiều ý tưởng (xã hội- chính trị) thì lại ở mức bình thường. Nhưng thơ chạm vào nỗi niềm riêng, buồn phiền, thương nhớ thì lại bật ra những vần thơ bất ngờ:

“Tôi thèm một chút tương tư lắm

Ai có mong tôi có đợi tôi

Gia tài tôi có bao đêm lẻ

Giấu ở vầng trang khuyết cuối trời”

(Lê Trí Viễn)

Hay nỗi ăn năn về người vợ suốt đời chung thủy của mình, chịu khổ cực vì tâm hồn “treo ngược trên cành cây” của ông chồng lãng tử. Vần thơ như có nước mắt:

“Lom khom bóng đổ xuống chiều

Bằng ấy mưa nắng bấy nhiêu nhọc nhằn

Bây giờ chầm chậm bước chân

Mơ màng chẳng biết lê dần về đâu”

(Lê Trí Viễn)

Cũng là sự phát hiện bất ngờ về mùa thu, xen vào nỗi buồn trong một cuộc đưa tiễn cảu Lê Hoài Tông:

“Đưa tiễn chiều thu chiếc lá bay

Trăng thu lắng đọng giọt sương mai

Hỏi thu chất chứa tình bao thuở

E ấp nàng thu bẽn lẽn cười”

Bên cạnh bài thơ tặng các em gái ngân hàng khô cứng những con số, Lê Hoài Tông chợt thốt lên câu tuyên ngôn: “Thế nhân trôi giữa vô thường/ Bụi mờ nhân ảnh bên đường phù sinh”. Để rồi bất ngờ hiểu ra, thơ phú chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi này đôi khi chẳng mang lại lợi ích thiết thực, nhưng tạo niềm đam mê cho những tâm hồn nhạy cảm. Rất nhiều yếu tố góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê này và nhà thơ cất lên lời tạ ơn:

“Tạ đời một kiếp nhân sinh

Ơn em một thuở ân tình không quên

Chiều nghiêng bóng rớt bên hiên

Rưng rưng sợi tóc rơi mềm trên vai”

(Lê Hoài Tông)

Rồi suốt cuộc hành trình vui chơi, cuối đời nhà thơ có một lời năn nỉ.

“Con đừng oán giận gì cha

Lăng nhăng vài chữ sinh ra tội tình

Ngẩn ngơ suốt cuộc hành trình

Tìm không tìm được nên đành về không”.

(Lê Trí Viễn)

Để đến nỗi tự ngửa cổ lên trời mà “Tự thán”:

“Một đầy đổi được mấy vơi

Mà đem tất cả khóc cười đổ đi” (Lê Trí Viễn).

Đọc 73 bài thơ trong tập (Lê Trí Viễn 32 bài; Lê Hoài Tông 41 bài), mới nhận thấy : “...Xét theo dòng trôi cá thể trong dòng sông nghệ thuật, thì họ (LTV-LHT) là những người “đồng bệnh tương lân”, “tri âm tri kỉ”, mang thân phận của những thi nhân phiêu bạt xưa người. Chính trong hoàn cảnh đó, nỗi niềm tha hương khắc khoải đã bật lên những tứ thơ da diết...Nếu thơ Lê Trái Viễn nhuần nhuyễn với thể loại lục bát, có những tứ đẹp, mang mạch ngầm cảu một tâm hồn nhạy cảm, tâm huyết với đời, thì Lê Hoài Tông lại trung thành với thể Đường luật, cần nhiều sự nghiêm cẩn niêm luật và sâu sắc về tư tưởng. Hai mạch thơ bổ trợ cho nhau, dìu dắt nhau qua những hạn chế, non nớt trong thi pháp...”. (Lời giới thiệu của nhà thơ Trúc Thông).

Xin chúc mừng tác phẩm mới của hai lão thi hữu.

                                                                        
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét