Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

KHUÔN MẶT NGƯỜI QUEN

Nhân một năm ngày mất nhà thơ Trần Hòa Bình

phuongquy | 18 August, 2009 20:40
 
                         Nếu theo âm lịch, còn 16 ngày nữa mới đến ngày giỗ đầu Trần Hòa Bình, nhưng giờ này năm ngoái gia đình và bạn hữu đang ngồi với anh đêm cuối cùng để ngày mai tiễn anh tới Đài hóa thân Hoàn vũ. Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế có ghi lại một số kỷ niệm về Trần Hòa Bình. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 



                                    CÁNH DIỀU XANH CỦA XỨ ĐOÀI MÂY TRẮNG...

                        
                                                           Nhà thơ Trần Hòa Bình (16/8/1956-16/8/2008)        Cánh cửa sơn xanh phai bạc khép hờ. Tôi gõ cửa. Không ai thưa, nhưng có khói thuốc lá tuôn phào ra khe cửa giao nhau. Không lẽ ông bạn tôi hôm nay có vấn đề. Cậy ở khu tập thể Tỉnh Uỷ nên dám để chiếc xe  máy cào cào Babeta sứt sẹo dựng trên hè, không thèm khoá.
        Một chút tự ái, khiến tôi mạnh dạn đẩy cánh cửa bước vào.
       
       Tối om. Khói thuốc quánh đặc. Ánh sáng ùa tràn căn phòng. Nhưng phải chớp mắt vô hồi, tôi mới nhận ra người đàn ông chừng hơn ba mươi ngồi thu lu, lầm lì trong chiếc ghế sa lông gỗ xà cừ long vỡ vec-ni, sau chiếc bàn có mặt kính cắt thủ công bừa phứa đầu mẩu, tàn thuốc, vỏ bao và đôi tất xám thủng gót vắt lõng thõng bên mép ...
        Sự hiện diện của tôi loãng tan đi đâu mất, không chút tác động đến người đàn ông. Mãi khi tôi cất tiếng chào thì anh ta mới làm ra vẻ giật mình ngẩng lên.
        Cặp kính cận loé sáng, da ngăm, mặt lạnh trơ, quần áo bò nhàu nhĩ, mái tóc dài bờm xờm vẻ lâu không chăm sóc. Mệt mỏi và thiếu ngủ in hằn.
        - Dạ... anh  Kh... đi ra ngoài chợ đón vợ. Anh ngồi chờ một chút. Kh chắc về ngay thôi...
         Nhỏ nhẹ, lịch lãm, rõ ràng, trong nhưng không đầy đặn giọng nói khiến tôi có cảm tình bởi chiều sâu văn hoá hay là sự trải nghiệm cô độc của người chủ nhân. Tôi vốn hay cảm nhận người khác qua giọng nói. Chuỗi âm sắc của câu nói cất lên, đã cuốn hút tôi tức thì. Tôi đứng yên chờ đợi, người đàn ông không hề nhúc nhích làm động tác gì đó tiếp theo như là kiếm ấm nước hay kéo chiếc ghề làm vì. Tôi đành phải tự ổn định chỗ ngồi và chờ bạn.
        Ngồi lâu, không ai nói với ai như là sự thách đố về sự im lặng.
        Hai bên kín đáo quan sát nhau. Tôi ngồi trước mặt người đàn ông, trong tư thế nghiêng, hướng mặt ra phía cửa. Còn anh ta cũng đã kịp chỉ sửa vị trí ngồi tựa lưng về chiếc tủ, nhìn ra oai vệ và chủ động hơn tôi bao nhiêu.
        Anh ta có phong thái của người liên quan đến đám đông. Sự tự tin trong phá cách trang phục. Sự ngàng tàng, ương ngạnh nào đó được bịt bọc kỹ dưới vẻ nhu thuận, cô độc và hơi lơ ngơ. Diển viên? Nhạc sỹ? Kiến trúc sư hay hoạ sỹ.... Tôi phỏng đoán...Mà không, trông anh ta có vẻ giỏi võ. Là huấn luyện viên thể thao hay võ sư không chừng...Nhưng cảm giác toàn bộ con người anh ta tất tật toát lên chất trai lơ cổ điển với vẻ hấp dụ đàn bà như nam châm hút sắt non. Nghĩa là cái tố chất hào hoa phong trần vừa thách thức lại vừa biết chăm chiều làm yên lòng người đẹp, nhưng không ngại thành thật khi kết thúc một vấn đề tế nhị. Hình như anh ta có xu hướng tìm kiếm quyền lợi tinh thần trong thứ tình yêu nào đó luôn tươi mới, trinh nguyên...Anh đang đau đớn vì điều đó thì phải.
        Anh ta là khách thì tôi cũng là khách. Tôi thấy mình không có nghĩa vụ hay xã giao phải đối thoại với một ông khách xa đến thăm bạn tôi. Và anh ta, lại tiếp tục đốt thuốc. Chậm rãi nhả khói, và chậm rãi chiếu rọi cái nhìn vào tôi như mổ xẻ phân tích một tác phẩm xa lạ. Nhưng cái nhìn không khiến tôi khó chịu, bởi nó tinh tế và tinh quái đến mức tôi chỉ cảm nhận được điều ấy ở anh ta mà không tìm ra được lý do gây hấn.
        Ấm ức mà tôi chưa tìm ra cách gì để chơi lại cho bõ. Thật may trong túi tôi có tập bản thảo thơ của vị chủ nhà đang vắng mặt. Lý do tôi đến nhà anh là để trả lại nó.  Đắc địa hơn là trong đó có bản thảo chép tay kèm thủ bút bài thơ Thêm một của Trần Hoà Bình, đề tặng chủ nhân. Tôi bèn long trọng cúi tìm chiếc giẻ lau dắt dưới chân bàn, long trọng lau một khoảng mặt bàn kính phía tôi, rồi ném toạch tập bản thảo cố tình phơi tơ hơ bài thơ Thêm một ấy ra trước mặt gã đàn ông bí hiểm.
        Kín như tấm phông đen, anh ta vẫn ơ hờ nhìn ra, vượt lên khoảng không trên đầu tôi. Vờ cúi xuống chấm giẻ lau vào mũi giày, tôi thoáng thấy anh ta nhìn vào bản thảo. Hình như anh ta nhíu mày, kinh ngạc lắm. Cái nhíu thoáng mau như lằn mây mỏng ngày nắng to. Sự câm nín ở anh ta hình như đã bị rạn nứt. Nhưng tôi đã nhận ra được. A ha tôi cười râm ran đâu đó trong mình. Mẹo vặt của trò chơi giao tiếp nhỏ thu đã kết quả. Sự ấm ức khó chịu trong tôi từ từ giảm áp. Văn chương quả là có sức mạnh.
         Bỗng anh ta liếm đôi môi khô, cười rủm rỉm. Cái cười khiến tôi nhận ra mình không thể ngang ngửa với đối phương.
        Bỗng lúc ấy trước xuất hiện cụ bà như rẻo lá chuối khô chống gậy  giương đôi mắt cùi nhãn đứng nhìn. Cái nhìn kiên trì, nhẫn nại. Lại một cảnh đời già đi xin ăn thiên hạ. Quả nhiên là không thể ngồi im nhìn bà cụ đứng yên lặng chờ đợi...Cả hai chúng tôi nhấp nhổm.
        Người đàn ông lần túi, tìm thứ gì đó mà không thấy hay không có. Thõng tay ngồi im. Tuyệt vọng. Tôi cũng lần khắp các túi, nhưng cũng không có gì. Tôi không hiểu sao hôm ấy tôi lại không gì. Không một mảy một cắc. Hai chúng tôi chạm ánh mắt vào nhau bẽ bàng. Nguời đàn ông lại đưa tay lần hồi khắp các ngõ, hốc túi trên người.
        Thật may là lần này có kết quả, khuất lấp ở đâu đó trong túi áo túi quần một cục tiền lẻ nâu nâu hồng hồng được lôi ra. Người đàn ông cẩn thận vuốt phẳng từng tờ bạc lẻ, xếp ngay ngắn trên mặt kính rồi mới từ tốn tiến ra phía cửa, nâng tay cụ già lên trịnh trọng đặt mớ tiền lẻ vào bàn tay khô nhăn. Giọng anh ta bỗng khô khốc nản mỏi nửa như thanh minh, nửa như cay xót...
        - Chúng tôi là viên chức cả. Biếu cụ mấy hào trầu thuốc thôi ạ....
        Bà cụ ngơ ngác giơ mớ tiền lẻ lên cười món mém.
        - Tự dưng các bác cho tôi tiền à. Thật là các bác tốt quá đi. Tôi ở ngay bên đây, đi thấy hai bác có hai bộ tóc dài giống nhau, thấy lạ đang phân vân các bác là liền ông hay liền bà...
        Bà cụ lóc cóc chống cây gậy sắn bước đi theo lằn râm bóng nắng.
        Vâng đó là cảnh huống tôi chạm nhà thơ Trần Hoà Bình ở Việt Trì.
        Kể từ đận ấy, tôi biết Trần Hoà Bình hơn hai mươi năm, nhưng quí trọng nhau thực mới vài ba năm trở lại. Một người Văn hơn tôi nửa thế hệ về tuổi nhưng lại cùng chung một thời sống. Thời của những bấn loạn  miếng cơm đến niềm tin để sống.
        Thi thoảng mới đụng nhau lúc Việt Trì, khi Hà Nội hoặc cung đường nào loanh quanh xứ Bắc, cách thủ đô vài trăm cây số. Tôi cũng như anh chỉ có khả năng dịch chuyển vặt, vậy thôi.
        Dù cả năm khuất mặt hay mới chia tay vài ba tiếng mà gặp lại, thì sắc vẻ Trần Hoà Bình cũng lặng, lạnh, phớt nụ cười góc miệng tinh quái rồi hất hàm về phía một quán bụi  góc phố.
        - Chặc, ông đấy à, thì, kiếm chỗ nào ta ngồi tí nhỉ...
        Một cái gật đầu đủ bặt thiệp, một bàn tay khô ấm đưa ra chờ hờ hững. Hướng sang bên, Trần Hoà Bình hất hàm về chàng trai vẻ nhu thuận, khoác ba lô cách xa một tầm tay. Giọng nghiêm.
-Đây...là học cũ của mình. Nghe đâu có tài làm thơ viết báo ghê gớm...
        Chàng trai được thầy giới thiệu long trọng, vẻ hơi căng lên một chút, thực thi một động tác cúi đầu, rồi cât tiếng chào đáp lễ. Nhưng  học trò hình như cũng không sướng lắm khi được giới thiệu quá lên. Anh chàng hấm hứ kín đáo, phụng phịu với thầy.
        Thầy Trần Hoà Bình cười ruồi, phẩy tay ấn thêm chiếc ba lô lên vai trò.
        - Cậu lên trước đi...
        Thọc một tay vào túi quần. Một cái nhìn xuống mũi đôi giày thể thao. Một cái nhìn ngang, thẳng thắn chìm chìm. Nhưng ánh mắt bao giờ cũng hướng ra những khoảng rộng của con đường có người đẹp lướt xe máy vo vo bập hơi thuốc dài mà cũng có thể nhìn quanh búng đi phần rác điếu thuốc hay chum tay mồi tiếp điếu mới. Đẩy cao gọng kính cận, tiện tay vuốt thêm mái tóc dài đen mướt buông ốp sát đầu, đưa mắt quan sát bộ quần áo bò thời thượng( mà bao giờ tôi cũng nhận ra rằng từ ngày mua nó mới được qua dăm lần giặt )
        Lựa góc nhìn có thể bao quát cả quán hàng lẫn con đường, Trần Hoà Bình mới ngồi xuống. Rút bao thuốc 555, diêm hộp hoặc bật lửa ga lạ mắt, mắt đảo nhanh những thức bày bán trong tủ kính. Nhìn bà chủ quán ngồi ngáp, Trần Hoà Bình ra lệnh cho kẻ học trò đã đi tiền trạm đang ngồi có vẻ dỗi thầy.
        - Bảo chủ quán pha cho ấm trà mới...khẩn trương...
        Tôi ơ lên, thì Trần Hoà Bình chặc lưỡi,
        - Nó sau này làm báo, phải học nhiều thứ... ngay cả cái sự bị sai phái cũng phải học...Kệ.
        Anh chàng hỉ đồng thời quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ngoan ngoãn lau ấm chén, lau mặt bàn, đợi chè ngấm, nghiêm cẩn rót mời thầy mời bạn thầy. Rồi mới lui về vị trí cũ. Bỗng nhìn thấy bức tranh  giấy dó Đông Hồ trên vách nứa, Trần Hoà Bình sững lại, hướng về phía học trò.
        - Ngày xưa, mình rất có năng khiếu vẽ, nhưng lại bỏ bê đi tập chơi bóng bàn, ông thầy dạy vẽ thấy thế chỉ cười nhếch chua chát. Nên vậy, minh mới trượt thi Mỹ thuật mà vào Sư pham...
        Trong các câu chuyện không mấy khi chúng tôi nói đến những thứ đã viết cuả riêng  nhau. Tôi thì đã đành, đâu có nhiều thứ để nói. Và cũng không nói đến đàn bà. Nhiều lần cả hai thử động đến đề tài này, nhưng không hiểu sao tự nhiên cả hai đều im lặng. Nó nhạt.
        Chỉ những đối thoại ngắn, nhấm nhẳng, bâng quơ. Tưởng là rời rạc, nhưng lại liên kết với nhau theo chủ đề nào đấy bất chợt. Nhưng đôi khi tôi hứng cũng đọc trích một hai câu của anh trong các bài thơ mà các sinh viên những năm 80 thế kỷ trước hầu như ai cũng chép sổ hoặc nằm lòng.
        Xoay chén chè, Trần Hoà Bình lắc đầu cười khinh khi.
        -Ừ đó là những bài thơ hay thật, gan ruột thật. Nhưng nó quá mong nanh, nhỏ bé trước thời gian và các khi va chạm với nền văn hoá khác. Dù mình có thông minh dày dặn nền móng đến đâu thì vẫn là thứ đèm đẹp của một đất nước đang chuyển đổi...Nó là thứ phương tiện hữu hiệu đặc sắc cho một gã vợ bỏ như tôi...
        - Sao thầy( anh ) không tính đến chuyện ra một tập thơ nhỉ ? Thơ của thầy(anh ) quá được kia mà...
        - Thơ của mình thì vẫn là của mình, dù để tài hay xếp chồng lên nhau ? Tại sao lại phải ra tập nhi ? Để làm gì ? Tôi muốn một phép thử lâu dài...Nếu có in tập thì mình để cho con gái nó viết lời bạt. Nó sẽ chê ỏng chê eo thơ bố nó....
         Tôi chẳng biết Trần Hoà Bình nói đến phép thử nào, để làm gì. Đang băn khoăn thì anh đã thủng thẳng rê sang chuyện khác.
        - A.. để tôi kể ông nghe câu chuyện có chi tiết này...
        Vâng, nói đến chi tiết. Một lần đến nhà anh bất chợt. Cửa khoá, dưới cái khoá đồng gia công thời bao cấp là cuốn sổ bằng bàn tay, giấy nhám xám, và mẩu bút chì dèn ngắn ngủn treo lủng lẳng bằng dây gai thô. Bìa cuốn sổ có lời:' Khách đến không gặp, xin để lại lời nhắn - THB ". Và tôi đã bê nguyên chi tiết ấy vào một câu chuyện ngắn của mình về một người đàn ông cô độc, suốt đời chờ đợi một lá thư. Không biết bao nhiêu lần, gặp anh tôi đã định kể về chi tiết ấy. Thế mà quên phứt sau những hàn huyên.
        Chuyện phiếm của Trần Hoà Bình thường là những chi tiết tưởng là lặt vặt về cô, cậu học trò cũ, người bạn vong niên. Và đặc biệt là về người cha học thức, nhưng sớm mỏi gối giữa đường, về một người chị nhan sắc cao số, về một người chú họ xa lắc nào đó lỡ bị nhắc tên trong một bài báo, tuy chẳng liên quan gì đến sự thất bại của một cuôc cách mạng chưa thành mà suôt đời dằn vặt. Và về chính bản thân anh. Một người con gánh vác chức trai trưởng nhưng bao giờ tròn nghĩa phận. Về một xứ Đoài lận đận, hào hoa. Anh cười, cái cười như không mà lại có thể vò xé khuôn mặt.
        Tôi nghĩ rằng mình hiểu và cảm nhận phần nào điều đó. Bởi chị gái tôi cũng sinh năm Canh Dần, cũng nhan sắc mà hâm hiu. Bởi tôi cũng là con trưởng thật thành trưởng giả vì cũng lỡ dính nghiệp văn như anh.
        Những câu chuyện ấy, chẳng có gì liên quan đến văn chương, đến thời cuộc. Hơn một lần chúng tôi ngồi im, mà cảm nhận được dư âm những chi tiết, như tia nước lạnh quất thẳng vào giữa ngực.
Với bút danh Tầm Thư, giữ chuyên mục gỡ rối tơ lòng cho bao nhiêu lứa đôi trên báo Tiền Phong. Nghiễm nhiên đi đâu Tầm Thư  cũng là chuyên gia tình ái ngoại hạng.  Cảm phục, một người bạn của chúng tôi đã cậy nhờ bằng được đích thân Tầm Thư làm cố vấn tình ái hơn hai năm trời. Những năm đó, hình như chủ nhật nào Tầm Thư cũng đáp xe khách ngược Việt Trì bày mưu tính kế giúp người hâm mộ. Nào hoa hồng Đà Lạt, nào hoa loa kèn, nào nước hoa Pháp.
Nhưng sự vụ không như dự tưởng. Ông cố vấn Tầm Thư tiu ngỉu gãi đầu.
- Con bé kia nó hoàn toàn không yêu. Không yêu mà cố vấn cho thành được yêu, thì đền thầy Tầm Thư cũng chịu. Tôi có phải thầy bùa đâu. Có lý thuyết chỉ đúng trên lý thuyêt. Tôi làm quá thì nó chuyển sang yêu tôi thì hỏng cả....
Nhưng oái oăm, chính Tầm Thư cũng không tư vấn giúp được Tầm Thư. Trai hào hoa thi hoạ và gái có thanh có sắc. Hình mẫu cho những trang tiểu thuyết hồng. Vậy mà thuyền lái rời nhau. Chân ngọn hải đăng đã không có ánh sáng soi dẫn cho chính nó.
Trần Hoà Bình đã vật vã tìm mọi cách để giành quyền nuôi cô con gái nhỏ. Sau này, tôi biết lần gặp Trần Hoà Bình đầu tiên ấy cũng chính là thời kỳ cuộc hôn nhân thuần khiết tình yêu của anh đổ vỡ. Hôm đó, trong cơn bấn loạn lo không được quyền nuôi con, Trần Hoà Bình đã tưc tốc tìm người bạn ở Việt Trì dẫn đi cầu khấn ở Đền Hùng.
Một lần chúng tôi quá chén, Trần Hoà Bình vuốt mặt, quẳng cặp kính vào đống chăn màm.
- Người ta nghĩ mình gái gú thành thần, uống rượu như uống nước lã. Mình sức học trò, lại từng bị thiên đầu thống, uống đâu có nhiều, chỉ là thích uống thôi. Còn gái thì tàn phá sức ghê gớm... Đâu có nhiều của ngon vật lạ mà tẩm bổ bồi dường. Một đêm ba bốn tao ân ái đã đủ tàn tành một kiếp trai...Càng ngày càng nản ông ạ. Với tôi giờ chỉ còn hai điều thành thật là cuộc sống của con gái và dồn sức dạy dỗ đám học trò nên người. Với con gái, đó là tình yêu máu thịt. Với học trò là niềm tin vào chân lý mà chúng nó sẽ thay mình kiểm chứng...
Trần Hoà Bình mình trần, ném người xuống đệm, chiếc quần lửng lụng thụng dây khoá, hai tay chống sau lửng ngửa mặt lên nhìn cái trần nhà thấp tè chỉ chực rơi xuống đầu.
Người ta cứ đồn rằng Trần Hoà Bình đào hoa, tình yêu này nối tình yêu kia. Tình yêu nào cũng thành thật.  Góc tranh tối tranh sáng ấy của anh tôi không tường. Hoạ chăng tôi chứng cái thói đa tình ở nơi anh cũng thường như ở bất kỳ người đàn ông nào. Là thấy một dáng đẹp vô tình là ngẩn ngơ dõi nhìn và cười tủm tỉm bâng khuâng hơi lâu một chút.
        Và, người ta còn cho rằng Trần Hoà Bình tài hoa thông minh nhưng không nghiêm cẩn, không chịu rèn luyện tu thân phấn đấu. Rằng anh đã tự đóng cửa trước vô số cơ hội thăng tiến. Người không chịu nhẫn làm một việc tỉ mẩn từ khởi động đến kết thúc. Người ta ước ao cái năng lực trời cho, tiếc sót thay anh không ít. Anh- Trần Hoà Bình - một người ham vui, ưa rong ruổi loanh quanh...
        Tôi tin một nửa những điều ấy. Nhưng tôi tin một Trần Hoà Bình bằng xương thịt với trí tuệ sáng láng thấm đượn chất hài hước nhân văn trong văn chương cổ điển Pháp và Trung Hoa. Hình như anh đã ngộ về anh, ngộ về xung quanh sớm hơn nhiều những bè bạn. Trong tỷ tỷ chữ, anh đã chọn lấy chữ NHÀN và nèo thêm cho minh hai chữ THANH THẢN.
        Tôi biết, Trần Hoà Bình, với những mối bạn bè có vai vị, nếu chuyển đổi thặng dư tình cảm thành thặng dư tiền bạc thì nhà lầu hay chiếc ô tô đời mới không đến nỗi quá thách thức.
        Nhưng Trần Hoà Bình đã dửng dưng đi qua những thứ đó, dửng dưng đi qua danh vọng phù hoa của chữ nghĩa lẫn các giấy chứng của những danh hiệu. Tôi chắc nếu có lúc nào anh khát thèm chúng, thì nó cũng biến nó thành phương tiện rong chơi lặt vặt qua ngày.
        Như tiền định, từ đầu năm 2008 Trần Hoà Bình không có tháng nào là không xuất hiện ở đâu đó trong vùng phụ cận văn hoá xứ Đoài. Vĩnh Yên, Tam Đảo, Xuân Hoà, Phú Thọ, Việt Trì, Sơn Tây, Tuyên Quang. Điện thoại, tin nhắn. Gặp gỡ, nhậu vặt. Bàn những chuyện bàn mà không thể bàn tận cùng.
        Tươi mới, hay xanh xám nhưng bao giờ anh cũng nhìn thẳng vào người đối thoại chờ đợi. Một cái gật đầu, một cái bắt tay hứa hẹn. Và, một cái hất hàm ân cần lẫn kiêu bạc về cậu học cũ đang mang vác ba lô kiên nhẫn đứng chờ thầy huyên thuyên với bạn.
        Đã ba hay bốn tuần anh Bình nhỉ? Mấy anh em đã lèn cứng ta-xi hộc tốc lao về Hải Phòng trong ngày. Chúng ta cùng viếng người thân của một người bạn tương đối thành đạt mà cả bố cả con đều là học trò anh. Đương nhiên anh giữ vai trưởng đoàn, lập cập bái lạy, lập cập châm hương, khiến cho mấy chúng tôi bị động quýnh quáng theo sau, dường như với anh ngay làm chân trưởng toán đám hiếu cũng không thích hợp. Ngay lúc đó tôi thầm nghĩ, tại sao Trần Hoà Bình một nhân cách mà lại không thể nghiêm cẩn trong việc cỏn con này ? Nhưng tôi đã nhận ngay ra mình ngớ ngẩn. Trần Hoà Bình là người hoàn toàn nghiêm cẩn, chỉ có điều anh là một trong những người đặc sắc không chịu được sự hình thức dập khuôn. Hẳn anh nhớ, bữa ăn trưa chờ đợi giờ phát tang hôm ấy, chúng ta chen chúc trong cái quán còm bên lối bê tông chia đôi cái làng đồng biển bơ phờ lá chuối rách.  Anh- Trần Hoà Bình người lớn tuổi nhất cầm đũa chạy ra chạy vào bếp nấu. Món mướp xào lòng gà. Món canh rau mồng tơi nấu cua. Đĩa thịt xào hơi nhiều nước mắm cốt để lũ em ăn cơm. Khi kết bữa, anh trịnh trọng mời người chủ quán đến nhận tiền. Tôi không ngờ con người anh lại có nhiều khả năng chăm bẵm người khác theo kiểu đàn chị đến vậy.
        Trong đền cụ Trạng, chúng ta sắp hàng bên nhau cùng rập đầu khấn lạy, tôi bỗng thấy anh run lên khác thường, mồ hôi toá đầm đầm. Và tôi cũng thốt lạnh đâu đó trong người mà run theo. Chỉ khi ra đến sân và ngắm cụ Trạng trong nhóm tượng vườn anh mới có vẻ bình tâm trở lại, nhưng vẻ cứ trầm trầm khó tả.
        Và tại sao nhỉ cái buổi chiều nồng oi, trước bến phà Hàn nổi nênh dâng tràn những bọt phù sa ngầu ngầu, chúng ta đã quay đi rồi lộn lại  ba bốn lượt cả cây số mà không thể tiễn đựơc anh sang sông. Nhìn ngang sông mỏi tầm mắt, lục bình trôi lững đững, xơ xác. Hàng dừa bên bờ kia lả bóng mờ. Ngõi sang chờ phà, Trần Hoà Bình buột miệng:
        - Sao tôi bỗng nhớ những bến sông miệt vườn Nam bộ. Đây sao mà giống. Ông đã được người con gái Nam bộ nào yêu chưa ?
        Tôi chưa có câu trả lời thì người bạn cùng đi đọc thơ Tản Đà.
Đưa nhau một quãng đò ngang
Bướm bay mây lộn hoa vàng nước xanh
        Trần Hoà Bình nghe và lặng đi. Lúc lâu thì bảo.
        - Rong chơi mà đọc Tản Đà thì chơi thủng túi...
        Anh kéo tôi ra sát mép nước oằm oặp vỗ, nhấc vạt áo lau kính.
        - Đời tôi không biết đã bao nhiêu lần sang sông. Mà lạ lần nào qua sông cũng thấy mới lạ cái cảm giác nôn nao. Nó là chia ly, gần như là chia rời âm dương ngay trên mặt đất bởi sự chuyển dịch của dòng nước. Chuyển dịch và dịch chuyển luân hồi.
        Anh Bình ạ! bây giờ đang là lúc: Sông đã phổng phao trời đẫm nước, nhưng nắng không kỳ hẹn mỗi khoang đò và mùa thu đã không chỉ một chiếc lá thu rụng, nhưng trong vô vàn ấy có chiếc lá lại ứng vào anh. Cái chết với số chung là qui luật, với cá nhân là vô lý. Nhưng hình như với rmình thì chắc anh cho rằng anh có lý, còn với mọi người ở lại là điều vô lý.
        Ngay lúc này tôi chưa tường mình trọng quý anh mức nào. Nhưng chỉ hình dung một mai vĩnh viễn không bất ngờ đụng anh ở đâu đó trên mỗi cung đường xứ Bắc, đã thấy bàng hoàng. Tôi xót nỗi anh mà lại thương mình rồi sẽ không ít nhạt nhẽo những ngày dài thèm bạn. Anh đã là gì nhỉ mà sao tôi phụ thuộc vào anh đến vậy ? Có những người mười năm không cần gặp vẫn là bạn. Còn anh là người  đã gặp cả mấy mươi năm mà vẫn còn muốn gặp lại.
        Còn hơn cả một nỗi đau, đó là nỗi đau khi viết về bạn mà bạn không còn. Có một điều gì đấy vừa thúc giục vừa níu giữ tôi khi chép ra những nỗi niềm với anh. Thực, tôi không muốn làm một việc tương tự thế này lần nữa. Bởi tại anh đã làm một cái dấu trừ đen đậm...
        Người bạn chung của chúng ta, khi nghe tin dữ từ anh, chỉ nhìn lên bầu trời xứ Đoài hôm ấy âm u, nhát gừng không chịu nói hết câu.
•-         Trần Hoà Bình là một con diều...một con diều...
        Nếu anh là con diều thật thì cũng chẳng lạ. Diều chỉ nối với mặt đất qua sợi dây mong manh. Mà lý do để níu giữ anh thêm với mặt đất này, thì hình như từ lâu anh đã dần cởi bớt...
        Hai chúng ta cùng để tóc dài từ ngày bất chợt biết nhau. Đầu năm nay, tự nhiên tôi cắt ngắn tóc. Gặp nhau anh ngỡ ngàng, nheo nheo ánh mắt hóm hỉnh.
        - Sao, ông có chuyện gì vậy ? Tư dưng thay đổi hình thức. Có phải chán mình quá rồi không ? Ông thừa biết làm mới mình là làm mới cái đã có tự bên trong kia mà. Ô đổi thay tí chút hình thức liệu có cứu cánh nổi niềm tin vào bản thân anh đang dần đổ sụp. Một sự xoay xoả tội nghiệp...hi hi...
        Tôi nhếch cười góp, vơ vội chiếc mũ chụp lên đầu, tiễn anh đi tới chỗ người học trò đang đứng đợi thập thò nơi đầu ngõ.
                                                                                                        Tháng 8/2008
                                                                                           Nguyễn Tham Thiện Kế 

 Một tác phẩm của cố nhà thơ
                           

                                         Thêm một
Thêm một chiếc lá rụng,
Thế là thành mùa thu.
Thêm một tiếng chim gù,
Thành ban mai tinh khiết.
Dĩ nhiên là tôi biết,
Thêm một - lắm điều hay.
Nhưng mà tôi cũng biết,
Thêm một - phiền toái thay!
Thêm một lời dại dột,
Tức thì em bỏ đi.
Nhưng thêm chút lầm lì,
Thế nào em cũng khóc.
Thêm một người thứ ba,
Chuyện tình đâm dang dở.
Cứ thêm một lời hứa,
Lại một lần khả nghi.
Nhận thêm một thiệp cưới,
Thấy mình lẻ loi hơn.
Thêm một đêm trăng tròn,
Lại thấy mình đang khuyết.
Dĩ nhiên là tôi biết,
Thêm một lắm điều hay
.
Trần Hòa Bình



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét