Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Đọc sách- TÌM LẠI KÝ ỨC XƯA

Tìm lại ký ức xa xưa... Thứ tư, 01/06/2011 20 giờ 28 GMT+7

Nếu ai đã từng có những ký ức, những kỷ niệm ngọt ngào về những miền quê hiền hòa có lẽ sẽ khó mà quên được. Tập tùy bút “Về thương chim sẻ” của nhiều tác giả (Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Công ty First News xuất bản năm 2011) đã chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm về những miền quê như thế với độc giả.
37 bài viết trong “Về thương chim sẻ” của nhiều tác giả, là những hoài niệm đầy cảm xúc, khiến người đọc lắng lòng theo từng trang giấy.
Vì mưu sinh, nhiều người bỏ quê ra phố. Nhịp sống xô bồ của thành thị như một vòng xoáy cuốn hút dễ khiến người ta quên đi nguồn cội, nhưng có những lúc: “đêm về nằm vắt tay lên trán thấy nhớ làng da diết, nhớ đến nhói đau trong lòng. Ấy là con đường đất đỏ sỏi ong rộng rãi, chạy xe ro ro không bị nắng vì hàng cây bạch đàn hay xà cừ che mát trên đầu. Cái ao bờ đất lở lói vì lũ cá trê đào khoét, mặt nước xanh lá bèo tây, cá đớp bóng lúm túm buổi chiều. Cả tình người nhà quê cũng khác. Bà cụ hàng xóm nhà tôi cứ có quả mít chín ngon lại xẻ đôi đem cho chúng tôi một nửa. Nhà tôi mỗi lần giỗ chạp, sau bữa là có phần đem chia cho mấy nhà xung quanh...” (“Nhớ làng” của Phùng Phương Quý- trang 134).
Tác giả Kiều Chinh nhớ về một làng quê mà mỗi khi gió chướng về là “lúa ngậm đồng căng hạt sữa, là mùa cá linh rộn ràng xóm nhỏ, hoa so đũa trổ bông tràn ngập cánh đồng, rải trắng những cánh đồng làng thơm mùi cỏ...” (Mùa gió chướng). Còn với Nguyễn Ngọc trong “Lũ và cha tôi”, mùa lũ lại là mùa đáng nhớ nhất dù chỉ ăn cơm với vừng lạc, gốc chuối muối giữa bốn bề ngập nước. Quê hương trong ký ức của nhiều người dù sung sướng hay cực khổ vẫn gắn với tuổi thơ hồn nhiên, nghịch ngợm. Đó là một tuổi thơ mà các trò chơi đều “rắc đầy bông nút” của Ngô Phan Lưu trong “Bông Nút”, hay những tháng ngày nhặt trứng chim trên cánh đồng sau mùa gặt trong “Đồng tro, nhạn đất” của Nguyễn Trọng Tín, hoặc một thời lặn ngụp, chơi đùa thỏa thích giữa dòng sông quê trong “Sông quê nổi giận” của Mạc Đại...
Có dịp trở về, người ta cảm thấy xót xa, tiếc nuối khi quê nhà đã đổi thay đến nỗi không thể nhận ra. Xóm Rớ ở cửa sông năm nào là nơi định cư của một làng chài nhỏ giờ đây đã trở thành một khu phố nhộn nhịp, nhưng sông nước đã hẹp hơn, cạn hơn và ô nhiễm trầm trọng. Những cánh đồng quê đầy trứng nhạn đất giờ đã trở thành ao tôm; cá đồng đông đúc một thời giờ đã cạn kiệt vì bị đánh bắt quá nhiều; bông điên điển xưa mọc hoang khắp nơi mà giờ người ta phải trồng mới có... Những dòng sông đã bị ô nhiễm, những cánh rừng bị tàn phá như những nhát cắt vào trái tim người xa xứ.
“Về thương chim sẻ” hướng người đọc tìm về những nét đẹp tâm hồn giữa cuộc sống hiện đại bộn bề.
CÁT ĐẰNG
(Theo bao dien tu Can Tho)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét