CÂY LỘC VỪNG KỲ LẠ
 alt

 Nha khí tượng dự báo thời tiết lạnh 6-7 độ. Nhưng ở bản Mây, có lẽ trời lạnh hơn. Gió bấc thông thốc, nhức buốt từ lỗ tai này sang lỗ tai kia. Năm nay rét lạ. Rét chết trâu chết bò. Sương muối buổi sáng rải trắng hai bờ cỏ ven đường vào bản. Cuối con dốc đổ sát ven suối, ngôi nhà sàn phên nứa mốc đen, khói bay cuộn ra từ gian giữa. Một cái đầu bịt khăn ngó ra sau cửa sổ, mặt mũi nhăn nheo ám khói của bà già người Mường, giống cái sọ người mới đào lên, chỉ thấy hai hốc mắt.
- Chỗ có cờ đỏ ấy mà!
Bàn tay khô mỏng da ếch, khua khua chỉ về phía trong bản.
Nơi có lá cờ đỏ bay trên cây cột thép cao là Trạm kiểm lâm bản Mây. Khách hỏi đường là một ông già tóc muối tiêu để dài, mũ len, áo dạ xù xù. Khách dụi mắt, lạnh buốt dọc sống lưng. Vừa đến đầu bản đã gặp ma. Hay tại mình chạy xe đường xa, mệt quá nên hoa mắt. Rõ ràng vào đây một lần rồi, sao quên đường nhanh thế. Bộ mặt khô quắt của bà già thật giống chiếc đầu lâu trùm khăn đỏ. Khách xiết ga, chạy. Chiếc xe máy cũ nát, tả tơi phun khói mù mịt, lao thẳng vào sân trạm kiểm lâm.
-         Ô! Nhà thơ! Lâu ngày tiên sinh vẫn khoẻ chứ ạ?
-         Chả khoẻ lại vào được nơi rừng sâu, nước độc này à.
Người thì bắt tay, người thì ôm vai vồ vập. Mấy cuốn sách mỏng được lôi ra từ chiếc cặp da cũ. Tặng anh em tập thơ mới ra này. Toàn viết về rừng nhà các cậu đấy.
Chưa ngồi ấm chỗ, Nhà thơ nhấp nhổm.
- Cành lộc vừng  của tớ ra rễ chửa? Được rồi! Rễ màu vàng là được rồi.
- Đang rét lắm anh ạ. Để tháng ba ấm áp vào cắt đảm bảo hơn.
- Mặc kệ! Cứ cắt cho tớ. Chờ đến tháng ba, có thằng dở hơi nào nó cắt mất thì sao.
- Của nhà thơ ai dám lấy! Mà còn anh em ở đây nó trông giữ chứ.
- Cậu cứ đùa dai. Hỏi ở đâu có cây lộc vừng ra hoa hai màu vàng đỏ như ở đây? Nói thật nhá. Lỡ ông Tính phó chủ tịch tỉnh vào thăm, lão ấy đòi lấy, có đứa nào dám giữ không? Hớ hớ! Bố bảo chả dám nhá. Nên tí nữa cơm rượu xong, anh xin mang về thành phố cho chắc.
Đúng là chẳng chỗ nào có cây lộc vừng ra hai màu hoa như ở bản Mây. Nó cao sừng sững có tới bảy tám mét, cành lá rườm rà, mỗi chùm hoa buông dài cả thước. Đặc biệt, từng dải hoa vàng đỏ xen lẫn, đẹp tuyệt. Cậu kỹ sư lâm nghiệp của trạm sau khi tính toán, cho hay lão lộc vừng đã hơn trăm tuổi. Đầu năm ngoái lang thang vào rừng tìm cảm hứng, Nhà thơ “thơ thẩn” phát hiện ra cây lộc vừng lạ. Ông ngơ ngẩn trước những chùm hoa hai màu, rồi tỉ tê xin trạm trưởng một cành mang về làm cây cảnh. Kiểm lâm đồng ý rồi. Cũng phải mất ba ngày nhà thơ cứ chắp tay sau đít đi đi lại lại dưới gốc cây, ngửa cổ lên lựa chọn.
- Cho anh xin cái cành tha la kia kìa. Cành ấy chiết xong, trồng vào chậu sẽ có thế Nghênh phong. Cánh văn nghệ bọn tớ khoái thế ấy. Anh cám ơn trước nhá.
Một cậu kiểm lâm trẻ vất vả trèo lên cây. Tiếng cưa xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt. Mùn cây lươm tươm đỏ như máu, bay rắc lên đầu nhà thơ. Cành lộc vừng được buộc dây thả xuống. Đám rễ đã chùm ra ngoài nắm mùn đất trong bọc ni lon buộc túm hai đầu. Nhà thơ nhẹ nhàng dựng ngược cành cây, gật đầu ưng ý. Trong nỗi thích thú âm ỉ, nhà thơ chợt nghe có tiếng gầm gừ trên ngọn cây. Ông ngước nhìn lên, nheo nheo con mắt trái. Nơi cành lộc vừng vừa bị cắt, một khoảng trống nhỏ hiện ra, nhìn rõ cả mây trời màu xám. Nhà thơ lại lạnh sống lưng. Giữa khoảng trống kia xuất hiện một cái đầu tóc vàng hoe, khuôn mặt già nua nhăn nheo giận dữ. Bụp! Mọi người đều giật mình. Câu kiểm lâm trượt chân ngã từ trên cây xuống, nằm ngất lịm. Lao xao, cuống quýt. Có sao không? Kiểm tra xem có gãy xương không? Cứ để cậu ấy nằm yên đấy, gọi y tá ra đây. Cậu kiểm lâm được cấp cứu, mấy phút sau thì tỉnh. May không gãy xương. Nhà thơ tay cầm cành lộc vừng, tâm trí rối bời vì tai nạn do mình liên đới. Trưởng trạm an ủi ông. Không sao đâu bác. Ngã cây, trượt dốc đối với chúng em là chuyện thường. Anh cắt bỏ mấy chùm hoa buông loà loà cho khỏi vướng. Về nhà ươm nơi đất mát ba bốn tháng hãy vào chậu. Nhà thơ ngần ngừ một lúc rồi nhất quyết:
- Kệ nó! Về nhà tớ cắt sau. Giờ cứ loà xoà thế này cho có tý sắc xuân.
Cây lộc vừng mới vắt vẻo sau yên chiếc xe máy cọc cạch, rong ruổi từ rừng ra phố. Những cánh hoa màu đỏ, vàng rơi rải rác từ bản Mây ra suối Nai, lốm đốm rắc dọc tỉnh lộ ra bến phà Tam Dân. Về đến thành phố thì trơ mấy chùm cuống hoa tơi tả.
                                               alt
minh họa: Quốc Hưng
Năm sau cây lộc vừng nhu nhú mấy cọng hoa. Nhà thơ ngày ngày nín thở, hồi hộp nhìn, chờ đợi. Rồi thì hoa cũng buông, nhưng chỉ ngắn chừng gang tay. Rồi cánh hoa cũng nở, nhưng chỉ toàn hoa đỏ chứ không có chùm hoa vàng nào. Chờ mãi, chờ mãi, cùng chỉ thấy màu đỏ mịn màng, mòng mọng. Nhà thơ gừ gừ trong họng, đeo cả kính lão lên. Lạ nhỉ! Mới từ rừng ra phố mà nó thoái hoá nhanh thế? Ấy vậy mà cánh bạn văn chương ông nào cũng mê tít. Nhà thơ nhớ lời dặn của tay trạm trưởng kiểm lâm. “Tiên sinh mà không kín miệng. Thiên hạ vào đây tàn phá cây lộc vừng là tiên sinh có tội lớn đấy”.
Góc tường rào của Nhà thơ có rãnh nước nhỏ đổ vào hệ thống thoát nước của khu phố. Cảnh thôn quê mới lên thành thị, nhiều thứ có vẻ kệch cỡm. Vậy mà mấy cánh hoa đỏ mòng mọng lững lờ chảy qua rãnh nước lại tạo ra nét thơ mộng. Chúng túm tụm lại một chỗ, một màu đỏ trinh nguyên. Có người đi qua, phát hiện ra mấy cánh hoa lạ. Hoa gì nhỉ? Không mỏng manh như cánh bích đào, không to dày như cánh hồng trà hay hải đường. Tò mò, có kẻ trèo lên bức tường rào dòm vào trong sân. Ái chà! Có phải cây lộc vừng không? Sao từng chùm hoa đỏ lạ thế? Bỗng oạch. Tiếng kêu đau đớn chói tai. Nhà thơ đang viết, vội dừng bút mở cổng nhìn ra. Một thanh niên to béo ngồi bệt dưới tường rào, máu me đỏ thẫm bàn chân.
- Chết chửa! chân cẳng sao thế này?
- Ái ui! Cháu bị trượt chân ạ.
- Cậu chờ tí nhá. Tớ vào lấy cho miếng vải sạch băng vết thương lại.
Khi bước qua chậu lộc vừng, mắt nhìn mờ mờ nhân ảnh, khuôn mặt lão già nhăn nhó giận dữ phảng phất sau gốc cây. Tuần sau, khi Nhà thơ đưa vợ con đi đám hiếu nhạc mẫu về, cây lộc vừng đã “bay qua” tường rào hai mét, biến mất. Nhà thơ đứng dụi mắt nhìn dấu vết hình tròn cái chậu để lại trên sân, lòng thầm thán phục bọn trộm. Làm cách nào mà chúng khiêng nổi cái chậu cây nặng hàng tạ qua tường rào? Ông lặng lẽ đi quanh sân. Đây! Dấu vết chúng để lại lộn xộn nhiều bàn chân đi từ góc sân về phía tường rào. Đây! Chiếc dép tổ ong thằng trộm làm rơi. Đứng trước bức tường cao hai mét, ông lắc đầu không hiểu. Cũng may là trước kia nhà thơ không chịu cắm mảnh chai lên mặt tường. Ông phát hiện một cục kẹo sô cô la dài màu tím ngay chân tường rào, kiến bu kín đen. Mẹ cha bọn này! Đi trộm cây còn kẹo bánh mang theo. Gẩy cục kẹo vào bụi cỏ “tóc tiên”, Nhà thơ há mồm hoảng sợ. Đó là một ngón tay người, nát bươm. Trời cao đất dày ơi! Cây lộc vừng đày đọa người ta thế này ư?! Nước mắt rơi ướt đẫm buổi bình minh. Bà vợ đi chợ về, thấy nước mắt thì an ủi chồng:
- Thôi mình ạ! Mẹ cũng thọ hơn 80 rồi còn gì. Ai chẳng biết mình thương bà ngoại.
Nhà thơ ngơ ngẩn ra vào không làm được việc gì. Ông thương nhớ cây lộc vừng, tiếc đứt từng khúc ruột. Lại còn ngón tay rách tươm ông chôn dưới bụi chuối kia. Không lẽ lại đi báo công an. Nhưng ông vốn dị ứng với ngành này. Cứ nhắc đến công an là khắp người nổi mần đay, ngứa râm ran. Trong khi khắp người đang ngứa ngáy, Nhà thơ bỗng nghĩ tới một giải pháp. Hôm nào lại xấu mặt vào rừng xin cây khác vậy.
Cách đó 60 cây số là nhà một đại gia chuyên thầu xây dựng. Ngôi nhà của kẻ lắm tiền trông cũng khác. Cao ba tầng, mái chồng mái. Đằng trước một tháp tròn kiểu Nga-ta-lư, đằng sau tháp nhọn kiểu Ai Cập. Cổng vào bằng gỗ quý có hai con chó đá ngồi chầu. Tường rào toàn đá đen xây thô như tường phủ Vua Mèo trên Hà Giang. Đại gia này tuyên bố. “Ngôi nhà là tập hợp các kiểu kiến trúc của người giàu có”. Hôm nay chủ nhật, nhà đại gia có tiệc sinh nhật. Khách khứa tới nơi mới té ngửa không phải sinh nhật 49 tuổi đại gia, mà là sinh nhật một năm cây lộc vừng quý. Chẳng nói thì ai cũng đoán ra, đó chính là cây lộc vừng hoa đỏ mà nhà thơ nọ bị mất. Một năm nay cây lộc vừng lọt vào nhà đại gia, được chăm sóc kỹ lưỡng rồi ngồi trong chậu quý. Cái cành ngả xuống thành thế Nghênh phong nay được uốn lên, kết hợp với hai cành nhỏ phía trên thành thế Tam Đa (Phúc- Lộc – Thọ). Ai cũng trầm trồ vì những chùm hoa đỏ buông thõng, ríu rít ong bướm. Thay vì nở chúm chím như buổi đầu mới ở rừng ra, nay những cánh hoa nhỏ nở bung hết cỡ, để thiên hạ chiêm ngưỡng thật rõ từ đầu cánh hoa đỏ tròn mọng đến cuống hoa màu phớt hồng và chùm nhụy li ti trắng chấm đen.
- Chậu lộc vừng này... Lúc nào đại gia không khoái chơi nữa, sang tay cho tôi nhé.
Một tiểu gia xuất khẩu chuối xanh sang Tàu, gạ gẫm.
- Cậu có bao nhiêu tiền mà dám hỏi mua cây lộc vừng của ông ấy?
- Thì cũng cỡ một trăm trở lại chứ mấy!
- Thôi cậu lượn đi cho nước nó trong. Chị trả nửa tỉ rồi mà mặt lão ấy lạnh như đít bom kia kìa.
Tiểu gia nóng mặt, văng tục:
- Bà cậy lắm tiền kiểu trọc phú thì mua làm sao được cây quý của ông anh tôi. Vấn đề không phải là tiền, mà là văn hoá thưởng thức. Kể ra…công việc của bà cũng bận rộn, thời gian đâu mà thưởng thức cây cảnh?
Bà trọc phú giận tím cả mặt. Nó mới ti toe mấy năm buôn chuối xanh mà xấc, lại dám cạnh khoé nghề chạy tìm con nuôi cho người nước ngoài của bà. Đang sắp tốc váy lên dạy cho thằng tiểu gia một bài học, thì liên tục chuông điện thoại:
- Ờ! Ờ! Cứ đưa nó về chỗ chị. Cho đi thử máu, kiểm tra sức khoẻ cả mẹ lẫn thai nhi nhá. Dồi! Dồi! Ô-kê! Thanh- kìu! Phần em có mười triệu nhé.
Tiệc mở tưng bừng, bia rượu tràn cung mây. Kiếp người ta, có nhiều tiền cũng sướng. Cái cây quý thế này chứ quý nữa cũng mua được. Kể cả mấy cái mạng người có đáng bao nhiêu đồng tiền đâu. Bọn họ bắt chước dân Nam Bộ, một tay giấu sau lưng, một tay nâng cốc bia, miệng hô: “Một! Hai! Ba! Dzô! Chúc mừng cây quý! Dzô! Dzô!”.
Có tiếng xe máy nổ lạch bạch chạy vào sân. Cả hội quay ra nhìn người đàn ông tóc muối tiêu để dài đang lúi húi tìm chỗ dựng xe. Ai thế nhỉ? Khách của ai mà trông như ông ăn mày hiện đại.
- Chào các anh em!
- Vâng! Bác tìm ai? Có nhầm nhà không?
- Không lẽ lại nhầm? Đây là nhà Đại gia xây dựng...
- Ông là ai?
- Tớ là nhà thơ. Nghe gia chủ có cây lộc vừng quý nên đến thưởng lãm thôi mà.
Cả đám ồ lên. Ái chà chà! Tiếng lành đồn xa. Đúng là cây quý. Xin mời nhà thơ vào đây. Thưởng thức cây phải thưởng thức cốc bia đã. Nhà thơ đứng trố mắt nhìn cây lộc vừng. Ôi cây ơi! Đúng là mày đây, nhưng sao bây giờ cành lá lộn tùng phèo cả lên thế này? Hình như cành lá cây lộc vừng run rẩy, dù trời lặng gió. Nhà thơ cảm thấy lờ mờ bộ mặt già nua nhăn nhó vẻ đau đớn trong thế cây mới.
- Tớ hỏi không phải. Chứ đại gia mua cây này ở đâu ?
- Ha ha ha! Cám ơn bác quan tâm. Tôi không phải khai báo việc này chứ?
- Này! Ông có bán lại không?
- Trả bảo nhiêu hả nhà thơ?
- Hai chục triệu! Hoặc là báo công an.
Ha ha ha! Cả đám cười đau bụng. Thằng cha nhà thơ này điên. Người ta bảo bọn nhà thơ thường điên điên khùng khùng. Đúng thế! Cây lộc vừng giá nửa tỉ mà nó trả hai chục triệu. Lại còn doạ báo công an nữa. Thôi mời ông xơi cái cánh gà này, rồi về mà nghỉ ngơi làm thơ nhá. Nhà thơ thấy trong người ngứa râm ran. Ông đang nghĩ đến việc báo công an về vụ mất cây quý.
- Các người cứ vui vẻ đi. Tớ về. Hẹn gặp lại sau.

Chẳng đồng chí công an nào can thiệp vào vụ mất cây của Nhà thơ. Ông mất cây hàng năm trời, bây giờ mới báo thì bố chúng tôi tìm được à? Nhà thơ lại ngứa phát điên lên vì tức. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, câu châm ngôn loé lên trong một đêm mưa lớn, sấm chớp ùng oàng. Sáng hôm sau, Nhà thơ dắt xe máy ra đường. Nước mưa còn chảy cuồn cuộn từ các ngõ hẻm đổ ra mương thoát nước. Bánh xe rẽ nước thành niềm hy vọng. Mình phải nói thẳng, nói thật với tay đại gia xây dựng. Nếu nó động tâm sẽ cho chuộc lại cái cây với giá mua vào. Xe hết xăng giữa đường, phải dắt bộ hai cây số. Mồ hôi túa ra, hơi thở phì phì. Nhà thơ thất vọng bải hoải chân tay khi được biết đại gia xây dựng không có nhà. Cô vợ, cổ, tay vàng đeo như mang cùm, thông báo:
- Nhà em đưa máy vào huyện miền núi làm đường rồi bác ạ. Lão ấy có về, phải cuối tuần.
Nhà thơ liếc mắt nhìn. Cây lộc vừng không còn nằm ở góc sân. Nó giấu đi đằng nào nhỉ?
-         Nhà có cây lộc vừng quý. Cô chú bán rồi à?
-   Bán mua gì đâu bác. Ông chủ tịch huyện miền núi thích quá, nhà em biếu luôn. Nhận được cái dự án mấy chục tỉ còn gì. Lão ấy tiếc chứ em thèm vào. Cây gì mà như có ma, em cứ đến gần là rợn cả tóc gáy.
Cô vợ cười toe toét, đôi mắt dâm đãng xô bắn nhà thơ ra khỏi cổng.
                                                 ***

Trưởng trạm kiểm lâm ghé tai Nhà thơ thì thầm :
- Đúng cành lộc vừng này rồi. Mẹ khỉ! Thế nào mà nó lại quay trở ngược về rừng?
Chủ tịch huyện xách bình rượu thuốc, rót ra ba cái cốc lớn.
- Rượu này một người uống, nhiều người vui đây. Chẳng mấy khi có nhà thơ về huyện. Xin mời cụ lộc vừng trước ạ.
Chủ nhà tưới chút rượu xuồng gốc cây, rồi mới đưa mời khách.
Rượu uống vào đắng ngắt. Nhà thơ ấp úng :
- Nghe tin anh có cây lộc vừng quý, anh em chúng tôi vào xin phép ngó qua tí.
- A! Thế này là Bá Nha gặp Tử Kỳ  đây. Đúng là giống cây quý. Các cậu xem này. Hoa nó đang buông, lại có hai màu vàng và đỏ xen lẫn. Tuyệt cú mèo không? Cây này nguồn gốc từ bên Trung Quốc hay châu Phi mới di thực về. Nếu nó chịu được thổ nhưỡng ở đây, mình sẽ đề nghị lập dự án nhân rộng cây lộc vừng hai màu, giao cho bên kiểm lâm thực hiện.
Nhà thơ lom khom đứng xem chậu cây. Những chùm hoa hai màu đỏ, vàng buông tuyệt đẹp. Cả lá cây cũng xanh nhuận hơn, không héo hắt như hồi ở nhà ông. Nhà thơ dụi mắt. Lạ thật! Giữa những chùm hoa, phảng phất khuôn mặt lão già tóc vàng, hẻ hê như say rượu.
Lúc ra khỏi nhà Chủ tịch huyện, trạm trưởng kiểm lâm nói nhỏ:
- Anh phải tuyệt đối giữ bí mật nhé. Không là có tội đấy. Thằng nào lại ba hoa xích đế, lừa cả chủ tịch huyện thế nhỉ? Để trời nắng, em bảo lính nó chiết cho anh cành khác. Lần này chọn thế gì? Chứ nghênh phong thì hết rồi.
Nhà thơ lắc đầu. Thôi cậu ạ! Đem cây từ rừng về nhà mình, có lẽ là tội ác thật. Mình không còn hứng thú chuyện cây cảnh nữa. Nhà thơ thì làm thơ thôi. Líu ríu chuyện đời thường làm gì. Nhưng mà hôm nào tìm cho tớ mấy cái rễ cây mật gấu về ngâm rượu nhá. Hồi này người ngợm nhão hết cả rồi. Đau ê đau ẩm. Tớ sẽ giữ bí mật, không bẻm mép với bố con thằng nào cả. Thật đấy!
                                                                                                 P.P.Q