Cùng bạn đọc. Tiểu thuyết CRCSL tập 2 có ít quá không tặng hêt bạn bè. Đành post lên đây cho mọi người  cùng đọc vậy. Cám ơn những ai có lòng theo dõi. PPQ 
cánh rừng còn sót lạiẢnh tư liệutiểu thuyết tập 2
Chư­ơng 8
 
     Tiếng rì rì của máy lạnh thật khó chịu. Bao giờ mình mới quen đư­ợc hơi lạnh nhân tạo này? Nằm trong phòng mà có cảm giác nằm trong một thùng kem lớn, toàn mùi dầu chuối.
     Chiếc tủ tài liệu nh­ư là cây kem sôcôla, còn chiếc bàn làm việc là cây kem sữa màu xanh ghi, giá sách trên tư­ờng là cây kem mút. Quá buồn, mà vẫn muốn phá lên cười. Đúng rồi! Chiếc giỏ nhựa đụng giấy lộn kia là cái kem ốc. Đúng là kem ốc, vì nó có mùi ốc, bao nhiêu là mùi hôi hám bởi những giấy tờ thải loại từ ý nghĩ, tư­ tưởng con ngư­ời. Hai con thạch sùng rình rập cạnh ống đèn tuýp, con bên phải to hơn, lúc lúc lại đập đuôi cành cạch vào hộp đèn, doạ dẫm đối thủ. Con bên trái chăm chú theo dõi thằng ngư­ời nằm thẳng đuột trên gi­ường, chắc nó  nghĩ đó là cây kem mút khổng lồ .

      Giấc ngủ thiu thiu, linh hồn thoát ra khỏi cái xác mệt mỏi bay vèo về rừng. Khu nhà lá, trụ sở khu Bảo tồn thiên nhiên La sơn dịu nắng, gió từ dòng sông Hát thổi lên mát rư­ợi, giàn su su nghiêng ngả hàng trăm cái ngọn mơn mởn vẫy chào mấy ông chủ trẻ đang cởi trần ngủ trư­a. Mấy thằng đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà luôn phải thức trắng đêm canh giữ dư­ới sông, trên rừng. Chúng mày có bỏ cái tật tụ tập đánh tá lả suốt đêm  chưa?  Ngồi cả đêm đư­ợc hơn chục nghìn bọ rồi lại phải góp thêm tiền mua gà, mua cá nấu cháo, sì sục chả bõ mệt. Rồi ngư­ời ta có hiểu cho là thú vui giết thời gian đâu, mà lại cho mình ham cờ bạc, đỏ đen. Thói quen này giữ mãi cũng không tốt đâu.
   Đoạn đư­ờng qua xóm Vắt loang lổ khúc trắng, khúc đen nh­ư rắn cạp nong. Khúc trắng là của công ty Hà Vân, giám đốc Nho dồn xe máy nhân công hoàn thành trư­ớc Tết nguyên đán. Khúc đen là của công ty Đại Dư­ơng, giám đốc là ngư­ời nhà tân Hạt trư­ởng kiểm lâm Bùi Quốc Khả, đoạn này mới san ủi mặt bằng, chở đá về đổ ngổn ngang. Bọn này ch­ả thèm động chân, động tay vì còn chờ kinh phí bên A rót xuống mới làm. Chẳng ai dại như­ lão Nho, cứ sốt ruột, thế là dốc tuột vốn vào làm, cố thi công cho xong để dân bản có đường đi chơi Tết, xuống chợ huyện .Ngư­ời nhanh, kẻ chậm nên đ­ường vẫn ch­ả thông, thành khúc đen, khúc trắng.
        Trên đoạn đư­ờng khúc đen, khúc trắng ấy, cô y tá Triệu Thị Tiến đang tất tả về bản. Cô vừa họp d­ưới huyện xong, chiếc túi cứu thư­ơng có dấu chữ thập đỏ đập nhịp bên mông tròn căng, chiếc gấu váy hình chùn chụn xập xoè ngang gối, hở đôi bắp chân rám nắng, tròn lẳn.
     -Cô Tiến à ! Chờ anh với! Thế nào, đã chữa đư­ợc nhiều bệnh cho dân bản chư­a?
     Cô gái Dao cắm cúi bư­ớc, không thèm quay lại. Dáng ngư­ời đi sau cố sải bước theo kịp, bàn tay nắm vạt áo chàm mà cô gái vẫn không nói gì.
   -Cô Tiến giận anh à?
   Bấy giờ cô gái mới dừng lại, mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi.
   -Không phải mình em giận, mà cả bản Gió, cả  khu La Sơn này đều giận anh Hà đấy. Mọi ngư­ời bảo, cán bộ Hà thích ra thành phố, không thích ở rừng nữa .
   -Dân bản giận oan anh rồi, cả cô Tiến cũng thế. Anh có muốn ra phố đâu, cấp trên phân công thôi. Nhớ bà con, nhớ rừng lắm hôm nay mình về thăm đây.
   Không ngờ cô gái chỉ tay vào mặt Hà, gay gắt.
   -Cán bộ đừng lên La Sơn nữa. Đường lên Gió bây giờ gập ghềnh như  núi lở, không đi đư­ợc đâu.
   Tay ngư­ời vẫn níu áo, mà chân ngư­ời vẫn dợm b­ước.Y tá Tiến vùng vằng, chiếc khăn trên đầu tuột ra, quất vào mắt Hà,  nhức xót.
   Cạch! Cạch ! Cạch ! Tiếng gõ cửa làm tan biến cơn mơ ngày. Hà mở mắt, vẫn tiếng máy lạnh chạy rì rì.
  -Ai đấy ? Vào đi!
   Ổ khoá xoay nhẹ, cánh cửa mở ra, hơi nóng hầm hập ùa vào, lẫn trong mùi nước hoa găn gắt. Mùi găn gắt ấy chỉ cô H­ương văn phòng mới có. Cô nàng lúc nào cũng sực nức mùi nư­ớc hoa và son phấn, còn Hà thì không chịu nổi mùi mĩ phẩm.
   -Anh ơi ! Có báo cáo của trạm kiểm lâm Đầu Giang anh ạ.
   Cái thói đâu lúc nào cũng anh ơi, anh hời...Con bé này ỷ thế cháu gái phó chủ tịch tỉnh, không có nguyên tắc gì cả, ai cũng anh anh, em em. Bực bội trong lòng mà ít ngư­ời dám nói ra.
   -Cô để lên bàn giúp tôi. Cô H­ương này. Lần sau vào báo cáo công việc cô nhớ...
   -Em nhớ rồi! Lần sau vào phòng anh Hà là phải bắt tay sếp rồi mới báo cáo công việc ạ. Nào! Bắt tay anh trai cái.
   Cô nàng õng ẹo giơ bàn tay búp măng ra tr­ước mặt Hà, uốn éo thân mình chờ đợi. Hà nhăn mặt bảo:
   -Cô về phòng làm việc đi. Xem lại báo cáo tiến độ trồng rừng phòng hộ trong La Sơn thế nào rồi tổng hợp lại đư­a cho tôi.
   -Vâng ạ! Như­ng chiều nay anh Hà đi ăn thịt vịt với bọn em nhé? Ngoài khu Máy Dệt có quán vịt quay mới mở ngon lắm, chúng em rủ nhau đi ăn thử cho biết. Em thay mặt mi ngư­ời mời anh đấy.
   -Cho tôi kiếu, bận lắm! Nhờ cô bảo cậu Khoa đến ngay gặp tôi.
   Cánh cửa đóng lại, tiếng máy lạnh hình như­ nhỏ đi. Hà đang mong Nguyễn Khoa đến. Cậu ta mới đư­ợc Chi cục đề bạt Trư­ởng phòng pháp chế, trực tiếp giám sát việc triển khai dự án chè núi La Sơn. Bởi vậy anh muốn trao đổi riêng với cậu Khoa về tình hình trong ấy và những việc cần phải làm, sao cho tay Khả không nghi ngờ chủ ý của anh.
   Hơi nóng lại ùa vào, Khoa xuất hiện không kịp gõ cửa .
   -Anh ạ. Em vừa gọi điện lên trạm Đầu Giang, bọn chuyên chở động vật quý hiếm bỏ của chạy lấy ng­ười. Công nhận anh em trên ấy chịu khó mật phục, phải mấy ngày mới túm đ­ợc bọn buôn lậu. Chiếc xe bọn nó dùng có đến 4 biển số, chẳng biết biển số nào là thật?  Lại còn cả biển số quân đội nữa anh ạ.
   - Bảo anh em đ­ưa xe về trạm, nhờ công an xác minh xem xe của đơn vị nào rồi tổ chức thả ngay số động vật quý vào rừng. Phải bí mật kẻo dân họ biết lại theo sau bắt hết. Số lư­ợng có nhiều không ?
   -Một tạ tám lăm cân rắn. Ba chục cân rùa núi, năm con cầy h­ương. Cậu Hán truy đuơi xe lậu bị ngã gãy tay, em đã cho ngư­ời lên thăm và tặng quà.
   -Trích từ quỹ an ninh hỗ trợ nó kha khá một tí. Đời sống của anh em còn vất vả nguy hiểm quá.
   - Anh thấy không, bọn lâm tặc ngày càng hoành hành, còn anh em mình súng ống lịch kịch nặng cả người mà có được bắn đâu, thành ra chúng nó nhờn.
   Trưởng phòng pháp chế vò mái đầu húi cua, bực bội ra mặt. Hà nói như tự an ủi mình.
   -Sẽ có lúc những quy định bất hợp lí phải thay đổi thôi. Mai cậu vào La Sơn, có mấy việc cần làm. Thứ nhất, phải kiểm tra thật chặt việc triển khai dự án trồng chè núi tuyệt đối không cho mở rộng diện tích ngoài quy hoạch, nhất là 6 xã vùng đệm. Thứ hai, nhắc nhở ông Khả rải ngân theo đúng trình tự, hộ dân nào tham gia dự án thì cấp tiền, cấp đúng diện tích, dúng định mức. Đồng bào các dân tộc thật thà lại kém hiểu biết, nếu làm sai một tí bọn xấu lợi dụng loè bịp là mất lòng tin của dân đấy. Là tôi nhắc nhở thế chứ không ám chỉ ai. Thứ ba, nếu tình hình chung chưa ổn cứ tạm dừng việc triển khai dự án lại. Dù sao thì dự án này cũng do tôi đề xướng, nếu hỏng thì chỉ xấu mặt tôi thôi.
      Khoa chỉ biết vâng dạ lấy lệ. Cái ông hay lo bò trắng răng. Tay Khả trong ấy có ngô ngọng gì đâu mà căn dặn mãi. Cờ đến tay ai người ấy phất ,cứ lo cho bạc đầu ra .Được lên chức ,lại ra thành phố , khối kẻ muốn không được mà ông cứ thẫn thờ như người mất cắp .
   -Ngày mai toà án huyện cũng xử lưu động vụ cậu gì người Mường đánh chết người ở bản Gió, em ghé qua xem rồi về nói lại với anh. Sao toà không mời anh dự nhỉ? Hồi ấy anh còn phụ trách trong đó cơ mà?
   -Toà xử vụ thằng Học à? Thằng ấy bị oan. Số nó gặp kiếp nạn về rừng cậu ạ. Vụ trước nghe bọn xấu xúi giục đánh kiểm lâm đi tù ba năm. Vụ này cứu rừng lỡ tay đánh chết người , chắc tù nặng đây. Thuộc thành phần có tiền án, tiền sự mà. Cậu thấy không? Người miền núi cứ hành động theo cảm tính thế đấy, nguy hiểm lắm. Đến khi biết mình sai thì thành ra chuyện lớn rồi .
   Hà thở dài. Dân La Sơn có ai thanh minh cho thằng Học được đây?
   -Khoa này! Mai tôi cũng vào La Sơn với cậu. Chuẩn bị xe cộ cho tốt nhé. Sáng đi chiều về thôi .
   Khoa chột dạ . Ông này như ma xó. Hay ông ấy biết cuộc hẹn của mình với tay Khả? Chuyện gì cũng biết. Thế là lỡ chuyến đi tắm suối nước nóng .
                                                                   *
    Bốn bức tường phòng biệt giam tối om, hôi hám mùi gián lẫn mùi con người . Ô cửa sổ nhỏ phía trên rọi xuống vệt ánh sáng mờ đục như sợi chỉ. Học nằm thẳng cẳng trên nền xi măng ẩm ướt, cố nén mà không ép được cơn đói triền miên ra khỏi cái bụng lép Hắn với tay sang bên cạnh, thấy chiếc ca nhựa đựng nước chỉ còn sóng sánh dưới đáy mà thót tim lo lắng. Lúc nào cũng sợ thiếu nước mà vẫn không tiết kiệm được. Cái khát đáng sợ hơn cái đói. Mỗi ngày trại giam cấp cho một lần nước uống, hai ngày được ra tắm một lần. Những lúc ấy,  dù nước bể đục ngầu hắn cũng cố uống cho căng bụng. Quần áo giặt không bao giờ vắt khô, cứ để tong tỏng nước mang về phòng, vội vàng vắt đầy vào chiếc ca nhựa. Đêm nào hắn cũng ngủ mơ được về bản, không thấy gặp mế, gặp Mây, chỉ mơ thấy ra sông Hát, bơi lội thoả thích, uống no nê dòng nước sông quê ngọt ngào, uống mãi mà không đã khát. Chợt tỉnh dậy, bàn tay đụng phải lọ muối lạc, ngón tay vô thức chọc vào, khua khoắng, rồi đưa vào miệng mút mát. Lọ muối lạc Mây đem cho hắn từ hôm cô ra trường y tế nhận bằng tốt nghiệp. Hắn khó chịu vì cô nàng bỏ bộ váy áo tự may ở nhà, mặc quần bò, áo phông trông thì đẹp nhưng xa lạ quá. Hôm ấy Mây rất buồn. Hỏi vì sao buồn? Cô phụng phịu, sắp khóc.
.   -Mế nhớ anh lắm ! Cả bản Gió đều thương anh. Bao giờ thì được về với mế, với bản?
    -Thế còn người ta không thương tôi à ?
    -Người ta thương anh bằng cả cái thương của mế, của dân bản. Mây ra trường rồi xin về trạm y tế xã công tác. Mế có ốm đau anh Học không phải lo.
     Học thấy cay đắng, bất mãn khi có người nhắc đến quê bản, nó gợi nỗi buồn khó tả .Sao Mây không nói với hắn là sẽ về bản?  Nếu biết trước, hắn sẽ khuyên cô xin một việc ngoài này mà làm, đừng về Gió nữa. Bản thì nghèo quá mà những kẻ xấu như lão Khả, thằng Liên ...vẫn rình rập làm khổ thêm dân bản. Hắn cố làm người tốt mà có thành người tốt được đâu, rốt cuộc vẫn vào ngồi tù, chẳng ai chịu tội thay cho cả. Mây không tin là không có ai bênh vực Học, cô  quyết lòng về bản là tin ở những người tốt như già Hoa, như cán bộ Hà. Còn cha Mây, còn mế anh, Học không phải xấu mặt với ai cả . Ngày nào Học về bản, ngày ấy Mây xin cha cho anh sang nhà ở rể .
   Có tiếng mở khoá loảng xoảng. Bữa cơm chiều rồi. Hắn nhao ra phía cửa, mũi đánh hơi như mũi chó mùi cơm trộn sắn. Cánh cửa sắt mới hé, một luồng khí mát lành ùa vào, át đi mùi nước tiểu nồng khai.Vài tia nắng quái cố vươn vào chỗ hắn mà không tới. Hắn lê đến gần cửa, đón loa cơm tím đen nhựa sắn vỏ. Bát canh rau muống nát nhừ, váng mỡ, vẽ hình tròn bạc trên mặt nước đục ngầu. Người tù tự giác nhắc hắn ca đựng nước để đâu. Hắn vội ngửa cổ tu nốt ngụm nước sót lại, rồi chìa ra lấy ca nước mới còn hâm hấp nóng. Quản giáo gõ cạch cạch vào cánh cửa.
   -Thằng Học chuẩn bị mai ra toà nhé! Cầm lấy caó trạng này! Đọc kĩ đi! Có gì oan mai ra toà mà kêu.
    Hắn mải xúc từng thìa cơm, nhẩn nha chỉ sợ hết. Có gì mà phải kêu, phải đọc cho mất công. Hắn chỉ mong được nhanh ra ngoài thở hít chút khí trời, được nhìn thấy con người đi lại nói năng như lúc ở nhà thôi.
    Chiếc xe hòm màu xanh xám như con gấu xấu xí mới ngủ đậy. Nó há cái miệng phía sau ra, đớp tọt thằng tù xơ xác vào bên trong. Học bị còng bên tay phải, một đầu khoá số tám ngóăc vào chân ghế. Cái miệng gấu đóng sập lại, bụng nó nồng nặc mùi xăng. Hai cán bộ dẫn giải ngồi phía trên buồng lái, ngoái đầu lại nói qua ô cửa chắn lưới thép:
    -Ngồi yên đấy! Đừng giở trò mà thêm nặng tội nghe chưa?
     Hắn căng lồng ngực đón gió bên ngoài thổi vào, mong át đi mùi xăng buồn nôn . Tuy vậy, còn thoải mái gấp vạn lần mùi ẩm mốc, hôi hám trong xà lim. Hắn muốn đứng dậy lần về phía cửa xe để nhìn ra ngoài nhưng cái khoá níu lại, chỉ có thể nhổm người lên một chút.  Hắn không hiểu sao cán bộ lại xích mình kĩ thế? Hắn có nguy hiểm lắm đâu? Cả việc giết người hắn cũng không chủ ý cơ mà. Hôm ấy, thấy thằng Liên mặt vênh váo giơ tờ giấy có dấu đỏ ra đòi phá rừng nhà bác Thiềng, hắn giận quá  mới đánh nó. Không phải giận nó ba năm trước cho hắn  uống rượu, rồi xúi đánh cán bộ Khánh. Chuyện đó quên lâu rồi. Chỉ giận nó sao lại thành kẻ cầm đầu dẫn bọn xấu về phá rừng. Mẹ cái thằng hèn. Mới dính một gậy vào đầu mà chết nhanh thế. Ôi ! Cả hai lão quản giáo kia nữa. Súng lăm lăm trong tay sao sợ thằng tù yếu ớt như ta? Việc gì phải còng tay ta khổ sở thế này? Hắn tự đắc. Thằng này dám làm dám chịu, không bao giờ thèm trốn. Đêm qua tao cũng chẳng thèm đọc cái cáo trạng của kiểm soát. Có gì mới đâu mà đọc. Chắc vẫn kể tội ba năm trước đánh kiểm lâm, bây giờ đánh chết thằng Liên. Hỏi đi hỏi lại mãi, kí tên bao nhiêu lần rồi. Ngày trước, hắn biết mình sai, thấy cán bộ Khánh bị đau thì ân hận mãi. Cán bộ Khánh cũng tốt, nó bảo tha lỗi cho hắn rồi. Hồi mới ra tù, hắn lặn lội dưới sông ba ngày mới mò bắt được con cá quất nặng 4 cân đem đến trạm kiểm lâm cho cán bộ Khánh. Mà tội ấy phải ba năm tù rồi nói lại mãi làm gì? Bây giờ là tội đánh chết thằng Liên thì kể tội ấy ra thôi chứ?
   Sao đi lâu thế? Bảo hôm nay ra toà mà? Hay hai lão kia nó đem hắn ra ném xuống sông? Ném xuống sông cũng được. Còn hơn phải dựa cột. Trong trại bọn phạm nhân biết hắn đánh chết người thì bảo. "Dựa cột là cái chắc. Hết đời rồi con ạ! Có thèm ăn uống gì bảo người nhà tắc tế cho, rồi chờ ngày mà đi." Hắn nghĩ, mình mà cũng bị xử bắn sao? Lỡ tay đánh chết thằng bạn thôi mà. Ai bảo nó phá rừng, dân bản ngăn lại cũng không nghe?
   Nếu bị trói vào cột. Bị súng chĩa vào người. Bòm ! Bòm! Sợ thật đấy. Hắn sợ mế ở nhà một mình, nghĩ thương xót hắn mà chết mất thôi. Hắn biết mế không có tiền ra thăm, mấy lần mế đòi đi nhưng Mây không cho. Đường thì xa, mà ra trại giam thấy con trai bị cùm trói khổ sở,  sợ mế không chịu được. Hắn nghe Mây nói thế,  thấy cũng đúng. Mế già rồi, toàn sống tốt thôi, đừng để mế thấy những cái khổ con mình phải chịu. Chưa bao giờ hắn thấy thương Mây như bây giờ. Nó đẹp thế, hiền lành thế,  mà phải đeo đuổi thằng tù người đen ngòm tội lỗi như hắn. Là y sĩ , là cán bộ rồi , chẳng thiếu người tốt đến với nó. Đêm ngủ thăm đầu tiên ấy, hắn vẫn giữ gìn cho con bé mà. Nghĩ lại thấy vẫn còn may, vì lần đó hắn chưa cởi váy Mây ra. Nếu không, lỡ bị dựa cột thật hắn mang tội với con bé. Hắn muốn đập đầu vào thành xe. Hắn thấy cái khổ trong người muốn nổ tung ra. Hắn yêu Mây lắm. Cả Mây cũng yêu hắn lắm, mà đường về bản còn khó, nói chi đến chuyện được sang ở rể nhà Mây hai năm? Hôm nay người ta sẽ quyết định số phận thằng con trai họ Đinh. Nếu bị dựa cột, thì nhà tao bị tuyệt tự mất rồi. Lên gặp bố trên Mường trời, biết nói với bố sao đây? Tiếc quá ! Biết thế này, đêm ấy cứ ngủ với Mây, biết đâu nó đẻ cho mình một thằng họ Đinh nữa.
    Con gấu xấu xí này. Cứ rên gừ gừ mà mãi không đi tới nơi.  Toà xử ở đâu hở hai cán bộ? Sao chúng mày cứ ngủ gật mãi thế? Ngoài kia thật vui, tiếng xe, tiếng người ồn ào . Có cả tiếng hát rộn rã từ máy quay băng, tiếng người bán báo liến thoắng. Mùi thức ăn dưới đường bay lên thơm ngạt mũi, làm hắn tứa nước bọt, cổ họng đau buốt. Bỗng xe dừng lại. Hay cán bộ nó cho mình ăn? Nếu thế thì sướng quá! Nhưng cửa xe vẫn đóng kín. Ngển cổ nhìn qua cửa kính trên đầu xe, thấy xe cộ đứng cả lại làm gì đông lắm. Những người đi xe máy ngếch nhìn cái đèn đỏ trên kia làm gì nhỉ? Ban ngày mà cũng thắp đèn à? Hay ở thành phố họ cũng cúng ma ban ngày như trong Mường ta? . Hắn thấy có bàn tay con gái vẫy vẫy qua cửa xe, thấp thoáng khuôn mặt  quen thuộc.
   -Học ơi! Học...
   -Anh Học ơi !
    Gọi mình rồi! Tiếng Mây. Hắn nhận ra ngay. Còn tiếng ai nữa quen lắm. Hắn chồm lên nhao về phía cửa sổ, nhưng chiếc còng giật lại, đau điếng. Tiếng gọi vẫn lọt vào trong xe. Hắn nhìn cánh tay trầy máu, chảy nước mắt. Xe lăn bánh theo đoàn người xe tấp nập. Trên cột đèn hiện ra cái đèn xanh, nhưng chẳng ai muốn xem nữa .
                                                           *
    Mây bước vào trại giam. Lối đi rải sỏi trắng cô đã quen thuộc dẫn thẳng vào phòng trực ban. Người trực hôm nay là chàng lính trẻ mặt đầy lông tơ, nhưng cố làm ra vẻ nghiêm nghị. Mây nhận ra ánh mắt đầy vẻ ngưỡng mộ nhìn mình. Cô đặt chiếc giỏ mây xuống ghế, rụt rè .
   -Anh ơi ! Em muốn gửi quà cho người nhà .
   -Người nhà là ai? Cán bộ hay phạm nhân ?
   -Anh ấy bị giam trong này ạ!
   -Thế thì nói là gửi cho phạm nhân nhé! Cứ nói người nhà biết là ai? Với lại cô nhìn lịch xem hôm nay thứ mấy?
    Chút cảm tình cuối cùng tan biến. Thật đáng ghét. Làm gì mà bắt mình xem lịch nữa đây? Cô gái rừng trở nên đanh đá. Hay nó tưởng mình không biết chữ?
   -Tháng tám, ngày hai mươi bốn, thứ ba .Tháng Bính Thân , ngày Kỉ Hợi ...
   -Đùa với cô đấy à? Bảo cô xem lịch chứ ...
   -Thì em đọc cho anh xem mà! Em xin gửi quà cho người nhà, anh bảo xem lịch thì em phải xem chứ?
   -Thăm nuôi vào thứ năm! Hôm nay thứ ba,  đến không gặp được. Mà thăm chồng hay thăm anh? Trông đẹp thế mà có người nhà đi tù. Hơi phí đấy!
    Mới khó đăm đăm thế mà đã buông lời tán tỉnh rồi. Em cũng muốn có người yêu là công an lắm, nhưng không tìm ra. Hôm nay đi thăm người bạn thôi. Em không rõ lịch thăm nuôi vào thứ năm, anh thông cảm, cho em gửi giỏ quà thôi cũng được. Nhà em xa lắm.
    Khuôn mặt măng tơ toét ra nụ cười.
    - Thôi được .Chiếu cố người đẹp.Tên người nhà là gì ?
    - Đinh Văn Học! Người Bản Gió, La Sơn ạ.
    - Học giết người hả? Hôm nay ra toà rồi. Tối về trại mới nhận được .
   Mây muốn ném cái giỏ mây vào bộ mặt trẻ con kia. Nó biết gì mà vội kết tội Học giết người? Nhưng hôm nay Học ra toà, có cơ hội gặp anh ấy. Cô giằng lại giỏ quà.
   -Thôi em đem về vậy. Toà xử ở đâu hở anh?
   -Đưa về quê! Xe vừa ra khỏi cổng trại.
    Sao không nói ngay còn ỡm ờ mãi. Không chào người lính trực, Mây bước ra đường, dáo dác nhìn quanh tìm xe ôm. Không phải đợi chút nào, chiếc xe Sim son màu đỏ, phành phạch đỗ sát chân Mây. Tên lái xe mặt mũi lấc cấc, hất đầu hỏi khách về đâu. Mây sợ cả bộ mặt cô hồn và chiếc xe nát, nhưng không chậm được nữa, liền ngồi lên sau xe, bảo chạy về phía cầu Phú Mĩ, càng nhanh càng tốt.
   Mây chúi người, ôm choàng tên lái xe vì phanh gấp. Cô định mở miệng mắng thì  thấy đèn đỏ ở ngã tư. Nhìn sang bên cạnh, một phụ nữ xinh đẹp, đẫy đà, đang  chống chân xuông đất, chiếc xe Hon da đầu vênh rung nhè nhẹ. Mây kêu lên:
    -A lúi ! Chị Én à ! Người phụ nữ đó là Én, mặt chị đỏ bừng khi nhìn thấy Mây.
    -Mây à! Đi đâu thế em ?
    -Em đuổi theo anh Học! Họ đưa anh ấy về Gió .
    Chiếc xe thùng màu xanh lá cây cũng vừa dừng lại trước đèn đỏ, nhìn thấy hai người công an ngồi trước buồng lái, linh tính mách cho Mây rằng Học đang ở trong chiếc xe này. Cô nhảy ra khỏi xe máy, gọi hú hoạ.
    -Anh Học ơi! Học ơi! Én cũng dựng xe vào ven đường, nghển cổ gọi theo Mây. Học ơi! Học ơi! Hình như có cái đầu trọc nhô lên qua cửa xe một thoáng. Mây dẫm chân bành bạch. Chị Én ơi! Học đấy! Học ở trong chiếc xe kia kìa! Chưa kịp gọi tiếp thì chiếc xe thùng đã rú ga nối theo dòng xe cộ đông đúc. Én dúi vào tay tên xe ôm năm nghìn, rồi giục Mây ngồi lên xe. Tên xe ôm ngạc nhiên, nhìn hai cô gái xinh đẹp rú ga đuổi theo xe công an. Mẹ kiếp! Hai con này chắc dân xã hôị đen. May quá! Mình mà chở nó đi lúc nữa, không khéo chết oan.
    Xe máy len lỏi, đánh võng trên đường phố, làm Mây chóng mặt. Chị Én mới ra phố mà bạo thế? Chậm thôi chị ơi! Em sợ lắm!
    - Thế mày không  muốn đuổi theo cho nhanh gặp Học à? Họ đưa Học đi đâu?
    - Toà án mở phiên lưu động ở bản Gió. Em đi gửi quà cho Học, vừa mới biết thôi. Nên đuổi theo đưa cho Học giỏ quà này.
    -Thế mày không về Gió à?
    -Có chứ! Em nhận quyết định về trạm y tế xã rồi.
    Xe dừng gấp. Một chiếc xe khác lượn vèo bên phải, va đánh roạt vào xe Én. Hai thằng thiếu niên ngã xoài giữa phố. Một thằng khập khiễng đứng dậy, chỉ mặt Én.
   -Con đĩ này đi dứng thế à? Tí nữa thì chết chúng tao chứ!
   Hai thằng dựng xe lên, ngó nghiêng. Vỡ bố nó yếm rồi! Hai con kia! Nôn tiền ra đền đi. Chiếc xe hơn hai chục triệu của ông đấy, không phải xe rách như chúng mày đâu. Én dựng xe dẹp vào, tiến lại xách tai thằng lái.
-Mày vượt trái lại còn to còi à? Để bà gọi 113 xích cổ chúng mày vào.
   Hai thằng chọi con xem thế mà nhát, mới nghe thấy gọi 113 thì nhảy lên xe chuồn mất. Mây tái mét, vẫn chưa hoàn hồn.
   -Sao tự nhiên chị dừng lại thế? Tí nữa nó ăn thịt hai chị em mình.
   -Con khỉ! Tại mày đấy! Không nói ngay từ đầu, để tao gọi điện bảo anh Quảng về đón con, rồi hai chị em vào Gió luôn.
    Én còn tạt vào hàng tạp hoá mua đôi quần lót đàn ông, khăn mặt, thuốc đánh răng, thuốc lá và hai túi đường. Tao mua cho Học, chứ anh Quảng thiếu gì. Khổ thân mế thằng Học nghèo quá, tiền đâu mà mua quà thăm con. Mây quệt nước mắt.
   -Chị tốt với chúng em quá! Em cũng mua cho Học bộ quần áo lao động, không biết họ có cho nhận không? Nhưng chị trả lại thuốc lá đi. Học không hút thuốc đâu.
   -Thế à! Đàn ông không hút thuốc hiếm lắm đấy. Thôi cứ để đây, vào đến nơi dúi cho mấy ông công an, rồi xin gửi quà luôn.
                                                                   *
     Hà muốn được thở hít khí rừng. Từ ngày về thành phố, lá phổi anh hình như khô quắt lại. Mùi thơm hắc của thuốc tẩy văn phòng làm anh không chịu nổi. Cả cái hơi mát lạnh quý phái này cũng vậy, nó làm anh có cảm giác nằm trong thùng kem nhầy nhụa, lạnh buốt. Sự lạnh buốt thái quá, làm thần kinh bị căng ra, ức chế, khó lí giải. Nó làm Hà có cảm giác bị bỏ rơi, xua đuổi vô cớ. Mấy hôm trước, bà vợ quê gọi điện lên không giấu nổi vui mừng vì chồng được ở hẳn ngoài phố. Ông trời có mắt, mình vất vả bao nhiêu năm trong rừng giờ mới được nhàn hạ. Bà còn bàn với chồng, hay là cho thằng Sơn lên thành phố ở với bố, cho nó có điều kiện học tập. Hà cố  không nặng lời với vợ mà vẫn to tiếng.
   -Không phố phường gì cả! Con nó học trường chuyên của huyện là tốt rồi. Giờ bà định đưa nó ra đây học đánh giày à? Ở nhà còn có con chị kèm cặp, chứ ở đây tôi đi suốt ngày, ai quản lí nó? Phố với phường! Cứ tưởng mật đấy mà bu vào.
   Bà vợ lành hiền hôm nay bỗng nổi cáu.
   -Nhà hay thật đấy! Tôi tưởng thành phố hơn nhà quê nên mới bảo thế, chứ bao nhiêu năm nay ông đi công tác, tôi có để các con đói ăn, thất học chưa?
   Hà thấy mình có lỗi. Đúng là bao năm nay con cái anh giao tất cho vợ nuôi nấng, dạy dỗ. Thôi bầm nó thông cảm cho tôi! Tôi đang khổ tâm lắm chứ sung sướng gì đâu.
   Hà bảo lái xe dừng lại ở chợ huyện. Anh xuống xe, lát sau xách lên một túi những mì ăn liền, sữa hộp, bánh bích quy. Khoa cười .
   -Lâu mới về bản Gió, anh mua bấy nhiêu quà liệu có đủ chia không?
   -Quà cáp gì! Sợ bà con còn giận không nhìn mình ấy chứ. Mua vài thứ cho thằng Học. Tí nữa vào Gió cậu cứ đi làm việc với tay Khả nhé. Mình vào xã xem phiên toà xử thằng Học thế nào.
                                                            
     Con gấu đã bò qua thành phố, qua cánh đồng thoang thoảng mùi phấn ngô và hoa cải cuối vụ,  bắt đầu đến đoạn đường xóc nảy người. Lên dốc, xuống dốc. Hắn níu chặt bàn tay bị còng vào mép ghế cho người khỏi bật lên. Mỗi lần như thế, chiếc còng lại cứa vào cổ tay đau rát. Trên đầu xe, hai người quản giáo vẫn ngủ gật, lắc lư. Mỗi khi hai cái đầu va vào nhau là một người choàng thức, ngó vội về phía sau, con mắt đỏ quạch. Thằng tù vẫn nghiêng ngả trên ghế, mặt nhăn như bị rách.
    Bỗng hương rừng từ bên ngoài ùa vào xe làm Học khoẻ hẳn ra, hai lỗ mũi phập phồng. Đến quê bản rồi! Chỉ có quê bản mới sực nức mùi rừng thế này. Đó là mùi lá cây mục lẫn với đất ẩm ngầy ngậy, mùi thơm của búp lá non, của hoa rừng lẫn với mùi nước đái dê. Vừa lúc có tiếng dê kêu be be, tiếng con gái cười vang rừng, gọi em về ăn cơm. Ún ơi! Ún ơi!  Nước mắt hắn ứa ra. Tiếng mẹ đẻ ta đấy. Là tiếng Mường ngay ngoài kia. Không lẽ họ đưa ta về nhà?
                                                                  *
  
     Khả vứt bản báo cáo lên góc bàn làm việc.
     - Anh Khánh đâu nhỉ?
    Không có tiếng ai đáp lời. Khả gọi to hơn. Thấy anh to tiếng, cậu lái xe chạy vào.
   - Anh gọi có việc gì ạ?
   - Xem ông Khánh đâu bảo tôi xin gặp một chút. Không biết tôi quyền Hạt trưởng hay ông ấy đây?
    Khánh đang chúi vào ván phỏm. Cay cú thật! Từ trưa tới giờ bị vặt gần năm chục nghìn rồi. Thấy lái xe bảo sếp Khả gọi, Khánh biết ngay việc gì, đành tiếc rẻ đứng dậy, nhặt mấy nghìn lẻ dưới chân lên.
   - Tao còn có chừng này thôi. Tối nay không phải góp tiền mua vịt đâu đấy .
    Khánh biết thừa mình sẽ bị căn vặn về mấy chục héc ta rừng phòng hộ chưa được triển khai đưa chè giống vào. Tiền cũng chưa quyết toán được với trên. Anh Hà đi khỏi khu bảo tồn, tình hình chung chỉ Khánh nắm chắc nhất. Ông Khả ngồi một chỗ xem bản đồ và báo cáo, bằng xem trận đồ bát quái. Vừa bước vào cửa, vấp ngay cái mặt xưng xỉa của sếp, Khánh vẫn bình tĩnh như không. Cái ông này đúng là thùng rỗng kêu to. Sắm sửa bàn ghế làm việc bằng gỗ gụ, bày đủ thứ từ bộ luật dân sự, đến các thông tư, nghị định. Lại còn quả địa cầu, ống bút, bảng chức danh, chật cả bàn làm việc. Hình như ông ta khiêng cả chiếc bàn từ uỷ ban huyện vào rừng. Khánh chép miệng. Chẳng bù cho anh Hà, phòng làm việc kiêm phòng ngủ chật chội, lại toàn sách là sách. Căn phòng ấy, vẫn nguyên như thế, từ ngày Hà đi khoá kín. Ông Khả xếp phòng làm việc ở gian khách cũ, kê bộ bàn ghế gỗ gụ giữa phòng, bỏ tấm pa nô " HỒN TỔ QUỐC ẨN TRONG RỪNG SÂU THẲM" đi, thay vào đó cái khẩu hiệu chữ vàng. " SỐNG CHIẾN ĐẤU LAO ĐỘNG VÀ HỌC TẬP THEO GƯƠNG BÁC HỒ VĨ ĐẠI".  Bức tượng lãnh tụ bằng thạch cao kê sau bàn làm việc của Khả như thần hộ mệnh.
   Khả vỗ bụi trên tập tài liệu, nhẹ giọng.
   - Anh Khánh ! Hai trăm hát ở xóm Chóc, trăm mười hai hát ở núi Sở. Bao gìơ mới triển khai đây?
   Khánh chưa trả lời ngay. Cầm ấm nước thấy nguội ngắt, anh bèn đổ bã, thay chè mới. Trước đây, lúc nào quân tướng cũng quây bên ấm chè (0) Góp ý  | [ (0) Trackbacks ] | [Đường dẫn cố định] | Bản inBản in