Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

LÃNG ĐÃNG HÀ THÀNH- Tạp văn

   
                                  MỘT NGÀY VỚI HÀ THÀNH
                                                                                  

Cơn bão số 2 đang sầm sập tới, nhưng hai tờ báo “ruột” ở Hà Nội nhắn tôi xuống lấy nhuận bút và nhận giùm tiền bạn đọc gửi tặng một nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt. Thế là đội mưa đi Hà thành trọn một ngày, tiện thể mua vé cho chuyến “Nam tiến” sắp tới.
Quốc tử giám

Hà thành không còn cảnh hơi nóng rung rinh bốc lên từ các hình khối bê tông cao vật vã. Mưa lắc rắc rơi trên phố tấp nập người, xe. Có cảm giác mùa thu bất ngờ trở về. Anh bạn hàng xóm yêu thơ văn, vốn là chủ một quán ăn ở quê, “giở chứng” bỏ về Hà thành hành nghề xe ôm đã 4 năm nay, gặp tôi tại Cổ Nhuế thì mừng quá. “Em chạy xe đêm, đang định về ngủ…Mấy năm rồi không gặp bác, thôi để em làm xe ôm. Đằng nào bác chả phải đi xe”. Tôi cũng mừng quá. “Đi giữa đàng, gặp người làng thì sáng mắt ra”, huống hồ hắn lại là dân xe ôm. Ờ thì đi! Ra đường Lê Đức Thọ nhá. Thế cậu làm xe ôm mà không có thêm chiếc mũ bảo hiểm nào à? Hắn cười hề hề. “Bác đúng là dân Hai lúa! Ngoài này thoáng lắm. Yên tâm đi!”. Từ cổng bến xe Mỹ Đình, hắn dắt xe ngược chiều một đoạn, rồi hối tôi ngồi lên sau xe. Còi toe toe. Xi nhan lập lòe và xe cứ phăm phăm chạy ngược chiều. Tôi ớn quá vỗ vai ông bạn. Chạy xe kiểu này CSGT nó nắm đầu bây giờ. Hắn vừa chú ý lái xe vừa làu bàu với tôi. “Bác nhìn thiên hạ mà xem. Ai chả đi thế. Cứ đi đúng đường thì vòng vèo tốn xăng lắm”. Tôi chợt nhìn quanh, thấy xe máy chạy ngược chiều cũng nhiều, lại chẳng mấy người đội mũ bảo hiểm. Mà dân Hà thành chạy xe “thánh” thật. Len lách, tưởng lao đầu vào nhau đến nơi mà nhoáng một cái họ tránh được ngay. Ông bạn trấn an tôi. “Bác cứ ngồi cho vững. Từ đây xuống Cổ Nhuế là địa bàn của em, chạy vô tư”. Thực ra tôi không ngại nộp tiền phạt, mà lo cho tính mạng của mình. Cứ len lách kiểu này, lỡ đụng xe ngã xuống đường thì …trời cứu.
Xong việc bên đường Lê Đức Thọ, thấy trời chưa hết mưa, tôi bảo ông bạn đưa giúp ra bến xe buýt đi Giảng Võ. Hắn không nói năng gì, lại phăm phăm luồn lách xe máy trên đường Xuân Thủy. Qua bùng binh Cầu Giấy, thấy bóng mấy chú áo vàng đang kiểm tra giấy tờ xe bên đường, tôi chột dạ muốn xuống xe. Ông bạn nhướn cổ nhìn sang tổ CSGT, quay lại bảo tôi: “Nó chưa phát hiện ra bác không đội mũ. Cứ ngồi im”. Hắn lái xe sát một bên chiếc xe ô tô bốn chỗ, che khuất tầm nhìn của tổ CSGT. Vượt qua chừng 50m, hắn rú ga vọt thẳng. Tôi lắc đầu ngao ngán. Thì ra ông bạn chở tôi tới luôn Giảng Võ chứ không ra trạm xe buýt. Tôi vào tòa soạn, nhận tiền xong quay ra vẫn thấy hắn ngồi xổm bên hè phố đọc tờ tạp chí tôi vừa tặng. Mời bạn vào một quán bia hơi, hắn bảo: “Em đang bị đau dạ dày, nhưng lâu ngày gặp nhau xin uống với bác một cốc thôi”. Tính trả tiền xe ôm, hắn chối quầy quậy. “Ai dám lấy tiền của bác. Em thiếu gì cách kiếm tiền”. Hắn chỉ cho tôi chiếc bơm tay và chai xăng nửa lít máng sau yếm xe máy. “Gặp khổ chủ, em có vài chục nghìn ngay ấy mà. Bơm xe- năm nghìn. Vá săm 20 nghìn. Hết xăng, nửa lít này 30 nghìn. Trên đường thiếu gì người gặp sự cố hả bác”. Tôi ngạc nhiên thấy ông bạn nhà quê đã thay đổi tính tình, còn hắn thì phân bua: “Sống ở thành phố, mình phải tính theo cách của họ bác ạ”. Hắn lại nì nèo chở tôi ra ga Hà Nội. “Cho nó trọn ngày trọn buổi với đồng hương. Bao giờ em vào Sài Gòn, bác lại chở em đi chơi mà”. “Trong ấy đi uống cà phê tối bọn mình cũng phải đội nón bảo hiểm, không được như các ông ngoài này đâu”. Nghe tôi nói, hắn cười khơ khơ.
Hai anh em ngồi chờ đến lượt mua vé tàu. Hắn chỉ một đoàn Tây ba lô lếch thếch túi xách, ba lô vừa vào ga. “Bao giờ nhiều tiền, em bắt chước tụi kia đi du lịch bụi”. Một chú Tây quần sọoc, chân đất từ trong nhà vệ sinh đi ra, người đàn ông trung niên ngồi sau cái bàn cạnh đó cất tiếng hét. “Ê! Tiền đâu!” Chú chàng Tây “đội mũ phớt”, chắc là không biết tiếng Việt. Khi chú chàng vừà ngồi xuống ghế, người đàn ông gác nhà vệ sinh chạy lại sừng sộ: “Tiền đâu? Mơ-ni! Mơ-ni”. Chú chàng kia ngạc nhiên lắc đầu, giang tay không hiểu. “Mẹ mày chứ! Đi vệ sinh không chịu trả tiền hả?”. Tôi bảo người đàn ông: “Thôi anh à! Có một ngàn bạc. Trong ga Sài Gòn, khách mua vé tàu đi vệ sinh không phải trả tiền, chắc tụi Tây nó không biết”. “Kệ mẹ Sài Gòn nhà anh. Đi vào trong ấy mà đái nhá! Đây là Hà Nội”. Ông bạn nhéo tay tôi: “Kệ nó bác ơi! Ở đây im lặng là vàng”. Tôi quay lại vặc hắn: “Cậu học cái thói “đèn nhà ai nấy rạng” bao giờ thế?! Còn thể diện quốc gia nữa chứ”. Hắn nhăn nhó: “Bác cậy lắm chữ, nói thế thì em chịu”.
Tôi rời Hà thành vào một buổi tối, ngồi vạ vật chờ chuyến tàu Nam chuyển bánh lúc 23h. Bên cạnh tôi, hàng ghế trên mấy đôi nam thanh, nữ tú ngồi mải mê nhằn hạt dưa, phun đầy xuống nền phòng chờ. Xung quanh, túi ni lon, giấy báo bay vật vờ. Một chị bụng bầu lân la hỏi tôi đã mua được vé chưa, có muốn mua vé ngoài, nằm phòng nhân viên trên tàu không, rẻ được mấy trăm nghìn đấy. Tôi khó chịu lắc đầu, bước ra ngoài hiên ga hóng gió và tránh mùi khói thuốc lá. Thời gian chậm chạp quá. Còn 30 phút nữa tàu mới chạy.
                                                                             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét