Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

MỘT NGÀY VỚI DÌ HAI ĐƯỢC

CHUYỆN CUỐI TUẦN- MỘT NGÀY VỚI DÌ HAI ĐƯỢC

        Mặc dù đã điện thoại báo trước, được chỉ vẽ chi tiết, nhưng mãi chúng tôi mới tìm vào được  đường Lê Văn Thọ, một con hẻm chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh. Số 130/20/7, hai cái xuyệt liền và xe chạy vuốt qua mất, một cậu thiếu niên chừng 15 tuổi chạy theo gõ gõ vào cửa xe ra hiệu. Đó là chắt của dì Hai Được.
 

Tôi không nghĩ bà Phó tướng của "đội quân tóc dài" Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam ngày xưa lại ở trong một con hẻm chật hẹp, với ngôi nhà hai tầng cũng nhỏ hẹp và cầu thang gỗ lên tầng hai có mấy thânh lung lay muốn sụp. Dì Hai Được năm nay tròn 90 tuổi, đang nằm dưỡng bệnh. Chúng tôi xúm vào đỡ dì dậy để chào hỏi. Nét mắt đôn hậu của một bà cụ miền Tây Nam Bộ sáng lên khi nhìn chúng tôi. Sau khi "bàn giao" tôi lại cho dì Hai, hai cán bộ của Ban quản lý Di tích Trung ương cục Miền Nam hối hả đi một địa chỉ khác. Sức khoẻ kém và tuổi già đã làm dì Hai Dược cứ quên quên, nhớ nhớ. Dì cứ nhắc hoài một câu: "Biết các đồng chí đến tìm hiểu tư liệu đời tư của tôi để viết sách, nhưng tôi tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, giờ đã 90, không biết bắt đầu từ đâu..." Tôi chợt lo lắng. Không biết mình sẽ thu thập được những gì từ bà cụ gần đất, xa trời này? Bình tĩnh lại, tôi bắt đầu nói chuyện với dì Hai như một đứa cháu về thăm. Chuyện gia đình, chuyện bè bạn chiến đấu. Và như có một phép màu dì hồi tưởng lại tất cả những năm tháng tuổi thơ cơ cực, những ngày theo cách mạng. Những ngày gian khổ trên Trung ương cục Miền Nam mà dì và dì Ba Định ( Nguyễn Thị Định) chèo chống phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của phụ nữ Miền Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Giở những tấm ảnh cũ đã mờ ra cô chỉ cho tôi "đây là chị Ba Định, đây là Năm Liễu trưởng phòng, đây là..." tôi ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh dì Hai Dược, Phó chủ tịch Hội LHPNMNVN năm xưa trông chẳng khác gì một phụ nữ nông thôn dịu dàng chất phác. Cô nhắc lại những ngày công tác cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, ông Trần Bạch Đằng và những bài học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng học được từ những cán bộ cao cấp.
Nói về phụ nữ Việt Nam, dì Hai nói. " Phụ nữ có công lao rất lớn trong sự nghiệp cách mạng, đến nay làm kinh tế họ cũng giỏi, đàn ông các đồng chí chưa chắc đã theo kịp. " Cái cô Hoa Lệ trước kia là nhân viên trong Hội đó, tôi với chị Ba Định vét túi chưa được triệu bạc đưa cho nó làm vốn. Giờ đã thành chủ doanh nghiệp vận tải đường bộ có tiếng rồi. Tới thăm cơ ngơi của nó, mình ngợp luôn. Chị em phụ nữ phải noi gương đó mà làm kinh tế". Tình cảm chị em, cô cháu, tình đồng chí được dì Hai nhắc tới rất nhiều. Đó chính là động lực giúp họ sống đoàn kết gắn bó thân thiết trong thời kinh tế thị trường. Như để chứng minh cho lời kể của dì Hai, khoảng 10h trưa có vợ chồng anh Chín Dũng Giám đốc công an thành phố HCM xách quà đến thăm dì Hai. Anh Dũng trước kia là chiến sĩ bảo vệ ở cơ quan Trung ương Hội, chị vợ là nhân viên đánh máy. Giờ đã thành đạt và anh chị vẫn thường xuyên ghé thăm người thủ trưởng cũ. Qua câu chuyện kể lại, cả hai vợ chồng đều nói tình tình dì Ba Định, dì Hai Được với nhân viên vô cùng thương mến, chan hoà. Tình cảm ấy đến giờ họ vẫn trân trọng, quý mến.
Gần trọn ngày, dì Hai cứ tha thẩn nhớ lại chuyện ngày xưa và tôi thì quên cả mệt và đối vì đã "khơi đúng mạch". Thật nể phục người nữ tướng năm xưa, khi xung quanh giường dì là ba tủ sách chật ních các loại từ sách văn học, triết học, tôn giáo và cả ...thơ. Dì Hai khoe tôi tập thơ riêng của cô với hơn một trăm bài, hai tập Ký ức như huyền thoại viết về những gương phụ nữ miền Nam trung hậu, đảm đang, dũng cảm đánh giặc. Bài viết của tôi về dì Hai Dược (bà Nguyễn Thị Được nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPNGPMN Việt Nam) chắc chắn sẽ có nhiều chi tiết thú vị. Xin mọi người hãy chờ đọc.
                                                               Sài Gòn 29/8/2009


Dì Hai Được (ngoài cùng bên phải) và dì Ba Định (thứ 2 bên trái)

Tuổi 90

Tập thơ của dì Hai Được

Cháu xin một pô kỷ niệm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét