Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

GẶP GỠ VÙNG BÁN NGẬP

GẶP GỠ Ở VÙNG BÁN NGẬP
                                                 Ghi chép
Bắt đầu từ xã Suối Dây, con lộ đỏ rẽ vô xã Tân Thành kéo dài chừng 10 cây số, mấp mô ổ trâu ổ gà chạy giữa những lô cao su xanh mát của Nông trường cao su Đồng Rùm. Tuy vậy phải quẹo trái, queọ phải tới mấy lượt những quãng đường lầm bụi mới tới vùng bán ngập giáp ranh hai ấp Tân Hiệp và Tân Hòa, một khu dân cư thưa thớt, chưa có điện lưới.

         Trong ngôi nhà lợp tôn bốn bề không có tường vách, vợ chồng anh Sáu Trọng phủ tạm tấm vải bạt lên đống lúa vừa thu hoạch để tránh lũ vịt xiêm quậy phá. Chị Nhung vợ anh Sáu vừa làm thịt xong con gà nhà, chiên thêm mấy con cá sặc rằn to bằng bàn tay mới bắt từ dưới ao lên. "Bữa nay cho anh ăn toàn cây nhà lá vườn nghen". Quen vợ chồng anh từ cuối năm ngoái trong dịp đi công tác dưới Trảng Bàng, đầu tháng ba này, tiện đi Tân Châu tôi tìm ghé thăm nhà người nông dân từng bỏ phố lên rừng làm kinh tế hơn hai mươi năm nay.
Bữa cơm trưa ngay sát mí vườn, lồng lộng gió từ hồ Dầu Tiếng thổi vô, mát chẳng cần quạt máy. Rau muống, bông súng, đậu bắp...toàn những thứ "tự sản, tự tiêu" của đôi vợ chồng nông dân thật đậm đà tình cảm. Chị Nhung mới ngoài ba mươi tuổi, cũng là con gái nhà buôn bán ở gần chợ Trường Lưu, huyện Hòa Thành. Thương người đàn ông hơn chị cả chục tuổi nhưng lại thấp hơn vợ một cái đầu, chỉ vì anh Sáu Trọng tính siêng năng, hiền lành, ăn chay trường và không biết nhậu nhẹt. Năm nay 47 tuổi, anh Sáu vẫn nuôi cậu con trai thứ tư mới năm tuổi. "Bằng tuổi tôi, bạn bè có sui gia cả rồi. Cha già con cọc thiệt cực quá. Năm 40 tuổi tôi mới lấy vợ mà". Anh Sáu gãi đầu, gãi tai phân bua với tôi. Anh cũng không ngại gì khi kể cho tôi quãng thời gian lao đao, cực khổ nhất cuộc đời mình. Quê anh vốn ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Từ nhỏ đã biết theo cha ra Bưng Hoang khai vỡ đất hoang trồng lúa. Gia đình vừa khai vỡ vừa sang nhượng được 12 mẫu đất, đến năm 1992 thì địa phương có chủ trương đào kinh thủy lợi, phân chia lại đất ruộng cho bà con thì anh Sáu Trọng cũng vừa đi thanh niên xung phong về. Ủy ban xã muốn thu lại 12 mẫu đất của gia đình anh để chia cho người khác, nhưng gia đình kiện cáo không chịu. Một buổi cày ruộng trong khu vực đất tranh chấp, anh bị công an xã Bình Thạnh bắt. Vì dám vật lộn, cự cãi với công an viên khi bị họ còng tay, nên anh bị giam tại công an huyện Trảng Bàng. Tòa án huyện xử anh 9 tháng tù giam vì tội "chống người thi hành công vụ". Anh Sáu kể đến khúc này lại gãi đầu: "Nói cho ngay! Hồi nẳm tôi đã sai mà mấy anh em công an cũng sai. Tự dưng đè con người ta ra còng tay ai mà chịu được. Nhưng hồi đó Nhà nước đang có chủ trương lớn múc kinh rửa phèn, mình thì hiểu biết chưa thấu...". Mãn hạn tù, anh và cha để lại điền sản cho các em, lên Tân Châu làm kinh tế mới. Anh muốn làm lại từ đầu sau lần vấp ngã đầu đời. Vùng đất Tân Thành những năm cuối thập kỉ 80 còn hoang vắng, thả sức cho anh nông dân thỏa cơn ghiền khai phá, cày cuốc.
Năm 2000, cha anh bịnh rồi qua đời. Sáu Trọng một mình lăn lưng với hơn ba mẫu đất, mãi năm 2003 bước vào tuổi 40 anh mới cưới vợ. Thương hoàn cảnh của anh, tin tưởng vào bàn tay lao động của chồng, chị Nhung cũng "bỏ phố lên rừng", lam lũ mưa nắng với vùng đất mới. Hiện nay anh chị có 1,4 mẫu mía đã thuần đất. Còn gần hai mẫu đất bán ngập vẫn chưa ổn định, dù anh đã bỏ công đắp bờ bao xung quanh để giữ nước cấy lúa một vụ và nuôi cá. Phần đất ngoài bờ bao trồng mì, khoai mỗi vụ cũng cho thu hoạch vài triệu đồng. Năm rồi, bán cây tràm trồng trên bờ bao, thu tiền từ bán heo, cá...anh Sáu quyết định mua cặp trâu và chiếc xe kéo giá 45 triệu đồng. Cặp trâu bự như cặp voi con giúp anh chị đắc lực trong việc cày kéo, chở thuê, nay vừa sinh một nghé con. Chị Nhung cho rằng ở đây nuôi heo chưa có lãi. Sau này nếu rào kín bờ bao, đào hồ thả cá hết hai mẫu đất thì mới đủ sức nuôi heo thịt. Vừa rồi nuôi heo thất bại, chị chuyển qua nuôi dê. Có vẻ như giống dê phù hợp với vùng đất bán ngập. Với cặp dê giống ban đầu, nay chuồng dê đã có hơn hai chục con. "Trong Tết bán 5 con được hơn 6 triệu đồng. Số dê này chừng tháng nữa bán cũng vài chục triệu. Mà nó mau đẻ lắm anh ơi". Chị Nhung phấn khởi khoe với tôi.
Phần đất của gia đình anh Sáu Trọng nằm gần căn cứ cũ của lính Mỹ trong những năm chiến tranh. Phần đất về phía hồ Dầu Tiếng, còn 16 hố bom cũ lỗ chỗ, xếp hàng vuông vức. Có lẽ đây là hố bom do máy bay B52 ném xuống khi bộ đội ta tấn công đồn địch. Anh Sáu mới lấp được 4 hố bom, còn lại để trồng bông súng, nuôi cá. Chỉ ngôi miễu nhỏ phía Tây Bắc, anh Sáu nói đó là nơi mấy năm trước người ta phát hiện hầm chôn tập thể mấy trăm liệt sĩ. Số hài cốt này được quy tập về nghĩa trang Tân Thành đang được xây dựng. "Người ta nói còn một hầm nữa. Hồi đó xe ủi của Mỹ đào hầm chôn các tử sĩ của ta rồi ủi lấp lại. Trong trảng nhà tôi, cũng có một mô đất lớn, còn dấu xe ủi đất sét từ hai phía đắp lại. Không biết là hầm rác của lính Mỹ hay mộ anh em mình? Tôi để nguyên đâu dám đào nữa. Chờ lúc nào có đơn vị quy tập mộ liệt sĩ hỏi họ coi sao. Bên ấp Tân Hòa, thằng Tư Liềm bạn tôi năm ngoái cho người vô vườn mì đào phế liệu, cũng đào trúng một ngôi mộ cuốn bằng tăng vải ni lon, trong có cốt. Mấy người sợ quá lấp lại, chờ có bộ đội đi quy tập mộ thì báo. Anh đi công tác ngoài đó, có gặp cơ quan nào làm vụ này báo giùm nghen". Tôi ra khu vực hồ cá của anh Sáu, thấy giữa trảng cỏ đúng là có một ụ đất hình chữ nhật đắp cao, rộng chừng 30m2. Hỏi anh sao không đào thử xuống xem có gì? Anh lắc đầu. "Sâu lắm! 4-5 mét lận. Lỡ đụng cốt anh em thì biết tính sao. Thôi ráng chờ". Tôi hứa có cơ hội sẽ thông báo tin này tới cơ quan chức năng giùm anh.
Buổi trưa, tuy có gió nhưng nằm võng dưới mái tol nóng chẳng dễ chịu chút nào. Vậy mà vợ chồng anh với hai cậu con trai vẫn chống chọi qua hết năm này tới năm khác. Hai đứa lớn phải đi học thì gửi trại của bà ngoại cách đó 3-4 km, ở đó có điện cho các cháu học bài. Còn ở đây với chiếc TV đen trắng chạy bằng bình ắc quy, mấy con người vẫn động viên nhau ráng sống, lao động để có một ngày cuộc sống dễ chịu hơn. Chỉ về phía Tây Nam, xa xa lấp loáng mặt nước hồ Dầu Tiếng, anh Sáu hẹn với tôi tháng 8 mùa nước ngập lên chơi xem bắt cá. Ruộng rẫy còn bỏ hoang đó chờ nước, mấy hố bom chỉ còn lấp xấp nước, bì bõm tiếng cá quẫy. Anh Sáu trầm ngâm: "Phải thay đổi cách canh tác thôi. Lúa một vụ bấp bênh lắm mà chuột bọ phá cũng dữ. Tôi đang chờ xã chuyển xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi cá. Nhất định chắc ăn". "Ủa! Giấy tờ sao mà phải chuyển?" "Thì giấy đỏ từ hồi tôi chưa vợ, đi làm mướn hoài nên để ông già đứng tên. Ổng chết gần chục năm nay mà mình không biết làm sao để chuyển giấy đỏ". Tôi bảo anh vụ này Luật đất đai quy định rõ mà, tới xã làm thôi chớ gì. Anh lại gãi đầu: "Bởi vậy! Tôi đâu có biết. Còn tính làm đơn thưa huyện vì họ cấp giấy đỏ cho...cha mình. Thiệt là... Không hiểu biết luật pháp cực vậy đó anh. Tôi mới đi kiếm mấy cuốn sách nói về các loại Luật rồi. Mình tự học chớ thôi mần nông dân thời kỳ "ve kép tê ô" gì đó mà lơ ngơ quá, bị ăn hiếp hoài kỳ lắm".
Con đường trở lại huyện lị Tân Châu vẫn lầm bụi đỏ. Nắng chiều gay gắt đổ lửa. May còn có tán lá xanh từ các khu vườn và rừng cao su che mát. Những thửa đất hoang đang được cày vỡ dần, mơn mởn màu non tươi của đọt mì. Cuộc sống vẫn tiếp tục sinh sôi, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Lòng người nơi đây như vợ chồng anh nông dân Sáu Trọng luôn bền bỉ cùng đất, với niềm tin vô bờ vào một ngày mai no ấm, sáng tươi.
Tân Châu 15/3/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét