Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

TRUYỆN NGẮN DỰ THI TRÊN BÁO SGGP

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN: CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG HÔM NAY

DÒNG CHẢY
Chủ nhật, 07/08/2011, 00:10 (GMT+7)
Bóng đêm, ngọn đèn vàng yểu soi những khuôn mặt mệt mỏi, lử lả trong xe. Rồi đèn tắt phụt, chiếc xe khách dài thượt bị bóng đêm nuốt chửng. Hằng đã thu xếp cho thằng cu con 2 tuổi một chỗ nằm sát ghế trong. Cô gác hai chân lên cửa kính, nằm dài lên đùi tôi. Đêm qua tới Thanh Hóa, cô còn khỏe nên ngồi dựa lưng vào vai tôi mà ngủ. Đêm nay thì đã khác. Tôi vòng tay ôm qua người cô, giữ cho khỏi trượt xuống sàn. Cảm giác hai bầu vú chật chội, ấm áp ngay dưới cánh tay trái.


Trời mưa to, trần xe bị dột, nước tong tỏng xuống ghế ngồi. Tôi chuyển chỗ tới ba lần, mỗi lần lại tụt về phía sau một hàng ghế. Cuối cùng thì ngồi cạnh hai mẹ con Hằng. Cô xích vào phía trong, bảo: “Bác ngồi sát vào cho khỏi ướt. Gớm! Xe cộ gì phát khiếp. Bác vào Sài Gòn ạ? May quá, em cũng vào Sài Gòn mà chưa biết đường”. Thằng cu ngồi trong lòng mẹ, mắt tròn đen. Nó trườn qua lòng tôi, lôi cái kính trên túi áo ra nghịch. “Bác cho em gửi cháu tí nhé”. Hằng lách qua tôi, đạp lên mấy bao hàng xếp dọc hành lang, đi tìm chiếc ba lô. Tôi ngắm cô từ phía sau, mình dây, chân dài, chiếc quần đen chẽn ngang gối, áo thun xanh ngắn. Khi cô quay về, tôi nhìn thấy cái rốn sâu và bắp tay trên bên trái có vết bầm tím.


Tôi trở thành người nhà của hai mẹ con. Xuống xe đi tiểu hay dừng lại ăn cơm, tôi ẵm thằng Cò cho mẹ nó xách túi quần áo. Thằng nhỏ khoái tôi, còn bập bẹ gọi tôi là bố. Tôi bật cười, sau một ngày ngồi trên xe, Hằng cũng coi tôi như bố thằng Cò, mỗi lần thay quần cho con hay uống nước, Hằng đưa mắt ra hiệu hoặc chỉ tay là tôi biết phải lấy quần thằng nhỏ hay chai nước từ đâu. Em vào Sài Gòn thăm ai? Khi tôi hỏi thăm, khuôn mặt trái xoan của Hằng sắc lại. Em đi tìm việc làm! Nghe nói trong ấy dễ tìm việc. Làm gì cũng được, kể cả đi làm thợ hồ. Chỉ cần có tiền nuôi thằng Cò. Bố nó đâu? Hằng mím môi không trả lời. Lúc sau cô mới thở dài, như nói một mình. Thằng khốn! Em có bầu được 6 tháng thì nó bỏ đi cưới vợ, con đó xấu như ma nhưng giàu, nó đi lao động xuất khẩu bên Libya về. Em một mình sinh con, nuôi con. Ông ngoại là cán bộ hưu, ông ghét em vì tội “chửa hoang”. Lúc nào bực bội là ông lại đay nghiến, chửi rủa, có lần còn đánh đuổi hai mẹ con. Tôi chép miệng. Mấy ông bà hưu trí vẫn coi trọng danh tiếng lắm. Muốn hỏi Hằng về vết bầm trên bắp tay trái, lại thôi. Em vào Sài Gòn, bao giờ có thật nhiều tiền mới về quê. Lúc ấy em sẽ tìm xử thằng Sở Khanh kia. Mặt Hằng đanh lại.
Xe chạy qua một thị trấn miền Trung. Ánh đèn đường hắt vào xe, soi lên mái tóc phờ phạc của Hằng. Cô lắc lư đầu trên đùi tôi theo nhịp xe, khuôn mặt “gái một con” trở lại sự thanh xuân của tuổi 24. Tôi thấy thương cô hơn, bàn tay nhẹ vuốt những sợi tóc rối bên thái dương, xoa nhẹ cái gáy nhỏ. Tôi đưa tay xuống kéo chiếc áo thun mỏng che lại mảng da bụng trắng cho Hằng, vạt áo cứ căng lên, không chịu che kín. Bàn tay nằm yên nơi da bụng trắng ấm và phập phồng, lưỡng lự giữa việc lần xuống dưới hay lên phía trên. Tôi thấy thân thể mình nóng lên ham muốn. Bất ngờ cúi xuống hôn lên môi cô. Hằng mở to mắt, ngạc nhiên nhìn tôi. Thằng Cò cục cựa, u ơ nói mê, tôi nâng Hằng dậy, mỉm cười như xin lỗi. Chắc Hằng nhận ra bàn tay gây rối của tôi. Cô sửa sang lại chỗ nằm cho con, rồi ngồi quay lưng lại. Chắc cô nàng giận. Tôi duỗi dài hai chân tê cứng, nghe tiếng Hằng thở dài ngay sau lưng. Xe vừa ra khỏi thị trấn, cô quay lại ôm quàng lấy cổ tôi, gục đầu lên vai ngủ tiếp. Tôi ghì chặt Hằng, rồi chìm vào mệt mỏi.
Bình minh lên ở Đồng Nai. Tôi ngượng ngùng trước bao ánh mắt xung quanh. Sắp tới rồi mẹ thằng Cò! Xem lại đồ đạc đi. Hằng uể oải che miệng ngáp. Có mỗi cái ba lô thôi mà anh. Xuống bến xe miền Đông rồi em đi đâu? Em chưa biết! Nhưng có người hàng xóm làm thợ xây trong này, anh ấy có cho số điện thoại, em sẽ đi tìm nhờ giúp đỡ. Em cẩn thận tiền nong nhé, trộm chôm mất là chết đói. Hằng cười, móc túi quần sau ra mấy tờ bạc xanh ra đếm lại. Còn hơn ba trăm ngàn, mất thì đói thật. Trời đất! Vậy hai mẹ con mang đi bao nhiêu? Chín trăm anh ạ! Tiền vé năm trăm nhà xe bao ăn luôn. Tiêu vặt dọc đường hết mấy chục. Đầu óc tôi ù ù, muốn nổ tung vì khó xử. Ba trăm ngàn cho hai mẹ con ở thành phố xa lạ không việc làm, không nơi ăn, chốn ở. Hay là tôi đưa mẹ con Hằng về nhà mình, rồi tìm việc giúp cô? Không được! Bà xã tôi có tốt bụng hơn những phụ nữ khác thì tôi cũng khó giải thích việc dắt hai mẹ con cô gái về nhà sau một chuyến ra Bắc. Tôi loay hoay thu dọn đồ đạc giúp Hằng, trong lòng rối bời. Tới bến xe miền Đông tôi chỉ làm được một việc là móc ví ra, giữ lại hai chục ngàn đi xe buýt, còn lại bao nhiêu đưa cả cho Hằng. Bác cho thằng Cò uống sữa nhé. Đến nơi ở mới, có khó khăn gì điện thoại cho anh. Tôi quảy túi xách, quay đi như chạy trốn.
Tôi đã kể lại chuyện mẹ con Hằng cho vợ nghe, tất nhiên là giấu một số chi tiết. Vợ tôi thở dài. Tội nghiệp cô ấy. Em biết anh hay thương người, nhưng anh xử sự thế là phải. Không thấy Hằng điện thoại cho tôi, số của cô thì tôi quên không lưu lại. Chủ nhật, đi nhậu với anh em ngoài bờ sông. Tôi đang chạy xe thì điện thoại rung. Tiếng con gái Bắc. Bác còn nhớ mẹ con thằng Cò không? Tôi mừng quýnh, tấp xe vào bên đường. Hằng hả! Em sao rồi? Chán lắm anh ạ! Chẳng ai tốt như anh đâu. Em quên mất, chưa hỏi tên anh. Giời ạ! Đúng là tệ quá, anh là Thực, nhà ở quận 12, ngay gần cầu vượt An Sương ấy. Bác Thực nhớ thằng Cò không? Nhớ chứ! Nó có ngoan không? Cháu ngoan ạ! Thế bác Thực không nhớ mẹ nó à? Tôi sửng người, vì nghe tiếng của Hằng như có nước mắt. Ờ ờ! Có…! Tôi ấp úng vì vợ ngồi phía sau. Đó là cuộc điện thoại đầu tiên và cũng là cuối cùng của Hằng sau một tháng vào Sài Gòn. Sau này tôi gọi lại, chỉ nghe tò tí te.
Sinh nhật lần thứ 33, tôi có một món quà bất ngờ. Chiếc laptop hiệu IBM tôi từng ao ước có giá 10 triệu đồng đã nằm trên bàn làm việc. Vợ tôi xinh tươi trong bộ áo váy màu hồng, chúc mừng sinh nhật chồng bằng nụ hôn trên má và chiếc túi xách màu đen. Buổi chiều, tôi vênh vang đeo chiếc túi xách đi cà phê khoe với thằng bạn. Nó mở laptop của tôi trên bàn cà phê, xuýt xoa. Đồ Mẽo bền lắm, vợ ông năm-bờ-oăn. Tôi bốc lên. Đi làm thùng bia rửa máy mới với tao nghen. Ở quán bia, mùi bò nướng và bia 333 làm tôi trở nên lắm lời. Tôi kể chuyện cho cậu bạn nghe về mẹ con Hằng. Thằng chả chặc lưỡi. Uổng quá! Giờ hai mẹ con nàng ở đâu? Tôi buồn rầu lắc đầu.
Hai cô gái ăn mặc mát mẻ xuất hiện. Mời hai anh uống thử bia hãng Con Vịt chúng em. Chất lượng tuyệt hảo, công nghệ Đức đó ạ. Hai chai này là mời các anh, nếu uống được xin liên hệ với chúng em qua số điện thoại... Ô-kê hai người đẹp. Mặt tôi đã đỏ, giọng nói hơi lớn, thậm chí còn cả gan giơ tay vuốt mông cô váy ngắn. Lúc kêu tính tiền. Tôi hết hồn vì túi xách có chiếc laptop và ví bên trong biến mất. Tôi để trên chiếc ghế cạnh mình đây mà. Nhà hàng nói, anh đụng băng nữ quái rồi, hai con nhỏ lúc nãy chứ ai. Còn hên là nó không cướp giựt ngoài đường làm anh té xe đó.
Tôi ngồi thẫn thờ trước sân, chờ vợ con về mở cửa. Không biết giải thích với vợ ra sao đây. Chẳng lẽ lại nói của đi thay người. Điện thoại nhúc nhích túi quần. Tôi uể oải nhìn số lạ. A lô! Phải số anh Thực không ạ? Chúng em xin lỗi, giờ anh chịu khó tới công an phường X nhận lại đồ đạc giùm. Tôi chưa kịp hiểu cô gái nói gì thì máy cúp. Chẳng lẽ có người nhặt được chiếc túi của mình?! Tôi chạy xe ào ào tới công an phường X. Chiếc túi xách của tôi nằm ở đây, nguyên vẹn.
Cuối năm, công việc lu bu không ngóc đầu lên được. Ngồi trong phòng làm việc hầu như suốt 12 giờ. Cầm tờ báo trên bàn ngó qua, tôi chú ý tới tin mới: công an thành phố vừa tóm gọn nhóm nữ quái gồm 4 cô gái trẻ chuyên lừa hỏi đường, tiếp thị để cướp giật tài sản. Bỗng tôi giật mình, đeo vội kính cận lên. Tấm hình mấy nữ quái, cô đứng ngoài sao quen quá. Trời đất! Hằng! Tôi vừa nhận ra khuôn mặt trái xoan của mẹ thằng Cò.
Phùng Phương Quý
(Hội VHNT tỉnh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét